Khôi phục lại giá trị của “thời bao cấp” (kỳ cuối)

0
1444
Ăn theo (To Be Dependent on Others)
Một ví dụ điển hình là những cá nhân nằm ở giữa hai nền kinh tế. Những người này được coi là những kẻ ăn theo, một từ có nghĩa xấu thường được dùng để chỉ những người sống dựa vào người khác. Trong thời kì bao cấp, số lượng nghề thuộc diện này tăng lên đáng kể. Có lẽ một trong những ví dụ dễ thấy nhất là những người sống bằng nghề mua bán thời gian. 
Cửa hàng mậu dịch (Ảnh: minh họa- Nguồn: Internet)
Vì cán bộ công nhân viên phải có mặt tại công sở hay nhà máy vào những giờ quy định, họ thường xuyên phải tìm cách khác để mua khẩu phần của mình ở cửa hàng mậu dịch. Trẻ nhỏ và người già thường xuyên được cử đi xếp hàng vì họ có thể rời nhà bất cứ lúc nào khi có tin hàng về. Càng đến sớm thì khả năng mua được khẩu phần của mình càng cao trước khi hết hàng. Vì hai lý do này mà có lẽ không có gì ngạc nhiên khi thấy những người xếp hàng đứng dài có khi tới nửa cây số trước khi cửa hàng mở cửa. Một phụ nữ nhớ lại lần đầu tiên bà nhìn thấy mọi người xếp hàng khi còn ít tuổi, bà đã tưởng rằng mọi người đang chơi “rồng rắn lên mây”. Cô bé đó đã lập tức thất vọng khi bà được giải thích rằng đó là mọi người đang xếp hàng để mua dầu ăn.
Thời gian trung bình xếp hàng là một buổi. Ai không có đủ thời gian thì có thể nhượng lại chỗ của mình với một lệ phí nho nhỏ cho người khác, sau đó người này dùng cục gạch, cái nón, cái rổ, hoặc hòn đá để đánh dấu chỗ của mình cho đến khi một ai khác trong gia đình hoặc người thân có thể đến mua thay khi đến lượt. Giá của dịch vụ này khá khiêm tốn, thường là khoảng từ năm đến mười xu, đủ cho một người ăn một bữa tại quầy mậu dịch cơm phở. Đây có lẽ là lí do tại sao các nhà chức trách không bỏ ra nhiều nỗ lực để ngăn chặn cách kiếm tiền này (1).
Ngược lại “con phe” lại kiếm tiềm bằng cách mua lại những tem phiếu không dùng đến và bán lại ở giá cao hơn (nhưng vẫn rẻ hơn giá chợ đen). Những tem phiếu không dùng đến này đến từ nhiều nguồn khác nhau. Tuy nhiên, những người mà tôi đã có cơ hội nói chuyện đều tin rằng những tem phiếu này là do các mậu dịch viên ngấm ngầm đưa cho. Đổi lại họ sẽ được chia một phần lợi nhuận. Người dân thường không thích các mậu dịch viên vì những cách cư xử thiếu lịch sự và vô lý của họ. Những từ được dùng để mô tả họ bao gồm “cáu gắt”, “độc tài”, và “mặt lạnh như tiền”. Lời giải thích này cần phải có bằng chứng thay vì tin suông (2). Một dấu hiệu của nhận xét này là không ai trong số những người tôi hỏi chuyện có thể nhớ lại việc một mậu dịch viên bị kỷ luật vì tuồn tem phiếu ra ngoài cho con phe hoặc chợ đen, trong khi công an thường xuyên có chiến dịch xử lý cả hai loại người này.


Mặc dù dịch vụ mua chỗ xếp hàng khá hiệu quả, nó không phải là không có những vấn đề. Chen hàng, cướp chỗ hay nói dối rằng một vật giữ chỗ chung chung như cục gạch là của mình thường xuyên gây ra xích mích. Chính vì lí do cuối này mà nhiều người đã tìm cách tự tạo hoặc dùng những vật trông khác thường để tránh bị người khác tự nhận vật đấy là của mình. Như ví dụ đã nêu ở trên, ông Mai Xuân Hải đã khắc tên lên hòn đá của mình cho dễ nhận dạng. Có người lại dùng một viên đá to có hình dạng và kích cỡ giống cái cốc Liên Xô (Hà Nội Mới 2004).
