Thạc sĩ kiến trúc Nguyễn Yến Phi: ‘Đồng hóa địa phương tạo ra những địa phương na ná nhau’

0
1171

‘Tôi thấy còn rất nhiều công trình kiến trúc hay những làng, xóm có giá trị về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật không hề thua kém, cần được quan tâm mà chưa được chú ý hoặc biết đến…’- kiến trúc sư Nguyễn Yến Phi.

Là người sáng lập và điều phối dự án Về Huế (dự án nghệ thuật đa phương tiện, sẽ diễn ra tại Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị, TP.Huế, từ ngày 20-29/7 tới và dự kiến tổ chức tại TP.HCM vào tháng Tám), Nguyễn Yến Phi – thạc sĩ kiến trúc Đại học Harvard, cử nhân toán và mỹ thuật Đại học Berea (Hoa Kỳ), đồng sáng lập Văn phòng Kiến trúc atelier NgNg, thành viên nhóm nghiên cứu Huế (thuộc chương trình Không gian và Nơi chốn ở Đông Nam Á, Đại học Sydney, Úc) – đã có những chia sẻ về di sản địa phương.

Phóng viên:Về Huế đã gợi ra câu chuyện di sản kiến trúc địa phương cho Huế lẫn các tỉnh, thành trên cả nước. Di sản địa phương đó được định nghĩa như thế nào?

Kiến trúc sư Nguyễn Yến Phi: Thuật ngữ “kiến trúc địa phương” được định nghĩa là cách thức xây dựng, sử dụng vật liệu địa phương và những kinh nghiệm/kiến thức truyền thống trong thiết kế không gian, hình khối và chi tiết, nhằm đáp ứng những nhu cầu và hoàn cảnh người địa phương. Bởi vậy, kiến trúc địa phương thường “tiến hóa” qua thời gian, phản ánh sống động môi trường tự nhiên, văn hóa và lịch sử của nơi chốn ấy.

Giá trị đầu tiên của những công trình và nhóm công trình/không gian đô thị, làng xã này chính là giá trị lịch sử, văn hóa và xã hội. Chúng là những minh chứng chân thực nhất, những “ghi chép” đầy đủ nhất về những khía cạnh khác nhau của đời sống, tâm tư, tình cảm, kỹ năng, hiểu biết của người dân địa phương. Chúng cho thấy phản ứng của người địa phương trước những hoàn cảnh khác nhau trong môi trường sống.

Thac si kien truc Nguyen Yen Phi: 'Dong hoa dia phuong tao ra nhung dia phuong na na nhau'

Hai là, về mặt kiến trúc và tổ chức không gian xã hội, đô thị, kiến trúc địa phương, với những khía cạnh tiện lợi về mặt tổ chức không gian (mối quan hệ khăng khít trong cộng đồng dân cư và sự hòa hợp với thiên nhiên), phương thức xây dựng (sử dụng vật liệu địa phương, phù hợp với địa hình và khí hậu), có thể cung cấp những bài học vô giá, những cơ hội để học hỏi và ứng dụng trong đời sống đô thị hiện đại.

Thứ ba, về mặt mỹ thuật, những chi tiết, hoa văn, họa tiết công phu như chạm khắc, nề ngõa (một kỹ thuật xây dựng cổ, sử dụng các nguyên vật liệu truyền thống – PV), đều thể hiện cảm quan mỹ thuật cũng như bàn tay khéo léo của những người thợ xưa.

Di sản kiến trúc địa phương, tất nhiên phải bao gồm những công trình có giá trị về mặt tôn giáo, tâm linh, lịch sử và nghệ thuật, như đình chùa, miếu mạo, nhưng cũng bao gồm cả các công trình nhà ở. Chẳng hạn ở Huế có nhà vườn, nhà rường. Song như đã nói trên, những công trình này cần được xem xét và giữ gìn trong tương quan với không gian chung, chứ không thể nhìn như những sản phẩm riêng lẻ.

Mỗi công trình kiến trúc địa phương, khác với các công trình đương đại, thường được xây dựng, phát triển trong bối cảnh chung của làng xã, có mối liên quan với các công trình khác. Bản thân tổ chức không gian của làng xã cũng là di sản (ví dụ như ở Huế, cách các công trình tâm linh nằm dọc dòng sông hay con nước – minh đường, cách khuôn viên đình chùa miếu mạo trở thành không gian sinh hoạt cộng đồng và gắn kết toàn bộ ngôi làng…). Đây chính là cảm thức thuộc về, là điều tạo nên “nơi chốn” và bản sắc của chúng.

* Thường người ta hay nhắc và bảo vệ những di sản đã được xếp hạng, ít quan tâm đến khối di sản còn lại, trong đó có di sản địa phương. Chị đánh giá thế nào về tiềm năng của khối di sản này?

– Quả thật, các di sản đã xếp hạng thường được nhắc đến nhiều hơn. Qua quá trình nghiên cứu, tôi thấy còn rất nhiều công trình kiến trúc hay những làng, xóm có giá trị về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật không hề thua kém, cần được quan tâm mà chưa được chú ý hoặc biết đến, thậm chí ngay cả với những người sống trong không gian di sản đó. Tại sao phải quan tâm? Lý do thứ nhất, có lẽ ai cũng đồng tình, chính là giá trị tự thân của công trình. Lý do thứ hai, khi nhìn nhận di sản, cần nhìn trong tương quan với toàn bộ ngôi làng/đô thị, mới thấy rõ hơn cái lý do tồn tại của nó.

* Nhận diện giá trị di sản địa phương có phải là cách để chống lại quá trình đồng hóa địa phương đang lan rộng trên toàn cầu?

– Hiện tượng đồng hóa địa phương (homogenization) là hiện tượng phổ biến trên khắp thế giới hiện nay, đặc biệt là ở những nước đang phát triển, khi công cuộc đô thị hóa được đẩy mạnh và nhanh hơn công cuộc giữ gìn hay phát huy truyền thống. Điều này tạo nên những địa phương na ná nhau. Nếu có thể kết hợp bảo tồn và phát triển, mỗi địa phương sẽ giữ được bản sắc riêng, làm cho truyền thống văn hóa dân tộc/cả nước phong phú, đa dạng và giàu có hơn.

Dĩ nhiên, kiến trúc địa phương không phải là một tạo vật trưng bày. Nó vẫn đang sống và thực sự vẫn còn ít nhiều được sử dụng trong chính cộng đồng. Cho nên, việc giữ gìn và thích nghi nó với đời sống đương đại cũng cần được bàn bạc và suy nghĩ. Đây là bài toán khó, không chỉ cho Việt Nam mà đối với nhiều nước trên thế giới. Bởi thế mới có những địa danh được gọi là thành phố/thị trấn di sản (không chỉ một tòa nhà, một dòng sông).

* Cảm ơn chị. 

Đậu Dung (thực hiện)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.