Tìm thấy một tài liệu quý thời Tây Sơn

0
801

Cách đây một tháng, nhiều báo đưa tin người dân thuộc con cháu họ Trương làng Thanh Quýt (Điện Bàn, Quảng Nam) đã đóng góp tiền tôn tạo lăng mộ một vị quan thời Tây Sơn là cụ tổ đời thứ 7 của họ đó là thượng thư Trương Công Hy.

Qua đó con cháu của họ Trương phát hiện ra nhiều văn bản bằng chữ Hán và Nôm do chính tay thượng thư viết, có triện và nhiều dấu khuyên rải rác trên văn bản gốc có chất liệu giấy dó. Đối với triều đại Tây Sơn, đây là những tài liệu quý may mắn còn giữ được…

Khai đất năm Cảnh Thạnh ngũ niên của Khâm sai đại thần Trương Công Hy (trái) và tờ khai tài sản của Tri phủ Điện Bàn Trương Công Hy

Một số trong các văn bản này là các tờ khai đất đai trong các giai đoạn mà quan thượng thư giữ các chức vụ Tri phủ Điện Bàn (năm Thái Đức thứ 8-1786), Khâm sai đại thần, trấn thủ Quảng Nam trấn và Hình bộ Thượng thư trong các triều vua Quang Trung Nguyễn Huệ và Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản sau đó.

Bản khai năm Thái Đức bát niên, bát ngoạt nhị thập tứ nhựt (ngày 24 tháng 8 năm 1786), do chính Tri phủ Điện Bàn, tước Thùy Ân tử khai, ký tên về những khoảnh đất mà ông sở hữu hoặc do cha mẹ để lại và giao cho 5 người con làm hương hỏa, gồm 5 khoảnh đất vườn và một khu đất ở xứ Bến Giá thuộc xã Đông An do mua lại từ một người trong tộc… Các khoảnh điền, thổ được khai đều ghi rõ tứ cận, diện tích, đất đang canh tác hay đất bỏ trống, đất có đóng thuế hoặc được miễn thuế: “Điện Bàn phủ, Diên Khánh huyện, Đông An xã, bổn thổ Tri phủ Thùy Ân tử Trương Công Hy.

Thân kê:…”.

Trong các tờ kê khai, ở đoạn cuối đều có câu: “Dĩ thượng hữu tự chỉ… khai báo tường tận, quả như đơn nội, nhược thử thổ đa gian khai thiểu cập, ẩn phế ngoại lập tự nhứt xích, dĩ thượng cam thọ gia tài nhập quan, tái thọ tử tội tư biên” (bản dịch của ông Trương Hữu Y). Ông Cầu giải thích, việc kê khai hồi đó không thể sai dù một thước đất (nhứt xích), nếu gian lận sẽ bị thu hồi và tái phạm sẽ bị án tử hình. Chính nhờ luật pháp nghiêm minh như vậy cho nên, bên cạnh phẩm chất của mỗi quan viên, tệ nạn tham nhũng cũng được ngăn ngừa tận gốc…

Năm Cảnh Thịnh Ngũ niên, 1798, lúc này quan Thượng thư Trương Công Hy đã phải làm tờ khai nộp lên trên, rõ ràng từng thước đất của mình lẫn các con với những cam kết tương tự…

Một bản viết tay cùng năm có đoạn mở đầu viết: “Điện Bàn phủ, Diên Phước huyện, Thanh Quýt trung tổng, Thanh Quýt xã, Khâm sai Quảng Nam trấn, Hình bộ Thương thư Thùy Ân Hầu

Kê:

Tỵ văn thân giả nải thân chi, chi tử giả ly, ngô chi lý lạc ngã quan chi ngũ…, giả vô phụ quách chi điền.

