Một đời với VOVINAM

0
809

Võ sư Chưởng môn Lê Sáng là môn đệ xuất sắc nhất của cố Võ sư Nguyễn Lộc (1912-1960) – vị sáng tổ môn phái VOVINAM – Việt Võ Đạo, sáng lập năm 1938 tại Hà Nội. 70 năm gắn bó với môn phái, bằng tâm huyết và kiến thức sâu rộng về võ thuật, Võ sư Chưởng môn Lê Sáng đã góp phần to lớn vào việc xây dựng và phát triển VOVINAM trở thành môn phái đại diện chính thức cho võ thuật Việt Nam trên toàn thế giới.

 Võ sư Nguyễn Văn Chiếu và chiếc Cúp xác lập kỉ lục
người có đẳng cấp Vovinam cao nhất Việt Nam và thế giới

Võ sư Lê Sáng sinh năm 1920 tại ngôi nhà nhỏ bên bờ hồ Trúc Bạch, Hà Nội (quê ông ở tỉnh Thanh Hóa). Năm 20 tuổi, sau cơn bệnh nặng, ông đi lại khó khăn. Nghe theo lời khuyên của mẹ, ông tìm thầy học võ để rèn luyện thân thể. Duyên may đã đưa ông đến với một trong những lớp VOVINAM đầu tiên do Võ sư Nguyễn Lộc dạy thời đó. Thông minh, chuyên cần và có năng khiếu võ thuật nên chỉ vài năm luyện rèn ông đã được Võ sư Nguyễn Lộc cho tham gia công việc huấn luyện tại Hà Nội và các tỉnh Phú Thọ, Sơn Tây, Vĩnh Yên, Yên Bái…

Những năm 40 của thế kỷ XX, VOVINAM bị thực dân Pháp cấm, các lớp võ công khai chỉ dạy cấp tốc 3 tháng để đáp ứng yêu cầu ứng phó cấp thiết. Võ sư Lê Sáng tham gia các lớp huấn luyện VOVINAM cho du kích gồm một số bài kiếm, gậy, 10 thế đòn xóc (đòn gánh vát nhọn 2 đầu để gánh lúa)… phục vụ chiến đấu. Nhớ lại, ông rất vui và nói: “Thời ấy, chúng tôi mới ngoài hai mươi, nghèo nhưng mà hăng hái lắm”.

Võ sư Nguyễn Văn Chiếu tập huấn cho môn sinh thiếu nhi tại Rumani

Võ sư Nguyễn Văn Chiếu tập huấn cho môn sinh quốc tế tại Tây Ban Nha

Võ sư Nguyễn Văn Chiếu tặng hoa cho đoàn Vovinam Nga
tại Giải Vô địch Vovinam Thế giới lần thứ II tổ chức tại Việt Nam

Từ năm 1954, ông theo Võ sư sáng tổ vào Sài Gòn tổ chức các cuộc biểu diễn, mở lớp huấn luyện, phổ biến VOVINAM ở vùng đất mới. Trong lúc gian nan bề bộn, Võ sư Nguyễn Lộc lâm bệnh nặng, trước lúc qua đời, Võ sư Nguyễn Lộc giao nhiệm vụ chưởng môn cho ông vào năm 1960. Nhưng đến cuối năm đó, do việc một võ sư Judo tham gia đảo chính nên chính quyền Sài Gòn cũ cấm các võ phái hoạt động, Võ sư Lê Sáng phải gác việc dạy võ để lên Buôn Mê Thuột (Đăk Lăk) làm đồn điền. Bốn năm sau, các võ phái được phép hoạt động trở lại, ông trở về Sài Gòn, tập hợp các võ sư, môn sinh, mở lại võ đường, soạn thảo quy lệ môn phái, xác lập chương trình giảng huấn võ đạo, huấn luyện võ thuật theo đẳng cấp, thay đổi trang phục môn phái thành màu xanh da trời như ngày nay. Võ sư Lê Sáng được bầu làm Tổng thư ký Tổng cục Quyền thuật miền Nam thời đó. Từ những năm bảy mươi, ông đặt ra kế hoạch truyền bá VOVINAM ra thế giới theo các du học sinh đến các nước Pháp, Ý, Đức, Thụy Sĩ…

Sau chuyến lưu diễn thành công của nhóm võ sư Tp.Hồ Chí Minh tại Nga năm 1990, VOVINAM mới bắt đầu được phổ biến rộng rãi ở nhiều nước. Hiện nay, Liên đoàn VOVINAM thế giới gồm 28 thành viên với gần 100.000 môn sinh nhiều quốc tịch, trong đó môn sinh Việt Nam có hơn 40.000. Năm 2009, Giải Vô địch VOVINAM thế giới lần thứ nhất được Liên đoàn VOVINAM thế giới tổ chức lần đầu tại Tp.Hồ Chí Minh, đây là cuộc tụ họp về Đất Tổ của đại gia đình VOVINAM trên toàn cầu với 14 nước tham gia chính thức cùng với 30 nội dung thi đấu. Ngay sau đó VOVINAM trở thành nội dung thi đấu chính thức tại Đại hội Thể thao châu Á trong nhà lần thứ III (AIG III). Hai sự kiện lớn đó đã góp phần khẳng định VOVINAM đang vững tiến trên đường đến mục tiêu trở thành môn thi đấu chính thức tại các kỳ đại hội thể thao thế giới.

70 năm gắn bó với VOVINAM – Việt võ đạo, tuy đã ở tuổi 90, Võ sư chưởng môn Lê Sáng vẫn quắc thước, đôi mắt tinh anh, giọng nói ấm và vang, tiếng cười sảng khoái thể hiện một nội lực dồi dào của một vị đại lão võ sư. Hiện nay, ông trở thành người lãnh đạo tinh thần của môn phái, ông truyền dạy và giao cho các học trò tiếp tục công việc của môn phái để có thời gian nghiên cứu võ thuật, viết sách…. Đã mấy mươi năm qua, ngôi nhà của ông tại 31 Sư Vạn Hạnh, quận 10 Tp.Hồ Chí Minh trở thành Võ đường chung, trung tâm điều hành mọi hoạt động của môn phái và là mái ấm để các môn sinh khắp nơi về đoàn tụ.

Bài: Vân Quý – Ảnh: Quang Minh, Minh Quốc & Tư liệu

Nguồn: Báo Ảnh Việt Nam

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.