Nhớ thực tập, nhớ đồng bào Khmer Nam Bộ – Kỳ 6: Người Khmer nghèo chạy chữa bệnh tật như thế nào?

0
970

Vấn đề nghèo đói của bà con Khmer hiện nay không những ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục cho thế hệ trẻ mà ngay cả việc đảm bảo sức khoẻ cho con em mình cũng là một vấn đề hết sức khó khăn. Anh Thạch Phan cho biết, hai con trai của anh hay bị ốm sốt và rất gầy nhưng anh không có tiền đi khám bệnh cho con. Anh nói: “Thấy nó cứ gầy gầy như vậy chứ cũng không biết nó bị làm sao nữa”. Trẻ em bị suy dinh dưỡng cho chế độ ăn uống không đủ chất là một hệ quả tất yếu. Không những thế, mỗi khi bị bệnh, các em cũng không được đưa đi chữa trị đúng cách, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của các em sau này.

Chị Thạch Thị Huệ cho biết mỗi khi con chị bị bệnh, chị thường ra nhà cô Dân lấy thuốc cho con uống chứ không có tiền đi bác sĩ. Trong khi đó, chị Thạch Thị Dự chỉ là một người bán hàng nước nhỏ ở nhà. Nói chuyện với chị Dự về việc bán thuốc, chị cho biết: “Cô uống nhiều thuốc đến nỗi biết bán thuốc luôn đó con.” Và cách bán thuốc của chị là : “Thì người ta kêu bị gì thì mình cứ lấy thuốc đó cho người ta, ai bị nhiều bệnh thì mình cũng cứ cộng các loại thuốc vào là được.” (chị Thạch Thị Dự, phỏng vấn ngày 24/5/2010). Cách uống thuốc như vậy là rất nguy hiểm vì vô tình có thể gây ra phản ứng không lường trước được giữa các loại thuốc nếu không có trình độ chuyên môn. Tuy nhiên, người dân ở tổ 2 rất tin tưởng vào sự “mát tay” trong việc bốc thuốc của chị Dự.

Hiện nay, bên cạnh việc sử dụng thuốc Nam được bào chế từ các loại cây cỏ có trong vườn để chữa bệnh, người dân Khmer trong ấp Bà My còn sử dụng thêm thuốc Tây. Tuy nhiên, vì điều kiện kinh tế khó khăn, bà con ở đây thường xuyên sử dụng thuốc không có sự hướng dẫn của bác sĩ, hoặc nếu có đi khám chữa bệnh cũng rất hay bỏ giữa chừng. Anh Thạch Phan cho biết: “Vợ tôi bị viêm xoang, lúc đầu cũng đi bác sĩ để chữa nhưng lần lần hết tiền rồi thôi. Mấy người cũng nói lên Sài Gòn chữa hiệu quả hơn nhưng biết thì biết vậy chứ làm thuê đâu có tiền. Bây giờ cứ để vậy, khi nào đau quá thì tìm thuốc uống, ai chỉ cho đi đâu thì đi đó  (Anh Thạch Phan, phỏng vấn ngày 19/5/2010).


Nghèo cực khổ thấy mồ nhưng mà tại cái số của mình nó như vậy, không số sao cháu coi, con nó ở thành phố gởi về cho được năm sáu trăm ngàn cứ bắt đầu ôm tiền đi bác sĩ khám. Bệnh quá, chịu không nổi, đưa tiền cho bác sĩ hết, lấy thuốc về nhà. Dì bị cột sống người ta kêu mổ, thôi thì uống thuốc, có tiền đâu mà mổ, thuốc Nam, thuốc Tây. Có tiền thì uống thuốc tây, không có thì thôi. Mình đi bệnh viện cũng ngại lắm cháu, tiền ăn, tiền thuốc” (bà Thạch Thị Sa Giêng, 25/5/2010

Ở tổ 2, ấp Bà My có không ít hộ gia đình vừa đi làm thuê vừa uống thuốc. Cô Thạch Thị Dự nói về công việc và sức khoẻ của chồng mình như sau: “Chú đi mần thuê mà phải gói thuốc mang theo mà ổng mần toàn việc nặng không à, mỗi lần gánh là gánh hai cần xé đó. Hai cha con bị bệnh hết nhưng mà phải đi mần mướn mới có cái ăn, vừa mần vừa uống thuốc vậy đó” (chị Thạch Thị Dự, phỏng vấn ngày 24/5/2010).

Bệnh tật theo quan niệm của nhiều bà con Khmer thường gắn liền với cái số nghèo. Thật ra, nguyên nhân dẫn đến bệnh tật ngày càng nhiều một phần là do môi trường sinh sống của bà con, đặc biệt là nguồn nước không còn được trong sạch như ngày xưa. Bà Thạch Thị Sa Giêng nói: “Hồi đó dì còn nhỏ, mới 12 tuổi đã đi cấy mướn cho người ta ngày một công rưỡi, cúi xuống cấy lúa nước vô miệng luôn đó nhưng mà hồi đó ít bệnh lắm vì không có phân, không có thuốc” (bà Thạch Thị Sa Giêng, phỏng vấn ngày 25/5/2010). Hiện nay, việc sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón hoá học trong sản xuất nông nghiệp ngày càng nhiều đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước.

Bà con trong ấp buộc phải sử dụng các nguồn nước khác như nước giếng, nuớc công tơ hoặc nước máy công cộng trong sinh hoạt thường ngày. Đối với các hộ nghèo, việc chi trả tiền điện nước mỗi tháng là một khó khăn khi thu nhập từ việc làm thuê của họ ngày càng eo hẹp. Đối với những hộ gia đình không có khả năng kéo điện nước về nhà thì việc tiếp tục sử dụng nguồn nước trong kênh rạch hiện nay là một mối lo ngại đặc biệt cho sức khoẻ của họ.

Lưu Thủy
Các bài viết liên quan:

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.