Ký ức thời bao cấp: Một thời rất thương – Kỳ 1

0
1093
Đối với nhiều người, thời bao cấp có thể là ký ức buồn, đầy trăn trở, ưu tư nhưng đối với tôi thì không thế. Bởi vì đó là những năm tháng gắn bó với tuổi trẻ – một tuổi trẻ đầy biến động. Người ta chỉ lo sống, sống theo “cái mới” thôi, không có thời gian hay điều kiện để “buồn” hay “trăn trở, ưu tư”. Và giờ đây, thời trai trẻ ấy đã qua lâu rồi nhưng tất cả vẫn còn in đậm trong tiềm thức tôi. Với tôi, tháng ngày ấy là những gì rất “thiêng”, rất “thương”, rất đáng trân trọng.

Sau ngày giải phóng đất nước năm 1975, tôi là giáo viên “lưu dung”[1]. Chỉ riêng cái mác “lưu dung” thôi cũng chan chứa bao nỗi niềm! Tôi vừa mang một ít mặc cảm tội lỗi, rằng lý lịch nghề nghiệp của mình không được “trong sáng” như các bạn giáo viên mới vào nghề sau năm 1975; lại vừa có một chút tự hào rằng xét “năng lực, đạo đức” mình cũng đã hơn nhiều người khác không được “lưu dung”.

Cái “khâu” tư tưởng này thực ra nó chỉ hiện diện trong tư tưởng thôi, không ai thấy được. Với tôi, điều thực sự đáng sợ là những dịp học chính trị trong hè. Hồi đó, mỗi năm giáo viên phải tập trung (vài ba huyện) học chính trị một tháng. (Sau này, các đợt học này được rút ngắn dần: còn nửa tháng, rồi một tuần, giờ thì chỉ còn một ngày). Trong các bài học, buổi học là phải có thảo luận ở tổ, rồi ghi biên bản: Ai phát biểu? Phát biểu bao nhiêu lần? Nội dung phát biểu?… để cuối khóa học là đánh giá xếp loại (mà là xếp loại “tư tưởng, nhận thức” chính trị nữa mới ghê!)

Bản tính tôi là người rụt rè, nhút nhát, lại thêm thảo luận gì mà cứ lật vở ghi ra rồi đọc y chang một đoạn tài liệu nào có ghi trong vở để trả lời câu hỏi thảo luận! Cứ thế, ai cũng ráng để có ít nhất là một lần phát biểu trong buổi thảo luận hôm đó, để khỏi bị đánh giá là “lập trường, quan điểm” còn yếu kém. Lần nào tôi cũng cố “gồng” mình lên để đọc một đoạn nào đó cho xong (sau khi đã “bị” hoặc ‘được” bạn bè chung quanh nhắc nhở). Phải hiểu rằng hồi đó đối với loại 24, 25 tuổi mà mở miệng ra nói “chính trị” là đứa nào cũng cảm thấy là lạ, dì dị, mắc cỡ miệng, không dám nói (chứ không được mạnh mẽ, tự tin như các em trẻ ngày nay).

Năm học 1975-1976, tôi từ thành phố Quy Nhơn chuyển về dạy ở huyện Hoài Nhơn. Nhưng có lẽ phải đến năm học sau (1976 – 1977), tôi về dạy ở một trường ở cuối huyện – trường PTCS Hoài Sơn, một trong những cái nôi “cách mạng” của huyện, thì cuộc đời giáo viên của tôi mới thực sự có nhiều đổi thay, đáng nhớ.

“Chỉ riêng cái mác “lưu dung” thôi cũng chan chứa bao nỗi niềm!” (ảnh minh họa)
– Nguồn: Internet

Trước hết là đổi thay về hình thức. Những chiếc áo sơ mi mặc với quần tây (dù đã được chọn lọc, tinh giản lắm rồi) cũng được xếp kĩ. Tôi chuẩn bị “vào cứ” với mấy bộ quần áo bà ba để mặc lên lớp hoặc đến nhà phụ huynh cho mình thực sự “gần gũi với giai cấp”. Các bạn giáo viên nữ từ nơi khác đến cũng thế. Ai cũng cố “bần cùng hóa” mình cho khỏi bị đánh giá là “xa rời quần chúng”!

Ngày chúng tôi về trường thì trường chưa cất xong. Đám học sinh thì lo khiêng đất, nhào đất trét vách, đầm nền. Tôi thấy có năm, sáu anh lớn lớn, tôi nghĩ chắc đó là các anh trên xã đoàn xuống phụ với các em. Đến hôm học chính thức, bước vào lớp, tôi mới ngẩn người ra khi phát hiện “mấy anh” hôm trước lại chính là học trò của mình! Sau này gần gũi với các em, chúng tôi mới hiểu là do hoàn cảnh chiến tranh, bản thân các em phải tham gia du kích, rồi học hành gián đoạn, phải đi học nhờ ở xã bên, học ban đêm dưới hầm,… Có em chỉ kém chúng tôi một, hai tuổi thôi.

Phải hiểu rằng đây là lần đầu tiên quê các em có ngôi trường cấp hai. Các em có thầy cô, các em được ung dung cắp sách đi học giữa ban ngày, ngay trên chính quê hương mình.Có thế thì mới hiểu được niềm vui cũng như tình cảm mà các em dành cho chúng tôi lớn đến mức nào! Và chúng tôi hồi ấy (có sáu giáo viên) cũng tự hào vì mình là thế hệ giáo viên đầu tiên của xã. Nơi đây có ngôi trường “cách mạng” đầu tiên để chúng tôi rèn luyện mình. Thế nên thầy trò đều háo hức như nhau.

Vì đã lớn lên trong chiến tranh ác liệt nên các em ấy cũng rất già dặn trong tình cảm, suy nghĩ, trong việc làm. Đó là những đợt đi lao động chặt củi, trồng mì,…trên núi. Mấy cô giáo chúng tôi làm gì mà gánh, mà khiêng cho được những bó củi, những bao mì. Thế là đám học trò nhỏ ấy xung phong “rước” hết cho thầy cô! Những “nông dân cày đường nhựa” như chúng tôi cũng không dám giao hết cho học trò vì sợ bị đánh giá là “thiếu tính giai cấp”, là “tư sản”, nên cũng cố “cõng” cùng các em.

Đến mùa hè, các em đi núi có sim, có chà là hoặc nhà làm mía (nấu đường) là các em lại mang đến nhà tập thể biếu thầy cô bằng một cách hết sức dễ thương: Các em len lén lúc không có thầy cô, nhẹ nhàng để ở bàn rồi vụt chạy nhanh ra khỏi nhà, như thể sợ chúng tôi bắt gặp các em sẽ xấu hổ!

[1] T “lưu dung” là để chỉ những người đã làm việc ở chế độ cũ nay được dùng lại, tiếp tục công việc của mình với chế độ mới.

Diệp Thị Mỹ Thạnh,
Thị trấn Bồng Sơn, Hoài Nhơn, Bình Định.

Các bài viết liên quan:
Ký ức thời bao cấp: Một thời rất thương – Kỳ 1

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.