Tự sự về nỗi đau, sống còn và trách nhiệm (kì cuối)

0
860
Trong cuốn “Chính trị xoay quanh việc kể truyện: Bạo lực, Sự vượt qua giới hạn, và tính liên chủ thể”, Michael Jackson dẫn một khái niệm của Hannah Arendt, khái niệm về tường thuật sự kiện như là ‘khoảng không gian ở giữa’ trong đó luôn luôn có nhiều những lợi ích công và tư tác động vào” (2002: 11), khi mỗi người vừa là “ai đó” vừa là “cái gì đó”, vừa là người chủ động và người bị động, cố gắng để duy trì và tổng hợp một cái tôi “trong một thế giới mà đồng thời cũng tìm cách chiếm ngự ta vì những mục đích khác”. Bà Hồng trả lời câu hỏi của tôi và lái câu chuyện sang hướng của bà. Tôi yêu cầu bà giúp tôi hiểu được hoàn cảnh của bà; bà yêu cầu tôi kể lại câu chuyện của bà cho đông đảo độc giả. Chúng tôi thay đổi mình một cách có chọn lọc, theo cách Jackson diễn giải về ý tưởng của Arendt, để làm cho chúng tôi trở nên thực hơn và có thể nhận ra nhau, mỗi người trả lời và dẫn lời khi chúng tôi đàm thoại, sử dụng sức mạnh của ngôn từ để tưởng niệm và giảm nhẹ những tổn thương: cuộc sống được khẳng định đối diện với cái chết, người đã khuất quay lại với người đang sống và một thế giới được tạo ra, trong đó quá khứ vừa được nhớ đến lại vừa bị xóa bỏ, cũng như những người trước đây được xem là kẻ thù giờ lại được xem như bè bạn. Cho dù trước khi bà biết tôi chống lại chứ không ủng hộ những kẻ ném bom, bắn vào tay bà, hãm hiếp và giết hại bạn gái của bà, thả chất độc hóa học lên mảnh đất quê hương bà, bà vẫn hành động để tái tạo thế giới, đề nghị kết tình bằng hữu.
Cuộc sống được khẳng định đối diện với cái chết
người đã khuất quay lại với người đang sống và một thế giới được tạo ra
(Ảnh minh họa-Nguồn: Internet)
“Trong việc sáng tác và tường thuật lại các câu chuyện, chúng ta tái tạo thực tại để cho ta có thể chịu đựng và sống được với nó”, Jackson viết (2002:16). Để giúp chúng ta sống được với thực tại; để chọn lọc cái cần phải nhớ từ những cái cần cố gắng quên đi; một mặt, để tách ký ức ra khỏi một sự tê liệt vô hiệu hóa chính chúng ta, và mặt khác, khỏi sự trả thù chết chóc; để không phủ nhận lịch sử, mà chuyển hóa di sản của nó và đòi quyền quyết định tương lai (1). Bài viết của tôi dựa trên các câu chuyện: chuyện kể của những người sống sót và đang chịu đau đớn, các câu chuyện bị ám ảnh bởi một chất ma quái có tên là Chất độc màu Da cam. Những câu chuyện này động chạm đến các câu chuyện khác do lịch sử và khoa học kể lại, những câu chuyện về những ý nghĩa dai dẳng và những điều vô nghĩa của việc tạo ra tri thức; về mối liên kết giữa sự khổ đau và trách nhiệm và mối liên kết giữa kiến thức và trách nhiệm.
Câu chuyện về chất độc màu da cam bao hàm cả hai động lực đối nghịch của con người hướng tới nỗi đau và thương tổn. Một là lờ đi, tạo một khoảng cách để không phải nhìn thấy sự đau khổ và tránh một cảm nhận đau đớn nhưng có thể giúp ta phục hồi về trách nhiệm của mình, bằng cách kéo dài cuộc tìm kiếm nguyên nhân, như cái cách mà Mỹ đã có lúc làm với Chất độc màu da cam. Cách hành xử thứ hai đề cập đến nỗi đau trước, sau đó mới kiếm tìm nguyên nhân. Những trang viết này có thể được coi như là một cách viết ra một câu chuyện đúng đắn hơn, một câu chuyện đầy đủ hơn, mang tính chất hợp tác hơn và cũng là một cuộc tranh luận về nỗi đau và đón nhận lấy trách nhiệm.
