Khách “mượn” trong đám cưới tại Vĩnh Cửu – Đồng Nai (Kỳ cuối)

0
855
“Sạc bia” và người nhà.
Trong đám cưới, có những nhóm khách không thể mời, lúc này, “mượn” là hình thức hợp thức hóa việc tham dự của họ trong một đám cưới. Theo Tí, nếu được “mời” suông tới một đám cưới mà “không đi thiệp” cũng không “mượn”  “sạc bia”  thì “Tí không bao giờ tới[1]. Theo anh, khách mời tham dự đám cưới một cách chính thức với thiệp mời và tiền mừng, khách “mượn” thì làm nhiệm vụ “sạc bia” còn cũng “mời” nhưng không bằng thiệp, giống “mượn” nhưng không phục vụ thức uống thì không có lý do gì để tham dự đám cưới như vậy dù đó có là đám cưới người quen. Như tôi đề cập ở phần trên, “mượn” khách không mang ý nghĩa kinh tế, cũng không phải hình thức đổi chác sòng phẳng công sức với ăn uống mà nó giúp hợp thức hóa một bộ phận khách không thể mời theo quy ước. Theo đó, “sạc bia” và người nhà là hai tư cách tồn tại ở khách “mượn”. Họ xác định mình là anh em bạn bè thậm chí là người nhà của gia chủ nên mới được “mượn” nhưng khi họ đảm nhận vai trò phục vụ nước tại đám cưới thì lại giống như một bồi bàn và khi tiệc tàn, cùng ngồi lại ăn uống với gia chủ thì lại như một gia đình. Nếu là một bồi bàn làm thuê được trả tiền công họ sẽ làm tốt phần phục vụ nước nhưng vì khách “mượn” được sự tin tưởng của gia chủ nên vừa chạy bàn, vừa cùng gia đình quản lý việc phục vụ cho đám cưới.
 
Khi tôi phỏng vấn ba thông tín viên Tí, Đẹt và anh Ba, họ đều đưa ra phép so sánh giữa việc tham dự đám cưới với tư cách khách mời và khách “mượn”. Đi đến một đám cưới, bước đầu tiên là phải ăn mặc lịch sự, đến và bỏ tiền mừng vào thùng trước cổng vào, đi thẳng đến bàn tiệc, chọn cho mình một chỗ ngồi, ăn uống (nhậu), cô dâu chú rể và ba mẹ họ đến “chào bàn”[2] và chụp ảnh từng bàn rồi khách về – đó là quy trình tham dự một đám cưới của khách mời ở Vĩnh Cửu – Đồng Nai. Cho nên chỉ trừ khi đi đám cưới cùng bạn bè hoặc hàng xóm nếu không bạn có thể ngồi ăn tiệc cùng bàn với những người khách xa lạ. Điều này được cho là không vui, không thoải mái và khách mời kỳ vọng vào điều khác trong các đám cưới. Kỳ vọng đó của họ có thể được đáp ứng nếu họ tham dự đám cưới với vai trò khách “mượn”. Nếu được “mượn”, trước hết họ có thể tham gia bữa cơm gia đình tối trước tiệc mặn bên nhà chú rể, họ đến sớm cùng phụ chuẩn bị với gia chủ, họ phục vụ nước với anh em bạn bè mình quen biết và quan trọng là khi đám cưới hoàn tất, họ cùng gia đình cô dâu chú rể dùng bữa. Thông tín viên của tôi đều cho rằng khi là khách “mượn” họ cảm thấy “tự nhiên hơn, vui hơn và thoải mái hơn”[3] thậm chí xem việc dự đám cưới dưới hình thức này giống như “đi chơi[4]. Sự tự nhiên, vui tươi và thoái mái đó xuất phát từ hai phía. Gia chủ chào đón họ với sự  thân thiện, niềm nở hơn cùng với quan niệm khách “mượn” có thể “ăn mặc bình thường như người nhà”[5] và khách “mượn” hài lòng về không khí ấm cúng cũng như vai trò của bản thân trong sự kiện hệ trọng của gia đình mình quen biết, thân thiết.
“Mượn” khách không mang ý nghĩa kinh tế, cũng không phải hình thức đổi chác sòng phẳng công sức với ăn uống mà nó giúp hợp thức hóa một bộ phận khách không thể mời theo quy ước.” (Hình minh họa – Internet)
Chính vì những trải nghiệm trên mà một khi được “mượn” theo quy ước, khách luôn cố gắng có mặt, nếu vì lý do bất khả kháng phải từ chối lời “mượn” họ thường tiếc nuối và buồn[6] vì không giúp được cho gia đình người quen. Trước, trong và sau đám cưới là cả một quá trình thú vị mà khách “mượn” có được. Đẹt còn vui vẻ chia sẻ rằng, sau những lần phụ đám cưới ở ngoài, đến khi phục vụ nước cho đám cưới của một người em họ hàng, chị đã “gắp đá, đãi nước chuyên nghiệp[7]. Những việc việc bình thường đến nỗi “giờ Mi hỏi mới suy nghĩ”[8] như phục vụ nước cho đám cưới thế này thực sự có ý nghĩa khi nó được cả gia chủ và khách “mượn” đầu tư làm thật tốt, trở thành kỷ niệm và thắt chặt mối quan hệ giữa họ.
 
KẾT LUẬN
Đám cưới ở vùng quê Vĩnh Cửu, Đồng Nai – nơi mà người ta xem trọng tình làng nghĩa xóm, mối quan hệ anh em bạn bè, việc tồn tại khách “mượn” và vai trò của họ trong đám cưới mang những ý nghĩa đặc trưng. Trong đám cưới, mọi  người hình thành và tuân theo các quy ước liên quan đến mời cưới, vai trò ý nghĩa của các mối quan hệ với việc mời và “mượn” khách. Khách “mượn” vừa là giải pháp cho việc phục vụ thức uống tại đám cưới nhưng chính việc được “mượn” đãi nước cũng là cách hợp thức hóa nhóm khách không thể mời này. Với hai tư cách, vừa là người “sạc bia” vừa như người trong nhà hình thành nên trách nhiệm và những trải nghiệm của khách “mượn” khá đặc trưng và khác với những người khách mời. Kỳ vọng của khách tham dự đám cưới phần nào được thỏa mãn vì họ cảm thấy sự vui tươi, thân thiết trong tư cách khách “mượn”. Tất cả những điều này xác định, khẳng định và thắt chặt thêm mối quan hệ của khách “mượn” với gia chủ – đó là mối quan hệ qua lại thân tình. Tuy dừng lại ở đây nhưng bản thân thấy ngày càng thú vị khi tìm hiểu về đề tài này cũng như tìm ra những nét đặc trưng trong đời sống của quê mình. Tôi phần nào hiểu những điều – mà tôi vốn là một phần trong đó – rất thú vị. 
Mi Thiều

[1] Tí, 22 tuổi, công nhân.
[2] Đến cảm ơn và nâng ly cùng khách chúc mừng đám cưới.
[3] Đẹt, 21 tuổi, công nhân.
[4] Đẹt, 21 tuổi, công nhân.
[5] Anh Ba, 27 tuổi, viên chức Nhà nước.
[6] Đẹt, 21 tuổi, công nhân.
[7] Đẹt, 21 tuổi, công nhân.
[8] Đẹt, 21 tuổi, công nhân.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.