Bến Cát tháng tư (p2)

0
945
 Nhờ anh L giới thiệu, chúng tôi tìm đến trường mẫu giáo Thới Hòa. Tôi không tự tin lắm vì trong đầu chưa định hình được những vấn đề cần hỏi. Thôi kệ cứ đi thử xem biết đâu sẽ hỏi được nhiều thì sao. Trường này nằm đối diện ủy ban xã Thới Hòa, là một ngôi trường khá nhỏ so với số lượng con em công nhân trong độ tuổi trên địa bàn. 

NGÀY 12/4/2012
Sang chở tôi qua con hẻm vắng trong khu nhà của Dì út, đã 7 giờ sáng rồi nhưng quốc lộ 13 vẫn chỉ có vài chiếc xe máy chạy lon ton. Nắng lên cùng với cơn gió nhẹ khiến tôi bỗng chốc nhớ nhà, những suy nghĩ miên man trong đầu cứ thế trôi đi….
Tôi giật mình khi nghe Sang hỏi có thấy ủy ban xã Thới Hòa chưa. Thì ra hai chị em chạy qua khá xa chỗ cần đến, chiều hôm qua cũng thế, hai chị em “dạo mát” hai ba vòng…. Chạy quanh một hồi lâu, khoảng 8 giờ sáng, chúng tôi mới thấy ủy ban xã Thới Hòa. Mặc dù đã khá trễ nhưng hàng ghế ngồi chờ trước phòng tiếp nhận văn thư chỉ có vài người ngồi chờ, văn phòng cũng chỉ có hai nhân viên ngồi làm. Tôi gọi điện cho anh L, anh bảo ngồi chờ.
Chúng tôi ngồi ở ghế đá, những người ngồi cùng nhìn chúng tôi có vẻ tò mò. Khoảng 5 phút sau anh L xuất hiện ngay khu văn phòng chính với chiếc điện thoại đang áp trên tai, có lẽ anh đang liên hệ những người cần gặp cho chúng tôi. Anh “ngoắc” tôi lại và bảo đến trạm y tế trước. Đi dọc bên hông văn phòng chính, trước mắt tôi hiện ra trạm y tế xã, anh L bảo chúng tôi trò chuyện với hai cô nhân viên ở trạm trước vì “xếp” đã đi vắng.
Chúng tôi vẫn hỏi chuyện xem sao, tôi giao cho Sang “chăm sóc” hai cô này và tranh thủ theo anh L qua bên chỗ lao động thương binh xã hội của xã hội xã. Văn phòng của cơ quan này hơi tối, núp phía sau văn phòng chính của ủy ban, tôi gặp chú Hưng, đại diện bên lĩnh vực này của xã.

Tôi không tự tin lắm vì trong đầu chưa định hình được những vấn đề cần hỏi. 

Chú khoảng hơn 50 tuổi và có vẻ hơi nghi ngại khi nói chuyện với tôi mặc dù đã được báo trước. Tại đây tôi không thu thập được thông tin gì nhiều, chú nói rằng ở đây không có chương trình hỗ trợ đặc biệt gì dành cho công nhân ngoài việc phát quà tết cho công nhân nghèo hàng năm khoảng 50 suất. Tôi cố gắng hỏi thêm thông tin nhưng dường như không còn câu trả lời nào khác ngoài nội dung đó, mặc dù kế hoạch của chúng tôi là tiếp xúc với phòng lao động thương binh xã hội của huyện nhưng việc tìm hiểu ở cấp xã cũng cho thấy bức tranh dây chuyền hỗ trợ trong việc thực thi chính sách dành cho công nhân như thế nào. Tôi gặp lại Sang 15 phút sau, nó cũng chẳng hỏi được gì nhiều.
Nhờ anh L giới thiệu, chúng tôi tìm đến trường mẫu giáo Thới Hòa. Tôi không tự tin lắm vì trong đầu chưa định hình được những vấn đề cần hỏi. Thôi kệ cứ đi thử xem biết đâu sẽ hỏi được nhiều thì sao. Trường này nằm đối diện ủy ban xã Thới Hòa, là một ngôi trường khá nhỏ so với số lượng con em công nhân trong độ tuổi trên địa bàn.
Ngôi trường được xếp theo hình chữ u, có 4 phòng học và một phòng ăn. Sân chơi của trẻ khá hẹp, chất đầy đồ chơi của trẻ, nào là xích đu cầu trượt, cả ly tách, chén đĩa, bàn ghế chồng lên nhau,…Sang lao vào ngắm các phòng và bảo ở ngoài quan sát. Tôi gặp cô Tuyến, phó hiệu trưởng để phỏng vấn, cô sinh năm 76, làm việc ở đây từ khi mới tốt nghiệp, cô khá niềm nở khi tiếp tôi và còn giới thiệu cho tôi sang nhà trẻ tư để phỏng vấn.

