Tự sự về nỗi đau, sống còn và trách nhiệm (kì 4)

0
809
Đấy là những lời cuối cùng trong cuộc phỏng vấn của tôi, và tạo cho tôi một ấn tượng sâu đậm. Những câu chuyện của bà Hồng không phải là tiêu biểu cho tất cả những người nói chuyện với tôi về chất độc da cam. Nhưng nó cũng không phải là câu chuyện độc đáo. Như tôi đã trình bày, nó là một mảng. Những người khác kể những câu chuyện khác. Có người kể chuyện với tinh thần kiên định và vui vẻ như bà Hồng. Những người khác vừa kể vừa khóc. Tôi nghe nhiều câu chuyện về công việc hàng ngày chăm trẻ, những người bây giờ đã hai mươi mấy hay trên 30 tuổi; câu chuyện nhai cơm cho nhuyễn rồi đút cho những người con có khó khăn trong việc nuốt thức ăn; những câu chuyện phải lo chuyện đại tiểu tiện, vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa và những khó khăn trong việc đưa những người con đã lớn đến những chỗ để làm vệ sinh hàng ngày như thế. Tôi cũng nghe nhiều câu chuyện về những khó khăn trong việc kiếm tiền cho gia đình sinh sống khi một trong những người có thể đi làm bận rộn một phần lớn ngày của họ với những công việc chăm sóc con như thế. Tôi đã nghe những câu chuyện của nhiều người phụ nữ vốn là trụ cột duy nhất về mặt kinh tế của gia đình, hoặc là vì chồng họ cũng bị tàn tật hay đã qua đời. Nhiều người nói về việc họ đã mệt mỏi như thế nào và về những lo sợ của họ về con cái của họ sẽ ra sao nếu họ kiệt sức.
Cả đời tôi gắn bó với chồng, với con, gắn với đất nước này đến hơi thở cuối cùng, và tất cả vì chiến tranh
(Ảnh minh họa- Nguồn: Internet)
Nhiều người nói về những cố gắng của họ để hiểu những gì đã xảy đến với họ, để tìm ra ý nghĩa của sự việc qua việc đi xem bói, đi hỏi thầy địa lý, thầy tướng số và các ông bà đồng. Một phụ nữ trở thành một bà đồng, người cùng làng với bà nói với tôi. Một phụ nữ khác nói về niềm tin của bà về khoa học, bà chỉ tin khoa học; cũng chính người phụ nữ này nói về một giấc mơ mà trong đó bà mơ thấy việc được bảo ban là nên lên núi, tìm một thầy thuốc cổ truyền có thể cho bà một thứ thuốc chữa cho chồng bà khỏi bệnh, sau khi Tây y đã bó tay với bệnh tật của chồng bà. Bà đã đi, tìm được loại thuốc và chồng bà đã khỏi bệnh. Người ta nói cho tôi nghe về những người hàng xóm tốt bụng, cũng như về những khó khăn của người ta. Một phụ nữ nói với tôi về những khi ở ngoài ruộng về đển nhà thì thấy ai đó đã để là một túi gạo hoặc vài thứ quần áo, hay vài miếng ny-lông mà bà có thể nối lại với nhau để trải lên giường cho người con nằm đêm ngày trên đó. Cũng chính người phụ nữ này nói là bà không thể nuôi heo hay gà vì người ta ăn cắp mất heo và gà của bà khi bà đi làm ruộng. Người ta kể cho tôi về những đứa trẻ hàng xóm sang chơi vào ngày lễ và đưa hai đứa con không thể đi lại được của họ lên một xe đẩy để đi chơi. Người ta cũng kể cho tôi nghe việc những đứa trẻ hàng xóm trêu ghẹo một bé gái mù lòa và bị co giật nếu bé gái này dám đi ra vườn nhà của bé.