Đây không phải là những câu chuyện kể cho qua những đêm dài, trừ khi chúng ta hiểu câu nào theo một nghĩa ẩn dụ. Vấn đề là sự sống sót, như John Treat (1995) đã viết trong suy ngẫm của mình về hậu quả của việc sử dụng vũ khí hạt nhân tại Nagasaki và Hiroshima, những cái tên này thường được gắn liền đến Chất độc màu Da cam trong tác phẩm của các nhà văn, nhà báo và các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản, như là một loại vũ khí mới với sức mạnh gây hại cho nhiều thế hệ sau đó. Chúng được liên hệ với nhau không chỉ vì tính chất mới lạ mà bởi vì cái cách nước Mỹ đáp lại hậu quả sau khi sử dụng chúng: Sau chiến tranh ở Nhật, nước Mỹ đã thành lập trung tâm nghiên cứu tác động của phóng xạ, nhưng không chữa trị cho các nạn nhân; ở Việt Nam, cuộc đàm phán đầu tiên về hợp tác đã bị phớt lờ vì phía Mỹ khăng khăng đòi phải nghiên cứu trước khi chữa trị, trong khi phía Việt Nam đòi hai việc này phải tiến hành song song.
Suy ngẫm về “khoảng cách giữa cái mà thế giới hiện nay và khả năng chúng ta có thể cắt nghĩa được nó”, Treat viết về những hậu quả lớn đến mức trấn áp cả nguyên do, làm lu mờ cả khả năng hiểu biết và cản trở cả ý nghĩa sự việc. Vậy vai trò của một trí thức trong thế giới đó là gì? Hay như Jackson nói, “Bằng cách nào mà một công trình tìm hiểu sự việc có thể đưa chúng ta ra vượt ra ngoài những điều kiện chi phối chúng ta để hướng tới nhng hành động có hiệu quả hơn trong thế giới này?”(2002: 85). Vượt ra ngoài cái mà ông mô tả là sự đảo lộn ngôn từ, ký ức và của những ý nghĩa gắn kết với những kinh nghiệm đau thương làm con người phải sững sờ, bị thu nhỏ và bị tê liệt khi chúng hạ thấp con người xuống chỉ là một phạm trù, từ “ai” xuống “cái gì”, và giữ lại một hiện tại “như là một cái kim máy hát bị kẹt trong những vết thương và nỗi đau của quá khứ”(2002: 92).
Jackson lập luận rằng vai trò của trí thức là phải làm việc để phá vỡ sức mạnh của những sự kiện bi thương bằng cách hợp sức lại trong việc tường thuật lại câu chuyện: không phải một nhà dân tộc học là một vị cứu tinh, thậm chí không phải là một đòi hỏi công lý, mà là đem lại sự công bằng cho trải nghiệm tái tạo sự hiện hữu trong xã hội bằng cách xóa khoảng cách giữa cái công cộng và cái riêng tư trong khi không trấn áp ký ức và cũng không phủ nhận lịch sử. Nỗ lực mà Jackson nhận thấy là phải tránh việc thần thánh hóa hoặc lên án những nạn nhân đang chịu hậu quả, hoặc là phải nhận ra họ là ai và làm việc này cho họ thay vì xem họ như một vấn đề cần giải quyết: phải nhìn nhận là không phải chỉ có mất mát, mà cần có hành động để hồi sinh, để thay thế và đền bù. Công việc của trí thức như Jackson quan niệm, tương tự như công việc của các cộng đồng tôi đã gặp trong các cuộc phỏng vấn: không làm giảm ý nghĩa của những mất mát mà giảm nhẹ cái hệ quả làm tê liệt nhiều thứ của những mất mát này.
Chăm chú lắng nghe câu chuyện của những người chịu đựng nhiều hậu quả lâu dài của chiến tranh giúp cho học thuật nhiều thứ. Ngược lại, nghiên cứu học thuật có thể đem lại điều gì cho những gia đình này? Một cơ hội để tham gia vào những cuộc hội thoại vượt qua cộng đồng của những nạn nhân này, một cơ hội để yêu cầu rằng, trước khi đi đến quyết định gây chiến, hãy cân nhắc kỹ lưỡng những cuộc đời của những con người như họ, như phần lớn chúng ta.
Những câu chuyện do những người bị cho là nhiễm chất độc màu da cam kể lại có thể được coi là một bước tiến trong việc hàn gắn những quá khứ đau thương và làm cho chúng trở nên có thể chịu đựng được, theo cách thức của Jackson: để có thể chịu đựng được, song cũng để chuyển hóa nhận thức của chúng ta về quá khứ này để nới lỏng móng vuốt hay tác động chết người của nó đối với tương lai của chúng ta. Công việc hàn gắn này được thực hiện thông qua cách chú trọng đến hiện thực cụ thể (2) của một hiện tại, vốn bị thương tổn và làm cho kinh hoàng bởi chiến tranh, một hiện tại hết đè nén ký ức thì lại đi đến thái cực siêu-hồi ức. Veena Das (2006) trong khi cố gắng mô tả những cuộc đời như vậy, đã sử dụng các công cụ đối thoại, những công cụ chống lại những giải thích chưa chín chắn và những công cụ “đi gần với cuộc sống thường ngày”, dẫn dắt đến những khe hở của cuộc sống thường ngày để giúp chúng ta, đến những nơi mà chúng ta không biết phải nói gì, những nơi “vượt quá mọi khả năng mà văn hóa có thể chứa đựng, bao hàm ý nghĩa hay biểu trưng hóa” (3), những nơi làm cho chúng ta nghi ngờ về nền tảng của cuộc sống, những nơi mà Kleinman, dựa theo Wittgenstein, đã khắc họa là “một điều khi đào xuống ta chạm phải”, “cái chống lại sự kiến tạo của xã hội:. “một điều ở trên đời làm ta phải dừng lại”, và “trải nghiệm cuộc sống” (4).
