Xã hội truyền thống của người Khmer vùng Tây Nam Bộ – kỳ 8

0
907
Người già
Các bạn tôi đang ngồi chơi với bác S. Bác trông cũng rất vui vẻ. Bác S trạc độ hơn 70 tuổi. Bác S cho chúng tôi biết bác vào Đảng năm 1990 do bí thư xã thị trường giới thiệu. Hồi đó, ở đây chưa có Đảng bộ mà chỉ có chi bộ thôi. Thời gian các bác lên làm trưởng ban quản trị chùa, cơ cấu quản trị có hai phần, phần trên và phần khác là bảy người nữa trong ban cố vấn. Bác S nói công việc của ban quản trị là gần gũi với chùa, với sư cả, lo các công việc của chùa và thông báo cho mọi người các công việc trong chùa. Dưới ban quản trị có các wện và khi cần thông báo các công việc trong chùa thì thông báo với trưởng wện. Tôi hỏi bác về thông tin người già của làng thì bác S có nói cho tôi về ông K là người già nhất làng này. Trong khi chúng tôi hỏi về Mê Sróc là gì thì bác S nói là ông K là một già nhất phum. Tuy nhiên, bác nói là Mê Sróc là người già nhất chứ không giữ chức vụ gì trong phum này cả.
“Gọi phum hay gọi Sróc là tùy vào từng nơi, nhưng thực tế phum là ấp và
phum còn được gọi là nơi ở của dân.”(Ảnh minh họa, nguồn: Internet)

Giữa sư trong chùa và ban quản trị, bác S khẳng định là các sư là lớn nhất. Tôi hỏi bác về những người làm bên quản lý phum thì bác S cho tôi biết một người làm trưởng ấp sau giải phóng mà không biết chữ nay vẫn còn sống. Ông tên là H.

