Tự sự về nỗi đau, sống còn và trách nhiệm (kỳ 2)

0
889
Câu chuyện của bà Hồng
Tôi gặp bà Hồng tại nhà riêng ở Biên Hòa, một thành phố đang công nghiệp hóa và phát triển nhanh chóng nằm cạnh sông Đồng Nai, gần Sài Gòn cũ, nay là Thành phố Hồ Chí Minh. Trước đây, Biên Hòa từng là căn cứ quân sự lớn của Pháp (1), sau đó chuyển thành một căn cứ không quân chính của Mỹ, một trong những trung tâm điều hành chính trong chương trình “Ranch Hand” — từ 1961 đến 1971 chịu trách nhiệm rải chất diệt cỏ và chất làm rụng lá nồng độ cao, với khoảng 2/3 số lượng bị nhiễm dioxin. Căn cứ này là nơi có 7500 galông (28.388 lít) hóa chất bị chảy ra và các nhà nghiên cứu điều tra đang nghi ngờ có thể là nguyên nhân tăng tỷ lệ ung thư, rối loạn thần kinh và dị tật bẩm sinh trong vùng nằm cạnh một hồ nước mà nước nguồn bị ngấm chất độc này (2).
Nhà của bà Hồng nằm cách xa những đường phố chính của thành phố, trong một con ngõ nhỏ nằm giữa hai cửa hàng, cuối một con hẻm chật hẹp chen chúc những căn nhà tường trát xi măng, lợp tôn. Chúng tôi ngồi trên một chiếc xa lông dài bọc nhựa và ghế kê cạnh một chiếc tủ buýp-phê đơn giản, trên tủ đặt bàn thờ tổ tiên. Một chiếc đàn thập lục treo ở góc phòng, bên trên một bàn thờ Ông Địa đặt trên mặt đất. Một ấm trà nhỏ màu trắng và bộ chén trà in hình hoa hồng được đặt trên chiếc bàn nhỏ – một đồ đạc chính còn lại của căn phòng. Trong cuộc chuyện trò, tôi và bà Hồng chợt nhận ra rằng chúng tôi trạc tuổi nhau, cả hai đều có các con gái đầu lòng, sinh cùng năm – những điểm tương đồng này đã liên kết chúng tôi song cũng nhấn mạnh những điểm khác biệt giữa chúng tôi.
Trong cuộc phỏng vấn mà tôi sẽ phân tích sau đây, mặc dù tôi đã hiệu đính lại bài phỏng vấn này để cho câu chuyện có đầu có đuôi, tôi đã hết sức cố gắng trung thành với những điệp khúc lúc thì trầm ngâm, khi thì ngập ngừng và lập đi lập lại của câu chuyện này vì nó phản ánh những bước đi dọ dẫm của chúng tôi để tiến tới hiểu nhau hơn.
“Bà muốn biết về hoàn cảnh gia đình tôi, về cuộc sống của chúng tôi, về sự thật là tại sao chúng tôi vẫn phải chịu tình cảnh như hiện nay”, Bà Hồng bắt đầu kể. “Hãy để tôi nhắc là ở Việt Nam, người Việt Nam đã phải trải qua quá nhiều cuộc chiến tranh – và gia đình tôi cũng vậy… gia đình tôi đã phải sống rất chật vật, khó khăn. Chúng tôi đã sống và chiến đấu trên mảnh đất quê hương mình…. Từ đời ông tôi đến đời tôi, tất cả đều tham gia … chúng tôi gọi là… (“bảo vệ đất nước” một bác sĩ của Hội Chữ Thập đỏ nhắc, khi Bà Hồng ngập ngừng) (3) … bảo vệ đất nước. Đó là… từ thế hệ cha mẹ cho đến các anh chị tôi, tất cả họ, cả gia đình đều tham gia bảo vệ đất nước.
“Cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc có những điều tốt và có cả những điều mất mát cho bản thân tôi, và kết cục là tôi bị mắc một số bệnh và chính gia đình tôi trở thành những người tàn tật do hậu quả chiến tranh để lại. Ví dụ, bố chồng tôi thường xuyên bị đau nhức, ăn kém và bị liệt. Tất cả các em ruột của tôi đã chết vì bệnh tật, tất cả các em tôi. Chỉ còn lại mình tôi, đang sống ở đây… và đó cũng là nhờ sự quan tâm và chăm sóc của Đảng và Nhà nước và nhân dân…. Nếu không, tôi đã không qua khỏi từ lâu rồi.