Những vật giữ chỗ như vậy phần nào giúp giảm đi những trường hợp nhầm chỗ vô ý, cũng như những trường hợp nhầm lẫn cố tình, nhưng không thể loại bỏ hết tình trạng này được. Chính vì thế mà một số cửa hàng mậu dịch phải có đội quân đứng ngoài để giữ trật tự. Sự có mặt của họ cũng làm cho các con phe thận trọng hơn. Nhưng ít ai có thể nhớ lại một trường hợp mà đội quân đứng ra giải quyết những tranh cãi về người đã vi phạm “mặt bằng chỗ đứng”, cho dù những cuộc tranh cãi này thường trở nên khá gay gắt, có khi biến thành những trận ẩu đả. Một vài người đã kể lại với tôi rằng có nhiều người do bực tức hoặc do sợ mậu dịch sắp hết hàng cho ngày hôm đó đã quẳng những viên đá, hòn gạch, nón, v.v… dùng để giữ chỗ của những người đến trước đi, gây nên một sự hỗn loạn. Có lẽ không có gì ngạc nhiên khi trong những trường hợp như vậy những đội quân đứng gác đơn giản chỉ rút vào trong cửa hàng và đóng cửa mậu dịch lại. Cách làm này rất hiệu quả vì sẽ không ai mua được gì cho đến khi mọi người tự lập lại trật tự.
Tất nhiên có nhiều người không để cho hoàn cảnh ép buộc. Họ nghĩ ra những cách khác nhau để tiết kiệm thời gian. Ví dụ, người ta có thể tập hợp tem phiếu lại với nhau, miễn là những tem phiếu này thuộc một “giai cấp” xã hội. Làm như vậy một người có thể đi mua hộ nhiều người khác, gọi là “cùng ăn chia” (3). Những người có sức khỏe và nhanh nhẹn thì đứng xếp hàng ở hai hàng cùng một lúc. Họ chạy đi chạy lại giữa hai hàng với hi vọng mua được lượng hàng nhiều gấp đôi mà chỉ mất nửa thời gian (4). Có người lại gian lận. Có một người giải thích với tôi là ông ta có một người quen có một dị tật nhỏ. Ông ta thường để râu, mặc một bộ quân phục cũ có gắn một huy hiệu thương binh thật. Vì nhà nước có chính sách ưu tiên thương binh nên ông ta chẳng phải xếp hàng, và vì thế ông ta mua được một vài ổ bánh mì nóng giòn để chia cho bạn bè (Trương Quang Thư 2007). Có người lại tận dụng tài lẻ của mình. Có một ông cụ già thường đến cửa hàng mậu dịch của khu phố nơi ông ta ở sau giờ nghỉ trưa, lúc mà mọi người đã khá mệt mỏi sau nhiều giờ xếp hàng. Lúc đó ông cụ bắt đầu xướng thơ lục bát với nội dung tùy theo những gì mà cửa hàng mậu dịch hôm đó có bán: gạo, đậu phụ, thịt, v.v… Nếu thơ hay thì những người trong hàng cho ông cụ đứng lên trước. Một người hàng xóm sau hai thập kỉ nhớ lại một bài thơ như sau:
Ước gì em trắng như gao (gạo)                   
Thì anh… mạn phép ôm vào lòng ngay
Mùi thơm hạt mẩy thế này
Làm sao tránh được cái tay thích…sờ
(Trần Thị Anh Tú, 2006).
