Bài diễn văn lừng lẫy của Phan Châu Trinh đọc tại Sài Gòn năm 1925 (1)

2
1044

Đây là bài diễn văn của cụ Phan Châu Trinh năm 1925 tại Sài Gòn, sau khi Pháp thấy cụ gần chết vì lao phổi nên đưa cụ từ Pháp về Sài Gòn (để chết). Đến lúc gần chết cụ vẫn đau đáu về tương lai của Việt Nam. 

Đám tang cụ Phan Châu Trinh tại Sài Gòn, nguồn: Internet
Thưa các anh em, chị em, đồng bào!
Từ khi tôi biết cái học mới đến bây giờ, thì trong trí tôi bực tức, ngẫm nghĩ lấy làm lạ quá. Lạ vì trong xứ Á Đông này có bốn nước đồng văn, mà đều sùng bái cái chính thể quân chủ, đều sùng thượng Nho Giáo. Vậy làm sao mà từ hồi cái văn minh bên Châu Âu tràn sang cõi Á Đông đến nay thì chỉ có người Nhật Bản bỏ ngay cái học cũ mà theo lối mới, thì sự giàu mạnh trông thấy liền trước mắt, chừng trong bốn năm mươi năm mà đã sánh vai với liệt cường? Còn nước Xiêm [Thái Lan] ở gần bên ta, thì nó chẳng có đạo Nho gì hết, nó chỉ có đạo Phật mà thôi, mà nay nó cũng đứng vào hàng Vạn quốc bình đẳng. Tại làm sao mà được như thế? 
Chẳng có sự gì thế, hễ người Anh lại nó cũng cho vào, người Pháp lại nó cũng cho vào, người Mỹ, người Đức lại nó cũng đãi tử tế, để nó theo học cái hay của mấy nước đó. Chỉ chừa ra có ba nước là nước Tàu, nước Cao Ly [Triều Tiên] và nước ta, dân thì nghèo, nước thì yếu, cái phần người dốt nát thì chiếm đến 80%. Còn gọi là thượng lưu, chẳng qua là trong bọn “bát cổ” đã chiếm hai phần ba trong nước; thật chẳng biết biết cái Nho Học là gì, mà cũng nhắm mắt lại chê càn cái văn minh mới là mọi rợ! (đây tôi nói Cao Ly và Tàu, còn Việt Nam ta để tôi nói lại sau). 
Nhưng mà nay cái phong trào trong thế giới nó mãnh liệt lắm: ai thuận theo nó mà đi thì thuận buồm xuôi gió, ai không thuận theo nó thì cũng bị xô đẩy mà đổ lướt đi như cỏ rác. 
Vậy cho nên bọn thiếu niên Cao Ly họ đã tỉnh dậy, mới có cái hồi vận động năm 1919, làm cho Nhật Bản phải bỏ lòng hổ lang đi, mà trả cái tự do lại cho họ; nước Tàu thì có sự vận động bọn thanh niên năm 1925, làm cho liệt cường thể nào cũng phải lấy sự công bình mà đối xử lại với họ. 
Khốn nạn thay cho cái dân tộc nước Việt Nam ta, đến bây giờ trong dân tộc mà gọi là các ông Nho học tức là ai không thuận theo nó thì cũng bị xô đẩy mà đổ lướt đi như cỏ rác. 
Vậy cho nên bọn thiếu niên Cao Ly họ đã tỉnh dậy, mới có cái hồi vận động năm 1919, làm cho Nhật Bản phải bỏ lòng hổ lang đi, mà trả cái tự do lại cho họ; nước Tàu thì có sự vận động bọn thanh niên năm 1925, làm cho liệt cường thể nào cũng phải lấy sự công bình mà đối xử lại với họ. Khốn nạn thay cho cái dân tộc nước Việt Nam ta, đến bây giờ trong dân tộc mà gọi là các ông Nho học tức là được nhiều ít, kỳ dư thì chỉ theo cách học cũ; mong kiếm lấy cái chức phẩm gì, hay là coi cho rộng để viết lách khoe khoang mà thôi. Không có ông nào chịu đem cái sự học của Âu Tây để so sánh lại với cái cũ của ta, xem điều gì hay, điều gì dở cho người ta xét đoán mà tìm lấy đường tiến tới về sau này.
