Chuyện thẻ bài lính Mỹ – Bài 2: Thẻ bài thật hay giả?

0
1333

Trong quá trình thu thập thẻ bài ở Việt Nam, nhóm thực hiện Dự án thẻ bài của JPAC đã tìm thấy hai thẻ bài mang tên ca sĩ nổi tiếng Elvis Presley. Để truy tìm thẻ bài giả, nhóm cũng đã đặt hàng mua thẻ bài giả với giá cao nhưng không có.

* Dự án thẻ bài của JPAC

Số báo trước có nhắc đến đôi vợ chồng nhà doanh nghiệp Verlyn R. Roskam (thân sinh của nghị sĩ Peter Roskam) sang Việt Nam năm 2001, mua được 37 thẻ bài lính Mỹ tại TP.HCM, sau đó về Mỹ tìm lại từng chủ cũ trao tận tay thẻ bài.

Ngày nhận lại thẻ bài cũ

Tháng 12-1969, trong một trận đánh ở Nam Việt Nam, binh sĩ Denzil Messman 18 tuổi, đánh rơi thẻ bài trong lúc nhảy từ máy bay trực thăng xuống. Khi nhận lại thẻ bài cũ, người đàn ông lực lưỡng này đã gục khóc như đứa trẻ. Ông kể ông tham chiến ở Việt Nam theo lệnh cấp trên chứ không nhận thức được đúng sai. Sau khi rời Việt Nam về Mỹ, ông và nhiều đồng đội cũ bị láng giềng ghẻ lạnh, khinh bỉ như tên giết người. Một thời gian rất dài ông đã phải chạy trốn mọi người, sống khép kín với niềm đau dĩ vãng.

Cầm chiếc thẻ bài cũ trên tay, ông thú nhận nó nhắc nhở ông đã mất quá nhiều thứ vì cuộc chiến Việt Nam, từ tuổi trẻ, suy nghĩ lạc quan cho đến niềm tin vào con người. Và bây giờ thì thẻ bài đã làm ông vơi bớt nỗi đau bị quên lãng.

Nhiều cựu binh Mỹ cũng đã mang tâm trạng như ông. Tháng 1-2002, cựu binh Dan Clipson là người nhận lại thẻ bài đầu tiên từ Bộ Chỉ huy hỗn hợp tìm kiếm tù binh và quân nhân mất tích của Mỹ (JPAC). Dan Clipson tâm sự: “Tôi muốn cám ơn vì một phần đời của tôi đã được trả lại”. Lính thủy đánh bộ Allen George Decker không may mắn đã tử trận tại Nam Việt Nam. Ngày nhận lại hai thẻ bài của con trai từ tổ chức FoundDogTags, bà mẹ thốt lên: “Tôi chỉ hy vọng các gia đình khác có thể cảm nhận sự quý báu của hòa bình như tôi đang cảm nhận”.

Thẻ bài bày bán ở đường Trần Quang Khải (TP.HCM). Ảnh: HỒNG CẨM

Bí ẩn về thẻ bài của Elvis Presley

Trong quá trình thu thập thẻ bài lính Mỹ tại Việt Nam, nhóm thực hiện Dự án thẻ bài của JPAC đã tìm thấy ở Việt Nam hai thẻ bài khá đặc biệt mang tên ca sĩ nổi tiếng Elvis Presley. Hai thẻ bài có khắc chữ PRESLEY, ELVIS AUS53310761 USA BAPTIST O POS. Tiến sĩ Robert W. Mann là thành viên của nhóm nhớ lại lúc đó cả nhóm vừa bối rối và vừa thích thú đến thế nào.

Thông tin trên hai thẻ bài đã được nhóm bên Việt Nam gửi về cho Tiến sĩ Niels J. Zussblatt ở Mỹ để đối chiếu. Kết quả cho thấy trừ dòng chữ về tôn giáo, các thông tin còn lại trên hai thẻ bài đều chính xác. Theo suy luận của nhóm, ca sĩ Elvis Presley chưa hề chiến đấu và cũng chưa hề đến Việt Nam, vì vậy người Việt Nam không thể có thông tin cá nhân và thông tin sinh học của Elvis Presley từ hồ sơ quân nhân và hồ sơ y tế binh lính Mỹ bỏ lại Việt Nam để căn cứ vào đó mà làm thẻ bài giả.

