Hà Nội giai đoạn 1873-1888 (6)

0
1001

BTKUXH – Hướng về đại lễ 1000 năm Thăng  Long – Hà Nội, chúng tôi xin giới thiệu bản dịch nội dung quyển sách “Hà Nội giai đoạn 1873-1888” của tác giả André Masson viết về Hà Nội những năm cuối thế kỷ 19 để chúng ta hiểu thêm về một giai đoạn lịch sử của thành phố qua góc nhìn của một nhà nghiên cứu phương Tây. Quyển sách do Nhà Xuất bản Hải Phòng biên dịch và ấn hành.

Chương 2: Thành Hà Nội

Alea jacta est! Câu này có nghĩa là Lệnh đã phát ra! Sáng sớm ngày mai, tôi cùng 180 người sẽ tấn công 7000 người ở phía sau những bức tường. Nếu bức thư này tới tay anh[1] không có chữ ký thì có nghĩa là không có tin gì thêm của tôi, tức là tôi đã bị giết.

Francis Garnier 18-11-1873

Cái tứ giác mênh mông ngày xưa định hình tường lũy Thành Hà Hội (Citadelle) – hầu như bị san bằng từ năm 1894 tới năm 1897 – ngày nay vẫn còn thấy rõ trên bản đồ thành phố nhờ bốn đường giao thông chính: đường Brière de l’Isle (nay là Hùng Vương – chú thích của người dịch), đại lộ Carnot (nay là Phan Đình Phùng – chú thích của người dịch), đại lộ Henri d’Orléans (nay là Phùng Hưng – chú thích của người dịch), đại lộ Félix Faure (nay là Trần Phú – chú thích của người dịch).

Được xây dựng dưới triều Gia Long vào năm 1805[2], các tường thành này là một trong những tường thành đặc biệt nhất của kiểu pháo đài Vauban mà xứ Đông Dương có được nhờ các sĩ quan Pháp, bạn của Giám mục Bá Đa Lộc. Là chứng tích cho sự hợp tác Pháp – Nam đầu tiên trong những năm đầu thế kỷ 19, các tường thành xứng đáng được tôn trọng.

Thực vậy, như ông Pasquier nói, thật xúc động khi “tìm thấy ở các nước vùng Viễn Đông này dấu ấn nước Pháp để lại…”.

Tuy nhiên, không thể từ hơi hướng Pháp trong đường nét của các công sự mà cho rằng Thành Hà Nội do Olivier de Paymuel xây dựng như người ta vẫn nhắc đi nhắc lại vì Olivier đã chết ba năm trước khi Nguyễn Ánh chiếm Hà Nội vào ngày 20-7-1802. Năm 1799, quân triều đình (chỉ quân đội Nguyễn Ánh – ND) vẫn còn ở Qui Nhơn và không thể có vấn đề vẽ sơ đồ một cái thành nào đó ở Bắc Kỳ trong khi chính việc chinh phục xứ dó vẫn còn hoàn toàn khó khăn. Tuy vậy vào thời điểm chiến thắng của Nguyễn Ánh vẫn còn 4 người Pháp bên cạnh ông ta: Vannier, Chaigneau, de Forsans et Despiau. Theo các nguồn tư liệu của An Nam, sơ đồ thành do các sĩ quan Pháp vẽ đã bị các quan An Nam thay đổi vào năm 1805 vì các đường  vạch tường thành phạm vào thuật phong thủy. Cuốn sách này không bàn về vấn đề đó, một vấn đề liên quan đến thời kì quá xa xưa so với thời kỳ chúng ta nghiên cứu.

Những mô tả chính xác đầu tiên về Thành Hà Nội do viên chỉ huy Chapotot viết ngày 16-11-1875[3]: “Dạng khái quát của Thành là một hình vuông rất rộng. Mỗi cạnh hình vuông đó có ba chỗ nhô ra được pháo đài hóa, tức là ba liên tháp, hai pháo đài nhô và hai pháo đài bán nhô. Chính giữa của các mặt Bắc, Đông, Tây và hai đầu của mặt Nam được bảo vệ bởi những lũy bán nguyệt cùng kích thước như tường thành chính (hình 8).

Quanh thành có một thềm đất[4] rộng sáu, bảy mét. So với thềm đất, tường thành cao khoảng năm mét. Mặt trong tường bằng gạch.

