Bến cát tháng tư (p1)

0
1016
Dì Loan ló đầu ra khỏi cánh cửa “sắp rụng” ngạc nhiên khi thấy Út tới nhà. Nhà của dì được xây bằng gạch, xếp chồng lên nhau một cách tạm bợ, quần áo vắt lên cái sào bằng dây điện, nhìn quanh nhà chỉ có cái giường và cái ti vi là vật có giá trị nhất. Dì Loan quê ở Đồng Tháp làm công nhân công viên ở Ecolake đã được 2 năm, nếp nhăn trên khuôn mặt đầy lam lũ làm tôi ngạc nhiên khi nghe Út nói dì mới 37 tuổi thôi

NGÀY 11/4/2012….
Tháng tư, nắng và nóng.
Tôi ghét tháng tư, ghét cái nắng gay gắt, ghét cái nóng hừng hực và cả những giọt mồ hôi chảy ướt áo. Nhưng có lẽ tháng tư này là cái tháng đáng nhớ nhất đánh dấu bước ngoặc trong định hướng nghề nghiệp của tôi. Lần đầu tiên đi Bình Dương nhưng không phải là đi chơi mà đi điền dã dân tộc học.
Do chưa biết địa bàn cũng như người dẫn đường cho chuyến đi tìm hiểu về phúc lợi cho công nhân, Bộ đề nghị dẫn tôi và Sang giới thiệu địa bàn. Bộ đã làm định lượng đề tài này rồi, tôi và Sang phải xử lý phần định tính. Cũng thấy hơi áy náy vì đã làm phiền Bộ nhưng thái độ nhiệt tình của bạn ấy làm tôi cảm thấy ngại hơn. Cả ba chúng tôi khởi hành lúc 7 giờ sáng từ bến xe miền Đông. Sang muốn đi chung với Bộ nhưng bị hắn từ chối nên đành phải chạy xe một mình. Lúc này trời cũng đã bắt đầu nắng gắt, Bộ chở tôi vượt xa Sang, thằng nhỏ lót tót chạy đằng sau thấy mà tội. Trò chuyện với Bộ một hồi, tôi mới biết hắn đã đi làm nhiều đề tài, ăn nói khôn khéo, chắc “ngoại giao” tốt.

bến cát qua ảnh. Ảnh: Sưu tầm

Đường đi đến Bến Cát không gồ ghề hay nhiều đường rẽ, chỉ chạy thẳng một mạch là tới, nhưng cũng dễ chạy lố qua mục tiêu nếu không chú ý. Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là nhà dì Út. Sau khi lấy chìa khóa, cất đồ xong ba chúng tôi chạy thẳng đến Ủy ban xã T.H để liên lạc công việc. Ủy ban ở đây khá lớn và được phân ra thành nhiều khu vực làm việc. Tiếp chúng tôi là anh L cán bộ chuyên trách văn thư, anh khoảng hơn 30 tuổi, vẻ mặt khá nghiêm nghị nhưng không đến nỗi khó gần. Anh ghi lại những việc mà chúng tôi cần giúp đỡ và hẹn sáng mai đến làm việc. Thế là xong ở xã Thới Hòa. Chúng tôi nhanh chóng di chuyển đến ủy ban thị trấn Mỹ Phước. Ở đây, không khí có vẻ náo nhiệt hơn, người dân đến làm việc khá đông. Chúng tôi gặp được chị C, phó chủ tịch, Bộ đã quen chị từ trước nên nói chuyện với chị khá dễ. Chị cũng hẹn chúng tôi sáng thứ sáu đến làm việc.
Lúc này cũng đã hơn 9 giờ, cả ba đứa tôi chạy lanh quanh đi tìm ban quản lý khu công nghiệp. Tìm mãi thì thấy nó nằm vắt vẻo ở khu vực bên hông ủy ban cùng với phòng Công đoàn khu chế xuất. Lần này tôi xung vào trước, trong phòng chỉ có duy nhất một người nam khoảng 30 tuổi ngồi trước máy vi tính. Tôi giới thiệu mình từ trường Nhân văn Tp. Hồ Chí Minh đến, anh này cầm tờ giấy giới thiệu đọc xong bảo: “muốn tụi tui giới thiệu đại diện doanh nghiệp phải có giấy từ trên ban quản lý khu công nghiệp tỉnh xuống mới được, còn giấy này không có hiệu lực với chúng tôi”. Bộ khều tôi ra trách sao không nói người của sở khoa học công nghệ Bình Dương mà nói người của trường làm gì và giải thích rằng người của nơi khác đến liên hệ làm việc họ không nể, phải là người cấp trên có liên quan họ mới vui vẻ giúp đỡ. Đồng ý là thế nhưng chẳng lẽ danh tiếng trường mình không đáng giá liên hệ làm việc như vậy sao?