Nhóm đã cố gắng liên lạc với gia đình Elvis Presley và Công ty Elvis Presley Enterprises để tìm hiểu về hai thẻ bài nhưng không thành công. Bởi ca sĩ Elvis Presley đã qua đời vào tháng 8-1977, Trung tâm hồ sơ cá nhân quốc gia Mỹ đã cho phép nhóm tiếp cận hồ sơ của Elvis Presley.

Elvis Presley nhập ngũ ngày 24-3-1958 tại TP Memphis (bang Tennessee), từng phục vụ trong binh chủng thiết giáp. Năm 1960, Trung sĩ Elvis Presley được chuyển sang bộ phận quân dự bị đến hết sáu năm quân dịch. Sau khi giải ngũ, Elvis Presley từng đi nhiều nơi nhưng chưa hề đến Việt Nam. Rốt cuộc bí ẩn về nguồn gốc hai thẻ bài mang tên Elvis Presley vẫn còn đó!

Tìm mỏi mắt không có thẻ bài giả

Chính những băn khoăn về thẻ bài giả đã thôi thúc nhóm thực hiện Dự án thẻ bài tiến hành khảo sát nhằm làm rõ liệu thẻ bài lính Mỹ có thể được làm giả ở Việt Nam hay không.

Theo những gì nhóm nghe được, người Mỹ bỏ lại một số lượng lớn máy dập thẻ bài và máy in khi Sài Gòn sụp đổ. Sau đó, người Việt Nam đã sử dụng máy để dập thẻ bài giả và khai thác thông tin từ hồ sơ quân nhân hoặc hồ sơ y tế của binh lính Mỹ bỏ lại trước khi rời Việt Nam để in trên thẻ bài. Thẻ bài giả sẽ được làm cho cũ bằng cách chà xát, chôn xuống đất, thậm chí thả vào acid cho han gỉ. Chúng được bán cho du khách với giá 2 USD/thẻ.

Chuyên gia ngôn ngữ Robert C. Maves (JPAC) chọn mua thẻ bài lính Mỹ tại cửa hàng bán đồ lưu niệm chiến tranh ở TP.HCM năm 2008. (Ảnh do Tiến sĩ ROBERT W. MANN cung cấp)

Một thành viên trong nhóm từng được nghe một chủ cửa hàng bán đồ lưu niệm chiến tranh ở TP.HCM kể có một xưởng thủ công nhỏ ở Chợ Lớn chuyên sản xuất biển số xe và biển hiệu quảng cáo đã mua máy dập thẻ bài về làm thẻ bài giả. Từ những thông tin trên, nhóm nghĩ rằng thẻ bài lính Mỹ giả tràn lan ở Việt Nam.

Trong nhiều năm, do chưa tận mắt nhìn thấy một máy dập thẻ bài nào ở Việt Nam, nhóm đã phỏng vấn rất nhiều chủ cửa hàng ở Việt Nam và cựu binh Mỹ, phân tích thành phần kim loại của thẻ bài và làm xét nghiệm thử xem có vết máu nào còn lưu trên thẻ bài hay không. Nhóm còn để lẫn thẻ bài thu thập từ Việt Nam với thẻ bài các cựu binh ở Mỹ còn giữ lại để quan sát và so sánh. Thậm chí Tiến sĩ Robert W. Mann còn đặt một số cửa hàng cung cấp cho ông thẻ bài giả với giá 20 USD/thẻ nhưng không có.

Cuối cùng nhóm nhận định nhu cầu làm thẻ bài lính Mỹ giả để bán ở Việt Nam không cao. Nguyên do: Các cửa hàng ở Việt Nam thường xuyên được đầu mối cung cấp số lượng khá lớn thẻ bài thật; số người mua thẻ bài không nhiều và đối tượng mua cũng hạn chế. Nhóm kết luận hầu hết thẻ bài lính Mỹ bày bán ở Việt Nam là thẻ bài thật, từng được binh lính Mỹ đeo trong quá trình tham chiến tại Việt Nam, sau đó chết cùng với nó, mất tích cùng với nó hoặc đơn giản đã làm mất nó trước khi hồi cố hương.

THIÊN ÂN (Theo Historynet, Jpac.pacom.mil, Hearthlight, Roskam Dogtag)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.