Khi ông xuất hiện ở Liên hoan võ cổ truyền VN diễn ra tại Bình Định tuần rồi, không ít người đã phải dụi mắt vì ngỡ là mơ. Bởi ai cũng nghĩ “tứ trụ tiền hiền” của làng võ Bình Định đã quy tiên. Mà ông là một trong tứ trụ…
Làng võ Bình Định trong thế kỷ 20 có bốn nhân vật được xem là “tứ trụ tiền hiền” gồm: Hương Kiểm Trung, Mười Đậu, Hà Trọng Sơn và Đào Thanh. Họ cùng vai phải lứa với nhau và ba người đầu đã khuất núi từ lâu. Riêng đại lão võ sư Đào Thanh năm nay đã tròm trèm 90 tuổi. Lâu rồi không ai thấy ông xuất hiện, nên ai cũng nghĩ lão võ sư đã quy tiên. Chính vì vậy khi thấy một cụ già quắc thước, râu tóc bạc phơ đang loay hoay tìm chỗ gửi xe đạp để vào xem Liên hoan võ cổ truyền, võ sư Phạm Đình Phong – phó chủ tịch Liên đoàn Võ cổ truyền VN – cứ dụi mắt mình, không tin rằng đó là lão võ sư Đào Thanh. Khi xác định chính xác đó là vị còn lại của tứ trụ võ Bình Định, ông Phong mừng đến phát khóc.
“Tiền hiền” ẩn dật
Không hổ danh là một cây đại thụ của làng võ Bình Định, năm nay đã 87 tuổi (thẻ căn cước ngày xưa ông còn lưu giữ ghi năm sinh 1923) nhưng ông vẫn đạp xe phom phom 40km về thành phố Quy Nhơn để xem liên hoan võ. Khi chúng tôi tỏ ý muốn có một buổi đến tận nhà, đại lão võ sư cười bảo:”Tôi không có điện thoại đâu đấy. Nếu xuống mà không gặp thì xin đừng trách”…
“Tui hỏi nhiều cháu học võ, thậm chí có đứa về dự liên hoan võ cổ truyền, nhưng tụi nó không hề biết những bài như Đả quyền trực tấn, Lạc mã kim thương. Và tôi sợ không khéo mai mốt thất truyền”
Đại lão võ sư Đào Thanh
Phía trước căn nhà của lão võ sư Đào Thanh, khuất bên sườn đồi thôn Tân Đức (xã Nhơn Mỹ, huyện An Nhơn, Bình Định), là một khoảng sân được bao bọc giữa những lũy tre già quanh năm rợp mát. Đó là sân tập của lão võ sư mỗi ngày, cũng là nơi khổ luyện và cho ra lò các thế hệ học trò của ông suốt 70 năm qua. Học trò của lão võ sư Đào Thanh đến từ nhiều nơi trong nước và nước ngoài. Họ đủ thành phần, đủ độ tuổi, đã là võ sĩ từng học khắp các võ đường, nghe tiếng ông tìm đến, là sinh viên thể dục thể thao và cả những cô cậu học trò cấp I, cấp II ở làng trên xóm dưới. Thấy khách ái ngại nhìn căn nhà cũ kỹ, dột nát, lão võ sư hiểu ý liền. Ông hồn nhiên: “Tui dạy võ cả đời không cầu lợi, cầu danh. Lũ học trò thương có đứa biếu lạng trà, lon sữa, dăm bảy ký nếp, đậu xanh ngày tết, vậy thôi. Cũng có mấy đứa giờ khá giả thấy mình khó nó thương, đôi khi gửi bưu điện cho vài triệu bạc phòng khi đau ốm, vậy là tui có lộc tổ rồi, còn gì bằng. Võ là nghiệp, mình an bần thì lạc đạo, xưa tui học sao thì giờ dạy học trò vậy”. Hỏi về chuyện sao lại im hơi lặng tiếng nhiều năm nay, ông hài hước: “Cái tội là do tui già quá mà chưa chết, anh em sau này tưởng chắc chết lâu rồi nên đôi khi họ quên. Năm rồi thấy buồn đạp xe lang thang về các huyện thăm bạn võ xưa. Trời ơi, họ rủ nhau đi hết rồi, bỏ lại mình tui, thấy buồn buồn mấy ngày”. Vài chục năm qua quanh quẩn với các lò võ ven sông Côn, chẳng mấy khi ông về phố. Ngót 90 nhưng lưng ông chưa còng, dáng nhanh nhẹn, quắc thước, chép bài chòi không đeo kính, lúc rảnh đánh cờ tướng cả ngày không đau lưng, gặp bạn tuồng cùng xướng ca đến sáng. Ông đến với nghiệp võ từ năm 15 tuổi. Ông kể lúc đầu đi học trong làng, rồi sau đó tìm xuống làng Háo Đức, xã Nhơn An cùng huyện học võ cổ truyền của thầy Thất Duy. “Mẹ tui sợ bị Pháp bắt đi phu, đi lính nên gửi gạo xuống nhà thầy cho tui học võ ở đó từ năm 1938. Học được hai năm, thầy cho về. Hồi đó trai trẻ, thích tha hương, nghe tiếng thầy Phi Hùng ở Phan Rí, Bình Thuận giỏi quyền thuật và kiếm pháp, tui lặn lội tìm vào tận nơi. Học gần ba năm thầy cho về. Dạy võ ở nhà mãi cũng chán, tui lại tìm thầy học tiếp. Cứ ở đâu nghe có thầy giỏi là tui mò đến học…”.
