Đời sống kinh tế thời bao cấp ở miền Nam – Kỳ 8: Nhìn về miền Nam sau ngày giải phóng

0
2269
Miền Nam Việt Nam, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh sau ngày giải phóng, không phải là không có nhiều thay đổi. Có những cái thay đổi sâu xa không thể nhìn thấy được, nhưng cũng có những cái thay đổi hiện ra rõ ràng trước mắt như cách ăn mặc chẳng hạn. Đó là lí do vì sao khi được hỏi những thay đổi của Sài Gòn sau ngày giải phóng, chú T đã nhớ ngay đến cái thay đổi trong cách ăn mặc của người dân thành phố. Chú nói thời bao cấp thật là một thời đáng để người ta nhớ. Biết rằng đây là thời kì có bao nhiêu cái trì trệ, nhưng có cần chăng để dân Việt nhìn lại mình và có một chút cái gì gọi là chấn chỉnh lại? Chú T nhớ lại thời trước, thời của Nguyễn Văn Thiệu, mọi thứ khác xưa rất nhiều. Người ta kể rằng con gái ra đường không còn biết ý tứ, giữ gìn nết na thuần phong mỹ tục. Thời đó, các me Mỹ, gái điếm lên làm bà, trật tự xã hội, giá trị đạo đức bị đảo lộn. Đến ngày miền Nam được giải phóng, nhà nước tiếp quản Sài Gòn, mọi cái lại khắt khe một cách quá đáng. Chú T nói hai thời đó chỉ xảy ra trước và sau năm 1975, vậy mà nó thay đổi và khác nhau như hai thái cực; một bên thì phóng khoáng, lai căng, một bên thì kín đáo, khắt khe. Thời bao cấp, chỉ cần mặc quần hơi loe một tí là người ta rạch luôn, còn ai mặc áo màu này màu kia là lập tức bị kiểm điểm liền. Một người nào đi ra đường mà đeo cái kính ngược lên tóc cũng có người gọi lại để chỉnh. Còn bao nhiêu cái khác như mặc áo không được hở cổ, hở nách,… Có khi mấy anh Tỉnh Uỷ ngồi nói chuyện với nhau, trong số đó có mấy người đi ra nước ngoài, thấy người ta mặc đồ màu này màu kia trông cũng đẹp mắt. Mình ở đây cứ cấm đoán, đâm ra nhìn đâu cũng chỉ thấy toàn màu đen, trông cái gì cũng đen đen, quần đen, áo đen, trông nó quê một cục. Chú vừa cười vừa kể cho tôi chuyện ăn mặc thời bao cấp, chẳng ai nghĩ có một thời kì như thế. Cái đập vào mắt người ta hằng ngày ai cũng biết, biết là nó xấu, biết là nó quê mùa và có lẽ người ta cũng biết nó cần phải thay đổi.
” Biết rằng đây là thời kì có bao nhiêu cái trì trệ, nhưng có cần chăng để dân Việt nhìn lại mình và có một chút cái gì gọi là chấn chỉnh lại?” (ảnh minh họa) – Nguồn: Internet
Nhớ đến miền Nam ngày giải phóng, chú T cũng không quên hình ảnh những đồng chí cán bộ từ Bắc vào lúc nào cũng sự ngỡ ngàng trước sự phát triển của miền Nam, đặc biệt là những người dân ở miền Bắc. Ngày trước, khi một người miền Nam vào miền Bắc, người miền Bắc xem người miền Nam như thể Việt kiều về nước bây giờ. Tôi không thể ngờ rằng, người dân trên cùng một đất nước Việt Nam sau những năm xa cách lại có thể khác nhau đến như vậy. Chú T còn kể ngày xưa khi còn ở bưng, chú được mấy bà mẹ anh hùng liệt sĩ nhận làm con. Sau ngày giải phóng, chú theo các cán bộ trở về Sài Gòn. Được các bà mẹ gửi gắm, chú được các anh trong Thành Uỷ nhận làm em. Với mối quan hệ này, họ giúp chú cũng nhiều mà họ nhờ chú cũng nhiều, từ việc lớn lao như giúp nghĩ cách phát triển lại kinh tế miền Nam cho đến những việc cỏn con như nối điện, sửa ti vi,… Lúc bấy giờ, chú hay bị nhờ là vì cái gì chú cũng rành rọt hơn, từ đường đi nước bước ở Sài Gòn cho đến lắp sửa điện hay các loại máy móc. Dù sao, chú là sinh viên Sài Gòn được học biết nhiều, lại là con nhà công nghiệp nên biết nhiều về các thiết bị máy móc này kia. Chú kể, ngày đó khi mới trở lại Sài Gòn, đi đâu mấy cán bộ cũng nhờ chú bắt điện. Mấy bộ đội ở miền Bắc vào không biết gì về điện, nhìn thấy điện rất sợ. Có mấy ông nhìn cái lavabo của mình, tưởng là cái chỗ để vo gạo nên lấy gạo vo rồi bấm nút xả làm gạo trôi hết, rồi bực mình mới nói cái này Mỹ nó chơi, nó gài mình. Mấy cái bình biến thế điện treo ở cột điện  thì mấy ông kêu là bom, cứ thế bắn, nguy hiểm vô cùng. Hồi đó ở ngoài Bắc, mấy ông đó có thấy mấy cái này bao giờ. Chú T còn kể khi chú hỏi có biết cái tủ lạnh là cái gì không? Mấy ông đâu có biết cái tủ lạnh là gì  nên trả lời với chú là tủ lạnh chạy đầy đường. Vì lúc đó họ nghĩ cái tủ lạnh là mấy cái thùng xe công-ten-nơ. Theo nhận xét của chú T, cán bộ thiếu trình độ nhiều lắm. Hồi chú còn sống trong bưng, chú đã thấy hiếm có ai có được trình độ cao, toàn mấy ông i, t. Chú nói, cán bộ nào cao nhất là lớp ba, lớp bốn. Người biết đọc, biết viết đã kể như là giỏi lắm rồi, còn về tiếng Tây (tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga…) thì kể như mù tịt.
Tôi nghe lại những câu chuyện này, mới nghe qua đúng là cảm thấy thật buồn cười. Có ai không nghĩ, trời cái đó mà cũng không biết. Tôi cho rằng chuyện không biết cái này cái kia cũng là chuyện không lạ. Tôi chẳng trách chuyện người ta không biết rồi sinh ra những câu chuyện ngây ngô như vậy. Cái gì không biết rồi từ từ sẽ biết, chỉ cần muốn biết cái gì cũng sẽ biết. Tôi chỉ sợ có những lúc con người biết mà cứ như thể là không biết hoặc không còn muốn biết nữa mà thôi.  
Ngọc Lưu
Các bài viết liên quan:

Đời sống kinh tế thời bao cấp ở miền Nam – Kỳ 8: Nhìn về miền Nam sau ngày giải phóng
Đời sống kinh tế thời bao cấp ở miền Nam – Kỳ cuối: Ngày sau Đổi mới…

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.