Tổ chức xã hội truyền thống của người Khmer ở Tây Nam Bộ – Kỳ 4

0
1361
Quan sát tham dự tại cộng đồng (2)
 
11h17’ chúng tôi lại có mặt tại nhà bác T. Kiêng, bác Thiêng đã ăn cơm rồi. Ngiên và Thanh đi thẳng xuống bếp lấy nồi cơm, bát đũa và một đĩa cá nhỏ kho khô lên mời chúng tôi. Chúng tôi ăn trưa với sự có mặt của bác Thiêng và bác T. Kiêng, cùng hai cháu nhỏ nhà bác. Bữa cơm chỉ đơn giản là cơm và một chút cá tôm nhỏ mà Thanh mới bắt được lúc sáng. Chúng tôi ăn rất ngon lành. Phải nói cá quê ăn ngon miệng thật. Gần xong, mỗi người được một ly trà đá nữa, thật là đã. Sau bữa trưa, tôi hỏi bác “chiều có ra ruộng cho cháu đi với”, bác đồng ý và nói “sẽ vất vả đấy”. Tôi vui và sẵn sàng nói “không sao ạ”. Hai bác tranh thủ nghỉ trưa nên tôi cũng không làm phiền. Sát bên căn nhà bằng lá của gia đình hai bác đang ở là một căn nhà cột bê-tông. Đây là căn nhà được xây nhờ chính sách xóa đói giảm nghèo nhưng theo bác thì nó không được an toàn vì chân cột chôn không sâu nên nhà bác không dám ở, sợ bị sập. Trong đó có một chiếc võng, tôi cũng tranh thủ chợp mắt một chút.
Phỏng vấn sâu (Ảnh do tác giả cung cấp)
14h22’, sau một quãng đường mòn băng qua những ngôi nhà và khu vườn, tôi cùng với Đ, bác Thiêng và Thanh ra ruộng theo như thường lệ một ngày làm việc của gia đình. Vì đang vào mùa nên hôm nay mọi người ra đồng, vác theo cuốc và xẻng để làm đất, chuẩn bị cho ngày mai xạ lúa. Bác Thiêng nói ”thóc đã được ủ và nảy mầm rồi”. Ruộng nhà bác Thiêng nằm cách khu nhà và vườn của những người hàng xóm một mảnh ruộng thôi. Mảnh ruộng nhà bác khoảng bốn công, ra ngoài ruộng chỉ có hai bác làm còn chúng tôi thì đi coi thôi. Quan sát một lúc tôi cũng muốn tham gia và bác T. Kiêng chỉ cho tôi sấn từng mảng đất nơi chân bờ ruộng để hất ra những chỗ có vũng nước ngoài mặt ruộng, còn bác Thiêng thì dùng cuốc gạt những mô đất trên mặt ruộng cho bằng phẳng. Hất được lúc tôi cũng thấy đuối, nhường lại cho bác làm. Thủy dẫn tôi và Đ ghé thăm ruộng bí và dưa leo cách đó không xa. Bác Tha còn hỏi chủ vườn bí cho chúng tôi được hái vài trái về nấu canh. Thích thật, ở quê vất vả thật nhưng mọi người đều thật thà và mọi thứ đều tốt lành. Mọi người sống bên cạnh nhau bằng tình người. Rảo quanh ruộng một chút mà cũng cả tiếng đồng hồ, chân tôi bị bọn kiến vàng đốt vừa ngứa vừa sưng. Hai bác nói chúng tôi về trước với Thanh chuẩn bị bữa chiều. Nán lại một lúc nữa rồi chúng tôi cũng chào hai bác về nhà trước.
 
15h49’ tôi có mặt ở nhà, mặc dù còn sớm nhưng Ngiên đã đang đun nồi canh măng rồi, Thủy chuẩn bị bắc nồi cơm lên bếp. Ở đây nhà nào cũng đun bằng củi, nên khi nhóm bếp phải thổi lửa trông thật vui, tôi cũng tham gia vào việc nấu ăn. Trong khi chờ nồi măng sôi, Ngiên làm sạch mấy con cá kèo, cá này mới mua của những người chở đò qua. Nghiên nói cá đắt lắm, tới 120.000đ một kg. Tong chậu chỉ có bốn con vừa bằng ngón tay. Rất đơn giản nhưng cũng đầy sự trang trọng. Bữa tối nay khác so với ngày thường, nhưng dù sao chúng tôi đã có một bữa cơm trưa thật sự là của gia đình, như các buổi sinh hoạt thường ngày.
 
Mới 16h30, nhưng vì trời đổ mưa nên hai bác về sớm. Bác nói mọi ngày thì làm tới 5h chiều nhưng bữa nay về sớm hơn chút. Vừa về nhà, bác T. Kiêng đã vác thang, kìm và một mảnh bạt rách leo lên mái nhà để che lại, vì căn nhà cũng đã cũ rồi nên đôi chỗ bị dột. Công việc nấu ăn cũng vừa hoàn tất, bác Thiêng nói dọn lên để ăn luôn.
 
17h2’: tôi ngạc nhiên vì mới 5h chiều, ngoài trời tuy mới ngớt mưa nhưng có vẻ vẫn còn rất sớm. “Mình đã ăn cơ rồi?” tôi hỏi vậy và bác Thiêng nói bình thường nhà bác cũng ăn sớm vậy, đi làm về cái là ăn luôn “tối ngủ đỡ nặng bụng”. Bữa cơm này có cá kho và canh măng,  bác T. Kiêng nói “măng kiếm được từ những bụi tre xung quanh nhà đó, trên thành phố làm gì có cái này”. Trong khi mọi người bắt đầu bữa cơm mà tôi cũng không biết gọi là bữa tối hay bữa chiều, thì Ngiên đi ra ngoài, vì việc gì tôi cũng không rõ, nhưng một lát sau, khi tôi đã ăn được tới chén cơm thứ hai rồi thì Ngiên trở về mang theo một bịch bóng lớn. Nghiên đặt lên trên bàn trước mặt tôi và mở ra. Thì ra là bún nước lèo, bác Thiêng nói “bữa nay mời bọn con ăn đặc sản ở đây, ngon lắm đó”. Tôi cũng chẳng thích thú gì cái món này và chưa một lần ăn vì cái mùi của nó, thế nhưng hôm nay tôi lại sẵn sàng ăn và không một lời từ chối vì cảm kích tấm lòng của họ. Vả lại tôi cũng sợ làm họ mất lòng vì đây là niềm tự hào của họ mà. Tôi cũng ăn như mọi người, mặc dù có mùi “không ưu” nhưng tôi cảm thấy vị cũng được đấy chứ. Vì đã ăn cơm rồi nên tôi cũng chỉ ăn thêm được một chút nữa thôi.
 
Kết thúc bữa cơm chiều, chúng tôi cùng dọn dẹp và sau đó, chắc chắn rồi tôi có cơ hội nói chuyện với cả gia đình. Đây là thời gian thuận tiện cho cho chúng tôi thực hiện một cuộc phỏng vấn sâu.
 
Cuộc phỏng vấn bắt đầu lúc 17h33’ và kết thúc lúc 18h49’.
 
Kết thúc một ngày ở đó, tôi và Đ về lại chỗ ở của nhóm với một tâm trạng rất thoải mái. Tôi cảm nhận được sự gần gũi với những người nông dân này.
(Còn tiếp)
Kiều Văn Tịnh

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.