Sợ thất truyền
Năm 17 tuổi, cha mẹ cưới vợ cho ông là bà Nguyễn Thị Nghiên cùng làng. Bà sinh cho ông mười người con: bốn trai, sáu gái. Tất cả đều đã ra riêng từ lâu. Bây giờ chỉ còn ông bà bên nhau trong gian nhà cũ. Gần chục năm rồi, chân tay bà cụ đã yếu, một mình ông xoay xở việc bếp núc. Chiều muộn, trong chái bếp ông loay hoay nhóm lửa nấu cơm, bà vãi nắm thóc cho gà ăn khi về chuồng rồi ngồi bên cạnh hát bài chòi cho ông nghe. Tự nhiên thấy lạ, thấy thanh bình như cổ tích. “Ngày xưa, bả mê tui đẹp trai, giỏi võ. Tui thì mê bả làm cấy hái giỏi, chằm nón lá đẹp, hát bài chòi hay nức tiếng cả vùng này” – lão võ sư chậm rãi rót rượu mời khách, khề khà tiếu lâm rồi xướng một câu tuồng cổ, dùng đũa gõ nhịp. “Vợ chồng tui nghèo mà vui, ông phân trần – Hồi trẻ, có miếng ngon dành hết cho con. Bữa cơm dọn trên nong, quây quần cả nhà là mười hai người. Bây giờ già rồi, răng rụng, có miếng ngon cũng không nhai được nữa”. Rau đầy ngoài vườn, gà đẻ lai rai trên chuồng, nhưng ông bà thích nhất là món chuối chín xắt nhỏ trộn nước mắm và canh rau tập tàng nêm muối ớt. “Giờ mỗi bữa tui vẫn ba chén đầy, húp thêm chén canh, tui cần tiền làm gì chú? Năm bữa nửa tháng tui đạp xe, đèo bả lên chợ đổi chục trứng gà lấy mớ cá nục về kho, ngon lắm. Khi có khách, mình gắp vài con uống rượu cũng được” – ông móm mém cười. 87 tuổi, vẫn đạp xe đi dạy võ khắp các xã quanh vùng. Ngày xưa ông vào tận Ninh Thuận rồi ra Bồng Sơn, Hoài Ân, Bình Định, lên tận Gia Lai, bây giờ chủ yếu dạy cho học trò cấp I, cấp II. “Mùa hè tui bận rộn lắm, dạy xong chỗ này lại cập rập đạp xe cả chục cây số sang dạy chỗ khác. Nói xui, lỡ mình đi không kịp truyền lại lũ nhỏ thì uổng lắm”. Hôm nọ gặp lại nhiều học trò cũ của ông tại Liên hoan võ cổ truyền VN tại Quy Nhơn, ông băn khoăn vì nhiều bài võ cổ truyền bị giới trẻ lãng quên dần. Cả đời dấn thân với nghiệp võ, ông nghiệm ra một điều là phải rèn chữ nhẫn, mà muốn nhẫn thì phải biết khiêm cung, từ tốn. Không đủ nhẫn thì không đi sâu nghiệp võ được. “Tâm nhẫn, thân nhẫn, khẩu nhẫn nên người xưa dạy mình nhẫn, nhẫn, nhẫn là vậy. Người giỏi võ càng phải biết nhẫn. Thiếu nhẫn, việc lớn việc nhỏ đều bất thành” – ông nói. Trong số học trò cũ đã thành danh, ông luôn tự hào khi nói về võ sư Phạm Đình Phong, bây giờ là phó chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền VN. “Cả đời tui chỉ dạy võ, còn bây giờ Phong là nhà khảo cứu võ cổ truyền. May mà có Phong và nhiều anh em khác làm việc này để giữ lại tinh hoa võ cổ truyền VN”. Những ngày rỗi, ông lặn lội đạp xe về Nhơn Hưng (xã An Nhơn) thăm võ đường của học trò cũ là võ sư Đặng Đức Bình. Rồi có khi đạp ngược lên tận huyện Hoài Ân, cách nhà hơn sáu chục cây số, thăm võ đường Dương Tấn Sanh – cũng là học trò cũ của ông. Nhiều người ái ngại, dạo này “đại lão sư phụ” hay đi thăm, trò chuyện, dặn dò, tâm sự nhiều vậy mà đâm lo… Bà cụ Nghiên ở nhà cũng thế, đã 85 tuổi mà luôn ngóng trông, chờ đợi mỗi chiều. Biết ông đi dạy võ đường sá xa xôi, chập choạng tối bà lần mò ra bìa làng đón ông. “Không đi dạy, tui cũng nhớ lũ nó. Tui xa học trò không được chú ơi, không dạy, ngồi một chỗ chắc tui buồn mà chết thôi” – ông lại móm mém cười.
Tuổi gần 90, giờ đây ngày ngày ông vẫn luyện đều các bài roi như Ngũ môn phá trận, Thái sơn; đoản côn, trường côn. Ông cũng giỏi song long đao, đại đao… Vừa nói dứt lời, tâm trạng phấn khích, ông đứng dậy rút binh khí múa bài Tứ môn bát quái (ảnh). Gác đao, nhấp chén trà, ông say sưa nói về những bài quyền đặc sắc của võ cổ truyền. Nói say sưa rồi lại đứng dậy, lại uyển chuyển, dũng mãnh đầy thần sắc đi các bài quyền Lão mai, Thiền sư, Ngọc trản. Lão võ sư giải thích đó là những bài quyền – thảo tiêu biểu của võ thuật cổ truyền VN.
Bảo Trung
Nguồn: Tuổi Trẻ, 08/08/2010