 * * * 
Tôi xin lỗi các anh chị em đồng bào, cái đề mà tôi lựa diễn thuyết bữa nay, Quân Trị Chủ Nghĩa (tức nhân trị chủ nghĩa), Dân Trị Chủ Nghĩa (tức là pháp trị chủ nghĩa), cái đề mục đó thật là lớn lao quá, không phải là sức tôi có giải quyết ra cho minh bạch được. Muốn giải quyết ra cho minh bạch thì phải tìm về Âu Á lịch sử chính học và chính trị triết học, mới có thể nói ra cho tinh tường được. 
Các anh em chị em có lạ gì tôi: cái học về đường lịch sử chính trị Tàu thì tôi cũng hiểu được ít nhiều, còn về đường Tây học thì thật là kém lắm. Nhưng mà tôi cũng ráng hết sức, đem cái việc mà tôi đã biết xin nói ra cho anh em nghe, còn cái việc gì cao xa không thấu, thì để phần ông nào hiểu hơn tôi diễn giải ra cho anh chị em rõ. 
NÓI VỀ CÁI LỊCH SỬ QUÂN TRỊ CHỦ NGHĨA 
Cuộc quân chủ đến ngày nay thì cũng như một cái hoa tàn lá héo phất phơ trong đời bây giờ. 
Xem như trong một cõi Á Đông này, không kể những ông vua mất nước rồi mà những nước mạnh họ chỉ để làm con nộm, con bồ nhìn để đè dân bổn xứ, thì chỉ có Vua Xiêm và Vua Nhật đủ quyền phép đáng xưng là Ông Vua mà thôi. Âu Châu bây giờ dân chủ đã đến 14 nước mà quân chủ chỉ xót lại có 12 nước. Còn bên Mỹ Châu thì chẳng có một nước nào quân chủ. Vậy thì ta có thể nói rằng: trong trái đất này chỉ có 8.000 triệu người, mà số dân có vua thì không được một phần trong số mười. 
Vẻ vang thay cái oai quyền dân chủ! Gớm ghê thay cái dục vọng của quân chủ! Đang hồi Thượng cổ, Trung cổ, dân chúng còn hèn yếu ngu dốt, cho nên bất câu loài dân nào cũng phải có cái quyền quân chủ để bao bọc cho dân, dạy dỗ cho dân, che chở cho dân; đang cái thời đó thì quân chủ thật là một vị thuốc hay cho loài người hồi đó. 
Khốn nạn thay cái tính loài người; thấy người ta tôn trọng mình bao nhiêu thì mình lại thêm kiêu hãnh bấy nhiêu; thấy người ta kính nể mình bao nhiêu thì mình lại càng tự thần tự thánh bấy nhiêu; thấy người ta chiều chuộng mình thì mình lại muốn ngồi lên đầu người ta! Không những thế lại muốn truyền cho con cháu từ đời này qua đời khác, như cái gia tài riêng của mình. Đất muốn cho ai thì cho như là bán ruộng, còn dân thì làm như bọn mọi vậy. Ta thử xem từ xưa đến nay, bất cứ vua nào, hễ cướp được nước lên làm vua thì tìm đủ cách để truyền cho con cháu cho lâu dài, mà rốt cuộc lại họ nào lâu lắm là ba trăm năm, còn mấy họ vắn thì năm mười năm thôi. Cái cuộc đó thì ở Á ở Âu gì cũng như thế cả. 
Nhưng mà ở Âu Châu thì đến thế kỷ mười bảy, mười tám, các bậc hiền triết ra xướng lên cái chủ nghĩa dân quyền. Mấy ông vua nào hung dữ chuyên chế, phản đối lại cái phong trào dân chủ thì bị nhào cả; còn anh nào điều hòa với dân thì còn ngoắc ngoải đến bây giờ. Về cái vấn đề này thì tôi cốt chỉ cho rõ cái quân trị chủ nghĩa bên Á Đông này thật không phải là gốc tự Nho Giáo. Tôi xin chỉ vẽ rõ ràng cái tư tưởng sai lầm từ xưa đến nay cho anh chị em đều hiểu. 
Cứ theo các ông triết học Âu Châu bàn về lịch sử nhân loại: kể từ loài người mới sinh, rồi làm sao mà có tù trưởng, làm sao rồi thành vua thành chúa; cứ nói như thế thì mất hết thì giờ, mà các Ngài nghe cũng vô ích. Vậy nên tôi cứ sử Tàu mà cắt nghĩa để các Ngài dễ hiểu hơn. Tàu thì tôi cứ nói từ vua Hoàng Đế là một ông vua mạnh nhất ở nước Tàu. Từ ở núi Côn Lôn (phía Tây nước Tàu) tràn xuống phía Bắc Tàu, rồi đánh với dân bản xứ Tàu là dân Hữu Miêu ở miền Dương Tử Giang, giết được tướng nó là Xuy Vưu; ông ta thật là một ông vua lớn của nước Tàu. 
