Còn lại gì từ một thời đói khổ?

0
1069

BTKUXH – Hôm trước có ngồi trà nước hầu chuyện các bố các mẹ, nghe kể chuyện thời bao cấp mà bùi ngùi. Mình sinh ra khi đã đổi mới được gần 5 năm, lớn lên thì bắt đầu bước vào thời buổi kinh tế thị trường nên chẳng biết thế nào là tem phiếu, chậu nhôm Liên Xô, phích nước “Trung Của”, phở tàu bay, magi nước cống, bo bo độn cơm… Đói khổ vất vả bao nhiêu cũng chỉ hình dung qua lời kể của mọi người. Thời ấy đã quá xa nhưng kỉ niệm nhắc lại vẫn nguyên mùi gian khó.

Nhà nước bán vải theo tem phiếu, mỗi năm bán một lần. Xếp hàng chen lấn nhau để được mua vải, rồi vài tuần sau cả xóm mặc đồng phục, con zai mặc áo hoa tim tím của con gái là chuyện bình thường.

Gạo đong theo sổ (vậy nên mới có câu “mất sổ gạo”), khốn nỗi không phải lúc nào cũng có đủ gạo nên thường xuyên bị thay bằng ngô, sắn, bo bo (ý dĩ), mì sợi. Nồi cơm 1 phần gạo 3 phần sắn, ngô, bo bo. Gạo cho vào chỉ để hợp thức hóa cái danh nồi cơm, mở nắp vung chỉ thấy toàn mùi ngô mùi sắn. Tháng nào phải đong mì kèm gạo mà rơi vào mùa đông thì con nít sướng lắm, lại mang mì ra rang hơi chay cháy rồi bỏ thìa đường cho nó chảy ra quện vào với nhau. Lấy tờ giấy vở cuộn lại đổ mì vào, mỗi đứa một phong vừa đi vừa ăn công cốc. Ngon!!!

Đi kiếm vợ thì có cái xe Phượng hoàng là oách ngang Lexus bây giờ. Chăm xe đạp hồi đấy cũng cầu kỳ cẩn thận, có khi còn hơn ô tô thời nay, lau bóng lộn, xì hơi lốp treo lên. Xe đi lốp săm có rách nát thì vá chằng vá đụp, đến khi không thể vá được nữa thì lấy dây cao su buộc vào, bởi săm lốp cũng mua theo tem phiếu…

Đám cưới cô dâu chú rể ôm hoa lay ơn, có áo dài là lịch sự lắm, bằng không thì mặc áo phinnon và quần xoa ống xéo. Khách đến dự đem quà mừng là chậu nhôm LX phích nước TQ bọc giấy điều đỏ, thi thoảng có quạt máy con cóc, nhưng để có một món quà thì cả cơ quan phải góp chung. Ngày hạnh phúc giản dị đến nao lòng…

Ngày ấy VIP nhất là những ai làm bên thương nghiệp, nhà nào có người như thế thì chẳng bao giờ phải lo chuyện ăn mặc, đúng nghĩa với câu “Một người làm quan cả họ được nhờ”.

Đến cái đài, ai có cũng phải đăng kí với chính quyền. Xe đạp cũng phải đăng kí và được đeo biển số.

Khẩu hiệu ở mậu dịch thời bao cấp:
– VUI LÒNG KHÁCH ĐẾN – VỪA LÒNG KHÁCH ĐI (Mậu dịch viên gắt như mắm thối)
– CÂN ĐONG ĐO ĐẾM ĐỦ ĐẦY
TIÊU CHUẨN ĐẠO ĐỨC CHÚNG TA GHI LÒNG
(Nói chung thịt, gạo, dầu… cho trẻ con, ông bà già mắt kém đi mua thường là thiếu)

Mỗi bận Tết đến, bố vẫn nhắc đến pháo hoài vì nhớ tiếng pháo đì đùng đêm ba mươi và sáng mùng một, nhớ xác pháo rụng đỏ đường. Mặc dầu đến năm 1994 nhà nước mới cấm pháo, nhưng lần nào kể về thời bao cấp bố vẫn thường chép miệng “Hồi trước ngày Tết…..”

Thật sự, thời bao cấp vật chất rất khổ nhưng:
– Trẻ con ra đường không lo bị bắt cóc tống tiền, chẳng may bị lạc thế nào cũng được đưa về.
– Đi học không phải học thêm, không phải đi chùa thầy, không phải đóng góp đủ các loại tiền, không phải năm nào cũng mua SGK…
– Đường không đông, phố không khói bụi, cây cối nhiều, vườn hoa có hoa có cỏ, có giun có dế….. tệ nạn xã hội ít, bị bắt (dù là tội gì) cũng xấu hổ vô cùng.
– Thời bao cấp ngưòi béo rất hiếm hoi – người béo vì bị bệnh chứ không ai béo vì ăn cả (có gì để ăn đâu, đói quanh năm mà), bạo hành trong gia đình hiếm, con người không dã man độc ác như bây giờ (hoặc có nhưng khi ấy bố mẹ mình còn nhỏ nên không nhận ra).
– Chế độ một vợ một chồng được tôn trọng, bảo đảm (cơ quan chính quyền mà biết thì hết đời, cạn đường phấn đấu)
………………

Putin nói: “Ai không nhớ Liên Xô người đó thiếu tấm lòng, ai muốn quay lại thời Liên Xô người đó thiếu đầu óc”. Cũng có thể nói như vậy về “bao cấp”. Tất cả chỉ là nhớ lại thời đã qua còn nếu bảo quay lại thời ấy thì không ai dám theo, bởi hậu quả của nó nếu là sự thật thì chẳng ai dám phát biểu. Thương nhất bố mẹ (giờ là ông bà mình), khổ sở lo toan đủ đường cho cả đại gia đình. Nhà ngoại thì làm chài kiêm buôn chuyến, lúc nào cũng nơm nớp lo bị thương nghiệp hỏi đến. Nhà nội làm nông, ông lúc nào cũng lo trữ thóc trong nhà vì sợ bị đói. Mỗi lần ngồi hầu chuyện, bố mẹ và các bác sau khi kể hết những kỉ niệm cả vui cả buồn thường sẽ quay sang đe con cháu, thời bố mẹ khổ thế nhưng vẫn thành đạt nên người, giờ chúng mày đủ đầy mà hư hỏng thì phí, phí lắm con ạ.

Còn lại gì từ những năm tháng gian nan ấy, ngoài những kỉ niệm, những lời răn dạy con cháu và nỗi tiếc nuối về cái tình người chân phương đã nghèo đi cùng với nhịp phát triển của cơ chế thị trường?

15.8.2010
Dạ Hương (Hà Nội)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.