Cân lại những giá trị của giáo dục nhân bản

0
999
Nếu triết lí giáo dục được xem là một cái khung chung định hình nền giáo dục thì nội dung của giáo dục chính là những cái thật cụ thể để làm cho cái triết lý ấy thật sự tồn tại và sinh hoa kết quả.
Học sinh tiểu học. Ảnh: minh họa-Nguồn: Internet
Phương châm giáo dục mà chúng ta vẫn hay nhắc đến là phát triển một con người toàn diện. Thế nhưng, có vẻ như những sản phẩm của giáo dục ngày nay thường chỉ biết đến cái họ “có” chứ không thật sự biết họ “là” gì. Họ “có” bằng cấp, học vị, chức vụ… và xã hội đánh giá họ qua cái họ đang “có”. Còn họ “là” ai thì mấy người quan tâm. Nhưng  một nền giáo dục thật sự là một nền giáo dục chỉ chú ý để cung ứng cho con người “có” cái họ muốn thôi sao? Khi nào con người được tôn trọng bởi cái họ “là” hơn cái họ “có”, thiết nghĩ rằng lúc đó, giáo dục mới hoàn thành trách nhiệm cao quý và nặng nề của mình. Vậy để con người biết mình “là” ai hơn và để xã hội tôn trọng họ như cái họ đang “là” thì giữa muôn vàn nội dung phải giáo dục, giáo dục nhân bản cần được chúng ta đặt lên bàn cân và cân lại những giá trị.
Tại sao giáo dục nhân bản lại quan trọng? Thưa: chính qua giáo dục nhân bản, nhân cách của con người được hình thành và trở nên hoàn thiện theo những chuẩn mực của cộng đồng. Truyền thống văn hóa Việt Nam coi đạo đức là gốc của con người. Từ xa xưa, khi bàn về quan niệm con người trong xã hội, Nguyễn Trãi đã cho rằng con người hoàn hảo chỉ cần có đức, cũng cần có học, có nghề, có tài nhưng “tài thì kém hơn đức vài phần”. Đối với Nguyễn Trãi: “Có cái quý hơn của cải, đó là đạo đức. Đạo đức mới là của thầy. Đạo đức là làm điều thiện, là sống ngay thẳng, là hiểu, là trung cần, là khí tiết, không uốn mình theo thế thái, không chạy theo lời khen chê của người khác.” (1)Đến thời đại của Hồ Chí Minh, để đề cao vấn đề đạo đức của một con người, chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã khẳng định lại ý kiến: “Có tài mà không có đức là người vô dụng”. Do đó, thật là một khuynh hướng phiến diện khi giáo dục khi chỉ nhắm tới việc dạy kiến thức mà thôi. Điều này có thể  làm cho nền giáo dục bị thoái hóa thật sự. Chất lượng của giáo dục là ở chỗ giáo dục phải làm cho con người mãi mãi trở nên con người hơn, nghĩa là con người phải “là” nhiều hơn chứ không phải “có” nhiều hơn. Vậy tất cả những gì con người “có”, tất cả những gì con người “sở hữu”, con người phải biết ngày càng “là” người đầy đủ hơn. Do đó, trách nhiệm khó khăn và nặng nề của các nhà làm giáo dục là phải đảm bảo sao cho giáo dục con trẻ của chúng ta hướng tới những giá trị chính yếu của đời người. Để các em lớn lên trong sự tự do thật sự, sự tự do của một người biết xác tín một cách mạnh mẽ giá trị của các em là do cái mình làm hơn là do cái mình có.
Tinh thần giáo dục của những chữ đơn giản
Chữ “nhân” và chữ “nghĩa”
Trong văn hóa ứng xử của người Việt, chữ “ nhân” và chữ “ nghĩa” rất được đề cao. Có thể nói trong bảng giá trị ứng xử của người Việt, tình nghĩa là một giá trị có vị trí đứng hàng đầu. Người Việt Nam thường nói câu: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Tấm lòng chính là nơi thể hiện tình cảm chân thật của con người chứ không hẳn là những của cải vật chất bên ngoài. Do đó, lòng nhân ái và những nghĩa cử cao đẹp không nhất thiết phụ thuộc vào khả năng hay tiền bạc của con người để từ đó ban phát ân huệ cho mọi người. Ngược lại, tấm lòng nhân ái và những những biểu hiện của tình nghĩa thể hiện ngay trong những cử chỉ bình thường nhỏ nhặt nhưng xuất phát từ động cơ sâu kín nhất của lương tâm. Vũ Ngọc Khánh viết: “Khuynh hướng tâm linh của người Việt Nam cho rằng có được lòng nhân thì được trời chứng giám. Người Việt tin là có trời, ông trời ấy vô hình nhưng lại rất cụ thể. Ông theo dõi tất cả những ý nghĩ, những hành động của con người để đánh giá những điều hay, điều dở. Những điều hay ông sẽ thưởng, thưởng trước mắt hoặc thưởng về sau. Những điều xấu ông cũng phạt cũng với thời gian như thế” (2). Người Việt còn đề cao phúc phận của con người. Con người có phúc hay vô phúc phụ thuộc hoàn toàn cái thưởng, cái phạt từ việc con người có nhân đức hay không. “Đối với người Việt Nam, lòng nhân ái là điều duy nhất mà người bình dân hướng về để tu dưỡng mình” (3).
Vậy giáo dục nhân bản khởi đi từ việc dạy con trẻ biết  sống hai chữ “nhân nghĩa”. Đó là tinh thần yêu thương không những trong gia đình mà còn đối với người khác. Một chút khuyến khích con trẻ biết bố thí cho những người nghèo khổ, những lời nhắc nhở khéo léo để các em biết tiết kiệm vì các bạn đang phải chịu cảnh ngập lụt ở miền Trung, hay góp sách vở cũ cho các bạn học sinh khác ở những nơi xa xôi của đất nước… và còn bao nhiêu điều khác nữa, tất  cả những điều đó đều là cơ hội để dạy con trẻ biết cách sống và ngày càng sống một cách nhân bản hơn . Chữ “nhân”, chữ “nghĩa” tuy ngắn gọn là vậy mà mang trong mình tính giáo dục thật sâu xa.