Phương hướng mới trong công tác nghiên cứu
Cuối cùng thì chúng ta rút ra những gì từ những câu chuyện về những năm tháng xếp hàng này? Thay vì đưa ra một kết luận chắc chắn, tôi muốn đưa ra bốn lĩnh vực cần được chú ý nghiên cứu thêm. Ba lĩnh vực đầu có liên quan tới những chủ đề mà những kết quả nghiên cứu sẽ giúp chúng ta hiểu rõ thêm rất nhiều về chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh Việt Nam thời kỳ bao cấp, những thay đổi trong cuộc sống thường ngày từ khi thời bao cấp kết thúc cũng như có thể tiến hành những nghiên cứu so sánh. Tuy nhiên, đề tài cuối cùng đặt một câu hỏi lớn hơn về sự “phân chia lao động” trong nghiên cứu về quá khứ và những hậu quả của nó đến sự hiểu biết của chúng ta về những dạng thức, thực hành và niềm tin đã tạo nên nền văn hóa chủ đạo (dominant culture).
Trước hết, như nhiều người đã chia sẻ với tôi hoặc những mẩu chuyện mà họ đưa lên mạng, những hòn đá, viên gạch, cái chai, cái rổ, và những vật dụng hàng ngày khác mà người dân đã sử dụng để giữ chỗ khi xếp hàng không phải chỉ là những biểu tượng, mà là một phần của người chủ, giống như những “vật thể tiểu sử” do Hoskins mô tả. Có lẽ vì thế mà khi nhìn lại những vật này, nhiều người lớn tuổi đã cảm động. Có người giải thích: “Những viên gạch này là đại diện toàn quyền” của một người (Bí Bo 2006). Có người khác lại dùng từ “pháp nhân” để miêu tả những viên đá, hòn gạch này, với ý là những vật này có quyền đại diện hợp pháp cho chủ nhân của chúng (5). Mặc dù người khác có thể dùng những từ khác để mô tả những vật này, cả hai ví dụ đều cho thấy chúng ta còn biết rất ít về cái nhìn của người dân đối với các khái niệm như vai trò xã hội của con người (personhood), chủ thể và quyền lợi của cả hai trong thời bao cấp. Sự thiếu sót này lại càng rõ ràng khi chúng ta nhận thấy ngày càng có nhiều mối quan tâm đến cách những giá trị và thực hành liên quan đến chủ nghĩa tự do mới (neo-liberalism) đã được chấp nhận, thay đổi và loại bỏ trong xã hội Việt Nam đương đại. Tuy nhiên, nếu ta không có một sự hiểu biết rõ ràng về quá khứ, những nỗ lực hiện tại nhằm ghi chép sự xuất hiện của “chủ nghĩa tự do mới với những đặc tính Việt Nam” sẽ có nhiều khả năng bị sai lệch.
Điều thứ hai là mọi người xếp hàng để mua nhiều mặt hàng khác nhau, nhưng chủ yếu vẫn là lương thực, thực phẩm. Do bữa ăn chung có một vị trí rất quan trọng trong cuộc sống của người dân Việt Nam (đặc biệt đối với gia đình – cho đến ngày nay, hầu như không ai ăn một mình), chúng ta cần nghiên cứu kĩ càng hơn văn hóa ẩm thực của người dân trong thời bao cấp. Ví dụ, một đợt khảo sát với lớp người lớn tuổi cho biết thực đơn thường bao gồm gạo hẩm, gạo mốc đầy trấu, sạn, cơm độn bột mì, hạt bo bo, sắn, phở không người lái, v.v… (6) Nếu được nghiên cứu kĩ càng chúng ta sẽ hiểu sâu hơn những sự thay đổi về thói quen dinh dưỡng ở thành thị cũng như nông thôn trong ba thập kỉ qua và ý nghĩa của những thay đổi này không chỉ trong phạm vi kinh tế xã hội mà cả về mặt văn hóa (xin xem thêm: Reid 2002; Kankauskas 2006; Farquhar 2002).
