Chuyện kể về gia đình tôi thời bao cấp – Kỳ 2

0
1745

Lại nói về mỡ lợn, mỡ quý không kém gì mì chính. Mỡ lợn mua về đem rán lên lấy mỡ để nguội, sau đó chắt vào trong một cái chai cổ nhỏ. Còn tóp mỡ thì phải cất đi để xào với rau hoặc kho với tương để ăn dần. Mục đính của việc cho mỡ vào chai cổ nhỏ là, không để cho một thứ gì thò vào lấy mỡ ra được. Mà muốn lấy phải hơ cái chai lên lửa, mỡ nóng lên, chảy ra từ từ và rót tí một vào chảo rán, sau đó được nút lại và cất đi ngay. Chỉ được rán trứng thôi, nếu nấu canh thì chỉ cho mấy giọt mỡ để có một lớp váng mỡ trên mặt bát canh, đấy là khi có khách. Còn bình thường thì nấu “canh suông”, có nghĩa là không mỡ, không mì chính. Mỗi khi có khách đến nhà, tôi thường phải “vác” bát đi dọc xóm để xin mỡ về rán trứng đãi khách, có hôm thì xin được, hôm thì không. Nói là hàng xóm thôi chứ toàn là anh em, chú bác nhà tôi ở quanh đấy cả. Không xin được mỡ không phải người ta không cho, mà là vì nhà họ cũng hết, nhà còn thì mẹ đi vắng. Mỡ được cất vào trong hòm đựng những đồ quý, mà chỉ có người mẹ mới được giữ chìa khóa. Thực ra cất kĩ như vậy không phải vì sợ mất, mà là vì sợ con cái ăn vụng hết. (Cái đói, cái khổ thời bao cấp thường sinh ra những tật như vậy đấy). Những hôm như thế chỉ còn biết cho trứng vào nồi để luộc lên, sau đó bóc ra dầm vào nước tương để đãi khách. Nếu khách mà biếng ăn thì anh em tôi còn được miếng. Vì nhiều khách, nên nhà tôi phải nuôi 10 con vịt đẻ trứng để phục vụ khách. 