bản đồ bến cát. Ảnh: sưu tầm

Được biết ban quản lý khu công nghiệp tỉnh cách đây khá xa, lại không biết đường đi nên chúng tôi lên ủy ban Huyện liên hệ xem thế nào vì cũng cần tiếp xúc với phòng thương binh lao động xã hội ở đó. Chạy dọc theo quốc lộ 13, chúng tôi rẽ trái vào ủy ban Huyện, tại đây chúng tôi bị chỉ đi hết chỗ này đến chỗ kia, ngồi chờ mãi chúng tôi mới cầm được tờ giấy giới thiệu của họ. Mừng quá, chúng tôi quay lại phòng đại diện ban quản lý khu công nghiệp, nhưng cũng bị từ chối vì họ không thuộc quyền quản lý của Ủy ban Huyện. Tôi nghĩ phải liên hệ trên tuyến tỉnh nhưng Bộ lại cho rằng phải xin thêm giấy giới thiệu của sở khoa học công nghệ Bình Dương. Lúc này cũng đã gần 11 giờ trưa, chúng tôi quay về chỗ nhà Út để mở cửa cho dì vào nhà. Thấy Bộ có vẻ gấp gáp chuyện gì nên tôi cảm ơn và bảo hắn về Thành phố, tôi và Sang sẽ tự lo.
Ngôi nhà chúng tôi tá túc trong 7 ngày nho nhỏ xinh xinh nhưng khá sạch sẽ gọn gàng, tôi liền nghĩ Út là người kĩ tính nên dặn Sang phải chú ý hơn trong sinh hoạt. Hơn 11 giờ trưa, nắng như đổ lửa, bỗng một người mặc áo xanh, trùm kín mít chạy đến trước cửa nhà. Người này bỏ khẩu trang xuống và hỏi tụi con mới tới phải không. Thì ra là Út, một phụ nữ trạc trên 40 tuổi, khá vui vẻ hoạt bát, dì ở đây một mình, cuối tuần con gái xuống thăm. Sự cô đơn lỗ rõ trên khuôn mặt vui tươi của Út, có lẽ dì cũng mừng vì có người xuống ở cùng. Út hỏi chúng tôi có muốn ăn cơm chung thì dì nấu, còn không thì ăn cơm hộp. Chúng tôi đều gật đầu đồng ý. Vừa nói xong, dì loay hoay chuẩn bị cơm trưa. Ăn cơm xong, Út đi làm ngay, chúng tôi ở nhà nghỉ trưa, định chiều đi lấy thêm giấy giới thiệu của sở khoa học công nghệ tỉnh Bình Dương, nhưng tôi lại nghĩ không cần lên đó nên hai đứa chúng tôi đèo nhau đi lên Thủ Dầu Một xin giấy giới thiệu của Ban quản lý khu công nghiệp tỉnh xem sao vì cũng đã có giấy giới thiệu của huyện rồi. Đánh cược cả buổi chiều, hai đứa tìm đường tới đó, đến nơi tôi làm việc với phó trưởng ban Đ.Q.V và được cấp ngay một tờ giấy giới thiệu. Thật tuyệt vời! Tôi và Sang bước ra khỏi cổng như muốn nhảy cẩng lên. Sang bảo: “thấy chưa, đi với em chị khỏi lo gì hết!kaka..” ra bộ khoái chí. Tôi cười thầm, đi với nó chỉ lo cho chiếc xe thôi, từ sáng tới giờ nó chỉ biết chạy có một số ah….huhu…
Chiều về chúng tôi đi chợ để làm chìa khóa, Út chỉ chúng tôi đi chợ ở khu 3, lại hỏi đường, bị lạc….. chợ khu 3 khá nhỏ, nằm ngay bên cạnh khu công nghiệp Mỹ Phước III, thấy trái cây được bày cả ra đường, Sang kéo tôi lại bảo mua trái cây, thì ra mục đích của nó đi chợ là chỉ để mua trái cây. Một điều khá lạ là tất cả những người bán hàng mà chúng tôi tiếp xúc đều nói giọng Bắc. Vì sao thế?
