Việc hiếu nghĩa của người Khmer (kỳ 7)

0
859
Những biểu hiện của việc báo hiếu trong đời sống của người Khmer ở Trà Vinh.
Những bổn phận được quy định rõ ràng trong kinh Phật, đó là những giá trị mà các sư và achar sử dụng để dạy dỗ và hướng thiện cho phật tử. Nhưng muốn hiểu được báo hiếu hay ka-ta-nhu thì phải đi từ những hành động cụ thể trong truyền thống của người Khmer ở Trà Vinh.
Việc đi tu của người Khmer ở Trà Vinh. 
Những bổn phận của người con đối với cha mẹ được ghi trong kinh Phật thì không có sự phân biệt đối với con trai và con gái, nhưng trong thực tế đời sống thì có rất nhiều sự khác biệt. Đặc biệt là khi người con trai đến tuổi đi tu học. Tu học không được ghi trong những bổn phận của con cái đối với cha mẹ mà chỉ ghi trong những bổn phận của cha mẹ đối với con cái. Ở đây cho con cái đi tu học là cha mẹ đã thực hiện bổn phận của mình. Đồng thời người con đi tu cũng là báo hiếu bởi vì đã giúp cha mẹ thực hiện bổn phận.

Đối với những người Khmer ở Trà Vinh, Đức Phật có thể coi là một vị thần tối cao.
(Ảnh minh họa-Nguồn: Internet)

Cách đây nhiều năm, khi chưa có trường lớp do nhà nước mở ra để cho những người Khmer ở Trà Vinh (nhất là đối với những địa phương nghèo) có thể theo học, thì ngôi chùa là ngôi trường học duy nhất mà những người con trai Khmer đến đó để tu học. Theo tập tục của người Khmer, con trai đến mười sáu, mười bảy tuổi thì bắt đầu vào chùa để đi tu. Khi mới vào chùa, những người con trai sẽ học chữ Khmer, chữ Ba li. Ở giai đoạn này người con trai phải thọ mười điều giới cấm của nhà Phật. Sau khi học được hai năm những người con trai mới được cạo đầu làm lễ quy y tam bảo. Ở giai đoạn đầu khi mới quy y, các sư tu ở cấp Sa-di thì phải thọ 105 giới.
Ở trong chùa, vai trò dạy dỗ các Sa-di thuộc về Sư Cả, các Achar, và các Tỳ Khưu. Những người có thể dạy học không phụ thuộc vào việc thời gian tu của họ ngắn hay dài mà phụ thuộc vào khả năng của họ. Thường những người được dạy học phải là những người phải am hiểu các lĩnh vực như: tiếng Khmer, tiếng Bali, và các phong tục tập quán của tộc người mình.
Đối với những người Khmer đi tu, họ quan niệm đi tu là báo hiếu xuất phát từ những diễn giải sau: Trước hết đi tu là giúp cha mẹ thực hiện bổn phận dạy dỗ con cái. Như vậy đã làm cho cha mẹ được vui lòng. Thứ đến, đi tu có thể nâng cao uy tín cho gia đình. Đối với những người Khmer ở Trà Vinh, Đức Phật có thể coi là một vị thần tối cao, tất cả các chư thiên khác dù ác hay lành cũng đều được quy về dưới chân Đức Phật như Thần rắn Nagar, Thần Krup, Reahu… Mặt khác những quý sư được coi là đại diện cho hình ảnh của Đức Phật, những lời kinh mà quý sư nói là đại diện của Đức Phật. Vì vậy mà gia đình Khmer nào có người nhà đi tu học càng lâu thì gia đình ấy càng được được coi trọng.
Cũng chính vì sự coi trọng Đức Phật và luôn muốn làm theo lời răn dạy của Đức Phật nên những người Khmer – kể cả những người con cái và cha mẹ đều cho rằng, đi tu có thể học được những điều đúng đắn từ trong chùa, có thể hiểu được phong tục tập quán. Từ đó người con trai có thể mang những kiến thức đó về giảng giải lại cho những người trong gia đình mình để những người trong gia đình luôn hướng đến việc làm điều lành, tránh những điều ác.
Việc đi tu của người con trai có ý nghĩa rất quan trọng đối với mỗi gia đình người Khmer, đây là sự biểu hiện của báo hiếu với việc thực hiện bổn phận của con người ở mỗi vị trí xã hội khác nhau. Thông qua hoạt động truyền dạy và học hỏi những phong tục tập quán, ngôn ngữ Khmer và tiếng Bali, việc đi tu đóng vai trò như là một phương cách để duy trì văn hóa tộc người.
(Còn tiếp)
Nhóm tác giả

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.