Đời sống kinh tế thời bao cấp ở miền Nam – Kỳ 5: Câu chuyện về hai làng Bình Giã và Xuân Sơn

0
819
rCâu chuyện về hai làng Bình Giã và Xuân Sơn là câu chuyện đã được chú T viết ra trước đây, để góp tiếng nói của mình trong việc yêu cầu các đại biểu của Đại hội Đảng lần VI cần phải lưu tâm hơn đến việc đổi mới. Câu chuyện là một sự so sánh sự phát triển kinh tế của hai vùng đất gần kề nhau trong hai giai đoạn khác nhau của đất nước. Sự so sánh này không nhằm ca ngợi bên này hay bên kia, nhưng là một cố tình để mọi người thấy đâu là nguyên nhân thật sự của một  nền kinh tế đang chết và cùng nhau tìm cách phục hồi nó. 


Trước khi nghe câu chuyện ở hai làng Bình Giã và Xuân Sơn, có lẽ tôi nên giới thiệu sơ qua đôi chút về hai làng này. Theo lời kể của chú T, hai làng Bình Giã và Xuân Sơn ngày nay thuộc  tỉnh Bà Rịa. Trước kia, Bình Giã là khu tập trung của dân di cư ngoài Bắc vào Nam lập nghiệp năm 1954 dưới thời Ngô Đình Diệm. Xuân Sơn là một vùng kinh tế mới của cư dân quận 10, thành phố Hồ Chí Minh. Chú T cho biết, ngày đó, những đối tượng bị bắt buộc phải đi làm ở vùng Kinh tế mới do nhà nước quản lí là những người không có công ăn việc làm ở thành phố, và những người trước kia theo chế độ cũ. Như đã nói, Bình Giã và Xuân Sơn là hai vùng đất nằm kế cận nhau. Trước đây, khu vực này là rừng. Sau khi được khai hoang và có cư dân sinh sống, cả hai vùng này đều là những vùng đất màu mỡ, một trong những điều kiện tốt để phát triển kinh tế. Cũng vì lí do trên mà chú T chọn hai vùng này để có một sự so sánh khách quan. Câu hỏi đầu tiên khi chú T đi qua hai vùng đất này là tại sao lại có hai vùng đất nằm gần nhau, có những điều kiện tự nhiên như nhau mà lại có sự khác nhau rất lớn về đời sống kinh tế của người dân? Trong khi Bình Giã là một khu vực khá phát triển thì gần bên nó, Xuân Sơn lại đang lâm vào một tình cảnh vô cùng khó khăn, đến nỗi người dân muốn sống phải tìm đường trốn khỏi nơi này. Điều gì đã làm cho Bình Giã và Xuân Sơn khác nhau như vậy? Với câu hỏi được đặt ra đó, chú T tìm câu trả lời bằng cách tìm hiểu về lịch sử cũng như tình hình kinh tế của hai vùng đất này. 