Bác S cho biết Sróc là ấp, phum cũng là ấp. Tuy nhiên, theo chữ nghĩa thì Sróc là huyện, phum là ấp còn ấp thì đúng hơn. Bác nói gọi phum hay gọi Sróc là tùy vào từng nơi, nhưng thực tế phum là ấp và phum còn được gọi là nơi ở của dân. Trong khi tôi mới vào nhà bác S chừng năm phút thì T ra hiệu cho chúng tôi về, lúc đó mới 10h hơn. T lại hẹn bác vào ban tối nhưng bác bảo “ban đêm muỗi cắn chết đó”. Qua cách bác từ chối thì tôi cảm thấy bác rất nhiệt tình với chúng tôi, nhưng bác chỉ không có thời gian nên mới nói vậy.
2h chiều tôi cùng với N lên nhà ông K là người già nhất làng mà sáng nay bác S có giới thiệu. Người ta chỉ cho tôi nhà ông K. Tôi vào nhà, thấy ông cụ rất già, gầy còm, răng cụ đã không còn và trông rất móm mém. Cụ đang mặc chiếc quần đùi ngồi trên chiếc ghế tựa. Cụ ngồi ở nhà dưới, ngôi nhà trông cũng rất bình thường, các đồ dùng trong nhà không có gì đáng giá ngoài chiếc ti vi cũ. Tôi và N đi vào chào cụ, cụ đứng dậy ra cửa cười với chúng tôi. Tôi giới thiệu mình là sinh viên. Cụ nói tiếng Khmer. Tôi không hiểu, tưởng là cụ biết một chút tiếng Kinh nên tôi cố gắng nói chậm và to để cụ nghe được, nhưng cụ cũng không nói tiếng Kinh mà nói gì đó bằng tiếng Khmer và luôn cười cách món mém, hiền từ. Biết là cụ không nói rành tiếng Kinh nên tôi bảo N ở lại còn tôi chạy ra ngoài, cố tìm nột em bé có thể phiên dịch cho tôi. Ra đường lộ nhìn quanh mà chẳng thấy ai, tôi trở vô nhà thấy một chị đang ngồi trước hiên cũng gần gần nhà ông K khoảng 50m. Tôi đánh bạo nhờ chị vào nhà ông K để phiên dịch giùm tôi vấn đề về phum, sróc truyền thống. Chị cũng vui vẻ và sẵn sàng đi cùng tôi vào nhà ông K để phiên dịch cho chúng tôi. Chị tên là T, sinh năm 1969 là con của một người Khmer và người Kinh, chị T có gia đình và ba con.
Nội dung cuộc phỏng vấn là tìm hiểu bối cảnh của ấp B.V trước đây và xã hội thời đó. Chúng  tôi kết thúc cuộc phỏng vấn vào lúc 3h30 chiều.
7h25 tối, chúng tôi tới nhà bác K. Bác K cho biết ấp B.V này là có nguồn gốc từ cái hồ lớn. Bác K giải thích “trước đây chùa B.V được hình thành tại bầu dài nhưng do người ta nói là không ở được. Tin đồn có ma tà nhiều nên khi nấu cơm, cơm chín là cát vào đầy nồi nên không ăn được. Lúc đó, chùa chỉ mới xây dựng cơ bản và người ta gọi chùa bằng tiếng Khmer là T. Chùa được di dời đến lần thứ ba mới ổn định”.
Chúng tôi hỏi bác về giai đoạn ấp chiến lược. Bác K đã kể cho tôi nghe về giai đoạn này. Trong thời gian này, bác đã lớn rồi, khoảng hai mươi mấy, ba mươi tuổi. Bác kể là giai đoạn ấp chiến lược này không kiên cố lắm. Giai đoạn này trải qua ba đời trưởng ấp. Khi hỏi khoảng năm bao nhiêu thì ấp chiến lược rã thì bác K trả lời “rã thì không rã, thực ra có hai đồn ở đầu ấp và cuối ấp, đầu ấp là đồn nhân dân tự trị và cuối ấp là lực lượng nghĩa quân, riêng đồn lực lượng nghĩa quân thì năm 1973 là giải tán. Thời kỳ này người ta làm giữ dằn lắm, người ta rào hết xung quanh, ban ngày người ta đi làm ruộng nhưng người ta quản lí theo liên gia, khu”. Chúng tôi hỏi kỹ hơn về cách quản lý theo liên gia là như thế nào thì bác K trả lời: “Liên gia là ba liên gia với nhau thành một khu, người ta quản lí rất chặt( người ta là chính quyền ngụy ) nhưng cũng quản lí không nổi đâu, ban đêm việt cộng cũng lên tới à, về hình thức thì chặt nhưng thực tế thì nó không chặt, ví dụ như ông N làm cho chính quyền ngụy như vẫn liên lạc với bên trong”
Chúng tôi hỏi thêm về tình hình an toàn của ấp B.V hồi đó thì bác cho biết: “Trong vùng của quốc gia trước đây thì không có khó khăn gì vì đây là khu vực an ninh còn ấp bên cạnh thì cũng hơi căng”.
Khi hỏi tình hình tu ở trong chùa thời gian này như thế nào thì bác K cho biết ở chùa thời kì này người ta đi tu rất đông vì người ta bắt đàn ông, thanh niên đi lưu dịch lính tráng. Có người đi tu hai ba lần, khi thấy ổn thì người ta xuất ra, bất ổn thì người ta lại vào. Có khi họ đi nơi khác tu, bây giờ thì tôi thấy có vẻ bác rất hào hứng, giọng nói của bác rất nhiệt tình và có khi bác nói quên cả cách trau chuốt, ý tứ trong từ ngữ. Tôi hỏi bác vậy thì thời kỳ này người dân có sợ bom đạn gì không? Bác K trả lời ở ấp B.V này nằm trong khu vực an ninh nên không có bom đạn.
(còn tiếp)
Ngày 27/5/2011.
Trần Thị Thùy Trang

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.