Bé hạt cát

0
1230

BTKUXH – Nghe tin em đi, tôi bàng hoàng khôn xiết. Mới ngày Tết Trung thu, tôi còn gặp em ở chùa. Em mười tuổi, học giỏi và ngoan. Em mười tuổi, mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối. Bệnh viện đã trả em về nhà. Đức Phật lại nhận em. Em làm con của Ngài. Em ở chùa để uống thuốc nam và học kinh Phật. “Đức Phật sẽ cứu em”. Ba mẹ em nuôi những hy vọng cuối cùng, và tôi cũng hy vọng…

Tôi có người bạn rất yêu quí em, trăn trở cho sức khỏe của em như một người thân thuộc. Anh cũng đặt niềm tin vào kỳ tích. Hai anh em bàn nhau tìm cách giúp em vận động để quên đi căn bệnh quái ác. Làm mô hình, trồng hoa, viết thư, gửi truyện thiếu nhi… chúng tôi nghĩ ra bao nhiêu là việc. Bạn tôi giúp em làm được mô hình một ngôi nhà, chụp mấy kiểu ảnh hồn nhiên của em mang về. Tôi còn nợ em những lá thư và mấy quyển sách. Thế là tôi không còn cơ hội nào để thực hiện điều tôi muốn làm cho em.

Khối u bị vỡ. Ngày em đi, thời tiết rất đẹp. Tôi nói với bạn: “Vì thằng bé trong sáng quá!”. Anh kể tôi nghe, mấy ngày trước khi đi em còn an ủi mẹ “Mẹ đừng khóc, con không sợ chết. Có một ông già ngồi dưới gốc cây bồ đề nói con sẽ sống đến 90 tuổi”. Em không biết cây bồ đề, em cũng không biết ông già dưới gốc cây là ông Phật. Em chỉ nghe qua lời kể chuyện của bạn tôi. Tôi nghe lòng mình chợt nhói.

“Con không sợ chết…”. Tôi tự hỏi: Em đã hình dung chết là như thế nào chưa? Đã có ai nói với em về nơi em sẽ đến? Có lẽ, em đã mường tượng nó qua giọt nước mắt của mẹ, qua gương mặt ưu tư của cha, hay qua giọng buồn buồn của sư thầy: “Nó chỉ đợi ngày đi thôi”. Cha mẹ trở nên yếu đuối trong những hoàn cảnh như thế này. Biết nói với em điều gì đây? Vẽ cho em một thiên đường hay vườn cổ tích ở thế giới bên kia?

Tôi nhớ như in nụ cười em hiền lành và hồn nhiên khi lần đầu tôi gặp em ở Trị An. Tôi cầu mong em được về đất Phật, làm một hạt cát vàng trên áo Chân Như.

Viết cho bé Dương Quá (Trị An, Đồng Nai)

Thanh Thảo

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.