Xã hội truyền thống của người Khmer vùng Tây Nam Bộ- kỳ 5

0
804

Từ chuyện một gia đình người Khmer.

9h15 sáng, sau khi hoàn thành nhật ký của ngày hôm qua, tôi cũng lên một lịch làm việc mới do một vài gợi ý của cô D. Theo kế hoạch, tôi sẽ sang bà K hỏi chuyện nhưng tôi cứ thấy ngại ngại. Thấy bà K đang đứng ở bếp, tôi chạy lại hỏi thăm về những người già có khả năng biết về phum,  Sróc. Bà K chỉ cho tôi em út của bà cũng sống gần đây và bà bảo tôi dắt xe đạp để bà dẫn tôi sang nhà bà út. Bà K đã già. Năm nay bà  đã 72 tuổi nhưng tôi thấy bà làm việc liên tay liên chân suốt ngày.Chúng tôi đi được một lúc cách nhà bà K, khoảng vài trăm mét là tới nhà bà U dọc theo trục đường lộ. Nhà bà U là nhà xây kiên cố, khá rộng rãi và khang trang, sơn màu xanh dương nhạt trông rất sáng sủa. Tôi bước vào sân và thấy hơi ngại vì tôi cũng không phải là người quen giao tiếp với người lạ mà đặc biệt là chỉ có mình tôi thôi. Vừa vào trong sân, có một anh (anh T con bà K) chạy xe máy vào. Tôi cứ nghĩ là con bà U nên cũng gật đầu chào. Anh hỏi tôi “đi đâu đấy” tôi nói là đi tìm hiểu về phum, Sróc của người Khmer. Tiếp theo tôi cùng bà K ra sau nhà thì thấy một bà già đang vo gạo nấu cơm, tôi mới hỏi bà nấu cơm cho sư bưng bát hả bà thì bà cười và nói theo “bưng bát”. Bà K cũng nói lại với tôi một lúc nữa các sư lại bưng bát. Anh T hồi nãy gặp ngoài sân giờ đã đứng trước cửa nhà sau và hỏi tôi vấn đề tôi đang nghiên cứu là gì? Tôi thấy anh có vẻ rất nhiệt tình với những sinh viên như chúng tôi. Tôi cũng nói với anh về cái tôi đang cần tìm kiếm là các mê phum (trưởng phum) mê Sróc(trưởng ấp). Tôi muốn biết họ là ai trước khi có các đơn vị hành chính là ấp, xã… Anh nói rằng anh cũng không biết và nói bằng tiếng Khmer để hỏi về vấn đề này với bà U bà U cũng trả lời lại với anh bằng tiếng Khmer. Sau đó, anh trả lời tôi là “dì U cũng không rành nữa”. Anh mời tôi vào nhà và kéo ghế ngồi. Thấy anh này cũng nhiệt tình nên tôi mới sẵn hỏi thăm một số thông tin: anh tên là  T, con bà K. Anh đã có thời gian tu ở chùa bảy năm, hiện nay anh T đã có gia đình và một con gái học lớp chín. Khi tôi hỏi anh cảm thấy thế nào khi đi tu? Anh trả lời: đi tu thì nhỏ hơn 21 tuổi là xa di trả ơn mẹ, trên 21 tuổi là tì khưu trả ơn cha. Theo anh T thì đi tu lâu hay mau là do duyên kiếp chứ không phải mình muốn là được, khi nào cảm thấy hết duyên tu (căn tu) nữa thì ra chứ không phải ai muốn đi là đi. Khi tôi nói về sự hi sinh của người mẹ thì thấy anh có vẻ hơi xúc động và nói “bà cứ làm nuôi mình còn mình đi tu thì không giúp gì được cho bà” đi tu còn không được nghĩ ngợi gì về gia đình mà phải tụng kinh, cầu cho cha mẹ, làng xóm được bình an. Anh Tư cho tôi biết phum là ấp và bao gồm 6 wện của ấp Nô Nghét Chơn, Ô Nghét Bôn, Nơ Trọn, Lệt Woát, Kợt Woát, Tịch Anh. Anh Tư giải thích từ “Nghét” trong tiếng Khmer là chỉ ngã ba, ngã rẽ, “Nơ Trọn” là nằm thẳng, “Lệt Woát” là hướng đông của chùa, “Kợt Woát” là hướng nam của chùa. Tiếp theo, “Tịch Anh” là nơi có nhiều a cha (các thầy dạy tiếng Khmer và tiếng Bali). Anh T trước đây cũng từng làm a cha và anh xin đi học ở các chùa khác chứ ấp B.V không dạy. Tôi thấy anh T có vẻ không rảnh lắm nên nói: nếu anh không rảnh thì đi làm kẻo muộn và anh cũng nói là anh đang bận công chuyện một tí. Tôi cám ơn anh và anh đứng dậy ra về. Bây giờ, trong nhà chỉ còn lại tôi với bà U. Bà K đã về khi nào tôi cũng không biết nữa. Bà Út đang ngồi trên giường, tôi đi lại để nói chuyện với bà. Bà U trong rất đẹp lão, khuôn mặt bà rất sáng. Mái tóc của bà cũng giống như bao phụ nữ có tuổi của người Khmer ở đây là đều cắt ngắn, nhưng tóc bà vẫn còn đen và đẹp. Tôi hỏi bà năm nay bao nhiêu tuổi?  Bà nói cho tôi biết là năm nay đã 70 tuổi, hiện nay ở với gia đình con trai và bốn đứa cháu; và bà chỉ có một đứa con duy nhất. Bà U là em gái của chồng bà K. Bà U nói bà K không phải là gốc ở đây mà quê bà ở Trà Cú. Bà Út nói với tôi là bà không biết tiếng Kinh. Bà chỉ nói được chút ít thôi. Tôi hỏi bà U về con cái, đất đai. Bà và con bà hiện nay làm 10 công đất. Trong lúc nói tôi cố gắng nói rất chậm và lặp lại nhưng bà U vẫn có nhiều khi không hiểu. Bà cười và nói với tôi bằng tiếng Khmer như một người biết tiếng Khmer vậy. Nhưng tôi vẫn cảm thấy một điều là bà U có thể cho tôi biết một chút thông tin về phum, Sróc nên tôi không thấy nản và cũng không muốn bỏ cuộc. Bà U nói đây là phum bằng quên (B.V). Bà U cho biết bà có sáu anh chị em. Sau một hồi cố gắng hỏi han thì bà U cho biết  trước đây bà ở gần nhà bà K, nhưng sau đó bà về đây ở cả chục năm rồi. Các anh em của bà cũng ở gần nhà bà Kha nhưng bây giờ đã chết hết rồi. Bà U và tôi vẫn tiếp tục cuộc trò chuyện nhưng không phải là ở trong nhà mà đã ra ngoài bếp. Bếp sát bên chuồng heo, trong chuồng có hai con heo đang nằm, bếp củi vẫn cháy từ lúc tôi nói chuyện đến bây giờ. Thấy gà, vịt tôi cũng hỏi thăm bà có nuôi nhiều hay không thì bà cho biết là nuôi 15 con gà cả lớn cả nhỏ, năm con vịt và một vịt xiêm. Đang lúc chúng tôi (bà và tôi) đang trò chuyện thì tôi nghe có tiếng ai gọi, nhưng là tiếng khmer. Bà U nói là lục đi bưng bát mà bà chưa múc cơm. Lấy cái dĩa sâu bà xuống bếp xúc một đĩa khoảng hai chén bưng lên nhà. Sư đang chờ ở ngoài hiên. Bà U bưng cơm ra ngoài cúi đầu và cho cơm chia điều cho hai sư. Bà xuống nhà lấy một quả trứng đang bóc dở dang bỏ vào trong một cà mèn đựng đồ ăn riêng cho sư, rồi bái sư và sư đi ra.Trong thời gian cho cơm, cả bà Út và sư không có ai nói gì với ai. Theo tôi thấy thì bát của sư lớn khoảng chừng đựng được 20-25 chén cơm. Chén này luôn được sư che lại ở trong áo.Tôi hỏi bà Út có hay đi chùa không? Bà cho biết là mình yếu lắm không đi chùa được. Bà nói “chân tay cứ nặng không đi được” nên cả năm rồi bà không đi chùa. Khoảng 10h30 tôi hỏi thăm bà về người già ở gần đây bà chỉ cho tôi một ngôi nhà gần đó, khi tôi qua đó thì thấy cửa trước đóng và thấy cũng ngại nên tôi trở về nhà bà K.