Hào thành rộng từ mười lăm tới mười tám mét và sâu khoảng năm mét. Giống như mặt trong của tường thành, mặt trong của hào cũng được phủ gạch nhưng mặt bờ ngoài không phủ. Các hào thành và hào lũy bán nguyệt được giữ ngập nước quanh năm, chiều cao mặt nước không vượt quá 1,2m hay 1,3m. Hào không có bờ dốc.”

Các chi tiết kỹ thuật trên sẽ rõ ràng hơn nếu phụ thêm vào hình 8 một số sơ đồ nữa[5] và hai ảnh của pháo đài nhô nằm ở cửa chính Tây và vọng gác Tây Nam, vết tích duy nhất còn lại hiện nay của lũy cũ, nằm gọn trong những tòa nhà của Kho thuốc súng hện nay. Một trong hai ảnh chụp góc Tây Bắc pháo đài (hình 9) cho thấy tường phía trong pháo đài và hình nhìn ngang một mái dua bằng gạch trên có lan can viền lấy đường đi tuần canh. Tường này được xây bằng loại gạch 40x14x18cm. Trên ảnh thứ hai chụp chính diện (hình 10), ta thấy phía trước là hào đã bị lấp đầy nhưng vẫn còn thấp so với dải đất chạy ven đường.

Chúng ta hãy theo dõi sự mô tả của viên chỉ huy Chapotot: “Việc liên lạc với bên ngoài được thực hiện qua năm cửa (hình 7) trổ ra từ giữa các tháp canh và được bảo vệ bằng các lũy bán nguyệt ở phía trước. Người ra vào thành phải qua các vòm có cửa bằng gỗ rất nặng và có khả năng chống đỡ đáng kể. Người ta vượt qua hào bằng những chiếc cầu gạch cố định vươn ra từ các tháp canh. Như vậy thành không có cầu cất. Những chiếc cầu cố định này chạy vào khe sau của các lũy bán nguyệt. Các con đường này ít khi chạy lên chỗ xây cao mà thường là quẹo về bên phải và ra khỏi lũy bán nguyệt ở chỗ gần trục chính.

Những lối đi như vậy được đóng kín bằng những cửa hiện nay tình trạng rất tồi tệ. Giống như vượt hào thành để vào thành, phải vượt qua hào lũy bán nguyệt bằng những chiếc cầu gạch cố định để vào trong lũy bán nguyệt.

Hiện nay chỉ còn Cửa Bắc được bảo tồn nhưng lối thông ra đại lộ Carnot đã bị xây bịt nên phải đứng ở bên trong mới chiêm ngưỡng được chiếc vòm gạch dài hai mươi ba mét tuyệt đẹp ở phía trên lối đi và những cầu thang lộ thiên dẫn tới một chiếc chòi. Chiếc chòi này ngày xưa dùng làm chòi canh, hiện nay biến thành chỗ ở của các quân nhân. Ở mặt ngoài, người ta vẫn giữ nguyên những lỗ đạn trên mặt tường do trận bắn phá ngày 25-4-1882 như một ghi nhận mang tính kỉ niệm. Ở phía trên vành cung của chiếc cửa đã bị xây bịt, người ta nhận ra ba chữ[6]:

Chính Bắc Môn

(Cửa chính theo hướng bắc)

Toàn thể pháo đài sẽ có giá trị phòng thủ mạnh nếu được trang bị pháo binh hiện đại. Nhưng pháo của nó chỉ là một khẩu “bày trong cửa hàng của một người buôn đồ cũ tốt hơn là đặt trên bờ thành của một pháo đài”. Tầm xa của chúng ngắn đến nỗi, ngày 24-1-1882, khi cố gắng bắn trả các đợt bắn phá của các pháo thuyền Pháp, đạn của chúng mới đi được nữa đường đã rơi vào khu dân cư.

Ở trong thành, giữa những hồ, ruộng và vườn rộng lớn có ba nhóm nhà chính:  ở trung tâm là Hoàng CungTháp Canh (Mirador), ở phía Tây là các kho của tỉnh, ở phía Đông là nhà ở và nơi làm việc của các quan đại diện cho nhà vua ở tỉnh.