Có sự quá tải về số lượng trẻ ở đây. Cô bảo: “trường mình có tổng cộng 186 trẻ thì có hết 2/3 là con công nhân, tiêu chuẩn một lớp là 40 em nhưng bây giờ lên tới 50-53 em, ai đăng kí trước thì được nhận nếu còn chỉ tiêu, còn lại thì phải gửi con sang trường tư thôi” và cũng chẳng có ưu đãi gì cho con em công nhân, nếu có chứng nhận nghèo thì chỉ được giảm tiền học phí 40 ngàn mỗi tháng, còn tiền ăn phải đóng bình thường, 400 ngàn/ tháng. Cô dẫn tôi tham quan nhà nhà trẻ, ở đây chỉ có 4 lớp, 2 chồi, 2 lá. Nhìn vào trong tôi thấy ngột ngạt thay cho trẻ, không gian khá chật cho trẻ sinh hoạt. Tôi hẹn chị phỏng vấn sâu vào chiều thứ hai tuần sau.
Nắng sớm trải dài trên quốc lộ 13, việc “dạo mát” mấy vòng vào ngày hôm qua làm cả hai đứa tôi phải tập trung tìm cho ra ủy ban thị trấn Mỹ Phước. Phòng đại diện ban quản lý khu công nghiệp nằm khuất sau con đường khá lớn bên cạnh ủy ban. Văn phòng huyên náo khi có ba người đang làm việc với chú đại diện phòng, kế bên là anh Cảnh, hình như chăm chú làm việc gì. Tôi rất lạc quan cho những cuộc phỏng vấn doanh nghiệp sắp tới.
Cầm tờ giấy “thông hành”, tôi đưa cho Cảnh và nói rõ mục đích nhưng anh bảo “ở đây chỉ có doanh nghiệp nước ngoài, còn trong nước với liên doanh thì không có”. Tôi hơi thất vọng khi không có đủ mẫu phỏng vấn. Bỗng dưng anh bảo ở đây có một doanh nghiệp rồi và nói tôi phỏng vấn. Thì ra chính là người đang làm việc với chú Nớp đại diện. Tôi nói rõ mục đích của mình cho chú và xin phép phỏng vấn anh Đỉnh đang ngồi. Chú Nớp bảo “có gì thì nhờ anh Cảnh nhe, người trẻ làm việc với người trẻ”. Anh Đỉnh, 30 tuổi, làm việc cho công ty Hân Việt của Đài Loan.
Công ty này sản suất linh kiện điện tử và đang quản lý 420 công nhân. Công nhân làm việc theo giờ hành chính, sáng từ 7giờ 30 đến 11 giờ rưỡi, chiều từ 12 giờ rưỡi tới 5 giờ và phải tăng ca khi có nhiều đơn đặt hàng. Tôi hỏi công ty anh có đào tạo nghề cho công nhân không, anh bảo đào tạo cho công nhân 2 tháng rồi mới kí hợp đồng làm việc, hình thức đào tạo theo kiểu công nhân cũ hướng dẫn công nhân mới, nếu được kí hợp đồng thì lương cho công nhân là 2400000 đồng.
Về vấn đề nhà ở cho công nhân anh nói rằng: “ công ty không có quỹ đất nhiều nên không xây kí túc xá cho công nhân mà chỉ hỗ trợ mỗi tháng 150000 đồng” và “không có chính sách xây kí túc xá cho tới thời điểm hiện tại”. Anh cho biết “công ty thực hiện đầy đủ 100% bảo hiểm cho công nhân” nhưng hỏi thêm thì công ty chưa mua bảo hiểm thất nghiệp cho công nhân. Thắc mắc về vấn đề này, tôi hỏi nguyên do, anh trả lời rằng công việc của công nhân công ty anh không có gì là nguy hiểm, chỉ vặn ốc mà thôi, không cần phải mua bảo hiểm tai nạn lao động làm gì.