 Khi nghe bà kể về cuộc đời mình, tôi thấy bà là một người mẹ lam lũ, vất vả cả cuộc đời, hy sinh nhiều cho gia đình, cho chồng con.
 (Ảnh minh họa, nguồn: Internet)

Tôi hỏi bà K là trước đây gì U cũng ở gần đây phải không? Bà K cho biết trước đây gì U ở gần giữa Bà K. Nhưng sao Bà U không ở đây mà chuyển đi? tôi hỏi. “Thì bà U có phum ở đó thì sang đó” bà K trả lời. “vậy có phum có phải là đất sở hữu không?” Một câu hỏi tôi tự đặt ra cho mình. “Bà ơi vậy đất mà bàđang ở là đất của ai hà bà? Bà trả lời tôi, đất này là đất của ông bà để lại, trước đây dì U ở đây nhưng giờ nhường lại cho chú T ở. Đất này con cháu ai ở thì ở chứ không mua bán gì hết. “Dì U không có chồng, xin con của tui về nuôi nhưng con tôi nó không chịu, nó nói “tui là con của mẹ tui chứ con gì bà” rồi dì U xin con của anh sáu về nuôi, bà K nói. Bà K quê ở Trà Cú, “trước đây tui lấy chồng về ở bên đó nhưng sau khi sinh được 3 đứa con (lấy chồng từ năm 17 tuổi – năm 23 tuổi là có 3 đứa con) thì ông mới về đây, tui thì không chịu lại, nhưng mẹ tui nói chồng ở đâu thì vợ ở đó, nên một năm sau tui mới lại nhà này”.
Hôm nay khi nói chuyện với bà K, tôi thấy bà có vẽ rất muốn giúp tôi làm bài, bằng cách chia sẽ thông tin mà tôi muốn biết rất nhiệt tình. Nhìn thấy bà trong bộ đồ đen đã sờn, đôi chân trần thô kệch, mái tóc ngắn bạc trắng cả đầu và một làm gia đã nhuốm mầu sương gió nên đã trở nên đen đủi và lắm đồi mồi. Bà làm việc suốt ngày không ngơi nghỉ. Hôm nay, khi nghe bà kể về cuộc đời mình, tôi thấy bà là một người mẹ lam lũ, vất vả cả cuộc đời, hy sinh nhiều cho gia đình, cho chồng con. Khi nói về gia đình bà không giấu được niềm tự hào về chồng con, nhưng cũng không khỏi ngậm ngùi, tiếc xót về sự ra đi của chồng con bà.
11h35 tôi kết thúc cuộc trò chuyện với bà K
(Còn tiếp)
26/5/2011
Trần Thị Thùy Trang

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.