Tổ chức xã hội truyền thống của người Khmer ở Tây Nam Bộ – Kỳ 2

0
1216
Bác T. Minh là trưởng ban quản trị chùa – người có uy tín trong cộng đồng. Bác sinh năm 1946 vào thuộc thời kỳ thuộc Pháp, khi tổ chức xã hội truyền thống người Khmer bắt đầu bị tác động.
Vào thời Mỹ Diệm, khi diễn ra sự kiện dồn dân để lập ấp chiến lược. Tổ chức xã hội và cấu trúc truyền thống của người Khmer bị phá vỡ. Năm 1962, bác đi tu trên chùa. Năm 1971, bác lấy vợ và năm 1976-1977, bác tham gia hoạt động du kích.
Thời kỳ Bao cấp, nhà nước tập trung theo kiểu hợp tác xã, tuy vậy, cộng đồng vẫn duy trì hình thức địa bàn thời Mỹ Diệm. Năm 1980, bác tham gia đội Đoàn kết Sản xuất. Năm 1982, bác nhận nhiệm vụ tập đoàn trưởng. Năm 1984, bác phụ trách xây trường học.

Vào thời kỳ tiến lên Chủ nghĩa Xã hội, hội nhập kinh tế thị trường, tổ chức xã hội truyền thống đã mờ nhạt hẳn, những người trẻ trong cộng đồng đã không còn được nghe tới cơ cấu xã hội phum, sroc theo kiểu truyền thống nữa, thay vào đó là khái niệm phum, sroc được gọi như tổ chức hành chính của nhà nước. Năm 1989, bác giữ chức phó trưởng ấp. Năm 1990, bác được kết nạp đảng. Năm 2000, bác trở thành trưởng ấp và trưởng ban quản trị chùa. Năm 2003, bác là trưởng ban mặt trận ấp. Năm 2011, bác là trưởng ban quản trị Chùa và trưởng ban mặt trận.
Tôi chọn bác T. Minh trưởng ban quản trị chùa làm đối tượng nghiên cứu không phải vì bác là một người có quyền có thế trong xã hội như những người làm công việc quản lý khác, nhưng chính là vì con người của bác được gán cho cái nhiệm vụ này, nhiệm vụ mà đòi hỏi trước hết phải có đức và có tài theo đúng nghĩa của nó. Bác là một người có những hiểu biết nhất định trong cộng đồng này. Bác sinh ra trong một gia đình chỉ có hai người con, bác T. Minh là người con thứ cùng với người anh trai của mình. Xuất thân trong một gia đình về tiềm lực kinh tế thì có nhiều ruộng đất, về mặt “đạo đức” thì bác đã đi tu nhiều năm trong nhà chùa, về mặt kiến thức thì mặc dù sống trong thời buổi loạn lạc nhưng bác vẫn được ăn học khá chu đáo – tới lớp bảy.

Từ nhỏ bác đã tham gia du kích. Sau khi kết thúc chiến tranh, bác tiếp tục được nhà nước tin tưởng và giao cho những trọng trách trong thôn ấp. Đặc biệt, con đường tiến thân của bác trong cộng đồng văn hóa đã phôi thai từ khi bác tham gia tu trong chùa lúc 16 tuổi. Nhờ nhiệt tình tham gia những công việc chung của ấp nên năm 2000 bác đã được mọi người tin tưởng và ủng hộ để trở thành trưởng ban quản trị chùa Kh.B. Trải qua một thời gian dài 11 năm, hiện tại bác vẫn trong cương vị là trưởng ban quản trị chùa. Như vậy, căn cứ trên những tiêu trí để chọn một vị trưởng ban quản trị chùa thì bác T. Minh quả thật là một người mẫu mực trong cộng đồng, một người nói lên tiếng nói của cộng đồng và suy nghĩ những tâm tư nguyện vọng của họ.

Những người vẫn còn sống ở tuổi như bác hiện tại không còn nhiều. Đặc biệt, bác đã từng trải qua nhiều thời kỳ lịch sử của đất nước cùng với cộng đồng nên khi nói chuyện với bác về những chuyện quá khứ hay hiện tại thì bác đều kể một cách rõ ràng và rành mạch.

Năm nay bác đã 66 tuổi nhưng thân hình bác vẫn thể hiện rõ sự khỏe mạnh và minh mẫn. Trong buổi hẹn phỏng vấn sâu tại nhà bác, khi chúng tôi đang chờ bác ở ngoài đồng về, bất chợt, chúng tôi bật đứng dậy vì thấy bác tỏ ra rất “thanh niên” trong những công việc đồng áng. Bác bước vào nhà trong giáng vẻ lực lưỡng, bắp tay bác khá to và rắn chắc. Bác có đầu hói và hai mắt sáng. Khi bác tiến lại gần hơn và lên tiếng nói, chúng tôi nhận ra rằng giọng nói của bác nhẹ nhàng nhưng cũng đủ nghe và rất ấm. Trong suốt thời gian dài hơn một tiếng đồng hồ ngồi trao đổi những thông tin với chúng tôi, bác không hề tỏ ra mệt mỏi hay chán nản, trái lại bác đưa ra thông tin liên tục và làm chúng tôi bị thu hút theo những câu chuyện đó.

Gia đình của bác hiện tại có hai bác, một chị đã lấy chồng đang ở với bác, và cậu con trai đã có gia đình đang sinh sống bên nhà vợ. Gia đình bác là một trong số ít những gia đình trong ấp có máy móc nông nghiệp khá hiện đại. Bên cạnh đó, 20 cộng ruộng hàng năm cũng đem về cho nhà bác một khoản thu rất lớn. Bác đóng góp nhiều cho chùa và những công việc chung trong ấp, nhưng ngôi nhà của bác thể hiện sự giản dị và tiết kiệm. Tuy có điều kiện nhưng bác vẫn sống trong một căn nhà lợp tôn và xung quanh vẫn là lá.
(Còn tiếp)
Kiều Văn Tịnh


LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.