Công ty Hân Việt có tặng quà cho công nhân mỗi dịp lễ tết, trong đó, cao nhất là phần quà tết với trị giá khoảng 400000-500000 đồng và chưa có mô hình câu lạc bộ văn hóa hay nhóm hỗ trợ cho công nhân hay các lớp học nâng cao tay nghề.
Lục loại trong danh sách 333 doanh nghiệp tại địa bàn, anh Cảnh gọi điện cho hai doanh nghiệp nữa, sự thân mật trong cách trò chuyện cho thấy anh dựa vào mối quan hệ cá nhân để giới thiệu là chính, và dường như doanh nghiệp không muốn gặp chúng tôi. Trong lúc đó Sang tranh thủ liếc trong máy vi tính xem danh sách doanh nghiệp như thế nào, không biết có thấy thông tin gì hay hay không nhưng bộ dạng của nó làm tôi bật cười trong bụng.
Cuối cùng thì cũng có hai doanh nghiệp chịu gặp chúng tôi. 10 giờ rưỡi sáng, chúng tôi đèo nhau trên chiếc xe máy cộc cạch tìm trụ sở công ty S&J trên đường NA6. Sáng nay Sang chở nên tôi cứ thoải mái nhìn cảnh vật xung quanh, nhưng quả thật ngắm cảnh trong khu công nghiệp Mỹ Phước thì rất dễ bị lạc đường. Khu công nghiệp của thị trấn Mỹ Phước nằm đối diện với ủy quan thị trấn, bao gồm nhiều con đường lớn chồng chéo cắt nhau.
Chạy mãi mà chẳng tìm ra công ty đó nằm ở đâu. Tôi nhắc Sang dừng lại để hỏi đường, nhưng nó bảo họ không biết hỏi làm gì và cứ thế phóng thẳng đường NA6. Tôi thuyết giáo cho một chập nó mới chịu dừng lại hỏi đường. Cuối cùng thì cũng tìm ra….phùuuu….đã 12 giờ trưa rồi. Chiều nay, hai đứa chia ra nhau làm việc, tôi hẹn doanh nghiệp S&J.
Doanh nghiệp này nằm sâu bên trong khu công nghiệp Mỹ Phước, là một trong 81 doanh nghiệp nước ngoài có mặt tại thị trấn. Đinh ninh chiều nay sẽ đi đúng đường vì đã thám thính trước nhưng tôi cũng “dạo mát” hai ba vòng mới tìm ra nó. Cổng vào công ty này được trang bị tự động, có khoảng ba người bảo vệ đứng ngay chốt chặn tôi lại hỏi đi đâu, mấy con chó không biết từ đâu phóng ra cứ như vồ lấy tôi. Thì ra doanh nghiệp ở đây ngoài nuôi bảo vệ còn nuôi thêm mấy con chó giữ cổng. Công ty S&J của Hàn Quốc chuyên sản xuất vớ, chỉ có khoảng 185 công nhân thôi nhưng quy mô khá rộng và khang trang. Tiếp tôi là nhân viên phòng nhân sự.
Cô này khoảng 30 tuổi, làm việc ở đây đã 5 năm và là dân địa phương được thăng cấp lên nhân viên nhân sự từ chức vụ tổ trưởng công nhân. Theo như cô này thì công ty khá nhỏ nhưng vẫn “thực hiện đầy đủ 100% bảo hiểm cho công nhân” nhưng thiếu bảo hiểm tai nạn lao động. Lúc sáng tôi cũng gặp một trường hợp tương tự, công ty này cũng không mua bảo hiểm tai nạn lao động cho công nhân và đều đưa ra một câu trả lời chung cho câu hỏi tại sao của tôi: “Công ty mình làm trên máy không hà, mọi công việc đều do máy làm hết thì có xảy ra tai nạn lao động gì đâu mà mua bảo hiểm!”
