Kỷ niệm từ những chênh vênh – Kỳ 2

0
974
Thay đổi cũng chẳng khá hơn

Nhưng đến sáng sớm hôm sau, chưa kịp súc miệng, tôi đã ngồi vào bàn, ghi một mạch ý tưởng vừa nghĩ ra. Tôi làm một cách có trình tự hơn, từ luận điểm chính. Tôi không quên nhấn mạnh yếu tố mới trong cách tiếp cận, rồi đến quy trình khai thác thông tin, cả đóng góp của đề tài nữa, nói chung là hoàn hảo. Tôi gởi cho anh Minh sửa dùm vì tôi đặc biệt tin tưởng anh trong việc hướng dẫn mình làm tiểu luận. Cũng hơi lâu sau, anh gởi lại tập tin có góp ý, kèm theo tin nhắn trên hộp thư: “Anh cảm ơn em vì đã có quan điểm giống anh, nhưng anh không dám nói vì sợ em nghĩ anh áp đặt”. Trời, tôi vui kinh khủng, không phải vì tin đề tài này sẽ thành công mà vì một người tôi tin tưởng cùng quan điểm với tôi. Lúc đó, thế là đủ. Tôi hào hứng bắt tay vào tìm hiểu vấn đề này: “Việc không chấp nhận, thậm chí lên án gây gắt sự thân mật nơi công cộng của sinh viên khiến họ phải chọn thân mật (thỏa mãn nhu cầu khi yêu) tại những nơi “riêng tư” – đồng nghĩa với sự nguy hiểm”. Tôi chuyển địa bàn khảo sát từ trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật sang Hồ Đá của làng Đại học; và chuyển cái nhìn từ tiêu cực sang cái nhìn thông cảm hơn đối với sinh viên. Tôi tự tin lắm mặc dù việc tìm thông tín viên tại Hồ Đá khi họ đang bận “thân mật” sẽ rất khó tiếp cận, thậm chí “mạo hiểm” phá đám chuyện riêng tư của người khác mà bản thân chưa hình dung điều đó một cách rõ ràng. 
12 giờ 30, tôi có mặt tại trường mình để phỏng vấn Hoàng, khoa Địa lý về sự nguy hiểm ở khu vực Hồ Đá mà nó từng trải qua. Khi nói về luận điểm của tôi, tụi bạn cũng thấy mới và ủng hộ nhưng tụi nó vẫn lo. Tụi bạn lo tôi không được an toàn với tình hình ở Hồ Đá. Mấy đứa đề nghị đi cùng tôi sau giờ học, nhưng vì sợ trễ nên tôi một thân một mình đi ra đó trước. Tôi bắt xe ôm ra đó và đến nơi khoảng hai giờ. Suy nghĩ đầu tiên của tôi khi đến Hồ Đá (lần thứ ba thì phải) là phong cảnh hữu tình, không khí mát mẻ như vầy hẹn hò ở đây cũng phải. Thế là, tôi lại mô tả, lấy bút viết ra ngồi ghi chép tại một quán nước mía ven đường. Lại một kỷ niệm nhớ đời, đầy vui tươi nữa xảy ra. Trời chuyển mưa, chú bán nước mía không bào vỏ mía nữa mà cầm ghế lại ngồi cạnh tôi, nhìn vào quyển sổ, giọng mỉa mai “nhà báo hả?”. Tôi cười, đoán được những ánh mắt từ nãy giờ cuối cùng cũng phải thể hiện ra dưới hình thức nào đó, câu hỏi này là hình thức đó, “Dạ không phải, con là sinh viên thôi”. Chú lại tiếp tục “Học mấy ngành xã hội phải hông? Thấy ghi ghi nãy dờ (giờ) là nghi rồi, mấy đứa học xã hội nhiều chuyện lắm”. Trời, bị “người dân” phản ánh mà tôi mắc cười hơn là khó chịu, có lẽ vì cách chú ấy nói. Nhờ vậy mà hai chú cháu nói chuyện được nhiều hơn. Chú hỏi “tìm hiểu về đuối nước hả, hỏi đi tui nói cho nghe”. Có lẽ chú từng được nhiều người hỏi nên thành thói quen. Ngồi uống hết ly nước mía, nói chuyện bân quơ mà tôi chưa hỏi được về tình trạng nam nữ sinh viên ra đây thân mật. Tôi đứng lên, quyết định đi lòng vòng Hồ Đá xem sao, lúc đó mới ba giờ. 
Đi qua đi lại, không nhìn nổi mấy cặp đang ôm nhau trên xe máy, tôi vẫn chưa thể phỏng vấn ai. Vừa lúc đó, mấy đứa bạn gọi điện thoại, bảo tôi có cần hỗ trợ thì tụi nó ra. Hình như lúc nào tôi cần giúp đỡ sẽ có ngay, không người này thì người khác, vậy đó. Đây cũng là một ý nghĩa quan trọng mà tôi được trải nghiệm trong khi làm bài này, nhưng tính ra nó cũng có hại. Đi hết một vòng hồ bằng con đường bên trong rào, tôi mới biết cái cảm giác mạo hiểm khi phá rào, mặc kệ hồ sâu nguy hiểm để được ngồi cùng người mình yêu. 
Khi tôi vừa ra ven đường thì tụi bạn cũng đến. Trời, bốn thằng con trai đi hai xe máy chạy tới. Tôi hơi bất ngờ về sự nhiệt tình của mấy đứa bạn. Cả bọn nhìn quanh tìm đối tượng khi biết tôi chưa phỏng vấn được ai. Mấy đứa đùa, thằng này nói thằng kia “Mày về chở bồ ra đây ngồi cho con Mi nó phỏng vấn đi”. Bất ngờ, ngay lúc ấy, một trong số bốn đứa la lên “Nhỏ đó tao quen”. Cả bọn dáo dác, thì ra chiếc xe máy với cặp tình nhân vừa đi ra từ Hồ Đá là người quen của thằng bạn. Không chút do dự, cả bọn lên xe phóng theo. 
Tình thế gấp rút tôi cũng lên xe, chở ba lại không đội mũ bảo hiểm, nhưng lúc đó đố đứa nào trong bọn tôi nghĩ được điều đó là nguy hiểm. Hoàng chở Thanh chạy ra trước mặt chiếc xe của cặp tình nhân đó, đứng lại chờ. Dù hơi lo nhưng tôi nghĩ hai đứa sẽ chặn cặp đó lại. Xe họ chạy qua, xe của ba đứa tôi chạy tới “Sao không chặn họ lại?” – tôi ngạc nhiên hỏi. Thanh, đứa quen với bạn nữ ngồi sau xe  nói “Nghĩ sao người ta đang ôm mà chặn lại cho bà phỏng vấn?”. Thế là mất mục tiêu. Hai xe chạy rà rà song song nhau. Tôi nghĩ lại mà cười ôm bụng, đúng là nghĩ sao mà lại có ý định chặn xe người quen để phỏng vấn? Khánh là đứa ra Hồ Đá mỗi ngày để tìm “cảm giác” như Hoàng nói nên rành từng ngõ ngách nơi đây. Đúng nghề, hắn là hướng dẫn viên cho chúng tôi tham quan Hồ Đá luôn. Chạy hết con đường, khi quay đầu xe lại, bọn tôi lại gặp đôi tình nhân lúc nãy. Mấy đứa vẫn nhìn theo tiếc nuối…
 