Nhưng vậy mà đến khi ông Khổng Tử làm sách, Ngài không muốn để tên ông Hoàng Đế đầu, vì ông thấy thượng binh thượng võ lắm. Ngài chỉ chép từ vua Nghiêu vua Thuấn mà thôi. Vì hai ông vua ấy không có lòng gì muốn làm vua hết, chỉ bị các nước chư hầu bắt buộc, họ bầu cử lên mà thôi, cũng nối nghiệp ông Hoàng Đế đi đánh Hữu Miêu, nhưng trong một tháng không được thì rút binh về để lo sửa việc học hành, dạy dỗ dân mà thôi. 
Đời đó thì bày ra những là dạy dân có ngũ luân, làm ra lịch có ngày tháng thì giờ, cho tiện người làm ruộng, đặt ra cân ra thước, ra lường để cho tiện dân buôn bán, bày ra có áo xiêm, có lễ phục v.v… còn nhiều nữa tôi không có kể ra đây cho hết được. 
Đây các Ngài nghe cho rõ: cái dân tộc Á Đông mà có Nho Giáo ra là từ hai ông. Nên ông Khổng xưng là “tổ thuật Nghiêu Thuấn”. Thầy Mạnh nói cũng chỉ khuyên Nghiêu Thuấn. Mà bây giờ ở nước ta những ông có học được một hai chữ Tàu, hễ mở miệng ra là nói đạo Nho cũng vì cái lịch sử lờ mờ đó. Đây tôi xin nhắc lại cái đời Nghiêu Thuấn, lúc đó thế nào? Cái đời đó vua Nghiêu vua Thuấn chẳng qua là một anh thủ lĩnh của đám tù trưởng ở trong dân tộc Trung Hoa hồi đó mà thôi. 
Cứ theo cái dấu tích lịch sử mà suy, thì lúc đó chư hầu nước Tàu có ít cũng là đến mười lăm ngàn nước; về sau trong hai trăm năm rồi vua Võ hội chư hầu ở Đồ Sơn còn lại một vạn nước, tính theo số đó, thời đó thì không sai sút mấy. Vậy thì cái nghi vệ và cái quyền lợi của Thiên Tử hồi đó ra thế nào? Thiên Tử cũng ở trong một nước nhỏ như các nước chư hầu vậy thôi, chỉ có lập ra triều nghi để cho các chư hầu triều cống. 
Cái quyền to nhất là cái quyền được tế trời đất, còn chư hầu chỉ được tế những núi những sông ở xứ mình mà thôi. Thiên Tử có đi xem xét ở các nước chư hầu thì chư hầu phải đón rước, Thiên Tử được cử lên làm quan, có tội thì phạt, có công thì cũng được phong làm chư hầu. Vậy thì nói lược qua đó, anh em chị em đủ biết ông Thiên Tử cũng như ông Tổng Lý Hội Vạn Quốc đời nay. Chỉ có được lễ triều cống, được cầm quyền chinh phạt, là theo cái số nhiều chư hầu mà phạt nước này mà thưởng nước kia. Thương hại thay các ông học chữ Tàu, nghe nói cái tên Nghiêu Thuấn thì các ông tưởng là nhà Ngũ Phụng Lâu, cỡi xe lục long xa, tưởng là cũng ra vào hò hét như các vua ta bây giờ. Nhưng mà ai có độc địa dư hay là có đi du lịch đến chốn Bình Dương Bồ Bản, thì mới biết rằng cái kinh đô của hai Ngài bằng hai cái thành con bây giờ, nghĩa là không đầy hai ba dặm vuông. Từ đó vua Võ nối vua Thuấn, truyền ngôi cho con trị những nước chư hầu lớn mà cứng đầu nhất, nghĩa là nó muốn giành ngôi Thiên Tử: như là đời ông Võ thì giết ông Phòng Phong, đời ông Khải thì giết Hữu Hộ, đời ông Thiếu Khang thì giết Hậu Nghệ ở nước Hữu Cùng.
