Hà Nội và tôi

0
1232
BTKUXH – Một buổi sáng thức dậy, tôi thấy hai tay mình xoa mạnh vào nhau, tôi chưa nghĩ ngay ra điều gì. Nhưng là một điều rất quen thuộc – cái hành động ấy… ? Là một ngày tiết trời Sài Gòn se lạnh – tôi đã định vị được kỳ gian của mình. Miền Bắc – giống miền Bắc – giống Hà Nội. Tôi cảm thấy nhớ Hà Nội và những ký ức về nó chợt hiện lên vừa xa xôi vừa gần gũi, vừa ngắt quãng vừa rõ ràng…

Một ngày cách đây mời năm, lúc đó tôi mới chỉ là một đứa trẻ, đi qua cầu Chương Dương lúc trời vừa xế chiều, mọi người trên xe nói: “Tới Hà Nội rồi!” – Không biết người ta đã bỏ ra bao nhiêu sắt để làm nên cây cầu này, lần đầu tiên tôi nhìn thấy một cây cầu vĩ đại đến thế. Tôi nghe người ta nói: nước sông Hồng mang màu đỏ của phù sa: Nhưng bữa đó, rõ ràng mặt trời đã làm cho nó đỏ. Một ấn tượng về Hà Nội nhưng rất khó để nói nên cảm xúc ấy. Chắc là một sự choáng ngợp.
Có lẽ tôi khác nhiều với những người trong nhóm thợ cùng quê. Họ thường chơi bài vào mỗi buổi tối, có lúc thì chơi ăn tiền, khi thì đánh bài trả tiền nước. Sau một ngày làm việc, tôi thường đi dạo quanh bờ hồ Linh Đàm, và ngày nào cũng thế. Tôi không kiếm tìm một điều gì đó, tôi thích ngắm nhìn những hàng liễu phập phờ, những chiếc ghế đá, và những con người ở đây. Những người thành phố thường tập thể dục vào buổi tối chứ không phải là buổi sáng như đám trẻ con trng làng tôi. Họ mặc những bộ đồ thể thao trắng muốt, và đi giày. Còn chúng tôi chạy chân không tập thể dục buổi sáng. Tôi quen biết với một bác cũng người Hà Nội, người ta thường gọi ông là Bác Cả. Không biết bác là anh cả trong một gia đình, hay tên thật là như vậy. Nhưng  tôi cũng gọi bác  bằng cái tên đó và cảm thấy thân mật. Bác cả thường gpij tôi vào quán nước của bác mỗi khi tôi đi dạo qua. Bác nhìn cũng giống như chúng tôi, không giống như những người thành phố khác mà tôi nhìn thấy. Bác Cả là người sinh ra ở đây, bác thường kể cho tôi nghe về những năm tháng chiến đấu của bác – câu chuyện về làm thế nào sống được khi bị địch bao vây,  bác còn kể chuyện về  mười hai ngày đêm lịch sử – câu chuyện lấy đá ném máy bay Mĩ. Và cả những đổi thay của nơi này trong vài chục năm trở lại đây.  Có rất ít người thích nghe những câu chuyện đó? Tôi nhớ một lần, một người phụ nữ đã xen vào cuộc kể chuyện của bác: Ôi dào ơi! Bây giờ là thời buổi nào rồi mà ông vẫn còn kể mấy chuyện ấy” – Bậy giờ, tôi không nhớ nhiều những câu chuyện của Bác Că, nhưng quả thực tôi yêu những câu chuyện lịch sử bắt đâu từ thời gian đó, đó là thứ lịch sử không khô khan giống như những gì tôi được dạy trong sách. Đi kèm với lịch sử là những câu chuyện cụ thể, có thật, xen lẫn tình cảm của người kể chuyện. Tôi nhớ Bác Cả, bảy năm rồi không còn được nghe những câu chuyện của bác. Không biết bây giờ bác ấy còn khỏe không?
Hà Nội cũng là nơi hình thành cho tồi giấc mơ vào đại học. Năm ấy, tôi không còn làm ở Linh Đàm nữa, tôi chuyển đến sửa chữa cho một khách sạn ở bên trong Trường Đại học Ngoại ngữ – quận Thanh Xuân Bắc. Những người sinh viên đầu tiên mà tôi gặp đã để lại nhiều ấn tượng. Họ dìu những người già qua đường, họ nhường ghế cho người già, phụ nữ có thai, và cả những đứa trẻ. Sinh viên – một điều gì đó rất đẹp khác cộng với những điều người ta thường kỳ vọng về công danh. Làm việc ở đây, tôi được nghỉ ngày chủ nhật, và những ngày như vậy tôi thường một mình bắt xe buýt đi chơi phố. Tôi thích ngồi lên xe buýt và đi hết trạn đỗ cuối cùng mới chịu xuống. Tôi nhớ điểm dừng đó và đi dạo chơi một mình cho đến khi nào hết giờ xe buýt mới chiu về. Nơi dừng xe đó gần Văn Miếu Quốc Tử Giam, lúc đó tôi không hiểu cụm từ đó có nghĩa là gì, chỉ biết đó là Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam, được xây vào thời nhà Lý. Những tấm bảng khắc toàn bằng chữ Nho, người ta nói trên đó khắc những người học giỏi, đã đỗ đạt. Tôi thích nhìn những tấm bảng đá đó mà chẳng cần hiểu trên đó viết gì. Tôi thấy ông già ngồi giữa một gian thờ, có lẽ đó là ông Khổng Tử vì tôi thấy giống ông Không Tử trong cuốn sách lịch sử của tôi. Thành thói quen, cứ một hay hai tuần gì đó tôi lại đến ngắm những tấm bảng đá một lần. Sự học có thể làm cho con người ta ghi danh đến tận muôn đời hay sao? Câu hỏi đó luôn được đặt ra mỗi khi tôi đến thăm Văn Miếu.