Cô này cũng kể thêm về chính sách phúc lợi của công ty dành cho công nhân, nào là những dịp lễ lớn và đều phát quà cho công nhân, mỗi phần quà lên tới hơn 100 ngàn, những khi công nhân mình gặp tai nạn thì quyên góp mọi người trong công ty giúp đỡ…..
Tôi bước ra khỏi công ty mà lòng xót xa cho cuộc sống của những người bán sức lao động đến mức không biết đến những thứ đáng ra mỗi con người cần được hưởng, trong mắt chủ của họ, họ chỉ là “cái máy sản xuất” mà thôi. Tôi định đến nhà trẻ Tương Lai mà cô Tuyến giới thiệu cho tôi lúc sáng nên quay về hướng xã Thới Hòa.
Theo như chỉ dẫn của cô, tôi rẽ vào con đường lớn gần Ecolake, chạy mãi mà chẳng thấy đâu, hỏi người dân ở đây, ai cũng trả lời hai chữ “không biết”. Cũng đã hơn 4 giờ chiều, nắng đã bớt gay gắt, Sang gọi tôi quay lại rước nó vì nó đã hoàn thành nhiệm vụ. Thì ra nó cũng được việc quá chứ, từ hôm qua thấy nó chẳng nói gì, toàn là mình nói, cũng chẳng cho ý kiến gì, tưởng đâu nó bị “tự kỷ” nên cũng lo không biết nó có giận gì không.
Xì tốp cái vụ kiếm nhà trẻ, tôi quay lại rước nó, lại hỏi đường, mai mốt chắc thành thổ địa cũng nên. Ăn cơm chiều xong, hai đứa tôi qua khu nhà trọ nhà dì Loan để làm quen trò chuyện với công nhân. Út hỏi nhớ đường hay không hay là để Út dắt đi, tôi không muốn làm phiền Út nên gật gù cho qua.Tôi chở Sang đi, cũng may còn nhớ đường.
Dì Loan vẫn bộ dạng như hôm qua, quần sọt áo sát cánh, cặp cổ tôi đi giới thiệu. Đầu tiên là hai vợ chồng chị Lan, tôi để Sang làm quen. Nó có vẻ hơi rụt rè nhưng cũng làm quen với anh chị nhanh chóng. Dì Loan kéo tay tôi bảo “vậy con Ngọc qua đây, để thằng Sang ở đó đi”. Rẽ vào phía góc trái khu nhà trọ, chúng tôi vào phòng trọ của chị Anh. Đứng từ cửa đã nghe mùi hôi rất khó chịu, không biết là mùi gì. Ở trong nhà, chị Anh đang nằm trong mùng với đứa con 3 tuổi, tôi vừa chào chị thì một người phụ nữ lớn tuổi xuất hiện. Hỏi ra mới biết đó là mẹ chồng của chị. Sau khi được giới thiệu, mẹ chồng của chị Anh quay sang nói với chị “ nói cái đó thử coi có giúp được gì hay không!”. Chị Anh, 26 tuổi, quên ở Đồng Tháp, lên đây ở cũng được 10 năm rồi, bây giờ chị làm cho công ty may giày da Diamond. Chị khệ nệ ngồi xuống sàn nhà để tiếp chuyện tôi với dáng vẻ nặng nề của bà bầu 7 tháng. Tôi hỏi dì Loan ở đây người Đồng Tháp ở nhiều phải không.
Dì Loan bảo: “ Ở đây toàn là dân Đồng Tháp không hà !” Mẹ của chị Anh cũng tiếp vào: “ Tụi tui ở đây Đồng Tháp không, hồi xưa hai vợ chồng tui lên đây làm hồ, làm mướn, rồi mấy tụi nhỏ lên, thằng con tui về dưới cưới vợ rồi cũng dắt vợ nó lên, hai đứa con gái của tui cũng làm công nhân ở đây nè, mà tụi nó tăng ca tới 9 giờ mới về”.

