Nhà cổ Hội An: Mối lo đổ sụp trước mùa lũ bão

0
827

Việc trùng tu đến nay vẫn chưa thực hiện được do còn nhiều vướng mắc như kinh phí, nhà sở hữu chung…

Ngày 30-6, căn nhà cổ số 72 Trần Phú bất ngờ bị đổ sụp phần mái trước do xuống cấp từ lâu nhưng không được trùng tu. Vụ sập nhà tuy không gây thiệt hại về người nhưng là hồi chuông báo động về tình trạng xuống cấp của nhiều nhà cổ Hội An.

Sống cùng nỗi lo nhà sập

Bà Phan Thị Huệ, chủ căn nhà cổ số 69/5 Phan Chu Trinh, cho hay: “Ngôi nhà này đã 130 tuổi, hiện trụ gỗ, vì kèo, rui mèn bị mối ăn gần hết, mái ngói thủng chi chít. Vào mùa mưa bão, cả năm người trong nhà tôi phải chuyển đi nơi khác vì sợ sập”. Còn ông Lê Hùng, chủ căn nhà 120 tuổi ở số 98 Phan Chu Trinh, lo lắng: “Căn nhà là nơi sinh sống của ba thế hệ với chín khẩu, hiện đã xuống cấp khá nặng. Mỗi năm TP Hội An thường hứng chịu 1-2 trận lụt, nhìn nhà cổ chìm trong biển nước mà tôi xót lòng xót ruột. Mối lo lớn nhất với chúng tôi là nhà bị sập trong các trận lụt sắp đến”.

Theo Trung tâm Quản lý bảo tồn di tích TP Hội An (TT QLBTDT), TP có tất cả 62 di tích có nguy cơ đổ sập trong mùa mưa bão này. Trong đó 49 nhà cổ được TT QLBTDT hỗ trợ bằng cách cho người dân mượn gỗ để tự chống đỡ, 13 ngôi nhà khác được TT QLBTDT thực hiện chống đỡ. Đặc biệt, có đến 28 nhà cổ phải di dời hoàn toàn (người dân không được ở lại trong di tích) trong mùa mưa bão để tránh nguy. Số còn lại người dân phải di dời cục bộ, tránh ở tại những vị trí nguy hiểm trong di tích.

“Các ngôi nhà đều xuống cấp trầm trọng nên việc trùng tu rất khó thực hiện. Trước mắt, chúng tôi dùng trụ gỗ để chống đỡ với hy vọng những ngôi nhà cả trăm năm tuổi có thể trụ được qua mùa mưa bão” – anh Nguyễn Đình Hoàng, nhân viên bộ phận tu bổ di tích TT QLBTDT, cho hay. Từ ngày 26 đến 30-7, các nhân viên của TT QLBTDT TP Hội An đã thực hiện chống đỡ cho 13 nhà cổ.

Khó trùng tu vì vướng đủ thứ

Nguy cơ các ngôi nhà cổ bị xuống cấp, đổ sập đã được chính quyền địa phương cảnh báo và lập đề án trùng tu từ nhiều năm nay. Những năm qua, TP Hội An đã trùng tu toàn bộ di tích thuộc sở hữu nhà nước. Đối với các di tích thuộc sở hữu tư nhân, tỉnh Quảng Nam có chính sách hỗ trợ 40%-75% kinh phí trùng tu tùy vào vị trí và xếp hạng di tích, đồng thời cho vay tiền trùng tu không lãi suất. Nhưng điều này vẫn chưa khuyến khích được người dân tham gia bảo tồn nhà cổ. Bà Phan Thị Huệ nói: “Kinh phí tu bổ ngôi nhà khoảng 400 triệu đồng. Dù nhà nước hỗ trợ đến 75% kinh phí nhưng số tiền còn lại với tôi cũng là quá lớn”.

Ông Nguyễn Đức Minh, Phó Giám đốc TT QLBTDT, cho biết: “Cái khó nhất trong việc trùng tu nhà cổ tư nhân là kinh phí, sau đó là các vướng mắc như nhà sở hữu chung, nhà thờ họ tộc, nhà sử dụng kinh doanh…”. Ngôi nhà của bà Phan Thị Huệ là trường hợp điển hình: Vì bà Huệ không có người nối dõi nên sau khi bà mất, ngôi nhà sẽ thuộc sở hữu chung của họ tộc. Do việc phân chia quyền lợi và nghĩa vụ chưa thống nhất nên nhiều năm qua họ tộc này vẫn chưa có quyết định cuối cùng về việc trùng tu. Hậu quả là căn nhà bị bỏ mặc, cứ xuống cấp dần qua từng năm.

Mặt khác, một số nhà cổ nằm trong hẻm sâu, không có giá trị làm du lịch nên chủ nhà không muốn bỏ tiền tu bổ. Trong khi đó, các nhà cổ ở mặt tiền hầu như cũng ít được tu bổ do chủ sở hữu sợ ảnh hưởng đến kinh doanh… Những trở ngại kể trên khiến việc trùng tu nhà cổ ở Hội An đến nay vẫn chưa thể hoàn thành và “tính mạng” của nhiều căn nhà vẫn tiếp tục bị đe dọa trong mùa bão lũ năm nay.

Mùa lũ năm 2004, căn nhà cổ số 48 đường Bạch Đằng bị sập hoàn toàn, kéo theo bốn căn nhà bên cạnh bị hư hỏng nghiêm trọng. Cũng từ đây, tỉnh Quảng Nam và thị xã Hội An (nay là TP Hội An) xây dựng đề án Đầu tư tu bổ khẩn cấp các di tích Hội An trình Chính phủ với danh sách 82 ngôi nhà cổ cần được trùng tu khẩn cấp, trong đó có 52 căn của tư nhân, 30 căn thuộc sở hữu nhà nước.

Quảng Hà
Nguồn: Pháp luật Tp.HCM

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.