Việc so sánh của chú T bắt đầu với hai mốc thời gian gắn liền với hai chế độ khác nhau, đó là thời Ngô Đình Diệm và thời của nhà nước ta sau ngày giải phóng. Chú T cho biết, ở Bình Giã, khi Ngô Đình Diệm tiếp quản vùng đất này, ông hứa sẽ nuôi dân (tức chu cấp cho dân một số những điều kiện cần thiết) trong vòng sáu tháng. Sau này, ở Xuân Sơn, khi nhà nước quản lí vùng đất này, nhà nước cũng đã hứa sẽ nuôi dân trong hai năm. Thời gian giữa sáu tháng và hai năm đã là một sự so sánh cho thấy có sự chênh lệch rất lớn. Tuy nhiên, với tất cả những điều kiện ấy, Bình Giã thì tiếp tục phát triển còn Xuân Sơn thì ngày càng gặp khó khăn. Nguyên nhân là do đâu?
Vào năm 1954, ở Bình Giã, trong sáu tháng đầu, chính quyền Ngô Đình Diệm cung cấp cho mỗi hộ gia đình 700 đồng cùng với một cây cưa, một con dao phát rừng, một cây búa và mấy kí đinh. Sau khi khai hoang vùng đất, người dân ở đó thường chia đất thành từng lô. Người ta cũng thành lập khu dân cư và canh tác trên đất rừng khai hoang. Trong quá trình khai khẩn rừng hoang, người dân ở đây đã phân loại các loại cây. Cây nào to người ta để dành làm nhà hay xẻ ra làm gỗ, cây nào nhỏ thì dùng làm củi, cây nào cứng không làm củi được thì người ta đốt làm than. Khi thu góp được số lượng củi than nhiều, người dân bắt đầu chuyển lên xe đò đem về Sài Gòn bán. Với số tiền kiếm được, họ có thể mua thức ăn, quần áo, các nhu yếu phẩm hằng ngày. Ngoài ra, họ còn có dư tiền để mua các loại giống cây trồng như khoai, bắp, đậu,… Sau khi mua những giống cây trồng này về, người dân chỉ cần gieo xuống. Khoảng sáu tháng sau, họ có thể thu hoạch một số các loại cây để làm lương thực cho con người, cũng một số loại vật nuôi như heo, gà, vịt,… Như vậy, chỉ với những thứ được cung cấp và một số tiền trong sáu tháng đầu, người dân ở Bình Giã đã bắt đầu có thể khai thác được rừng để làm nhà và trao đổi số cây, củi còn dư để mua những loại giống cây trồng, chăn nuôi một số động vật để cung cấp lương thực cho cộng đồng mình. Sáu tháng sau, khi không còn sự hỗ trợ của chính quyền, người dân đã có thể tự lập để sống và tiếp tục phát triển nền kinh tế của mình.
“Trong khi Bình Giã là một khu vực khá phát triển thì gần bên nó, Xuân Sơn lại đang lâm vào một tình cảnh vô cùng khó khăn” (ảnh minh họa) – Nguồn: Internet
Còn ở Xuân Sơn thì sao? Qua tìm hiểu, chú T cho biết sau ngày giải phóng năm 1975, việc khai khẩn rừng và các chính sách của nhà nước dành cho Xuân Sơn không khác gì với Bình Giã trước kia, thậm chí còn nhiều hơn vì họ được nhà nước hứa nuôi trong hai năm. Ở khu vực này, người dân cũng chia đất thành lô, cũng thành lập khu dân cư, cũng khai khẩn rừng để lấy củi. Những bước cơ bản ban đầu của Xuân Sơn theo nhận định của chú T không có gì khác với Bình Giã trước đó. Tuy nhiên, có một điều khác cơ bản, và có thể xem là nguyên nhân làm cho nền kinh tế ở Xuân Sơn bị tê liệt, là vì người dân không thể trao đổi các sản phẩm họ làm ra với bên ngoài.
Nếu người dân Bình Giã khởi đầu từ việc bán than củi để đổi lấy lương thực, giống cây trồng vật nuôi và cứ tiếp tục vòng xoay ấy cho đến khi tự lập với kinh tế của mình; thì ở Xuân Sơn, tình hình gần như đi ngược lại. Các trạm kiểm soát của nhà nước, thứ mọc lên nhan nhản trong thời kì bao cấp, đã tạo ra một cản trở vô cùng to lớn đối với việc trao đổi hàng hoá trong dân cư. Chú T nói, vì các trạm kiểm soát này mà người dân không thể đem bất cứ cái gì ra khỏi địa phương của mình. Không được tự do như thời Ngô Đình Diệm trước đó và như thời mở cửa sau này. Thời bao cấp muốn đem hàng hoá ra khỏi ấp đã khó chứ đừng nói mang ra khỏi tỉnh hay thành phố.
Mục đích của các trạm kiểm soát này là để ngăn cản sự trao đổi buôn bán tự do trong nhân dân. Chính nhà nước sẽ thu mua các loại sản phẩm do người dân làm ra rồi phân phối đến các cửa hàng. Tuy nhiên, lúc đó người ta thường không hiểu hàng hoá đi đâu hết và hình như chỉ có người có chế độ mới được mua. Người ta không biết làm gì hơn là nói đùa với nhau câu “cửa thì có mà hàng thì không”. Cửa hàng thì có rất nhiều, nhưng bên trong thì lại không có gì cả. Những mặt hàng cần thiết thì người dân không mua được, còn những loại hàng được bán tự do hơn một chút thì chẳng ai muốn mua. Chú T nói, lúc đó, hàng hoá không bao giờ được bán theo đúng nhu cầu của mình. Cái gì thiếu thì cực kì thiếu, còn cái gì dư thì không biết phải bỏ đi đâu cho hết. Chú T kể trường hợp của chú là cán bộ của Ủy ban nhân dân thành phố, theo chế độ mỗi năm, người ta cho chú hai miếng vải quần, còn áo thì tự lo. Năm nào khấm khá lắm mới được một bộ quần áo, tức một cái áo và một cái quần. Người ta chỉ cho vải còn mình phải tự lo may. Năm nào tốt hơn nữa thì được một cái quạt  bàn. Chú nói, không biết phải mất bao nhiêu năm và với nhiều cống hiến như thế nào thì mới có được cái chế độ ấy.  Đối với nhiều người, chế độ như vậy đã là rất ưu đãi.
 Phân tích của chú T về tình hình kinh tế trong câu chuyện của hai làng Bình Giã, Xuân Sơn và cảnh tượng dư thiếu hàng hoá một cách khổ sở ngày đó lại một lần nữa cho thấy những cản trở của việc “ngăn sông cấm chợ”. Bức tranh vẽ về cái cảnh tượng oái ăm này, các mảnh của nó khi ghép lại càng nhìn càng cảm thấy nhức nhối. Tuy nhiên, thời gian ấy đã trôi qua, cái gì đã xảy ra thì đã xảy ra. Chúng ta không thể quay về quá khứ để làm một cái gì khác. Dù sao lịch sử có những giá trị riêng của nó, nhắc lại những điều này không phải là để phê bình hay kết tội. Tất cả các kí ức về một thời kì lịch sử đó đã để lại cho người Việt Nam, cả những người trong cuộc và những thế hệ đi sau được trải nghiệm về một bài học quý giá. Một bài học theo tôi không phải lúc phải lúc nào người ta cũng có thể tìm thấy trong sách vở.

Ngọc Lưu
Các bài viết liên quan:

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.