Tuy ngô thọ thiên niên, khởi tẩy đông phương chi tủy, sở hữu tiền phụ mẫu di lai điền thổ kỷ mẫu tắc phụng định tiên nhơn, hương hỏa nhứt tắt quân phân. Chúng tử dĩ phân cập (mất chữ) tuyệt tự bất thất, cung tang kính tử. Cụ hữu (mất chữ) xứ sở tịnh liệt du thứ. Thanh ly xứ tư điền:

(Phần giữa ghi rõ diện tích đất vườn, đất ruộng cho các con trai, đất để lại làm nhà thờ tộc phái)…

Cọng tư thổ các sở: nhứt mẫu, tam cao, cửu xích (Cọng tư thổ: một mẫu, ba sào, chín thước)

Cảnh Thịnh ngũ niên (mất ba chữ) thành tự ký” (bản dịch của ông Nguyễn Hữu Cơ).

Ngoài các văn bản còn lưu lại hơn 2 thế kỷ nêu trên, sau khi Thượng thư Trương Công Hy qua đời năm 1800, còn có văn tế ca ngợi công đức của ông. Tuy bản chính chưa tìm thấy, nhưng có đoạn được con cháu trích lại: “Hường ân Thuận Hóa, huệ trạch thuần lương, chánh đương Thượng thơ hình bộ, quyền sai Quảng Nam ngoại trấn, khâm sai đại thần, phụng thủ chưởng nhứt phương…”. Sau đó, trong ngày kỵ của ông, một cụ tú tài họ Nguyễn ở địa phương đã viết: “Lộc lớn vua ban nhường cho dân chúng/Cơ nghiệp người xây hiến cúng gia tiên/Ôi tấm gương cao tổ triết hiền/Đời thường nhắc, cháu con ghi nhớ/Một nén hương dâng người thiên cổ/Trọn đời soi gương sáng người treo…”.

Lăng mộ thượng thư Trương Công Hy - Ảnh: T.Đ.T

Ông Trương Công Cầu, 80 tuổi, hậu duệ của quan thượng thư cho biết từ nhỏ đã nghe những người già trong làng kể rằng quan thượng thư từng được vua ban cho một cánh đồng rộng 500 mẫu thuộc hai làng Lai Nghi, Phú Chiêm cạnh dinh trấn Thanh Chiêm gọi là ruộng “công thần”, nhưng ông đã giao lại cho dân địa phương canh tác, không thu một chút hoa lợi nào!… Nhờ đó, khi ông qua đời năm 1800, người dân các địa phương trên đã đến viếng tiễn đông đúc và cảm động. Con đường làng dẫn đến nơi quàn thi hài ông được dân chúng lúc đó đặt tên là “Ngõ quan thượng” vẫn còn lưu lại đến ngày nay ở làng Thanh Quýt.

Theo gia phả, thượng thư Trương Công Hy là tổ đời thứ 7 của tộc Trương ở làng Thanh Quýt, Điện Bàn, Quảng Nam, hiện nay đã có 17 đời. Tổ tiên ông trấn Nghệ An vào Nam theo Nguyễn Hoàng trấn giữ phía nam Hoành Sơn lập ra xứ Đàng Trong. Từ đời thứ nhất đến đời ông đã có nhiều người giữ các chức vụ quan trọng trong các triều Hậu Lê, chúa Nguyễn, Tây Sơn. Ông sinh năm 1727 và mất năm 1800 trước khi Gia Long giành lại chính quyền từ tay Tây Sơn năm 1802.

Tài liệu chính sử thời Tây Sơn đã bị nhà Nguyễn đốt sạch. “Tại nhiều địa phương ngày nay đến một mảnh giấy, một mảnh bằng sắc thực sự của triều Tây Sơn cũng không còn” (Trần Văn Quý, Những tìm hiểu mới nhất về triều Tây Sơn qua tư liệu Quỳ Hợp – Tạp chí Khoa học Quân sự 2.1987), cho nên cuộc đời và sự nghiệp của Thượng thư Trương Công Hy vẫn chỉ là những mảnh ghép chưa hoàn chỉnh.

Tuy vậy, việc tìm thấy những bút tích hiếm hoi do vị “quan thanh liêm” Trương Công Hy để lại từ hơn 2 thế kỷ qua, một lần nữa cho thấy việc sử dụng hiền tài, tính nghiêm minh của thực thi luật pháp của vương triều Tây Sơn.

Trương Điện Thắng
Nguồn: Thanh Niên

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.