Nhà tôi nghèo đi cũng vì nhiều khách. Những khoản chi phí cho khách ăn không được Hợp tác xã thanh toán. Vì nguyên tắc, cán bộ đi cơ sở là phải mang tiền ăn và tem gạo đi theo, ăn nhà nào thì nộp tiền và tem phiếu vào nhà đó. Bố mẹ tôi thì không lấy của một ai cả, kể cả những người ăn ở nhà tôi cả tháng để chỉ đạo phong trào. Thi thoảng thì được Hợp tác xã hỗ trợ cân thịt, cân cá vào dịp xã có hội nghị.
Tôi nhớ nhất là mỗi khi bác tôi về vào chiều thứ bảy. Ông công tác ở một trại chăn nuôi giống lợn của Trung ương, nên ông thường có thịt mang về. Về nhà, bác gái tôi lại thái miếng ra để kho với tương. Sau đó đem cho nhà tôi một bát con (bát ăn cơm bây giờ), trong đó có hai ba miếng thịt mỡ nổi lên. Về đến nhà tôi, tôi lại phải cho thêm tương vào kho lại để đủ cả nhà ăn. Thịt thì được cắt nhỏ ra cho đủ để anh em tôi mỗi người được một miếng. Lúc đó nhà tôi có năm anh em, tôi là lớn nhất. Những hôm như vậy, tôi luôn nghĩ không có gì để sướng hơn được nữa, vì nếu không được ăn thịt thì cũng được rưới nước tương kho thịt. Cuộc sống như vậy nó cứ dai dẳng theo nhà tôi suốt thời kì bao cấp.
Đấy là ăn, còn mặc thì sao? Cái ăn và mặc nó thường đi liền với nhau. (Mày ăn mặc thế à?). Ăn đã không có thì lấy gì mà mặc. Đối với tôi, hầu hết những năm học phổ thông đều phải mặc quần rách và mặc lại quần áo của ông cậu tôi. Ước mơ của tôi trong suốt thời gian đi học là được một chiếc quần vải kaki Liên Xô mà cũng không thành. Quần vải kaki Liên Xô vừa dày lại vừa bóng, không nhăn, bền màu và lâu rách. Quần vải thường toàn sợi bông (vải xanh chéo) nhanh phai màu và hay rách chỗ đầu gối và hai mông đít. Thông thường rách thì được vá bằng miếng vải của những quần áo cũ, rách nát cùng màu, không mặc được nữa. Quần rách được vá như vá săm lốp bây giờ. Nhà nào có điều kiện thì mang ra hiệu may bích kê, tức là lót một miếng vải cùng màu vào bên trong chỗ rách. Sau đó dùng máy khâu may những đường chỉ song song cách nhau khoảng 1,5-2cm từ trong ra ngoài theo hình miếng vá, có thể là vuông, chữ nhật, tròn hoặc là ê líp,… tùy theo tay nghề của ông thợ và kích thước của miếng vá. Bộ thời trang lúc bấy giờ có lẽ rất hợp với những bạn trẻ thời 8x, 9x ngày nay. 
Có một chuyện mất cắp hi hữu xảy ra (tức là cứ hỏi đến cái gì thì mất cái đó) và nó cũng đã liên quan đến chuyện ăn mặc của tôi. Đó là vào dịp hè năm 1976, khi đó tôi đang học lớp 10 phổ thông hệ 10/10 và chuẩn bị thi tốt nghiệp phổ thông. Tôi phải ở trọ xa nhà 20km để đi học. Khi về nghỉ hè mấy hôm để giúp gia đình gặt lúa, tôi mang tất cả quần áo và sách vở về nhà. Quần áo sách vở của tôi được đựng trong một chiếc hòm bằng gỗ. Hôm đó, nhà tôi bừa rơm, tức là lúa gặt được lượm thành từng bó nhỏ, mang về sân kho Hợp tác xã, đập vào chiếc cối bằng đá xanh (đá vôi) còn lại rơm thì chia cho xã viên, theo khẩu hoặc theo công điểm. Rơm được trở về nhà, dùng trâu hoặc bò bừa lại để lấy thóc còn bám ở trên bó rơm mà xã viên đập ra chưa hết. Tôi không nhớ rõ hôm đó bừa mấy mẻ, nhưng đến khoảng hai ba giờ sáng mới xong. Mệt quá thế là cả nhà đi ngủ. 
Sáng ra, mẹ tôi là người dậy sớm nhất. Bà tìm chiếc càng để phơi rơm ra. Không thấy càng, bà mới gọi chúng tôi dậy để tìm nhưng cũng không thấy. Đó là cái bị mất đầu tiên khi tìm đến. Bà sai cô em gái tôi đi nấu cơm, nó vào buồng tìm gạo mãi không thấy. Bà lại chửi nó là “gạo vừa được xay, giã hôm qua để trong nhà mà lại tìm không thấy, mắt mày mù à”. Khi bà vào thì thúng gạo cũng không cánh mà bay. Đó là cái thứ hai bị mất khi tìm đến. Tôi đang ngồi ở hè, bỗng thấy người hơi lạnh vì tôi ở trần không mặc áo, nên tôi vào trong nhà lấy áo mặc. Tôi phát hiện toàn bộ quần áo của tôi cũng mất luôn, không còn một cái nào, thế là cái thứ ba bị mất khi sờ đến nó. Bọn kẻ trộm thì nó lấy sách vở làm gì. Thực ra, quần áo tôi có bộ nào ra hồn đâu. Tất cả quần áo mặc năm lớp 10 là quần áo bộ đội cũ của ông cậu tôi cho, có hai bộ thôi. Đúng là “chó cắn áo rách” và thế là ước mơ của tôi đã thành sự thực. Không còn lí do nào để từ chối nữa, cho nên tôi được bố tôi may cho liền một lúc hai bộ quần áo, hai cái áo sơ mi trắng và hai chiếc quần kaki Liên Xô. Lần đầu tiên tôi được mặc đồng bộ, cả quần lẫn áo đều mới, không những một bộ mà tận hai bộ. 
Nhưng niềm vui đó cũng chỉ được mấy tháng. Đến tháng tám năm ấy, sau khi tốt nghiệp phổ thông, tôi phải lên đường nhập ngũ. Thế là hai bộ quần áo đó được chuyển lại cho chú em của tôi sở hữu. Thế đấy, chuyện ăn mặc thời bao cấp nó khó khăn như vậy đó. Thực ra nếu so sánh mức sống thời bao cấp của nhà tôi với mặt bằng chung của xã hội lúc bấy giờ thì chưa phải là nhà khó khăn lắm. Đấy cũng là mức sống chung của xã hội lúc bấy giờ thôi. Anh em tôi tuy có đói một tý, ăn không được ngon, mặc không được lành lặn, nhưng vẫn hơn nhiều gia đình khác: ăn không được no, con cái không được học hành gì,…
Nguyễn Viết Bội

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.