Tôi đã gặp một phụ nữ mà chồng bà, sau khi cái thai nhi thứ 4 bị mất, đã trách chính ông và hậu quả của chiến tranh và đề nghị bà có thể ra đi tìm cuộc sống tốt đẹp hơn cho mình. Bà từ chối và sau đó sinh hai đứa con trai bị tật, nay đã ngoài 20 tuổi. Tôi cũng đã gặp một cựu chiến binh từng ở đường mòn Hồ Chí Minh đã từng sảy thai hai lần, đã có hai con mất từ lúc còn bé, và sau đó là ba người con bị thiểu năng nặng. Bà xem mình là may mắn đã có gia đình. Một phụ nữ khác đi triệt sản sau một lần mang thai và thai nhi có hình thù cực kỳ quái dị, sau đó sinh một người con trai bị thiểu năng, và một con gái bị co giật. Bà có biến chứng phức tạp từ lần triệt sản này. Bà nói tất cả là cho chồng, cho con, và bà cố gắng vượt qua khó khăn. Bà nói: “Hoàn cảnh quá khó khăn, nhưng tôi còn phải lo cho chồng, cho con. Tôi biết là đời tôi gắn bó sâu đậm với cuộc đời chồng tôi. Cả đời tôi gắn bó với chồng, với con, gắn với đất nước này đến hơi thở cuối cùng, và tất cả vì chiến tranh” (1).
Có những lúc im lặng kéo dài lâu và những câu chuyện rất dài. Tôi nhớ những suy tư sâu sắc, những kiên định thầm lặng, những than phiền về một số phận nghiệt ngã, những lời giận dữ về chính quyền Mỹ trước kia. Từ “trách nhiệm” xuất hiện nhiều lần, cũng như từ ”kiệt sức”: nhiều phụ nữ nói họ đã kiệt sức sau 20 hay 30 năm chăm sóc những đứa con tàn tật và người chồng mất sức vì chiến tranh. Họ hy vọng là một ai đó sẽ chia sẻ trách nhiệm về hậu quả chiến tranh. Một từ thường được dùng nữa là “động viên”. Trong những cuộc nói chuyện, nó có nghĩa “khuyến khích”, “hỗ trợ tinh thần”. Người ta bảo tôi là nhiều tổ chức, Hội Chữ thập đỏ, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đảng, đến động viên gia đình họ, đôi khi mang những món quà nhỏ. Nhưng thường hơn là mang tin về những kỹ thuật và chương trình giúp gia đình tăng gia sản xuất trong những năm cực kỳ khó khăn sau chiến tranh, hay chỉ hỗ trợ tinh thần và cho họ biết là họ không bị quên lãng (2).
Trở lại với câu chuyện của bà Hồng. Tôi đến gặp và nói chuyện với bà Hồng một phần để cố gắng tìm hiểu về tác hại của chất độc màu da cam. Trong cuộc trò chuyện, bà đã ca ngợi người bạn gái đã chết, yêu cầu tất cả các quốc gia phải chịu trách nhiệm về hậu quả của chiến tranh do họ gây ra và đề nghị tôi kể lại câu chuyện của bà. Kể lại cho mọi người về tất cả câu chuyện về mình, bà nhấn mạnh: đó không chỉ là những nỗi đau, mà còn là cả sức mạnh ý chí và trái tim mạnh mẽ, niềm tin mãnh liệt và tình yêu của bà đối với nhân dân, đất nước và cuộc đời.
(1) Những câu truyện như thế không tương thích với những tự sự của phụ nữ Tây phương theo thuyết bình đẳng giới. Xin xem những chương mở đầu trong quyển sách Even the Women Must Fight (Phụ nữ cũng phải chiến đấu) của Turner và Phan Thanh Hảo để hiểu thêm về một số điểm khác biệt.
(2)Khi tôi nhận xét là mạng lưới các đoàn thể này dường như không quên ai đang có nhu cầu, bác sĩ Lê Cao Đại, lúc đó là người phụ trách quỹ nạn nhân chất độc da cam của hội Chữ thập đỏ, cám ơn tôi. Ông nói: “Đến bây giờ vẫn ít khi người Mỹ hiểu là xã hội Việt Nam khác xã hội Tây phương một cách cơ bản. Phật giáo dạy cho chúng tôi cách chăm lo cho nhau, quan tâm đến làng xóm”. Ông cho là người Việt đã đạt thắng lợi trong chiến tranh nhờ kết hợp mối quan tâm đến người khác và cách tổ chức, Tôi nghe ý kiến này nhiều lần và tôi nghĩ đến điều này như là “chủ nghĩa cộng sản kết hợp với thiền”. Người chủ biên báo Vietnam News ngạc nhiên là tôi cảm thấy sự kết hợp này là cái đáng chú ý. Ông nói với tôi: “Chả có mâu thuẫn gì trong sự kết hợp này”.
       (còn tiếp)
Diane Niblack Fox
Người dịch: Trần Thị Thu Hằng
Người hiệu đính: Trương Huyền Chi và Lương Văn Hy

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.