Thứ ba, chúng ta cũng có thể đưa ra những nhận xét tương tự về hàng tiêu dùng thường ngày và sự thay đổi về thứ tự quan trọng của chúng. Một bài thơ sáng tác trong thời gian này đã liệt kê một loạt các tiêu chuẩn mà phụ nữ tìm ở người bạn đời tương lai:
Một yêu anh có may-ô                                   
Hai yêu anh có cá khô ăn dần                     
Ba yêu rửa mặt bằng khăn                
Bốn yêu anh có hai quần để thay…            
Một bài thơ tương tự đưa ra một danh sách chi tiết hơn:
Một yêu anh có Sen-ko                      
Hai yêu anh có Pơ-giô cá vàng       
Ba yêu nhà cửa đàng hoàng 
Bốn yêu hộ khẩu rõ ràng thủ đô      
Năm yêu không có bà bô                   
Sáu yêu Văn Điển ông bô sắp về     
Bảy yêu anh vững tay nghề  
Tám yêu sớm tối đi về có nhau         
Chín yêu gạo trắng phau phau                                                       
Mười yêu nhiều thịt ít rau hàng ngày.
Một lần nữa, nếu chú ý đến sự sản sinh những mong muốn của con người qua giao tác xã hội trong thời kì bao cấp, chúng ta sẽ tìm hiểu thêm được một loạt các hiện tượng của thời kì này, bao gồm việc buôn lậu hàng hóa qua biên giới xã hội chủ nghĩa, sự tái xuất hiện của việc tiêu thụ một cách phô trương ngày nay, động lực hiện nay của chủ nghĩa tiêu dùng và sự tôn thờ hàng hóa ở đô thị (xin xem thêm: Ngai 2003; Patico và Caldwell 2002).
Cuối cùng, tuy đáng chú ý trên nhiều mức độ, trưng bày ở Bảo tàng Dân tộc học cũng làm nổi bật sự cần thiết cho những nghiên cứu nhân học chi tiết và tinh tế với những cái quen thuộc về mặt văn hóa. Tôi muốn nói về văn hóa chủ đạo (dominant) ở Việt Nam (7). Người Kinh, chiếm khoảng 86% dân số Việt Nam, thường không được các nhà dân tộc học Việt Nam nghiên cứu vì họ thường tập trung vào nghiên cứu những nhóm dân tộc khác. Kết quả là, những nghiên cứu về “bản thân” thường được dành cho những chuyên ngành khác như lịch sử, xã hội học hay văn hóa dân gian và các đề tài nghiên cứu thường là làng người Kinh, hương ước, hội làng và những dạng thức có liên quan của một quá khứ “truyền thống” vẫn đang tồn tại (xin xem Phan Huy Lê 1993; Jamieson 1986) (8). Những đề tài nghiên cứu của ngành dân tộc học bắt nguồn từ đào tạo lý thuyết của các thế hệ học giả đi trước được đào tạo tại Liên Xô cũ và từ việc những nhà dân tộc học thường là làm việc chặt chẽ với nhà nước và với Ủy ban Dân tộc và Miền núi để giúp quản lý việc phát triển kinh tế xã hội và văn hóa cho những dân tộc vùng cao (Evans 1985; Pelley 1993: 143-181). Tôi không muốn đánh giá thấp tầm quan trọng về lý thuyết và thực tiễn của những nghiên cứu như vậy cả trong quá khứ và hiện tại vì chúng đã làm giàu thêm hiểu biết của chúng ta về những nhóm dân tộc này cũng như đóng góp tích cực của nó vào quá trình hoạch định chính sách. Tuy nhiên, sự phân công lao động về trí óc nói trên có nghĩa là những dạng thức, giá trị và thực hành văn hóa của người Kinh vẫn còn là hiển nhiên đối với thành viên của nhóm dân tộc này vì chúng tạo ra tiêu chuẩn bất thành văn mà dựa vào đó người ta xem những cái khác khác đến thế nào với tiêu chuẩn này.