“Vào năm 1992, có một đoàn y tế về khám bệnh. Sau khi kiểm tra sức khỏe, tôi mới biết mình đang mắc nhiều căn bệnh. Căn bệnh thứ nhất được phát hiện là viêm gan… Nhà nước đã chăm sóc cho tôi. Nhưng sau đó, căn bệnh này đã biến chứng sang viêm lá lách, nhiễm trùng, và phải cắt bỏ lá lách”. Sau đó bà Hồng bị loét dạ dày và viêm tủy. Tiếp đó, cả hệ tiêu hóa của bà bị trục trặc, huyết áp cao và một căn bệnh đã khiến đôi chân bà thỉnh thoảng lại trở nên tái xám. Bà bị điếc một bên tai do sức ép của bom và tiếng nổ của pháo, và hiện nay bà chỉ nhìn thấy lờ mờ. “Về tình hình sức khỏe của tôi”, bà nói tiếp, “là thế đấy. Tháng nào cũng phải đi viện, không sót tháng nào, và mua thuốc. Sức khỏe tôi hiện nay là thế đó”.
“Còn về hoàn cảnh kinh tế… Tôi sẽ giải thích cho bà như thế này. Trước đây, tôi làm việc nhà nước. Nhưng sau đó vì sức khỏe kém, tôi phải về hưu, ở nhà và sống bằng lương hưu. Tôi bị cụt một tay, những tôi vẫn cố gắng thêu, may và buôn bán lặt vặt. Chúng tôi đã làm tất cả những gì có thể để kiếm sống. Nếu chúng tôi muốn tồn tại, chúng tôi phải tự lo và chăm sóc bản thân mình. Đây,” bà nói, và quay sang chồng, “ông hãy cho bà ấy xem những gì tôi đã làm để bán”. Chồng bà mang ra một cái giỏ đựng những miếng vải sáng màu. “Tôi nối những mảnh vải nhỏ lại thành tấm để may rèm hoặc chăn… tạo thành những đồ vật trang trí”, bà tiếp tục, “tôi còn chưa có chỗ ở ổn định, chúng tôi hiện đang thuê tạm nhà để ở. Nghe thấy ở đâu có chỗ cho thuê với giá thấp hơn là chúng tôi dọn nhà tới đó. Chúng tôi phải liên tục chuyển nhà, chuyển đến nơi cho thuê với giá thấp nhất”.
Khi tôi hỏi bà có bao nhiêu con, bà nói: “Nhiều lắm, nếu tính tất cả những lần tôi mang thai”. Nhưng nay chỉ còn 4 đứa sống sót. Tất cả đều là gái. Đứa đầu sinh năm 1970, ở trên rừng, trong khu vực chiến tranh. Người con thứ hai của bà sinh năm 1976, bị yếu đuối. Chị chỉ có thể làm việc được một lát, sau đó lại bị kiệt sức. Mỗi lần bị sốt cao, chị lại phải đi khám. Người con thứ ba của bà sinh năm 1979, bị bệnh tim bẩm sinh. Con gái thứ tư sinh năm 1984, mắc bệnh đau đầu kinh niên do bị rối loạn chức năng thần kinh. “Mỗi khi trời nắng nóng như hôm nay”, bà Hồng giải thích, “đầu đau khiến nó không thể làm gì được”.
“Thứ lỗi cho tôi”, tôi hỏi, “nhưng bà bị mất một tay trong hoàn cảnh nào? Có phải trong chiến tranh hay không?”
“Cánh tay này bị cụt vào năm một chín… một chín bảy mốt. Tôi đi làm nhiệm vụ…” Bà Hồng ngừng kể. “Xin lỗi – tôi có thể dùng t “Mỹ” được không?—và tôi đã bị lính Mỹ bắn… vâng… tôi đã bị thương. Tôi là thương binh, một cựu chiến binh Việt Nam. Tôi bị lính Mỹ bắn khi đang làm nhiệm vụ; họ đã bắn, và tôi trở thành thương binh”.
“Khi bà bị thương như thế,” tôi hỏi, “bà tìm thấy sức mạnh ở đâu để có thể vượt qua?”
