Tín tệ

0
1224
Ai đã sống trong thời bao cấp chắc có lẽ không quên được những lần đổi tiền. Chú T (nhà sản xuất và xuất khẩu gỗ cao su) kể rằng từ trước tới bây giờ, chưa bao giờ chú phải chứng kiến cảnh Việt Nam phải đổi tiền nhiều như trong thời bao cấp. Mặc dù không nhớ rõ nhà nước đã đổi tiền ba hay bốn lần, nhưng mỗi lần đổi tiền là mỗi lần đem lại phiền phức cho dân.
Người dân cảm thấy phiền phức vì người ta không hiểu được cái lí do mà nhà nước đưa ra để yêu cầu người dân phải đổi tiền. Chú T nói đất nước mà cứ đổi tiền thì giữa người dân và chính phủ không còn cái gì hết. Người ta thường nói tín tệ. Đồng tiền thật ra chỉ là một mảnh giấy. Nhà nước quy định nó là tiền thì nó được gọi là tiền. Nếu nhà nước cứ đổi tiền liên tục thì người dân lấy căn cứ gì mà tin tưởng vào những gì mà nhà nước đã phát hành. Tiền như là chữ tín của nhà nước, nhà nước cứ đổi tiền liên tục thì chẳng ai đảm bảo cho việc giữ chữ tín này. Từ một trăm đồng xuống còn một đồng, mới hôm qua  đồng tiền còn trị giá thế này mà hôm nay đã trị giá thế kia.
“Tiền như là chữ tín của nhà nước, nhà nước cứ đổi tiền liên tục thì chẳng ai đảm bảo cho việc giữ chữ tín này” (ảnh minh họa) – Nguồn: Internet
Thời bao cấp, người ta nói đồng tiền của Việt Nam không có bản vị. Nếu như ở một số nước khác trên thế giới, người ta dùng vàng làm bản vị, tức là từ vàng người ta quy đổi ra tiền thì ở Việt Nam lúc bấy giờ không có một bản vị nào để có thể đem ra đối chiếu với đồng tiền được ban hành. Đồng tiền không có bản vị chẳng khác nào đồng tiền không có giá trị hay không.ai biết giá trị của nó là gì. Đã vậy, việc đổi tiền quá nhiều lần lại càng làm cho dân chúng thêm hoang mang.
Chú T kể, ngày đó, nhà nước đưa ra quy định đổi các loại tiền. Cùng lúc đó, họ cũng quy định luôn số lượng tiền mà một người chỉ được phép đổi. Đối với nhiều người lúc bấy giờ, đặc biệt là những người có khá nhiều tiền, việc đổi tiền đối với họ là một mất mát lớn. Vì chỉ đổi được một khoản tiền nào đó theo quy định đối với từng cá nhân, người ta buộc phải nghĩ ra cách làm sao để tiêu xài hết số tiền cũ của mình trước khi tiền bị đổi sang một loại khác. Người ta nhờ người này người kia, đặc biệt là những người nghèo đi đổi tiền giùm mình. Hàng hóa lúc đó vì việc đổi tiền cũng đâm ra lộn xộn, giá cả cao thấp thất thường. Mới ngày hôm qua giá chỉ có một, nghe tin đổi tiền, giá của nó đã lên gấp ba, gấp bốn. Nhưng dù giá có lên như vậy hay có lên thêm nữa thì người ta cũng cứ mua hàng. Người ta mua tất cả các loại mặt hàng có thể để tiêu xài hết số tiền mình có cho dù họ không biết mình có nhu cầu mua nó hay không. Chú T nói lúc đó, người ta mua hàng như thể vơ vét hàng với bất kì giá nào.
Hệ quả của việc đổi tiền không chỉ làm rối loạn việc trao đổi buôn bán nơi các cửa hàng, mà nó còn sinh ra tình trạng không có tiền lẻ để thối lại cho người dân khi họ đi mua hàng. Cùng nói về việc đổi tiền, chú Q  (một giáo viên thời bao cấp) cho biết hồi bao cấp cứ hễ đổi tiền là các cửa hàng lại thiếu tiền để thối. Chú kể, ví dụ mình cầm 50 nghìn đồng đi ăn ở quán, nếu mình ăn chỉ mất 10 đồng thì đáng lẽ người ta thối lại cho mình 40 đồng. Đằng này, vì mới đổi tiền, người ta không có đủ tiền thối nên đâm ra người ta phải viết cho mình một tờ giấy rằng mình còn bao nhiêu tiền đó. Tuy nhiên, chú Q nói mình cầm tiền của mình thì vẫn hơn, cầm tờ giấy đó dù không muốn mình cũng phải quay lại chỗ đó để mua hàng cho hết tiền. Cầm tờ giấy này sang chỗ khác để mua, nhiều khi người ta không muốn bán vì đó không phải là giấy do họ viết. Vậy là lại tiếp tục với tình trạng dù không muốn mua cũng phải cố gắng mua cho hết tiền. Tôi tự hỏi cách dùng tiền như vậy có phải là quá lãng phí hay không? Ngày đó, mấy giáo viên như chú Q có muốn đi ăn gì ở ngoài thì cùng rủ nhau đi ăn để một người trả tiền. Chú Q nói làm vậy để tránh cái tình trạng nhận lại một tờ phiếu thối chứ không phải một tờ tiền thối.
Thời bao cấp, cái gì đối với tôi cũng lạ,  từ chuyện ăn, chuyện mặc đến chuyện sử dụng tiền. Người ta không được phép dùng tiền mình làm ra một cách tự do. Người ta phải luôn nghĩ ra cách này cách khác để dùng tiền sao cho có lợi nhất. Rồi thay vì phải tiết kiệm như người ta muốn và như nhà nước kêu gọi, người ta bất đắc dĩ phải mua hàng hay xài tiền dù cho không muốn xài. Kể chuyện vòng vo hết rắc rối này đến rắc rối kia của việc sử dụng tiền, cuối cùng mới thấy chữ tiền gắn với chữ tín như thế nào. Cái gì nhà nước cũng muốn quản chặt để rồi không thể lường trước được chuyện gì sẽ xảy đến. Lúc đó, có lẽ người ta vì ý chí chủ quan của mình mà không nghĩ đến cảm giác của người dân. Thật may mắn là bây giờ, việc quản lí tiền bạc không còn như trước kia nữa nhưng bài học về tiền bạc và chữ tín vẫn còn đó với hy vọng có thể nhắc nhà nước phải lưu ý đến việc tạo lập được niềm tin trong nhân dân.
Ngọc Lưu

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.