Thiếu sót này trong việc nghiên cứu về người Kinh đưa đến việc người ta không đặt câu hỏi, chứ đừng nói là đưa ra lý thuyết, về đặc ân và quyền lợi của dân tộc Kinh, giống như người ta không đặt câu hỏi về đặc ân và quyền lợi của người da trắng ở Hoa Kì (9). Điều này được thể hiện qua việc những nghiên cứu của người Kinh về người Kinh thường chú trọng các vấn đề kinh tế xã hội, văn hóa dân gian, và các tôn giáo thịnh hành, chứ không tập trung vào cách phạm trù “Kinh” được tái tạo trong mối quan hệ với 53 dân tộc khác cũng như với người Hoa và người Việt Hải ngoại vốn là những phạm trù “khác” (10). Chúng ta cũng có thể nhận xét tương tự về những con người, sự kiện, khoảnh khắc, và quá trình quan trọng mà không thể dễ dàng đưa vào những phát biểu chính thống về quá khứ và mối quan hệ đến hiện tại như đã thảo luận trong bài này. Cho đến khi những vấn đề này được giải đáp, những hiểu biết của chúng ta về những gì thuộc về văn hóa của người Kinh, ngoài những mẫu dập khuôn của một làng Bắc bộ, vẫn chỉ rất sơ sài và được mô tả như bất biến qua thời gian, một điều có phần mỉa mai trong bối cảnh là ngành sử học đóng vai trò quan trọng ở Việt Nam.
Lời cảm ơn
Tôi rất biết ơn cô Hương Ly đã giúp tôi chuyển tải một cách trung thành những ý tưởng của tôi sang tiếng Việt. Tôi cũng xin cảm ơn rất nhiều người dân đã chia sẻ với tôi cuộc sống của họ trong thời bao cấp, và tôi chỉ kể lại được câu chuyện của vài người ở đây. Cuối cùng, tôi xin cảm ơn sự đóng góp của những người đã đóng góp ý kiến vào bản thảo trước của tôi: Hy Văn Lương, các đồng nghiệp ở Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Nguyễn Văn Huy, Wendy Erd, Janet Hoskins, Erik Harms, Michael DiGregorio, Frank Proschan, Christina Schwenkel, Ann Marie Leshkowich và Melissa Pashigian. Tất cả thiếu sót đều là lỗi của riêng tôi.
 (1) Phở không người lái là phở không thịt, giá ba hào một bát. Một bát cơm gạo hôi với một ít rau muống bị đen vì nấu trong nồi gang cũng giá ba hào một suất. Để mua một trong hai thứ đó, người ta đều phải xếp hàng không những một lần mà hai lần: một lần để mua, lần kia để tìm chỗ ngồi (“sau khi lấy được cơm, phở rồi người ăn lại phải tự thu xếp lấy chỗ ăn”). Bùi Xuân Dũng (2006).
 (2) Nhiều người nhớ lại một cách cay đắng những khẩu hiệu treo trên tường: Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi. Có người lại nhớ đến một khẩu hiệu khác với cảm giác tương tự: Hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân!
 (3) “Nghề ‘ăn theo’,” Tuổi Trẻ (22/8/2007).
 (4) Phỏng vấn (27/7/2006).                
 (5) Phỏng vấn (31/7/2006).
 (6) Để biết thêm chi tiết về những khó khăn trong việc sửa soạn một bữa ăn thời kì này, xem Đỗ Hoàng Chinh (2006).
 (7) Xin xem Hy Văn Lương (2006) là một tổng duyệt mới đây về những thiếu hụt về mặt kiến thức dân tộc học về Việt Nam.
 (8) Hiện tượng này không chỉ xảy ra ở Việt Nam. Những nhà nước xã hội chủ nghĩa khác thường chia những nghiên cứu về “bản thân” thành ba lĩnh vực: lịch sử, truyền thống, và văn hóa dân gian (Kaneff 2004).
 (9)Từ đầu những năm 1990, các nhà nghiên cứu bắt đầu tìm hiểu về những khía cạnh văn hóa, lịch sử và xã hội của những người được xác định là “da trắng” và sự kiến tạo “tính da trắng” như là một hệ ý thức về vị trí và đặc quyền xã hội. Hiện nay đây là một chủ đề liên ngành đang phát triển mạnh trong nghiên cứu học thuật (Hill 1997).
 (10) Một biểu hiện của việc này là những nghiên cứu về các dân tộc ở Việt Nam thường không được thực hiện theo hướng so sánh. Để biết thêm về những nghiên cứu về động lực và quá trình của sự hình thành bản sắc, xin xem Leach (1954) và Williams (1989).
Ken MacLean
Người dịch: Hương Ly
Nguồn: Hiện đại và động thái của truyền thống ở Việt Nam: Những cách tiếp cận Nhân học

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.