“Nhìn chung, trong cuộc đời bạn phải tin vào một điều gì đó…” bà đáp. “Đó là, tôi… tôi có Tổ quốc của mình, tôi còn có đất nước, nhà nước, quê hương, tổ tiên, ông bà, cha mẹ, các con, đồng chí, đồng đội – tôi phải gắng sức, động viên bản thân để vượt qua…. điều đó có nghĩa là, vượt qua mọi bệnh tật, cố gắng đấu tranh tự mình vượt qua tất cả để tạo dựng cuộc sống cho mình, tôi không thể chỉ dựa dẫm vào người khác, mà tự bản thân phải cố gắng. Nói chung, đó là những gì chiến tranh để lại – trong chiến tranh, tôi phải tự tranh đấu, và đối với bệnh tật, tôi phải tự tìm ra sức mạnh tinh thần, nhờ vào niềm tin, niềm tin vào Tổ quốc mình. Tôi phải vượt qua. Ví dụ như tôi phải nghĩ cho tôi để có thể sắp xếp mọi việc để mọi việc suôn sẻ. Bởi vì tôi còn có gia đình, con cái, bạn bè của mình”. Tôi không thể nói là “Ồ, mình như thế này là do bệnh tật hay do hoàn cảnh gì đi nữa, nên mình phải gánh chịu, chấp nhận chúng”. Không, tôi có một trái tim mạnh mẽ, kiên định. Câu chuyện như thế”.
“Đối với một người bình thường như bà có đôi tay lành lặn thì rõ ràng khi bị mất một tay, bà phải có một quá trình luyện tập. Ví dụ như trước đây lâu lắm rồi, tôi không thể cầm bát đũa để ăn cơm. Nhưng nay thì tôi có thể cầm bát lên như thế này và ăn giống như mọi người. Một ví dụ khác, khi tôi không thể cầm kim khâu, tôi đã cố gắng dùng một vật gì đó để nắm lấy cái kim. Đó là [một quá trình của] sự tự chuyển đổi mình”.
“Và chương trình này [Chữ thập đỏ]”, tôi hỏi, “Chương trình Chữ thập đỏ đã giúp gì cho bà?”
“Vâng… nhìn chung, nếu bà nói về nhu cầu, thì tôi [không rõ] rất nhiều thứ”, bà Hồng bắt đầu nói, “nhưng nói đến ý nghĩa tinh thần của chương trình này – thì phải nói đến tinh thần trách nhiệm. Nếu có cách giúp tôi ổn định cuộc sống của mình thì đó là giúp đỡ để tôi có tiền mua thuốc để bảo đảm sức khỏe cho mình, và cải thiện đôi chút cuộc sống, để tôi dễ dàng, tôi muốn nói là, hạnh phúc được sống trong cộng đồng của mình”.
“Vâng” tôi nói, không biết là chúng tôi có làm mất nhiều thời gian của bà Hồng hay không, “tôi muốn cảm ơn bà rất nhiều về tất cả những chuyện bà đã kể cho chúng tôi nghe. Bà còn muốn chia sẻ điều gì nữa không?”
“Vâng, ồ, chỉ còn một điều quan trọng hơn cả là: Chúng tôi là người Việt Nam, chúng tôi nói thẳng và nói thật – đôi khi nó dễ làm tổn thương tình cảm nhưng cần phải nói ra sự thật. Hoàn cảnh của chiến tranh là thế, và mọi việc xảy ra với chúng tôi là như vậy. Vì thế, một mặt, tôi phải cố gắng, và mặt khác – nói chung về… về các nước gây ra chiến tranh – họ phải chịu trách nhiệm, họ phải hỗ trợ và giúp đỡ sao cho sau khi hòa bình lập lại, những người như chúng tôi có thể hòa nhập với cộng đồng để giảm nhẹ bệnh tật, thương tích và mất mát, họ phải chia sẻ cùng chúng tôi nỗi đau này. Tôi đã và đang nói sự thật và tôi hy vọng bà sẽ hiểu… Tôi cũng e ngại rằng điều này rất dễ gây tổn thương”.
“Tôi nghĩ rằng bà phải nói sự thật để những ai biết chuyện sẽ thông cảm và hiểu bà”, Tôi nói với bà Hồng. Tôi cảm ơn bà về buổi trò chuyện, và hỏi xem liệu mọi người có còn gì bổ sung vào câu chuyện nữa không.