Hà Nội cũng là nơi tôi quen được những người bạn Mường tốt bụng, và thực hiện sự kỳ vọng của họ.- Năm sau đó, tôi không còn làm ở Thanh Xuân nữa, mà qua Hà Đông để làm. Trong nhóm thợ của tôi có ba người bạn là người dân tộc Mường. Thực ra, mấy người thợ làng tôi, và ngay bản thân tôi cũng không thích họ. Bởi vì, họ làm việc chăm chỉ, nhưng mà kém hiệu quả. Những người làng tôi thường gọi họ là: “tọc” – một cách gọi khá miệt thị. Tôi thì không ủng hộ, nhưng cũng không phản đối. Tại vì bữa đó tôi đang bực bội một người trong làng, mà người đó hay sử dụng từ đó để giễu cợt mấy người Mường. Tôi gọi thằng bé Hồng ra một chỗ để nói: “Khi nào hắn gọi em là tọc thì em nói với hắn: Cháu  là “tọc” hả chú? – Chú nhìn xem cháu có thừa thiếu chỗ nào không? Vậy chú là người Kinh chắc chú phải hơn tụi cháu là có thêm cái đuôi thì phải. Và thằng Hồng đã làm thế. Tôi không ngờ những người làng tôi biết câu chuyện này thì không hề ghét tôi, ngược lại càng tôn trọng tôi và không nói chuyện miệt thị với mây người kia nữa. Quan trọng hơn, tôi được quý mến và được mời về nhà những người Mường để chơi. Lúc đó, tôi thi rớt đại học, đang buồn chán vô cùng, thì chính cuộc sống ở đó đã làm khơi dậy niềm tin ở tôi. Tôi được chào đón như là người của cộng đồng họ. Chỉ trong vòng năm ngày đầu đến thôn Đồng Hà – Xã Mị Hòa – Kim Bôi – Hòa Bình, tôi đã làm quen được với tất cả những người trong làng. Gặp gỡ cả người thầy bói: Ông nói tướng tôi rất tốt, sau này sẽ làm lớn lắm, mà đâu biết làm gì? Đặc biệt là vợ chú Hùng, cô quý mến tôi, lấy nước nóng cho tôi rửa mặt khi tôi ngủ dậy, lấy áo ấm của chú cho tôi mặc khi tôi ra ngoài đường – đó là những ngày mùa đông đẹp nhất trong cuộc đời của tôi. Người tôi nhớ nhất vẫn là Thanh, con gái chú Hùng, một vẻ đẹp thánh thiện như chưa từng có một người con gái nào có thể so sánh được, đối với tôi. Tôi nhớ đến một buổi sáng, em mặc chiếc áo khoác màu đỏ, tưới cho những nhành lan đã khô héo sau một tuần em đi học ở ngoài xã. Hình ảnh em đứng bên cạnh hàng rào hoa trinh nữ vào một buổi sáng đẫm sương muối đã khắc ghi vào tâm thức tôi nhiều năm nay. Những ngày sau đó, tôi và em thường lấy xe đạp chở nhau đi lượm củi, đi lấy ngô. Một buổi, tôi và em đi tới một vườn hoa mơ tuyệt đẹp cách nhà khoảng 5 cây số. Tôi không thể miêu tả được bản thân tôi lúc đó, cũng như không biết được em nghĩ gì, nhưng đối với tôi, em chính là mối tình đầu tuyệt đẹp mà tôi chưa bao giờ nói.Sự kỳ vọng của cộng đồng khiến tôi trào dâng khát vọng vào đại học nhưng cũng làm tôi phải xa rời em, điểm số để học ở Hà Nội quá cao, và tôi thì không đạt, tôi thật buồn! Tôi vẫn hy vọng một ngày nào đó có thể gặp lại…!
Sài Gòn thật tôt, tôi đã học được rất nhiều điều từ đây. Nếu Hà Nội là nơi tôi hình thành ước mơ thì Sài Gòn là nơi tôi thực hiện giấc mơ đó.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.