Chữ “lễ”

Quan niệm  nhân cách con người của người Việt chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ nền tảng Nho giáo. Theo đó, khi Nho giáo quy tất cả các mối quan hệ xã hội thành ngũ luân và tam cương thì đã tạo ra một xã hội luân thường. Trong xã hội đó, các cá nhân tồn tại với những chức năng của mình như là cha, là mẹ, là con, là cháu… Với những chức năng ấy, con người của xã hội luân thường luôn phải giữ gìn sự khiêm tốn và cẩn trọng trong từng lời ăn tiếng nói. Mọi thái độ hành động phải nhất nhất tuân theo đúng phận, đúng vị, đúng lễ. Chữ “lễ” hiểu theo quan niệm đó có nghĩa là sự lễ phép, biết cách xử sự theo đúng vị trí của mình. Tác giả Nguyễn Đức Lộc cho rằng: “Mỗi thành viên gia đình đều xem quan hệ trật tự, thứ bậc trong gia đình là bất biến, do vậy, mỗi người đều phải có thái độ đúng mực đối với các thành viên trong gia đình trong suốt cuộc đời. Việc phân định vai trò, thứ bậc không chỉ dừng lại ở trong các gia đình mà còn phổ biến rộng rãi ra các cộng đồng xã hội lớn hơn” (4).
Vậy dạy trẻ chữ “lễ” là dạy những gì? Chúng ta cho trẻ em sự tự do để phát triển như một con người thật sự. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhắc cho trẻ cái giới hạn của tự do ấy để trẻ em không buông mình theo những ý thích và cách hành xử mà có khi chính trẻ cũng chưa thể hiểu hết được. Trẻ em cảm nhận mình được yêu thương khi chúng thấy mình được quan tâm. Thế nên hãy quan tâm đến mọi lời nói, hành vi và cử chỉ của trẻ. Hãy quan tâm không phải để soi mói, bắt lỗi mà là để sửa dạy. Một lời nói thốt ra hay cách trẻ đưa tay khi nhận một món đồ của người khác, cái cử chỉ tưởng chừng nhỏ nhặt đó thật ra là một cơ hội quý giá biết bao để dạy trẻ em biết cách cư xử thế nào cho lễ phép.

