Kỷ vật: Chiếc vòng “cột hồn” của người H’roi

0
874

BTKUXH – Cuộc sống quanh ta có rất nhiều đồ dùng và hàng ngày ta liên tục thải ra tự nhiên. Nhưng cũng có những kỷ vật người ta luôn giữ bên mình dù rằng nó không còn nhiều giá trị sử dụng và giá trị hàng hóa. Người ta giữ lại những kỷ vật mà đối với những người chung quanh cho là “rác” nhưng đối với họ lại là những “bảo vật” tinh thần mà không có gì thay thế được. Hôm nay chúng tôi giới thiệu với quý độc giả một kỷ vật và những chia sẻ về những kỷ niệm liên quan đến kỷ vật của anh Nguyễn Đức Lộc. Hi vọng đây là sự khởi đầu cho một phong trào lưu giữ lại những “bảo vật” tinh thần của mỗi người, mỗi gia đình. Chúng tôi cũng mong mỏi nhận được sự chia sẻ về những kỷ vật của mọi người trên trang : baotang.kyucxahoi.com này.

Chủ nhân ban đầu: Y T, người dân tộc H’roi, người trong thôn gọi là Ma Th. với ý nghĩa là cha của con gái đầu tên Th (Hờ Th).

Người được tặng: Nguyễn Đức Lộc, giảng viên trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, thành viên đoàn nghiên cứu “Những cuộc đời trẻ thơ” (Young lives)

Chất liệu: bằng đồng

Nơi sưu tầm: Thôn Suối Bạc, xã Suối Bạc, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên

 

Hoàn cảnh sưu tầm:

Vào tháng 11 năm 2008, tôi tham gia dự án nghiên cứu “Những cuộc đời trẻ thơ” tại thôn Suối Bạc, xã Suối Bạc, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên. Đây là một thôn của người dân tộc Chăm H’roi (những người dân ở đây chỉ gọi là H’Roi). Công việc của tôi là hàng ngày tiếp xúc với ba trẻ em và gia đình của các em này, với điều kiện bắt buộc cùng ăn, cùng ở và cùng làm việc với gia đình. Ban đầu tôi đến nhà ông Ma Th, người nhà đã không hoan nghênh tôi đến ở trong nhà vì cho rằng từ trước đến giờ chưa có người nghiên cứu nào đến ở trong nhà, các món ăn, chỗ ở không hợp với tôi. Tôi phải vất vả lắm để thuyết phục với họ là tôi sẽ thích nghi được với gia đình họ và tôi hoàn toàn vô hại với gia đình. Phải nói là công việc thuyết phục cực “trần thân”, tôi phải mặc áo mưa đứng ngoài gọi cửa, còn bên trong các thành viên của gia đình chăm chú vào bộ phim Hong Kong đang chiếu trên truyền hình là “ván bài đen tối”. Quả thật lúc đó tôi mới là người đen tối, nếu tôi không thuyết phục họ cho vào ở nhờ thì coi như việc nghiên cứu của tôi không thành công. Rất may trời rủ lòng thương, hay nói đúng hơn là gia chủ rủ lòng thương khi mở cửa cho tôi vào.

Tôi có thời gian làm việc ở thôn Suối Bạc gần một tháng, tình cảm của tôi với người dân trong làng càng ngày càng thân thiết, đặc biệt là các thành viên của gia đình của Ma Th. Họ dạy tôi học tiếng H’roi, dặt tôi đi rừng, đi rẫy như một thành viên của gia đình. Trước ngày tôi về, chủ nhà đã tổ chức một nghi thức đeo vòng cho tôi bằng cách vợ chồng gia chủ và đứa con trai đọc lời khấn bằng tiếng H’roi với ý nghĩa xin trời đất phù hộ cho tôi, vừa đọc họ vừa đổ nước vào bình rượu cần còn tôi thì hút, tính ra gần một chậu đầy. Sau đó gia chủ đeo vòng cho tôi và giảng giả thêm về lời khấn, kể từ nay về sau tôi đã là thành viên của gia đình và các vị thần của họ sẽ phù hộ cho tôi.

Về lại Sài Gòn, lúc đầu tôi thấy ngại đeo cái vòng đồng có vẻ thô này, nhưng nghĩ lại tình cảm của người dân tôi đeo vào tay và dần dần riết rồi quen, thiếu nó có vẻ như mình thiếu thiếu cái gì.

Nguyễn Đức Lộc

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.