Gia đình trí thức Hà Nội (kỳ 3)

0
934
Đương nhiên các trí thức hiện đại thường được nói đến trong những ấn phẩm đương đại về cái gọi là thời hậu thực dân, nhưng hiếm khi họ trở thành tiêu điểm của nghiên cứu sâu theo lối đặc tả dân tộc chí. Điều này, và cộng với việc tôi hết sức dè dặt về những lời tuyên bố thường xuyên rằng việc hiểu biết ngoại ngữ và khoa học hiện đại là dấu hiệu của “một trí tuệ đã thực dân hóa”, đã thúc đẩy tôi quyết định nghiên cứu những trải nghiệm về gia đình và về công danh sự nghiệp ở giới trí thức Hà Nội.
Hành động kể những câu chuyện đời vừa là những lời bình phẩm về những biến động ngày hôm nay, vừa là nguồn lực giúp những người đang phải đối mặt với những thách thức của những biến động này.
 (Ảnh: minh họa – Nguồn: Internet)
Như vậy mục tiêu của tôi là tìm hiểu cách thức mà các thế hệ hiện tại và tương lai của các gia đình trí thức Hà Nội đạt được, truyền bá và suy ngẫm về vốn ngôn ngữ và văn hóa, những thứ khiến họ nổi bật lên với tư cách là những tác nhân hết sức quan trọng trong công cuộc làm nên tính hiện đại của Việt Nam. Trong phần dưới đây tôi tập trung vào ý tưởng coi gia đình trí thức hiện đại như một tập thể năng động và có ý thức rõ rệt về lịch sử, với một vai trò đặc biệt như là hiện thân của “nền văn hóa” tiến bộ cả bên trong lẫn bên ngoài Việt Nam [1]. Nói vậy nghĩa là tôi muốn ngụ ý rằng bằng cấp học vấn và những tri thức khác được nhiều người xem (mặc dù không phải hoàn toàn đúng) là thể hiện nhiều điều khác, chứ không chỉ là những sự phân biệt [distinctions, giữa các tầng lớp xã hội] có lợi cho bản thân [tầng lớp trên của xã hội] như cách mà Bourdieu (1984) sử dụng thuật ngữ này. Xem bằng cấp và những tri thức khác là hiện thân của “nền văn hoá” tiến bộ vừa là gánh nặng vừa là một điều hãnh diện và lợi thế [đối với các gia đình trí thức Hà Nội] vì chúng nói về một truyền thống gia đình trí thức vừa như là ngọn nguồn vừa là sản phẩm của một nỗ lực lớn về tinh thần và đạo đức và một hành động nêu gương mẫu mực để làm lợi cho họ hàng và quốc gia cũng như thế giới bên ngoài. Mặc dù dự án nghiên cứu của tôi coi tri thức lịch sử là yếu tố trung tâm của đời sống tri thức, nhưng nó không phải là một bộ lịch sử trí thức nhằm phác hoạ những cuộc tranh cãi trên diễn đàn công cộng về các hệ tư tưởng lớn và hệ thống niềm tin của thời hiện đại [2]. Dự án nghiên cứu của tôi quan tâm không phải đến lịch sử tư tưởng, mà đến năng lực để cả tri thức lịch sử cá nhân lẫn tri thức lịch sử chính thống có thể thổi sức sống vào ý thức rõ nét về gia đình, điều mà tôi thấy là nét nổi bật riêng ở môi trường trí thức Hà Nội.
Điều mà tôi cố gắng tìm hiểu là những quá trình trải nghiệm và gìn giữ bản sắc trí thức Hà Nội qua thời gian theo những cách thức vừa phản ánh vừa vượt qua những câu chuyện kể chính thống vốn đang thay đổi về đời sống dân tộc. Tôi đặc biệt quan tâm đến sự rèn giũa và thể hiện bản sắc gia đình trí thức. Tiêu điểm của tôi là cách thức mà những người trẻ và người già ghi nhớ và chia sẻ hiểu biết về những trải nghiệm mà các bậc lão thành trong gia đình nếm trải về chiến tranh, cách mạng, và tái thiết quốc gia trong và sau thời kháng