“ừ đúng rồi, tụi tui ở đây luôn, ở đây chắc cũng 5 năm rồi, giờ tui già rồi, ở nhà giữ cháu”. 

Tôi hỏi có phải cả gia đình ở cùng dãy trọ không, dì này liền bảo: “ừ đúng rồi, tụi tui ở đây luôn, ở đây chắc cũng 5 năm rồi, giờ tui già rồi, ở nhà giữ cháu”. Dì Loan nói vào: “ ở đây bà con họ hàng ở với nhau nhiều, cùng xóm cũng nhiều, như người đầu xóm người cuối xóm vậy đó, thí dụ người ta lên đây làm ăn rồi rủ bà con lên đây làm luôn”. Tôi hỏi dì Loan có bà con ở cùng nhà trọ này không, dì liền đáp: “ có chứ, như có hai đứa em của dì, bên kia có đứa em gái ông Nhờ, bà con xa cũng có, mà tụi nó tăng ca hết rồi!” Nói xong dì Loan cầm tay tôi kéo đi: “mày qua đây tao giới thiệu cho mày nữa nè Ngọc!”.
Dì kéo tôi qua phía đối diện, có một anh đang ngồi nấu ăn trên bếp ga mini, hình như anh đang xào bắp cải, kế bên là bao gạo xài được 2/3 rồi, nhà trống trơn, chỉ thấy mấy bộ quần áo. Sau khi nghe dì Loan giới thiệu, anh đáp:” biết gì đâu mà nói”.
Tôi thuyết phục anh vài câu, thấy anh có vẻ yên tâm hơn lúc đầu, tôi bắt đầu hỏi chuyện. Anh 28 tuổi, cũng quê ở Đồng Tháp, lên đây làm xưởng thun chung với con của dì Loan, do hôm nay làm ca ngày nên mới gặp được anh.
Anh lấy vợ được 3 năm rồi, vợ anh nhỏ hơn anh 2 tuổi, cũng ở cùng quê, hai vợ chồng có với nhau một dứa con gái 3 tuổi nhưng đã gửi về quê cho bà nội nuôi. Tôi hỏi anh sao không đem con lên đây cho gần cha gần mẹ, anh đáp:” đem nó lên rồi ai giữ, với lại gửi nhà trẻ tốn tiền lắm, rồi ai rước nó?”. Vừa nói xong vợ anh bước vào, đầu ướt sũng với cái khăn tắm trên tay. Dì Loan hỏi: “mới tắm hả Mai?” Chị đáp:” tranh thủ tắm bà ơi để một hồi tan ca về đợi lâu lắm”. Hỏi ra mới biết, nhà trọ ở đây chỉ có hai nhà tắm, hai hố xí phục vụ cho hơn 40 người.
Dì Loan và mọi người chỉ cười nhẹ khi nói đến đây, một nụ cười xoa dịu cho sự khổ cực của số phận, cam chịu cho cuộc sống tạm bợ mà họ đang phải vật lộn từng ngày. Đã 9 giờ kém, tôi quay lại nhà dì Loan tìm Sang thì thấy nó đang nằm vắt vẻo trên cái võng tối om trước nhà. Con Thúy đứng trước nhà hỏi:”ngày mai có lại nữa không chị, em dắt chị đi ăn chè, em quen mấy đứa làm chung em nhiều lắm, chị hỏi nữa không em dắt đi?”.
Tôi chưa kịp trả lời thì thằng Ngàn từ đâu bay ra hỏi:” đi về hả chị, ngày mai qua đây chơi nữa nhe”. “Uhm, ngày mai chị qua nữa, chị dắt đi ăn chè nhe!”. Tôi nở nụ cười mà lòng buồn rười rười, buồn cho số phận của những đứa trẻ dễ thương kia, rồi cuộc đời chúng sẽ ra sau khi vừa mới bước vào tuổi ô mai đã phải lao vào làm việc của người lớn, một công việc mà bất kì người lớn nào ở đây cũng chán ngán và sợ hãi: “công nhân”. Kế hoạch của ngày thứ hai tại địa bàn đã được hai đứa tôi “xử đẹp”, lòng vui lắm vì mình đã làm đúng tiến độ. Vừa về đến nhà, Út hỏi có hỏi thăm gì được không.
Tôi liếc nhìn Sang và cả hai đứa tôi đồng thanh kêu “Ok lắm! Cám ơn Út nhe!” Tắm rửa xong, Sang ôm ngay cái máy vi tính, gõ lia lịa. Chắc là đang viết nhật kí. Tôi phải làm sổ lịch trình thôi. Ngày mai không biết mình sẽ gặp những điều gì?!…. điều thú vị của cuộc sống!

Bích Ngọc 
Trích nhật ký Bến Cát

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.