Hoàng cung được xây dựng lại là nơi xưa kia là cung điện của triều Lý. Cung điện  này do Thái Tổ xây dựng vào đầu thế kỉ XI[7] tại nơi hội các điều kiện phong thủy tốt nhất[8] và có khả năng thần dịu chống lại những ảnh hưởng xấu. Nhìn vào sơ đồ thành, người ta thấy hoàng cung hoàn toàn nằm lệch khỏi trục của thành và bản thân thành lại nằm theo hướng Bắc Tây Bắc- Nam Đông Nam. Hướng của hoàng cung lệch rất rõ về hướng Tây Bắc so với trục của thành. Sự kiện này được giải thích bằng ý đồ sử dụng một số điểm đặc biệt trong thế đất mà vẫn tôn trọng các quy tắc buộc hướng phải là một trong các hướng tí – ngọ, quý – đinh, nhâm – bính, càn -tốn.

Được bảo về bởi một tường vây hình chữ nhật, trong đó một số cửa hàng đang được bảo tồn, khu Hoàng cung bao gồm ba tòa nhà từ Nam lên Bắc là: Đoan Môn, Kinh ThiênHậu Lâu.

Đoan Môn, công trình duy nhất còn giữ được, có năm cửa, trong đó ba cửa chính đã được xây bịt. Phía trên khối tường gạch to lớn đó là một tòa nhà hai tầng đường nét duyên dáng bị một chiếc hiên và nhiều cửa sổ sát đất làm xấu đi. Bản kê thực hiện năm 1888 nét cổ kính của mặt Nam Đoan Môn (hình 11) so với mặt bắc mà hình mới được chụp gần đây (hình 12). Phía trên cửa chính mặt nam của Đoan Môn người ta vẫn còn đọc được hàng chữ:

Đoan Môn

(Cửa chính)

Tòa nhà trung tâm (hình 1), Kinh Thiên (kính trọng trời), được xây dựng trên gò đất thiêng Nùng Sơn, gò núi trong nhiều thế kỉ được coi như núi hộ mệnh của thành phố, là “một trong những kiệt tác của kiến trúc An Nam. Bốn con rồng đá lưng lổm chổm vây ôm lấy các sống của bộ mái và ngẩng cao đầu ở bốn góc mái[9]. Bên trong tòa Kính Thiên có “nhiều cột rất cao và to hàng ôm bằng gỗ lim[10]. Tòa nhà Kính Thiên bị phá hủy năm 1886 để xây dựng ngôi nhà hiên nay là Sở chỉ huy pháo binh.


[1] Nguyên văn te (ngôi hai dạng thân mật), nhưng Masson không cho biết thư gửi cho ai  (chú thích của người dịch).

[2] Thư viện Trường Viễn Đông Bác Cổ, Ms A.81, fol.1

[3] Hồ sơ các Thống đốc số 13526, Sở Lưu trữ Trung ương Đông Dương.

[4] Giải đất giữa hào và ụ đất để tránh taluy sụt lở xuống hào.

[5] Có nhiều sơ đồ về Thành Hà Nội. Sơ đồ chúng tôi in lại theo một sơ đồ năm 1888 hình như chính xác nhất. Liên quan tới thời kỳ nghiên cứu của chúng ta, còn có một sơ đồ bổ ích là “Sơ đồ Thành Hà Nội được vẽ bởi tập sự viên hạng nhất Perrin” vào năm 1873. Hồ sơ các Thống đốc số 12463, Sở Lưu trữ Trung ương Đông Dương.

[6] Hàng chữ nho này do ông Tran-Ham-Tan, một nhà nho thuộc Trường Viễn Đông Bác Cổ, viết.

[7] Maspéro, Sự đô hộ An Nam dưới triều Đường (le protectorat général de l’Annam sous les Tang), Kỷ yếu của Trường Viễn Đông Bác Cổ (BEFEC) 1910, tập 10, trang 539.

[8] Về những quy tắc của luật phong thủy quyết định việc chọn chỗ đặt tỉnh thành, xem L. Cadière, Thủ đô tốt, Đô thành hiếu cổ, 1916, trang 246.

[9] F. Garcin, Au Tonkin pendant la conquête, trang 48.

[10] Pestruis Ky, Voyage au Tonking en 1876, Thư viện Trường Viễn Đông Bác Cổ, 803621, trang 7.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.