Sống với Thời bao cấp

0
1699
Ngỡ ngàng khi được gặp lại những chiếc bát sắt tráng men, một dải tem phiếu hay một cục đá khắc tên chủ nhân từng được dùng để xếp hàng cách nay 40 năm trong một không gian có một không hai ở Hà Nội.
 Đã 6 năm kể từ khi Bảo tàng dân tộc học gây tiếng vang với cuộc triển lãm có một không hai về Hà Nội thời bao cấp khiến cho hàng vạn người đã từng nếm trải những đắng cay của cái thời khó khăn ấy xúc động. Khi cuộc sống đã đủ đầy hơn, hoài niệm về một Hà Nội thời bao cấp lại càng hiện về rõ rệt, với những người từng sống qua giai đoạn đó.
Tình cờ trong một cuộc trò chuyện với họa sĩ Quách Đông Phương gần đây tôi biết được một người bạn của anh đang kỳ công tái hiện lại một không gian thời bao cấp của Hà Nội xưa. Ý tưởng thì đã có từ cách đây vài năm nhưng chỉ khi có được sự hỗ trợ nhiệt tình của những người bạn đều sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nay đã đến ngưỡng tuổi 50 như Quách Đông Phương, Lê Thiết Cương… anh Minh mới hiện thực hóa được giấc mơ ấy. Biết anh có ý định dựng lại 1 không gian HN thời bao cấp nên nhiều người đã đến tặng lại anh những món đồ mà họ đã lưu giữ mấy chục năm nay.
Chiếc xe đạp Vĩnh cửu được treo trên tường
 “Đó là một thời để nhớ, một thời để quên. Có người muốn quên đi một quá khứ đau khổ. Có người muốn nhớ lại một thời khó khăn. Với tôi, thời bao cấp đã để lại những kỷ niệm sâu sắc. Tôi muốn có một nơi để những người từng trải qua thời ấy, trong đó có tôi, nhớ lại 1 thời khó khăn. Một nơi để thế hệ sau tìm hiểu xem cha mẹ chúng đã sống qua một thời thế nào”, anh Minh nói. Căn nhà cổ nằm ở một con phố nhỏ khá lắt léo đón tiếp chúng tôi với một tấm biển nền màu xanh do họa sĩ Quách Đông Phương kẻ cùng chiếc xe đạp cũ treo ngược trên tường. Bước vào bên trong, một không gian Hà Nội thời bao cấp hiện lên rõ rệt qua các vật dụng trong nhà. Một chiếc xe đạp Vĩnh Cửu được anh Minh treo gần tấm biển kẻ dòng chữ: “Ở đây tai vách mạch rừng những điều bí mật xin đừng nói ra” vốn được người HN truyền tai nhau thời bao cấp được tái hiện lại qua nét vẽ của họa sĩ Quách Đông Phương.
Những khẩu hiệu thời bao cấp thế này khiến nhiều người trẻ bật cười
Những ô cửa được đục không phải lấy không khí hay ánh sáng bên ngoài mà là để đóng khung lắp kính bày biện đủ thứ đồ trong đó. Một hòn đá khắc tên nhà nghiên cứu Hán Nôm nổi tiếng Mai Xuân Hải từng được ông dùng để xếp hàng mua lương thực từ năm 1973-75 cũng xuất hiện trong không gian này, trong một ô kính với hình ảnh của những chiếc tem phiếu thời bao cấp. Anh Minh kể khi còn nhỏ, là con út trong nhà nên anh thường xuyên phải ra khu vực Nhà Thờ, sau đó là Tôn Đản xếp hàng từ sáng sớm để đổi tem phiếu lấy lương thực cho cả nhà.  Thời ấy mỗi dịp giỗ tết hay có việc cần ăn tươi thì mọi người phải cắt cử nhau xếp hàng từ tờ mờ sáng ở cửa hàng lương thực, đợi cửa mở là xô nhau vào mua, chẳng khác gì việc các bậc phụ huynh xếp hàng đêm hôm để chen chân vào nộp đơn xin cho con vào mẫu giáo hay trường Thực nghiệm ở Hà Nội vừa rồi. Người ta dùng gạch, đá, dùng nón, dùng rổ rá… bất cứ cái gì có thể được để xếp hàng lấy chỗ. Vất vả là thế nhưng có người đến lượt thì đã hết hàng. Vì thế ngày trước ai có người nhà hay người quen làm ở các cửa hàng lương thực, ăn uống là nhất. 
Hòn đá từng được nhà nghiên cứu dùng để xếp hàng khi còn sống.
Thời bao cấp không phải cứ có tiền là muốn mua gì cũng được, hàng hóa cũng chẳng tràn lan như bây giờ. Tiêu chuẩn cho mỗi công nhân đi làm chỉ được 4m vải/năm. Nếu được tiêu chuẩn 3 lạng thịt thì nhiều người đổi lấy sườn hay thịt thủ để được thành 6 lạng. Gạo chỉ được đong theo tiêu chuẩn nên cơm thường phải độn thêm mì và ăn cơm với bo bo, khoai, sắn là rất phổ biến. Thời ấy nhà nào có tiền mua gà về ăn phải đóng chặt cửa làm lông trong nhà, xong phải giấu mà đổ đi. Gà cũng không được dùng dao chặt mà phải dùng kéo cắt vì sợ hàng xóm nghe thấy tiếng lại bảo là tiểu tư sản.   Tiêu chuẩn cũng rất rõ ràng, mỗi gia đình một tháng chỉ được 3kg đậu, tem phiếu loại E thì được 1,2 kg thịt, loại C được 1,8-2kg… Thịt, cá, đường, mắm đều phải đổi bằng phiếu. Một phiếu thực phẩm loại B phát hành năm 1979 của Bộ Nội thương có “thịt lợn 5kg, thịt bò 1kg, gia cầm 1 con, đậu phụ 2kg, lòng lợn 2đ, cá tươi 3kg, trứng 20 quả”. Khi ấy những chiếc bát sứ đen xì, sứt mẻ, sần sùi và nặng trịch hay những chiếc bát sắt tráng men được dùng để đựng thức ăn. Vật dụng quen thuộc với các gia đình thời bao cấp này cũng xuất hiện trong không gian riêng của anh Minh nhưng đều được làm mới.
  