Chữ “hiếu”

Đối với người Việt, khi đề cập đến các đức tính căn bản của con người, có lẽ không thể nào không nói đến chữ hiếu. Trong quan niệm của người xưa: “Chữ hiếu đứng đầu mọi đức hạnh. Phải có hiếu mới có trung, bảo vệ cho cái hiếu trong gia đình là trực tiếp bảo vệ cho cái trung vì đất nước” (5). Giá trị của chữ hiếu đặc biệt được coi trọng thể hiện qua bộ Quốc triều hình luật, hay còn gọi là luật Hồng Đức, đây được xem là bộ luật tiêu biểu nhất của Việt Nam xưa kia. Đối với các luật về chữ hiếu, điều thứ hai của Quốc triều hình luật ghi rõ: Bất hiếu là một trong mười tội thập ác.Ngoài luật của nhà nước, hương ước của các làng cũng có nhiều quy định liên quan đến chữ hiếu và tội bất hiếu.
Người Việt Nam thể hiện chữ hiếu qua các lễ thức trong gia đình. Họ bày tỏ tấm lòng hiếu kính với các bậc tiền nhân trong cách thờ cúng tổ tiên. Tác giả Vũ Ngọc Khánh nhận định rằng: Không có người Việt Nam nào không thờ cúng tổ tiên, làm giỗ làm chạp, ngay cả khi con người ấy phải sống độc thân, hoặc phải sống xa nhà, ở một nơi có phong tục tập quán khác, ngay cả khi người ấy đã đi theo một tôn giáo khác. (6) Cùng quan niệm với ý kiến trên, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng cho biết: Từ xa xưa, dân tộc Việt Nam ta không có tôn giáo theo nghĩa thông thường của nhiều nước khác. Còn nói tôn giáo là thờ cúng thì mọi người đều thờ cùng ông bà, mọi họ đều thờ cúng tổ tiên… Từ góc độ văn hóa, tôi thấy đây là một đặc trưng đáng tôn trọng của người Việt Nam, ở chỗ nó là sự tưởng nhớ những người có công trong việc tạo lập cuộc sống ngày nay trong mỗi gia đình và làng xóm. Chữ hiếu và truyền thống thờ cúng tổ tiên không chỉ được nhấn mạnh qua một vài quan niệm mang tính chất cá nhân mà còn trở thành một quy chuẩn chung cho toàn xã hội Việt Nam thông qua Nghị Quyết : “Giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực của truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh những người có công với Tổ quốc và nhân dân” (7). Với những quy định mang tính phổ quát như vậy, ở Việt Nam hầu như 100% dân cư giữ phong tục thờ cúng tổ tiên (8).
Là bậc sinh thành, là thế hệ đi trước, có ai không mong con cháu và các thế hệ sau mình là những đứa con hiền cháu thảo. Vinh quang của người cha, niềm hạnh phúc của người mẹ và sự tự hào của những người làm giáo dục có gì khác hơn đào tạo ra những con người thật sự là người, những người thật sự tự do và sống đúng với phẩm giá là của mình. Sứ mệnh lớn lao đó là một gánh nặng nhưng kết quả đạt được là chắc chắn sẽ là niềm vui. Đó là niềm vui được nhìn thấy một thế hệ mới, một thế hệ với những con người được phát triển một cách toàn diện để vừa biết giá trị của mình “là” gì vừa “có” đủ hành trang để vững tin bước vào đời. Vậy vì tương lai của niềm hy vọng đó, giáo dục xin hãy bắt đầu từ những việc thật đơn giản nhưng với niềm tin thật lớn lao.
 (1)Trần Đình Hượu, 1999, Nho giáo và văn học Việt Nam Trung Cận đại, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr. 100
(2)Vũ Ngọc Khánh, 2007, Văn hóa gia đình Việt Nam, Nxb Thanh niên, Tp Hồ Chí Minh, tr.37
(3)Vũ Ngọc Khánh, Sđd, tr 38.
(4) Nguyễn Đức Lộc, 2010, Cấu trúc cộng động của người Việt Công giáo di cư năm 1954 tại Nam Bộ, luận án tiến sĩ lịch sử, Tp. Hồ Chí Minh, tr.82.
 (5)Vũ Ngọc Khánh, Sđd, tr.62.
(6)Vũ Ngọc Khánh, Sđd, 78.
(7)Ban chấp hành Trung ương Đảng, 2003, Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12/3/2003.
 (8)Hội đồng Lý luận Trung ương, 2004, Lẽ phải của chúng ta, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
Trần Thị Ngọc Lưu

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.