“Bị “người dân” phản ánh mà tôi mắc cười hơn là khó chịu” (ảnh minh họa) – Nguồn: Internet


Có những người bạn như thế
Chiều Hồ Đá mát và không khí trong lành làm sao. Lần đầu tiên tôi dạo xe máy ra đây buổi chiều. Suốt con đường, tôi với anh Chuyên (ngồi sau xe Khánh) chỉ trỏ tùm lum các đôi nam nữ đang thân mật. Nhiều lúc chúng tôi chỉ nhưng không dám nhìn lâu, họ “táo bạo” quá. Ra gần đến ngã ba, cả bọn phát hiện một đôi đang ngồi trên mép đá ven hồ. Bất ngờ tụi bạn quay đầu xe, tấp vô lề gần đó. Tụi nó hối tôi vào hỏi. Hoàng còn nói “Cần tui đi với bà không?” nghe giống như là tôi sắp một mình chiến đấu với “xã hội đen” vậy đó. Cầm quyển sổ trong tay, tôi cố gắng lấy bình tĩnh và nhớ lại kiến thức, kỹ năng khi phỏng vấn. Rôi tôi tiếp cận thành công dù không được ghi âm. Anh chị ấy dễ thương vô cùng. Tuy câu hỏi đặt khó hiểu nhưng họ vẫn thay phiên nhau suy nghĩ để trả lời. Cuối cùng, không còn gì để hỏi, tôi không biết nghĩ gì mà nói ra quan điểm của mình luôn rồi hỏi anh chị thấy sao. Họ đồng tình nhưng bảo “Chắc em phải đi hỏi thêm nhiều cặp khác. Chị nói nãy giờ cũng không giúp em được nhiều, thôi chúc em làm bài tốt nha”. Đúng là không có gì liên quan đến luận điểm bài viết nhưng tôi thực sự thấy ấm lòng. Hai thông tín viên cho mình động lực để “chai” mặt tới cùng. Hỏi xong, tụi bạn bu lại, “Sao? Sao? người ta có đòi “quýnh” (đánh) bà không? Thấy cặp này dễ thương đúng không?”. Chưa kịp trả lời tụi bạn, tôi quay lại đã thấy hai anh chị đó lên xe đi về. Mấy đứa bạn còn nói là tại tôi. Cũng thắc mắc, nhưng không sao, tôi tiếp tục cuộc “săn tìm” thông tín viên.
 
