Đời sống kinh tế thời bao cấp ở miền Nam – Kỳ 4: Trên đường đi công tác

0
1724
Khi được hỏi trong thời kì Bao cấp điều gì làm cho chú nhớ nhất, chú T đã kể cho tôi nghe về một câu chuyện, câu chuyện mà bản thân chú cho là biểu hiện rõ nhất của hình ảnh “ngăn sông cấm chợ” đã diễn ra ở Việt Nam lúc bấy giờ. Chú T cho biết để lo nguyên liệu cho ngành tiểu thủ công nghiệp, chú đã đi tới tỉnh Đồng Nai công tác với tư cách là cán bộ Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. 
 
Khi xuống tỉnh Đồng Nai, chú trình giấy giới thiệu cho Sở Ngoại thương tỉnh, xin về khu vực có rừng để tìm và khai thác cây lá buông. Trên đường đi qua hai vùng Xuân Sơn và Bình Giã (bây giờ thuộc tỉnh Bà Rịa), chú nghe người dân địa phương nói ở đây có nhiều cây lá buông nên quyết định đi một chuyến tìm hiểu. Khi đến Xuân Sơn, chú đã gặp bốn người bị trói cả tay và chân nằm dưới đất. Lúc đó, mặc dầu có hai anh công an đi theo bảo vệ nhưng chú vẫn cảm thấy hơi sợ vì nghĩ rằng đó là tàn quân của Ngụy. Đến lúc hỏi thăm chú mới biết, những người này không phải là tàn quân mà chính là người dân ở đây. Vì họ trốn về thành phố mua thuốc sốt rét nên mới bị bắt trói như vậy. Chú T nói, đó là cảnh tượng đầu tiên làm cho chú phải suy nghĩ nhiều trong suốt chuyến đi công tác lúc đó.
Một điều khác cũng làm cho chú suy nghĩ không kém trong chuyến công tác này là một cảnh tượng diễn ra vào ngày cuối cùng khi chú kết thúc việc tìm cây lá buông và rời Xuân Sơn. Chú kể lúc đó đi công tác về, khi chú lên xe thì tự nhiên bà con dạt ra hai bên để nhường ghế cho chú. Chú T không biết nguyên nhân vì sao người ta lại thể hiện sự tôn trọng chú như vậy. Tuy nhiên, sau một lúc suy nghĩ chú nhận ra nơi mình có một chút gì đó khác họ. Trong chuyến công tác đó, chú T  đội một cái nón cối mới, chân đi dép râu nhưng không phải dép thường mà là dạng dép đúc (do các anh trong Tổng công ty mây, tre, lá ở Hà Nội tặng). Chú lại nói giọng Bắc và có hai người đi theo bảo vệ. Bấy nhiêu căn cứ đó cũng đủ làm cho người ta nhầm tưởng chú là cán bộ ở ngoài Bắc vào. Rồi chú thấy tự nhiên người ta ném những bao như bao cát xuống trước mặt chú khi đến trạm kiểm soát. Chú T nói lúc đó chú không biết những bao này là bao gì. Khi mấy anh du kích hỏi “Cái này của chú hả?” chú cũng không dám nói. Nhưng nhìn thấy chủ nhân của mấy cái bao nhìn chú với ánh mắt van lơn, thì chú đã gật đầu nhận những bao đó là của mình, dù không biết điều gì sẽ xảy ra. Chú T nói, lúc đó khi gật đầu chú cũng chỉ dám gật nhè nhẹ chứ không dám gật mạnh. 
 
Đợt đó chú cũng vừa biết chuyện ông Đỗ Mười dưới Long An. Ông Đỗ Mười chỉ mới chở một ít tôm mà họ cũng không tha. Họ nói “Ông Đỗ Mười chứ ông Mười Một cũng bắt”. Nghĩ đến điều đó, chú T cảm thấy hơi lo nên chỉ dám gật đầu nhè nhẹ. May mắn là đội du kích lúc đó cũng lầm chú là cán bộ ngoài Bắc vào nên cũng dễ dàng cho qua. Điều đáng nói là sau khi chú đã đi khỏi trạm kiểm soát chừng 100 m, quay đầu lại chú thấy bà con quỳ xuống lạy chú. Chú rất ngạc nhiên vì mỗi người chỉ có một cái bao như bao cát mà tại sao họ lại tỏ ra cảm động như vậy. Về sau, chú mới biết những cái bao đó đựng các loại đậu đen, đậu xanh mà người dân đã trồng được. Chú T hiểu tại sao người ta lại quăng những cái bao đó xuống trước mặt chú và nhìn chú với ánh mắt van lơn, rồi sau khi vượt qua trạm kiểm soát họ lại lạy chú. Người ta muốn cám ơn chú vì nhờ chú mà hàng hóa của họ qua được trạm kiểm soát an toàn. 
 