Ông bác sĩ của Hội Chữ thập đỏ muốn hỏi thêm về cuộc chiến tranh. “Trước đây bà đã ở trong rừng có đúng không ạ?”
Bà Hồng trả lời, “Đúng vậy, tôi đã đi theo kháng chiến và chiến đấu trong rừng khi còn rất trẻ. Cha mẹ tôi cũng theo kháng chiến, chiến đấu vì Tổ quốc…”
“Ngoài bom đạn ra, còn có gì nữa không? ông bác sĩ hỏi.
“Ồ, có chứ, chúng đã thả chất độc hóa học xuống. Ví dụ, vào năm một chín sáu tư, lần đầu tiên chúng phun chất độc. Rừng cây trụi hết, không còn một cái lá nào. Đó là những gì đã diễn ra. Ngày đầu tiên phát hiện ra, chúng tôi tưởng đó là sương mù. Nhưng sau đó mới biết đó là chất độc hóa học đã gây ra các hậu quả trên.
“Đó là ở Chiến khu D, đúng vậy… Tôi không biết bây giờ vùng đó gọi là gì. Trong chiến tranh, nơi đó gọi là Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Hiện nay, rừng đã được trồng lại. Đó là rừng ven biển Đồng Nai. Khi đó còn là vùng đất hoang, không giống như bây giờ… Nó nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Đồng Nai. Tôi nhớ đó là vào năm 1964. Năm 1964 là năm chúng tôi bắt đầu bị máy bay B-52 tấn công, những đợt bom B-52 dữ dội nhất. Những năm đầu tiên là 1963, 1964 và 1965, khi những pháo đài bay B-52, thả hàng loạt bom bi, bom đại và bom đĩa (4) – tất cả các loại bom đạn tập trung dội xuống vùng này, kết quả là không còn một ngọn cây, chiếc lá nào còn sót lại. Cây cối trở thành một đống hỗn độn. Lá rụng trụi. Tôi nhớ là ngay cả thú rừng cũng không còn nơi sống. Những con vượn, khỉ và cả chim chóc không còn cây mà làm tổ. Cả rừng cây không còn một chiếc lá nào”.
Tôi hỏi bà Hồng đã sống ở vùng này bao lâu.                       
“Để xem nào, tôi ở đó từ năm 1961, khi chiến khu bắt đầu thành lập cho đến ngày giải phóng, năm 1975. Tôi đã sống ở đó trong suốt thời gian kể trên”, bà cố hồi tưởng lại. “Tôi sống ngay ở đó”.
Bà Hồng cùng với cha mẹ rời gia đình ở Long An lên chiến khu khi mới 16 tuổi. “Quê tôi là một vùng đất có những cánh đồng lúa ở tỉnh Long An”, bà Hồng gọi đó là, “Một vùng với những cánh đồng lúa. Bởi chiến tranh, tôi đã tham gia kháng chiến vào tuổi mười sáu của mình! 16 tuổi, tôi đã tham gia cách mạng. Cả gia đình tôi, các anh chị em ruột, tất cả họ…”
Tôi một lần nữa cảm ơn bà và lại hỏi xem mọi người có câu hỏi gì nữa không.
Lần này, bà Hồng hỏi vị bác sĩ của Hội Chữ Thập đỏ xem tôi có muốn tìm hiểu về vùng kháng chiến hay không.
Thay vì câu trả lời, ông ta hỏi có ai trong số những người đồng đội của bà trở về từ cuộc chiến bị mắc những căn bệnh hiểm nghèo giống như các con của bà không.
“Vâng, họ đều trở về, mỗi người mỗi ngả, ở khắp nơi” bà Hồng trả lời, “nhưng hầu hết họ ở ngay trong thành phố này. Tôi có thể đếm trên đầu ngón tay rất nhiều, rất nhiều người bị các căn bệnh hiểm nghèo như vậy. Trong mỗi văn phòng, trụ sở ta đều có thể gặp họ. Nhưng ngay sau khi hòa bình lập lại, [những người khác?] trở về…vào năm 1975 họ đã đi mỗi người một ngả. Làm sao tôi biết được họ đang mắc những căn bệnh gì?”
Ông bác sĩ Chữ Thập đỏ trầm ngâm: “Hồi chiến tranh bà không biết là có điều gì đó không ổn, mà chỉ vừa mới biết”.
