Chuyện học hành thời bao cấp

0
1179

BTKUXH – Hôm rồi một nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ về nhân học giáo dục có đến nhờ Bảo tàng Ký ức xã hội tìm giúp tài liệu liên quan đến giáo dục ở Việt Nam thời kỳ bao cấp. Hiện tại kho lưu trữ của BTKUXH chưa có một thông tin nào liên quan đến giáo dục thời kỳ bao cấp ở Việt Nam nên đành hẹn bạn dịp khác nếu có sẽ chia sẻ. Nhưng tự nhiên tôi nhớ thời kỳ học tiểu học của tôi (thời đó gọi là học sinh cấp 1).

Thời đó, gia đình nào cũng nghèo, tụi học trò chúng tôi đến đầu năm học không được cha mẹ được trở đi quần áo mới, sách giáo khoa mới như bây giờ. Thời đó, cứ đến đầu năm học là được nhà trường cho mượn sách. Những quyển sách được lấy từ trong kho nhà trường ra, mùi mốc meo của sách nhưng sao  lúc bấy giờ mình thích cái mùi đó, thấy nó thơm là đàng khác. Mình cứ nhớ mãi mấy bài thơ học thuộc lòng lúc bấy giờ như: “làm anh khó lắm”, “Thương ông”… rồi có cả bài văn hình như “cánh tay khổng lồ” để nói về cái máy xúc đất, rồi hình ảnh ống khói cao chọc trời. Giờ nghĩ lại mấy bài học về nhân bản thấy hay, dễ nhớ, còn mấy bài ca ngợi cho ngành công nghiệp nặng thấy không thân thiện với môi trường cho lắm. Không biết có phải vì mấy bài học đấy mà hệ quả của một thế hệ chúng tôi, và cả những người lớn hơn ít quan tâm đến môi trường sống không?

Nhưng dẫu ký ức về những quyển sách được mượn của nhà trường lúc bấy giờ ấn tượng với tôi. Các quyển sách cứ truyền tay nhau, anh chị truyền sang em, lớp trước truyền lớp sau. Chính vì vậy, ai cũng phải giữ gìn những quyển sách phải cẩn thận, không được ghi tùm lum hay xé sách vở. Vì vậy những quyển sách vẫn giữ được lâu. Một lý do khác nữa thời đó không có các đề án cải cách sách giáo khoa liên tục như ngày nay nên các quyển sách có giá trị lâu dài. Còn ngày nay cứ vài ba năm người ta lại cải cách, các sách giáo khoa cũ lại bị bỏ đi. Một lý do khác nữa là đời sống người dân càng ngày càng khá giả, vật chất dư thừa nên việc học sinh sửa dụng lại sách cũ lại điều “xấu hổ” với bạn bè. Nên mỗi năm NXB giáo dục cứ in với lượng sách mới để phục vụ phụ huynh học sinh. Tôi cứ tự hỏi vậy thì sách cũ ấy để đâu nhỉ? Hàng năm ta phải tiêu tốn bao nhiêu nguyên vật liệu cho việc in ấn sách vở.

Nói đến sách, tôi lại nhớ đến bút, thời đó chúng tôi đi học viết bút mực, chứ không như bây giờ các em viết bút Pi. Mỗi đứa một lọ mực, có đứa nhà nghèo lấy hạt mồng tơi làm mực. Mỗi buổi học về tay đứa nào cũng dính đầy mực tím. Có lẽ vì vậy mà cái tuổi học trò (học sinh cấp 3) lúc bấy gời người ta gọi là tuổi mực tím. Không biết vì vậy mà tờ báo phổ biến cho tuổi học trò lúc bấy giờ gọi là báo Mực tím hay không?

Nói chung thời đó đi học thì khó khăn nhưng có những kỷ niệm thú vị hồn nhiên của tuổi học trò.

Rất mong mọi người chia sẻ những hình ảnh về sách giáo khoa, tài liệu giáo dục thời kỳ bao cấp về kho lưu trữ  baotang.kyucxahoi.com

15.8.2010
Nguyễn Đức Lộc

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.