Ở Việt Nam, trải nghiệm bao gồm 15 đến 29 triệu quả bom và hố bom hằn trên mặt đất, 10 đến 15 phần trăm cây cỏ ở miền Nam bị trụi lá bởi các loại hóa chất (có tỉnh lên đến 50%), hàng ngàn ngôi làng bị san bằng và phải xây dựng lại, hàng triệu người phải di chuyển sang các vùng khác trong nước, các thị trấn lớn và nhiều cơ sở y tế, trường học, hệ thống giao thông và các hạ tầng khác bị tàn phá và phải xây dựng lại; những trải nghiệm gần như phổ quát về những thương tích và chết chóc; về bệnh tật và về sự suy nhược còn dai dẳng nhiều năm sau khi chiến tranh đã qua; về những cảnh phức tạp và éo le trong việc tạo dựng lại cuộc sống mới sau chiến tranh, cho dù là ở trong nước hay ở hải ngoại. Chúng ta kể lại những câu chuyện đó như thế nào đây, làm thế nào để đem công lý đến cho họ? Chúng ta, ở cương vị con người và những nhà nhân học, sẽ đáp lại những nỗi đau nhân loại đó, hàn gắn quá khứ để mở ra một tương lai, chứ không phải đóng lại tương lai, như thế nào?
Tôi muốn trích một câu nói của bà Hồng một lần nữa: “Tôi nói với chị rằng, chị sẽ không bao giờ cảm nhận hết mọi nỗi đau và mất mát mà người dân Việt Nam đã phải chịu đựng qua nhiều cuộc chiến tranh”. Người dân Việt Nam, Campuchia, Lào, Công gô, Angêri, Ai-rơ-len, Do thái, Pa-les-tin, Bos-nia, Sec-bia, Cô-lum-bia, Áp-ga-nixtan, I-rắc: thậm chí cái danh sách ngắn ngủi và chưa đầy đủ này cũng đã là quá dài. Những tự sự này không phải là một kết luận mà là một mở đầu.
Thay cho lời kết
Khi bà Hồng đề nghị tôi đưa câu chuyện của bà vào các trang của lịch sử, bản thân bà đã tích cực thực hiện công việc đó. Tháng 3 năm 2006, bà Hồng đã đến nói chuyện tại Hội nghị Quốc tế nạn nhân chất độc màu da cam/Dioxin do Ủy ban Việt Nam về Nạn nhân chất độc màu da cam/dioxin (VAVA) tổ chức. Cũng trong năm đó, bà đã xuất hiện trong một bộ phim tài liệu về chất độc màu da cam, “Bóng ma cuối cùng của chiến tranh”. Tháng 6 năm 2007, bà đã tham gia đoàn diễn thuyết tại Mỹ do Ủy ban Việt Nam về Nạn nhân chất độc màu da cam/dioxin (VAVA) tài trợ, đến phiên tòa của Tòa Phúc thẩm New York xét xử vụ kiện 32 công ty hóa chất Mỹ. Với tính quyết đoán và tinh thần nói chung là vui vẻ, bà luôn là nguồn cổ vũ đối với những người đi cùng, mặc dù bà đang trong giai đoạn cuối của căn bệnh ung thư vú. Tôi đã có dịp gặp bà ở New York và bà đã tặng tôi chiếc áo gối mà bà đã kể cho tôi khi chúng tôi gặp nhau lần đầu. Ít lâu sau khi trở về Việt Nam, bà đã qua đời. Bài viết này là một nén nhang thắp lên để tưởng nhớ cuộc đấu tranh và ký ức của bà Hồng.
(1) Một đề tài được khai thác rất hay trong tác phẩm của Nancy Florida: Viết quá khứ, Họa tương lai (1995)
(2) Nancy Hunt. Thuyết trình về “Những cảnh quan đầy vết thương/rác rưởi của đế quốc”. Đại học New School for Social Research. 2006.
 (3) Achlle Mbembe. Tổng luận. Hội nghị thường niên của Hội Nhân học Mỹ, 2006.
 (4) Arthur Kleinman. Tổng luận. Hội nghị thường niên của Hội Nhân học Mỹ, 2006.
Diane Niblack Fox
Người dịch: Trần Thị Thu Hằng
Người hiệu đính: Trương Huyền Chi và Lương n Hy

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.