“Đúng vậy”, bà Hồng đáp. “Chúng tôi không biết gì hết, chỉ nghĩ đó là sương mù. Chỉ sau đó, với kinh nghiệm của mình và sự giải thích của Chính phủ, Chính phủ Việt Nam đã nói cho chúng tôi biết đó là chất độc hóa học mà quân đội Mỹ đem thả ở Việt Nam – họ đã cho chúng tôi biết sự thật để chúng tôi có thể tự bảo vệ mình. Nhưng làm sao mà chúng tôi có thể tự bảo vệ mình hoàn toàn trong điều kiện thiếu thốn lúc đó – với một mảnh vải hay một chiếc khăn tay? Làm sao những vật này có thể bảo vệ cho chúng tôi? Đó là chất độc! Nhưng chúng tôi vẫn chiến đấu, và càng chiến đấu càng hăng, quên hết mệt nhọc.
“Có một người bạn… Tôi sẽ kể cho bà nghe chuyện về cô ấy”, và bà Hồng chuyển câu chuyện sang một hướng khác, bà kể với giọng đầy xúc cảm. “Tôi có một cô bạn bị lính Mỹ bắt đưa lên trực thăng và sau đó vứt xác cô ấy lại. Cô ấy bị lính Mỹ bắt, đưa lên trực thăng và thay nhau hãm hiếp cho đến chết. Tôi đã nghĩ mãi về điều này… lúc nào cũng nghĩ – và sẽ luôn ghi nhớ. Nỗi đau vẫn cháy bỏng trong tim tôi. Nó tiếp thêm sức mạnh cho tôi trong cuộc chiến đấu. Và sau đó, tôi luôn nhớ lại…, nhớ lại nụ cười của cô, nhớ lại dáng đi của cô ấy, nhớ lại những lúc chúng tôi cùng ngủ, cùng chiến đấu, cùng sống và chia sẻ ngọt bùi với nhau. Cô ấy rất yêu đời và rất xinh đẹp. Tên cô là Hồng Sinh. Cô là một phóng viên làm việc tại Quảng Bình. Chúng đã bắt được cô… chúng bắt cô và đưa cô lên trực thăng”.
Lúc đầu tôi không hiểu hết những điều bà Hồng kể với tôi, và xin lỗi, biết rằng phản ứng của tôi không tương xứng với cảm xúc của câu chuyện. Tôi giải thích rằng tôi có thể nhận thấy bà đang rất xúc động, nhưng tôi không hiểu hết mọi thứ. Ông bác sĩ Chữ Thập đỏ nhắc lại câu chuyện một cách đơn giản hơn, và sau đó chúng tôi ngồi im lặng mất một lúc.
“Còn rất nhiều chuyện nữa, rất nhiều”, bà Hồng tiếp tục. “Ồ! Tôi đã nói với bà là bà sẽ không bao giờ có thể làm chứng cho tất cả những nỗi đau và sự mất mát mà người Việt Nam phải trải qua trong những cuộc chiến tranh. Vẫn còn rất nhiều điều chưa được nhắc đến”. Điều bà Hồng muốn nói ở đây là chúng tôi có thể hiểu nhau vì chúng tôi cùng là phụ nữ, và rằng tôi phải đi và ghi lại tất cả những gì bà đã kể cho tôi nghe, đưa nó vào lịch sử. Bà nói đến những gánh nặng mà phụ nữ Việt Nam phải gánh chịu, và nói rằng bà không thể tiếp tục được nữa – rằng sc lực của bà đã cạn – “nó đã khô kiệt và biến thành tro bụi”.
Khi đó, bà hỏi chúng tôi, “Ông, bà còn điều gì muốn hỏi nữa không? Còn điều gì nữa không?”
“Còn,” tôi đáp, “còn rất nhiều điều – chúng tôi có thể ở lại nhiều ngày, nhiều tuần, nhiều tháng để nói chuyện nhiều hơn. Nhưng đã đến lúc chúng ta phải tạm biệt”.
“Đồng ý,” bà Hồng đáp. “Nhưng cho dù chúng ta chia tay ở đây, tôi nghĩ khi bà ở Việt Nam cũng như khi bà trở về nước – về phía bà, tôi nghĩ bà sẽ nhớ chúng tôi – những người phụ nữ Việt Nam. Và tôi hy vọng rằng tình cảm này chính là tình bằng hữu. Chúng ta có thể thông cảm với nhau… Tôi hy vọng chúng ta sẽ luôn nhớ và tôn trọng lẫn nhau. Mặc dù bà đến từ một đất nước xa xôi, một đất nước đã gây cho chúng tôi biết bao mất mát – nhưng đó không phải là lý do để làm mất đi tình hữu nghị. Bà có đồng ý không? Người Việt Nam có câu này: “Thêm bạn bớt thù”. Chiến tranh đã qua đi, bây giờ chúng ta vẫn có thể trở thành bạn của nhau”.