Sự kiện này và cả sự kiện trước đó – thấy những người bị trói lại chỉ vì trốn vào thành phố để mua mấy viên thuốc sốt rét – đã được chú T viết lại theo yêu cầu của ông  Nguyễn Văn Linh. Chú viết những điều này để làm cơ sở cho yêu cầu được “đổi mới”, điều mà sẽ được bàn đến trong Đại hội Đảng lần VI. 
 
Trong quá trình mô tả về hai sự kiện diễn ra trước mắt mình trong chuyến công tác, chú T đã phân tích để thấy được việc cần thiết phải bãi bỏ các trạm kiểm soát như thế nào. Chú T đặt một câu hỏi lớn cho nền kinh tế nước nhà lúc bấy giờ là “Ai giết ta?”. Và những cảnh tượng đang diễn ra trước mắt chú nói cho chú biết rằng: “Không ai giết ta cả mà là tự ta, ta giết ta”. Khi nhìn thấy người dân có thể làm ra các sản phẩm nông nghiệp nhưng không có cách nào mang ra khỏi ấp của mình để trao đổi với các loại hàng hoá khác, chú hiểu rằng nền kinh tế của nước ta và người dân của ta đang đi vào con đường chết. Người dân trồng ra được đậu xanh, đậu đen, ngô, sắn,… Họ cần phải đem về Sài Gòn bán lấy tiền mua những thứ khác như đồ ăn, thức uống, thuốc men,… Họ cần phải sống với những trao đổi cơ bản đó. Tuy nhiên, những trạm kiểm soát của nhà nước được dựng lên đã cản trở tất cả những điều đó. Người ta làm ra sản phẩm rồi để đó hoặc bán cho nhà nước với giá rất thấp. 
 
Chú T nói ngày đó nếu ai có thể mang đậu xanh vào thành phố Hồ Chí Minh bán, họ có thể bán một ký đậu với giá năm đồng. Nhưng nếu bán cho nhà nước, họ chỉ nhận được khoảng năm cắc, hai hào và mấy xu. Với giá mua này, không ai có thể sống nổi nếu không nhận được thêm một sự trợ cấp nào khác. Làm sao để đem được hàng  ra khỏi cái ấp của mình? Phải qua bao nhiêu trạm kiểm soát mới có thể đưa hàng về thành phố? Người dân lúc bấy giờ loay hoay với hàng hoá và những nhu cầu sống thiết yếu của mình. Việc “ngăn sông cấm chợ” không sớm thì muộn cũng làm cho lòng dân nổi giận. Chú T nói đó là lí do vì sao trong thời gian đó các vụ bắn phá trạm kiểm soát xảy ra thường xuyên, làm chết không biết bao nhiêu người. Nên việc cứu sống dân cũng là cứu sống nền kinh tế nước nhà. Theo chú T, nhà nước cần phải bãi bỏ ngay các trạm kiểm soát.
Bản thân tôi không sống vào thời đó để  trực tiếp thấy cảnh “ngăn sông cấm chợ” gây khó khăn cho người dân như thế nào. Tuy nhiên, với những câu chuyện được nghe chú T kể, tôi cảm thấy rằng: sau dấu mốc vĩ đại của ngày 30/4/1975 như dấu chứng của sự thống nhất đất nước, có lẽ Việt Nam cần được thống nhất thêm nữa về thị trường. Sự thống nhất mà tôi muốn nói tới là việc cần thiết phải phá bỏ các trạm kiểm soạt để không còn sự ngăn cách giữa ấp này với ấp khác hay giữa các tỉnh thành với nhau nữa. Chỉ phá bỏ việc “ngăn sông cấm chợ” lúc bấy giờ, Việt Nam mới có thể nói được rằng mình đã được thống nhất một cách thật sự.
Ngọc Lưu
Các bài viết liên quan:

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.