chiến chống Pháp những năm 1946- 1954, kể cả những năm bao cấp đầy thử thách ngay sau khi đất nước thống nhất. Hoàn toàn không phải một niềm say mê luyến tiếc quá khứ hay sự rút lui đề phòng để trốn tránh khỏi cái ở đây và hiện tại, đây là những quá trình có tầm quan trọng sâu sắc đối với đời sống đạo đức trong thời hiện tại. Cả trực tiếp lẫn gián tiếp, hành động kể những câu chuyện đời của gia đình trí thức vừa là những lời bình phẩm về những biến động ngày hôm nay, vừa là nguồn lực giúp những người đang phải đối mặt với những thách thức của những biến động này, với việc họ phải xác định lại một cách triệt để các giá trị và lựa chọn cuộc sống cho lớp thanh thiếu niên có học phải thấm nhuần trong thời đại “chủ nghĩa xã hội thị trường” sau đổi mới. Tôi muốn nêu rõ rằng khi thanh thiếu niên tham gia vào sự truyền tải tri thức gia đình như vậy, họ làm thế với tư cách là những người tích cực tham gia vào những quá trình khiến cho gia đình họ vừa năng động vừa giữ được mình khi đối mặt với sự thay đổi nhanh chóng trong việc đánh giá những điều như ngôn ngữ mà họ thông thạo và bằng cấp học vấn mà họ đã có.
Những câu chuyện gia đình đặc sắc mà những người được phỏng vấn đã chia sẻ với tôi liên quan đến những sự kiện nội gia và tâm tình riêng tư, và đến những sự kiện mang tính sử thi hoành tráng vốn vẫn được nêu nổi bật trong những văn kiện chính thống kể về đời sống chiến tranh và cách mạng của quốc gia. Phần lớn các cuộc điền dã của tôi diễn ra vào những dịp đầy tâm đắc và náo nhiệt, khi người ta kể chuyện với tôi trước mặt các thành viên khác trong gia đình riêng và trong gia đình mở rộng. Mặc dù đây là những dịp thường được sắp xếp riêng cho tôi, nhưng những người mà tôi quen biết đều là những người giàu kinh nghiệm về quá trình kể chuyện tiểu sử và tiểu sử tự thuật. Điều này bao gồm những quy ước của việc soạn điếu văn và kể những câu chuyện tưởng niệm, cũng như nhiều bối cảnh khác, kể cả những trần thuật qua báo chí và sách giáo khoa, trong đó các cá nhân gương mẫu được ca ngợi như là hình mẫu của đức hạnh quốc gia. Qua câu chuyện về những dịp khác, khi người ta kể và nghe lại một câu chuyện cụ thể, cũng nổi rõ một điều rằng rất nhiều người tham gia lắng nghe chia sẻ câu chuyện lịch sử của cá nhân, và sự chia sẻ đó được nhiều người coi là một thành tố cực kỳ quan trọng của đời sống gia đình trí thức.

[1]     Để có khái niệm về “tính văn hóa” (kul’turnost) với tư cách là một vốn quý của người công dân xã hội chủ nghĩa, và về đời sống trí thức với tư cách là một mô hình của tinh thần công dân Xô viết, xin xem Fitzpatrick (1992).
[2]     Đương nhiên tôi hưởng lợi rất nhiều từ công trình của Huệ-Tâm Hồ Tai, D. Marr, Nguyễn Khắc Viện, A. Woodside, C. Goscha, S. McHale, K. Ninh, P. Pelley và P. Taylor. Về việc tạo ra lịch sử trong bối cảnh xã hội chủ nghĩa, hãy đọc Verdery (2002). Về sự tranh chấp và sự đa đạng trong những câu chuyện cách mạng chính thống, xin xem Donham (1999); Dirlik (1997) Abuza (2001); Giebel (2004). 
(Còn tiếp)
Susan Bayly
Người dịch: Phạm Văn Bích
Người hiệu đính: Trương Thị Thu Hằng và Lương Văn Hy

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.