“Tôi nghĩ rằng ở nước Mỹ, chiến tranh là do chính phủ Mỹ gây ra, không phải do nhân dân Mỹ”, tôi đáp, “Tôi cho rằng những người dân thường có thể thông cảm và hiểu nhau để cùng xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn”.
“Những gì bà đang nói”, bà Hồng giải thích, “là chính sách của chính phủ Mỹ không phải là lý tưởng của những người dân sống trên đất Mỹ, rằng không phải ai cũng chia sẻ và đồng ý với những tư tưởng này. Người dân Mỹ cũng yêu hòa bình, thực sự mong muốn hòa bình và phản đối chiến tranh”.
“Đúng vậy”, tôi trả lời, “Khi bà chiến đấu trong rừng, tôi đã đi biểu tình phản đối chiến tranh trên các đường phố của Mỹ”.
Ông bác sĩ Chữ Thập đỏ nhắc lại: “Ồ!… phản đối chiến tranh…”
Bà Hồng nhắc đi nhắc lại: “Xuống đường, xuống đường. Đã có những người tham gia vào những sự kiện trên đường phố Mỹ, xuống đường biểu tình chống chiến tranh ở Việt Nam”.
“Ở đâu cũng có những người dân thường”, ông bác sĩ nhận xét.
Tôi giải thích rằng lúc đó tôi đang là sinh viên. Thời đó có rất nhiều sinh viên tham gia phong trào chống chiến tranh.
Vị bác sĩ, cũng trạc tuổi chúng tôi, trầm ngâm: “Quá lâu…, chiến tranh đã kéo dài quá lâu – từ năm 1954 đến 1975 – kéo dài dường như vô tận. Chỉ cần một ngày đã là quá đủ hiểm nguy, vậy mà biết bao nhiêu năm…. một ngày đã là quá đủ cho sức chịu đựng của con người (5).
(1) Một người đàn ông chúng tôi phỏng vấn ở Biên Hòa kể rằng nhà của gia đình anh bị phá để Pháp xây căn cứ. Hiện nay anh sống trong một ngôi nhà cạnh đường tàu.
(2) Theo báo cáo của Hội Chữ Thập đỏ ở Biên Hòa nơi có hồ nước này, tỉ lệ mắc ung thư ở đây cao gấp 49 lần so với đơn vị hành chính khác của thành phố với tỷ lệ ung thư thấp nhất. Tôi không có cách nào xác minh nhận định này nhưng rõ ràng nó cho thấy cần phải nghiên cứu và có biện pháp giải quyết.
(3)  Cuộc chiến tranh này được gọi là “cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”. Có thể là bà Hồng ngập ngừng ở đây vì bà ngại không muốn đụng chạm đến cái mà bà nghĩ là nhạy cảm của một người Mỹ như tôi. Sự ngập ngừng cũng cho thấy khó khăn trong việc tìm một ngôn ngữ chung. Những ngập ngùng trong ngôn từ cần được phân tích, có lẽ theo quan điểm của Deleuze xem việc nói lắp như là một lãnh vực “tổng hợp những cái không ăn khớp với nhau”, phản ánh bộ óc của con người cố gắng kết nối những cái đến lúc đó vẫn không ăn khớp hay mâu thuẫn.
(4) Có lẽ là do chuyển âm từ bom dứa, tên lóng chỉ loại bom chùm chứa 250 viên bi trong một ổ nhỏ.
(5)  Khi chúng tôi bắt đầu đến thăm các gia đình ở Đồng Nai, vị bác sĩ này đã nhận xét: “Có hai điều phải làm mà chúng tôi chưa làm được.” Một là chữa trị cho những nạn nhân mà chúng ta tới thăm; việc khác là khôi phục lại môi trường thiên nhiên.
(Còn tiếp)
Diane Niblack Fox
Người dịch: Trần Thị Thu Hằng
Người hiệu đính : Trương Huyền Chi và Lương Văn Hy



LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.