“Chúng con tha thứ cho cha mẹ…”

0
994

BTKUXH – Tôi đến thăm nghĩa trang Đồng Nhi (người dân ở đây vẫn gọi khu vực dành cho các cô nhi thuộc nghĩa trang thành phố Pleiku bằng cái tên thân thương như thế) dưới cái nắng chạng vạng của buổi hoàng hôn cuối tháng 4. Những tia nắng yếu ớt, mểt mỏi sau một ngày chói chang đang trùng xuống giữa không gian tĩnh lặng, thấp thoáng đâu đó bóng dáng của những người phụ nữ đang thắp những nén nhang an ủi các cô nhi đáng thương.

Nghĩa trang này thuộc vùng ven của thành phố Pleiku với ngổn ngang những ngôi mộ không hàng, không lối. Vì là nghĩa trang của thành phố nên không nói cũng thấy được mật độ “dân cư” đông đúc như thế nào ở cái “thành phố buồn” này… Một cảm giác quặn đau, thắt lòng khi bước chân tôi dừng lại trước khu vực dành cho các em cô nhi an nghỉ. Cảm xúc trong tôi trào dâng khi đập vào mắt tôi là hàng chữ “CHÚNG CON THA THỨ CHO CHA MẸ”, dù cha mẹ từ bỏ chúng con bằng mọi cách để chúng con không thể tồn tại trên cõi đời này nhưng chúng con vẫn tha thứ cho cha mẹ. Một cảm giác cay cay nơi sống mũi, bên cạnh tôi, một phụ nữ không giấu được nỗi sự xót xa bằng những giọt nước mắt bùi ngùi… Không biết rằng, nếu bậc cha mẹ nào đã từng vứt bỏ những sinh linh tội nghiệp này sẽ nghĩ gì khi họ nhìn thấy dòng chữ này: xót xa? cay đắng? hối hận? hay day dứt? …

Mỗi một ngôi mộ nhỏ bé ấy là nơi an nghỉ của 3-4 sinh linh bé bỏng (theo chủ trương của những người làm công tác chăm sóc các em ở đây là vừa để tiết kiệm diện tích mà cũng vừa để các em cảm thấy ấm lòng hơn khi có bạn bè bên cạnh). Đa phần các em ở đây là cô nhi, là những đứa trẻ được sinh ra ngoài sự mong muốn của những người tạo ra chúng, chúng bị ép phải lìa bỏ cuộc sống tươi đẹp này, bị tước đi cái quyền chính đáng là ĐƯỢC SỐNG – cái quyền ấy thật đơn sơ mà sao khó khăn quá đỗi, bởi vì nhiều lý do khác nhau sự tồn tại của các em sẽ là những lời tố cáo cha mẹ chúng, do đó, để bảo vệ danh dự cho bản thân, cho gia đình, cho họ hàng nên họ đã GIẾT các giọt máu đỏ hỏn đó bằng những các thủ thuật: điều hòa kinh nguyệt, uống thuốc, nạo thai, ép sinh non, …Họ đã chối bỏ quyền làm CHA, làm MẸ thiêng liêng ấy như vứt bỏ một cái áo lỗi thời – dễ dàng và nhanh chóng; họ tự cho mình cái quyền được HƯỞNG THỤ, họ ích kỷ, chỉ biết nghĩ cho chính mình mà họ không được học là phải tự chịu TRÁCH NHIỆM với bản thân. Với một thái độ sống như vậy thì sẽ còn bao nhiêu, bao nhiêu sinh linh tội nghiệp nữa sẽ được tạo ra trong sự hưởng thụ và bị vứt bỏ bởi tính thiếu trách nhiệm?

Lúc còn ngồi trên ghế giảng đường, cuộc sống sinh viên xa nhà đã cho tôi nhiều bài học đầu đời ý nghĩa và cũng cho con bé nhà quê như tôi mở mang thêm nhiều điều mới lạ, trong đó có chuyện “sống thử” của những bạn cũng là sinh viên như tôi. Tôi tự hỏi, với những cuộc “sống thử” đó có mấy đứa trẻ được tạo ra như mong muốn của cha mẹ chúng? Và có bao nhiêu đứa trẻ bị chối bỏ ngay từ trong bụng mẹ?, … Cha mẹ chúng làm sao có thể nuôi nổi chúng, trong khi vẫn đang đi học, vẫn phải ngửa tay xin tiền gia đình, vẫn còn những mối quan hệ bạn bè vui vẻ khác, vẫn còn những cuộc vui chưa thỏa mãn, … “vẫn còn” nhiều lắm nhưng các cặp sinh viên yêu nhau vẫn cứ “góp gạo thổi cơm chung” với những “lý lẽ” rất riêng của họ, …

Đốt lên một nén nhang cho các đồng nhi để sưởi ấm những sinh linh đang lạnh lẽo tình thương của người thân. Cầu mong các em được bình an và hãy “tha thứ cho cha mẹ, các em nhé”…

Pleiku ngày 25 tháng 4 năm 2010
Kim Liên

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.