  Thời tem phiếu
Đến đây, người ta còn bắt gặp hình ảnh một chiếc cốc thủy tinh từng thuộc sở hữu của bà Nguyễn Thị Vinh, cựu nhân viên quầy bia Cổ Tân (điểm uống bia hơi nổi tiếng thời bao cấp ở khu vực Tràng Tiền) hay một chiếc ca tráng men từng được họa sĩ Lê Thiết Cương dùng để đựng bút vẽ. Những chiếc chụp đèn tráng men, một chiếc đài cổ, một cái quạt tai voi, một chiếc cân quen thuộc ở các cửa hàng lương thực vài chục năm trước hay một chiếc tivi National cửa lùa với cái vỏ to tướng, những chiếc chân máy khâu được dùng làm chân bàn… tất cả đều có ở đây.Anh Minh bảo quá trình sưu tập những món đồ thời bao cấp này không phải dễ bởi không phải ai cũng còn lưu giữ nó, trong khi anh lại sở hữu không nhiều. Chính vì vậy anh phải nhờ đến sự trợ giúp rất nhiều từ bạn bè, mà chủ yếu là từ Vinh Tân đảo, người sở hữu rất nhiều món đồ thời bao cấp và được biết đến nhiều với quán cafe xe cổ ở phố Hàng Bún. Trong khi Vinh tân đảo giúp anh Minh tập hợp những món đồ thời bao cấp thì họa sĩ Lê Thiết Cương lại tặng cho anh bộ ảnh chụp Hà Nội thời bao cấp của nhiếp ảnh gia người Thụy Điển Eva Lindskog.
  Chiếc ca tráng men của họa sĩ Lê Thiết Cương
Đến Việt Nam lần đầu vào năm 1975 và có nhiều năm sinh sống, học tập ở Hà Nội, Eva Lindskog đã ghi lại những hình ảnh đặc sắc về cuộc sống ở Thủ đô thời bao cấp với cảnh đeo bám quen thuộc trên những chiếc tàu điện, phương tiện công cộng rất quan trọng ở Hà Nội thập kỷ 1970 – 1980, cảnh hàng chục người tập trung ở ngoài một tòa nhà ở Hà Nội để nhận giấy tờ xuất cảnh, cảnh ăn cơm bụi trên hè đường Hà Nội đầu thập kỷ 1980… Họa sĩ Lê Thiết Cương đã mua bản quyền những bức ảnh này với giá 500 USD (khoảng 10 triệu đồng) sau khi Eva Lindskog tổ chức triển lãm “Còn & mất” tại Gallery 39 Lý Quốc Sư của Anh hồi tháng 3/2011, và tặng lại cho anh Minh.  
 
Những bức ảnh chụp HN của Eva Lindskog được họa sĩ Lê Thiết Cương mua lại và tặng cho anh Minh để trưng bày trong không gian của mình.
Cùng ghé không gian đặc biệt này để nhìn lại những vật dụng quen thuộc của thời bao cấp 
Hạnh Phương
Ảnh: Nguyễn Hoàng (theo Vietnamnet.vn)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.