Qua lời giới thiệu hấp dẫn của Phương, “thổ địa” khu này, chúng tôi lên xe vào mỏm đá của hồ. Chỗ này rất đẹp và thơ mộng. Vòng qua trường Đại học Quốc tế, chúng tôi chạy hết con dốc lởm chởm. Cuối cùng, chúng tôi cũng thấy mặt hồ phẳng lặng, trong xanh và đúng là có mỏm đá “hoành tráng”, cứ như “tạo ra để ngồi” như kiểu Hoàng nói. Tụi bạn mừng hết sức khi tôi lôi trong cặp ra chiếc máy ảnh. “Trời sao không nói sớm?” – tụi bạn reo lên. Xong “nhiệm vụ” với tụi nó, tôi tiến lại gần một cặp đang ngồi trên một phiến đá ven hồ. Tôi vừa cười, chào hỏi là chị đó hỏi “Làm đề tài hả bé?”. Thì ra cùng trường, chị nói chị cũng từng làm đề tài như vậy. Vậy là phỏng vấn ngay đồng môn. Sau một hồi suy nghĩ, cuối cùng anh chị cũng cho ghi âm. Phỏng vấn thì ít mà “tám” chuyện thì nhiều, chúng tôi bàn về trường, về ngành, về nghề sau này,… toàn kể tội ngành xã hội mà trường Nhân văn đào tạo.
 
Xong nhiệm vụ, cả bọn trêu nhau một lát thì lên xe đi ăn cơm chay, rồi đi ăn chè. Tôi chưa nghĩ đến kết quả gỡ băng, nhưng thực sự đó là một buổi phỏng vấn thú vị và lạ đời nhất, có lẽ là không chỉ với tôi. Tôi cảm thấy tự tin khi có anh Minh đồng quan điểm, cũng như vui tươi và an tâm khi có những người bạn nhiệt tình như thế – hạnh phúc. Hạnh phúc đến từ quá trình nỗ lực làm một điều gì đó. Trên xe buýt về, tôi mới dần trở về với thực tại. Thực tại là nội dung phỏng vấn từ hai cặp thông tín viên vừa rồi không có gì để tôi làm bài, bởi họ nói như báo chí nói “thân mật nơi công cộng là sai”, “người lớn cổ hủ nhưng như vậy cũng tốt”,… Không chỉ là không có cái để gỡ băng mà còn trái ngược hoàn toàn với luận điểm bản thân tôi đã đặt ra. Hụt hẫng chập hai. 
 
Tôi lại cầu cứu anh Minh lùn. Tôi lại than, lại trách “muốn đứng về phía giới trẻ mà cũng khó”, lại đau đầu tìm cách hoàn thành bài này,… Anh Minh hỏi tôi đã hỏi như thế nào mà không có thông tin thích hợp, tôi cũng thuật lại. Mới kể lại tới câu thứ ba anh Minh đã trả lời “Ối, em hỏi như thế ai mà trả lời em”. Tôi mới vỡ lẽ, đây là vấn đề tế nhị, không ai “vạch áo cho người xem lưng”. Anh chỉ cho kỹ thuật khai thác thông tin. Mảng này thì lại một lần nữa tôi tin tưởng anh vì đây cũng là đề tài anh hay tìm hiểu. Cuối cùng, tôi phân vân hỏi lại “cố vấn” một câu quyết định “Theo anh, với khả năng và yêu cầu của em, em có thể làm bài này được không?”. Cũng hồi hộp nhưng tôi hỏi bởi tôi không tự tin, muốn chuyển hướng khác. Anh trả lời “khả thi và hấp dẫn”, tôi cũng tin và làm tiếp. Để lên tinh thần, câu cuối cùng tôi nói để anh em ngưng chat là “Em sẽ trở thành người nổi tiếng chốn hồ đá”. Vậy là tôi chuẩn bị cho lần phỏng vấn tiếp theo của đề tài này.
Mi Thiều

Các bài viết liên quan:

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.