Ấy tôi tạm đặt đó là cái thời kỳ thứ hai của Thiên Tử. Từ đó về sau đến 400 năm, đến đời ông Kiệt. Ông Kiệt thì tôi không cần nói những cái lỗi của ông ấy ra, các Ngài cũng đã hiểu rồi. Đến khi đó thì các nước chư hầu nhỏ nhất làm đầu, mà đánh đuổi ông Kiệt đi, rồi thay vào ngôi Thiên Tử. 
Cái việc đã mấy nghìn năm rồi, có thật hay không, không biết, nhưng mà tôi cũng thuật lại cho mà nghe. Khi ông Thang đã được chư hầu cử lên làm Thiên Tử, thì ông cáo với dân và các nước chư hầu rằng: “Ông lấy cái sự đuổi vua Kiệt đó làm thẹn, nhưng vì ông muốn cứu dân nên phải ra làm”. Tuy ông nói thế nhưng chư hàu vẫn cứ tôn ông lên ngôi Thiên Tử. 
Ấy là cái oai quyền Thiên Tử tấn tới về nước thứ ba. Từ đó con cháu ông đến sáu bảy vua giỏi nối nhau làm vua, truyền đến 600 trăm năm. Đến đời ông Trụ, dân không phục nữa mới mất nước. Hồi ấy dân ông Trụ ba phần thì đã hai phần phục theo ông Văn Vương rồi, thế mà ông Văn Vương cũng không chịu đuổi Trụ, đến đời con ông Văn Vương là ông Võ Vương mới giết ông Trụ mà lên làm vua. Đến hồi đó thì trong sự đánh dẹp, thấy luyện tập cũng đã ghê lắm rồi, thấy quân lệnh cũng nghiêm trang, binh giáp cũng dữ dội, cũng lấy giết người chảy máu làm nhiều danh giá, giết được tướng giặc thì cũng chặt đầu bêu lên, cũng đã làm cách dã man như lối bây giờ vậy. 
Cho nên ông Khổng Tử khen ông Văn Vương là chí đức, chê ông Võ Vương là vị tận thiện là thế. Từ ông Võ đến đây là hơn một nghìn năm, ông tức là vua đầu nhà Hạ. Khi ông lên làm vua thì dưới quyền ông còn hơn một vạn nước; đến hồi vua Thang nhà Thương đuổi vua Kiệt, thì còn mấy nước chư hầu sử không thấy nói. Đến đời ông Võ Vương nhà Chu đánh ông Trụ thì thấy chư hầu không hẹn mà tới hội được 800 nước. Vậy thì trong độ một nghìn năm mà tuyệt mất hơn 9000 nước. 
Đời ông Võ Vương nhà Chu thì oai quyền lắm, nên có thể nói rằng đến đời này thì cái oai quyền Thiên Tử tấn tới bước thứ tư. Bây giờ tôi xin nói tóm lại: Khổng, Mạnh, và Nghiêu, Thuấn, Võ, Thang, Văn, Võ tức là những ông đã làm ra cái gương để cho các vua đời sau gọi là Nho Giáo đó. Ta phải xem xét cái thời thế phong tục của các vua đời sau so lại với Nho Giáo thì có giống chút nào không? Từ sau Võ Vương giết vua Trụ, dân đã không phục, duy có đời vua Văn, vua Võ, vua Thành, vua Khang thì dân phục mà chư hầu cũng phục. Đến đời vua U vua Lệ thì dân nó nổi lên giết các vua ấy, rồi ngôi Thiên Tử của nhà Chu từ đó mà mất theo. 
Một đoạn lịch sử tốt đẹp như Tàu từ Nghiêu Thuấn cho đến Văn, Võ, thật như là cái khí mùa xuân, như là cái ánh sáng mặt trời êm ái, ai thấy không khen ngợi. Ai thấy mà không ước ao. Vậy cho nên Đức Khổng, Thầy Mạnh nhân đó mà lập ra cái đạo để bình trị thiên hạ thì cũng phải lắm. Lạ thay cho đến đời Xuân Thu là nữa đời Chu thì năm nước Bá ra, chẳng cần gì đạo đức nhân nghĩa như trước cả, chỉ lấy cái giả dối thay nhau, còn Thiên Tử chỉ để lấy cái huy hiệu mà thôi. Từ lúc đó thì còn được 300 nước; hơn một trăm năm nữa rồi chỉ còn bảy nước; không đầy một trăm năm nửa thì rút cuộc lại thống nhất về nhà Tần. 

2 COMMENTS

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.