Quảng Nam chẳng bao giờ là ngoại lệ?

0
787

BTKUXH – Loáng thoáng nghe được một thông tin rất thời sự từ cuộc bàn luận sôi nỗi ở phòng đối diện “Quảng Bình đang chìm trong trận lụt lịch sử, 100 năm lặp lại”… Quảng Bình sao? Vậy là bão lụt lại về miền Trung rồi, Quảng Nam của nó…? Nhà nó…? Quên hết việc cố nhớ Sài Gòn đã mưa bao lâu rồi, nó gấp gáp gọi điện thoại về nhà. Giọng ba nó run run trong tiếng xối xả, ồn ào của gió mưa: “Nước sắp vô tới nhà mình rồi con ơi!”. Cũng chẳng lạ lẫm gì với cái tin của ba nó nhưng nó vẫn cứ thấy nhoi nhói trong lòng. Thương quê nó quá, miền Trung năm nào cũng vậy, hết hạn hán rồi đến bão lũ, lúc thì đồng ruộng khô cháy, nức nẻ; lúc thì đâu đâu cũng mênh mông biển nước, người miền Trung của nó suốt đời cơ hàn là thế!

Trong ký ức nó vẫn còn rất rõ những mùa mưa bão đã đi qua quê nhà của nó. Lúc nó còn nhỏ, hễ cứ đến mỗi mùa bão lũ là ba nó dắt hai chị em nó đi gửi nhờ trong nhà nội, để ba mẹ nó ở nhà dễ bề lo liệu khi nước lớn hay gió mạnh, vì ngôi nhà không mấy kiên cố của nó, ba mẹ nó sợ không xoay sở kịp nếu có gì bất trắc. Có lắm lúc nó ương bướng, giãy giụa, khóc lóc đến bị đòn vì không chịu đi theo ba nó, nó sợ có những thứ trở thành vĩnh viễn. Mà hồi đó trong cái đầu non nớt của nó chỉ có một ý niệm duy nhất là “nếu có chết con chết cùng ba má”, nó không hề biết được như thế là nói dại, là kiêng kị…

Năm 2000, khi cả thế giới đang hân hoan chào thiên niên kỉ mới – cái mốc đáng lưu dấu của nhân loại thì cũng là cái mốc đáng nhớ của cả gia đình nó, vì ngay giữa ngày cưới của dì nó thì lũ tràn về. Giữa ngày vui mà mọi người đứng ngâm chân trong nước để theo dõi thông tin bão lụt, nhìn mực nước ngày một dâng cao trong nhà, ghe xuồng chèo vào đến tận nhà để mang thực phẩm cứu trợ bão lụt. Dì dượng nó cũng chỉ kịp vái lạy bàn thờ gia tiên để thành vợ thành chồng. Nghe đâu đó là trận lụt lịch sử – đại hồng thủy về Quảng Nam, sau hơn 10 năm nay lặp lại. Nó vẫn không quên những cảnh đau thương mà cơn lũ để lại trên quê nó, cái tin làm cho nó ám ảnh suốt mấy mùa lũ qua – cả gia đình bốn người cùng buộc tay nhau vào một cái cột trong nhà để chết chung vì không còn cách nào để thoát thân giữa dòng nước cuồn cuộn chảy xiếc năm ấy!

Mấy năm nay vào Sài Gòn học, nó xa hẳn những mùa mưa bão, không còn cái cảnh nữa đêm thức dậy để dọn đồ đạc, gói ghém sách vở vì nước tràn vào nhà nữa nhưng nỗi âu lo của nó vẫn cứ thắt thỏm qua những ngày mưa. Năm đầu tiên đến Sài Gòn, nó đi giữa cơn mưa lất phất, nó khóc vì nỗi nhớ nhà khôn khuây.

Những tưởng Sài Gòn bước vào mùa mưa, nó đâu ngờ đó là ảnh hưởng của bão từ miền Trung khi cầm trên tay tờ Tuổi Trẻ với hàng loạt bài viết đưa tin về bão lũ đang hoành hành ở Quảng Nam – quê nó. Mắt nó nhòa đi. Quảng Nam chẳng bao giờ là ngoại lệ khi mưa gió ngang tàng đi qua miền Trung. Năm ngoái em nó gửi cho nó lá thư kể về những cơn bão, em nó kể “nhà mình bị tốc mái, bữa nay trong nhà cứ sáng như ở ngoài trời vậy, ba đang leo lên mái nhà lợp lại mái ngói, ngói bể sạch luôn đó chị. Bà ngoại mấy bữa nay cứ ra ngồi dưới mấy cái gốc dừa khóc suốt, đợt bão, người ta sợ dừa bức gốc, đổ vô nhà họ nên họ xúi ngoại cưa luôn, ngoại thương mấy cây dừa ông ngoại trồng từ hồi còn sống đến bây giờ nên khóc hoài luôn. Em cũng không đi học mấy ngày rồi, trường mình cũng bị tốc mái nhiều lắm! À, ở Tam Hải bữa nay mà người ta vẫn chưa đến được bên đấy để cứu tế đó chị, không biết ra sao nữa…”, đọc lá thư nước mắt nó cứ rưng rưng chảy. Chẳng bao giờ quê nó có thể bình yên trong những ngày mưa gió. Rồi thì năm nay, mới đầu mùa mà nước đã ngấp nghé vào nhà, không biết những ngày sau rồi sẽ ra sao. Bao nhiêu thông tin báo đài đang đưa về tình trạng bão lũ ở Quảng Bình, sẽ đau thương lắm.

Chiều hôm trước, đang trên lớp học, nó thấy người ta đi quyên góp bão lụt “vì miền Trung ruột thịt” mà nó nghe sống mũi cay quá. Thương miền Trung quá, đã nghèo mà cái eo cứ đeo đuổi mãi, không biết đến bao giờ? Rồi những trận bão lụt được gọi tên bằng lịch sử đó sẽ còn đến những đâu ở khắp dọc miền Trung nhỏ hẹp? Bao nhiêu mùa mưa đi qua, bao nhiêu thương đau để lại. Những gia đình sẽ chia lìa mãi mãi, những đứa bé mất cha, mất mẹ, những người vợ mất chồng…làm sao xóa đi được những kí ức đau thương ấy? Sách vở ướt mềm có thấm thía gì đâu so với những nỗi đau chia lìa vĩnh viễn?

Quỳnh Thư

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.