Sau bữa cơm chiều thịnh soạn, Út dắt tôi qua nhà trọ của dì Loan để làm quen. Quẹo vào con hẻm dốc gần khu công nghiệp Mỹ Phước III là khu nhà trọ của dân lao động nghèo, đường vào sâu hút, tối ôm, men theo lối đi là những dãy nhà trọ chật hẹp. Nhà dì  Loan  nằm cuối khu nhà trọ, hai con chó trước nhà nhảy chồm lên gầm gừ, sủa om sòm. Dì  Loan  ló đầu ra khỏi cánh cửa “sắp rụng” ngạc nhiên khi thấy Út tới nhà. Nhà của dì được xây bằng gạch, xếp chồng lên nhau một cách tạm bợ, quần áo vắt lên cái sào bằng dây điện, nhìn quanh nhà chỉ có cái giường và cái ti vi là vật có giá trị nhất. Dì  Loan  quê ở Đồng Tháp làm công nhân công viên ở Ecolake đã được 2 năm, nếp nhăn trên khuôn mặt đầy lam lũ làm tôi ngạc nhiên khi nghe Út nói dì mới 37 tuổi thôi. Vợ chồng dì lên đây làm ăn với hai bàn tay trắng vì ở dưới quên không có ruộng cũng chẳng có việc gì để làm. Dì bấm bụng dắt 4 đứa con nhỏ lên đây sinh sống, đi làm mướn, làm thuê. Chỉ khoảng 1 năm nay chồng cô mới lên ở nhưng cũng dính vào rượu chè nhậu nhẹt nên dì cũng buồn lắm. Hai đứa con lớn của dì thì “ đứa lớn vặn mấy con vít cho tụi Đài Loan, đứa thì làm hãng thun. Nhà này nhờ hai đứa này dữ lắm, thằng Ngàn nó đi làm tháng cũng kiếm được 4 triệu mấy còn con Thúy cũng được 3 triệu hơn”. Tôi hỏi bé Thúy thì mới biết nó cũng chỉ 18 tuổi, dáng người gầy guộc nhưng rất hoạt bát vui vẻ, còn Ngàn cũng chỉ mới 16 tuổi. Út bảo dì  Loan  giới thiệu tôi với những người làm công nhân ở đây để hỏi chuyện, dì bảo:” ừ cũng được chứ có gì đâu, công nhân ở đây nhiều lắm mà giờ này người ta chưa về, cỡ 9 giờ người ta tăng ca mới về, có chủ nhật á, con lại đi, người ta nghỉ làm, gặp được nhiều lắm…hay tối thứ bảy cũng được, người ta xuống ca, không có tăng ca”. Tôi hỏi Ngàn với Thúy làm bao nhiêu tiếng một ngày. Ngàn bảo: “ em làm theo ca chị, ca sáng ca tối vậy đó, sáng từ 6 giờ sáng tới 6 giờ chiều, tối cũng vậy”. Vậy nó cho em nghỉ giải lao sao?Ngàn bảo: “ được nghỉ nửa tiếng ăn cơm trưa xong vô làm tiếp, mệt lắm chị ơi!” . Thúy đang ngồi một góc cũng lên tiếng: “em làm sáng 7 giờ rưỡi tới 6 giờ nhiều khi tăng ca tới 8 giờ mới về, bên em tụi nó cho nghỉ 1 tiếng ăn cơm”. Hỏi ra mới biết Mẹ hai đứa làm hồ sơ giả cho chúng vào làm vì chúng chưa đủ tuổi lao động. Chạy nhảy tưng nhà là hai đứa nhóc con út dì  Loan , một đứa 7 còn một dứa mới lên 12 nhưng nhìn giống như đứa 3 và 6 tuổi, người ốm nhom, cũng không mặc áo. Tôi hỏi việc học của mấy đứa, dì Liên bảo: “thằng Ngàn học tới lớp 6 nghỉ, con Thúy cũng vậy, còn hai thằng này mốt đem về quê cho nó đi học”. Tôi xen vào: “Rồi cả nhà đi làm, hai đứa nhóc làm gì?”, “tụi nó ở nhà chơi”, dì đáp. Tôi quay sang hỏi Ngàn với Thúy hôm nay không đi đâu chơi sao. Thúy lanh lẹ lên tiếng” dạ không chị ơi, mẹ không cho đi, bữa hổm bạn em rủ em đi ăn chè mẹ em cũng không cho đi nữa”, Ngàn cũng lên tiếng: “ đâu biết đi đâu chơi đâu chị, với lại đi làm mệt, muốn về ngủ cho phẻ”. Dì  Loan  bảo tôi tối mai qua qua đây nữa, dì sẽ dắt tôi đi làm quen một vài người.
Lúc này cũng đã 9h kém, tôi chở Út về mà đầu óc cứ luôn suy nghĩ về Ngàn, Thúy, hai nhóc út. Những đứa trẻ đó, đang trong tuổi ăn tuổi học mà phải nai lưng ra làm quần quật, không biết đến học hành vui chơi là gì, rồi hai nhóc út, liệu chúng có đi học để biết cái chữ được hay không khi ngày về quê còn xa lắm…

Bích Ngọc
Trích nhật ký Bến Cát

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.