Ký ức thời chiến: “chiến tranh đặc biệt” tại Sông Bé (phần I)

0
1033

 Ngày mùng một Tết, gia đình em về thăm ông bà ngoại, Bà ngoại em là bà Nguyễn Thị Sớt, quê quán xã Chánh Phú Hòa, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương, cũng là nơi ở hiện nay của bà cùng với ông ngoại em là ông Nguyễn Văn Tấn, qua tết năm nay bà ngoại đã được 71 tuổi nhưng còn rất khỏe, mọi chuyện trong nhà đều do bà ngoại lo hết, rất chu đáo, hai vợ chồng già đã trải qua bao khó khăn trong thời chiến, bây giờ đã về hưu, sống yên bình hưởng tuổi già.
>>>> Lịch sử qua lời kể: Ký ức chiến tranh trong nhận thức của học sinh
>>>> Ký ức thời chiến: “chiến tranh đặc biệt” tại Sông Bé (phần II)
 Mùng một Tết, gia đình dì, cậu em đều về thăm ông bà ngoại, lúc bà ngoại kề chuyện, ai cũng ngồi để nghe, để hiểu hơn về cuộc sống lúc trước, lúc mọi người chưa sinh ra đời, chỉ có ông bà ngoại là những người từng trải, thỉnh thoảng trong lúc kể, bà ngoại cũng quay sang hỏi ông ngoại, gợi lại những kí ức lúc đó.

 Chánh Phú Hòa không phải là nơi tập trung nhiều dân như các tỉnh,thị khác ở trung tâm Bình Dương, hiện nay cũng còn là một thôn quê với nhà cửa thưa thớt, xung quanh còn nhiều cây cối, không khí không ô nhiễm như các thành phố, đủ cho em hình dung được lúc chiến tranh đây là một vùng nông thôn như trong bao trang sử sách mô tả, và đúng như vậy, bà ngoại cũng đã mô tả cuộc sống vô cùng khó khăn của một vùng thôn quê như em hình dung.

Tượng đài bến cát. Ảnh: binhduong.org

 Thời bị đế quốc xâm lược mà nơi nào trên đất nước ta cũng nghèo khổ, nhưng ở đây cũng xứng đáng được xem như là vùng nông thôn yên bình, một vùng đất anh hùng chiến đấu vì quê hương xứ sở Bà ngoại kể hồi còn con gái đôi mươi, bà ngoại cũng đã cùng với những người bạn đi khai thông đường cho xe tăng, xe bọc thép của Mĩ lưu thông, cuộc sống vô cùng cực nhọc, khó khăn. Không được thoái mái như bây giờ, đi phát cây, mở đường cho xe mà cũng phải theo hình, đường hình chữ U, chữ S, chữ E…rồi sau này khi cưới ông ngoại rồi, ông ngoại về sống chung với gia đình vợ là ông bà cố ngoại em.

 Em thật sự ngưỡng mộ trí nhớ tốt của ông bà ngoại, bà ngoại kể chuyện cách đây mấy chục năm như là chuyện mới xảy ra hôm qua, những khó khăn, cực khổ, nhắc đến lịch sử Việt Nam là không khỏi nhắc đến những thời kì chiến tranh ác liệt, bao xương máu, khổ đau. Giai đoạn 1954 – 1975, thời kì Pháp đã rút khỏi nước ta sau Hiệp định Giơ-ne-vơ,chính quyền Mỹ-Diệm đang nắm quyền, thực hiện các kế hoạch chiến tranh ở miền Nam, ông ngoại em đi dân công, tải đạn, tải thương, mang vác thuốc men, súng đạn, đưa bộ đội bị thương về nhà y tế dã chiến, hỗ trợ chiến tranh, bà ngoại ở nhà đi làm thuê, làm mướn, người ta mướn gì làm đó(đi cấy, tỉa đậu, ban đêm thì đi cạo mủ) kiếm tiền về nuôi 2 người cậu em còn nhỏ là cậu hai Nguyễn Văn Thành và cậu ba Nguyễn Văn Lũy, 2 cậu ở nhà được ông ngoại chăm sóc.

Bộ đội kháng chiến . Ảnh sưu tầm

 Lời đầu tiên kể lại chuyện lúc trước, cả ông và bà ngoại đều nói thời Mỹ-Ngụy là khổ lắm, cuộc sống khó khăn, cơ cực, đói khổ, không đủ gạo mà ăn, không giống như bây giờ sung sướng, no đủ. Bà ngoại nói nghe tiếng bom đạn riết mà quen, nghe tiếng như thế nào là biết nổ ở xa hay gần. Trước khi Mỹ-Ngụy thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, chưa lập ấp chiến lược, địch thường xuyên đi lùng xục, dẫn chó đi tìm kiếm khắp nơi trong nhà dân coi có quân Cách mạng trong nhà không, cuộc sống chưa bị gò bó nhiều, nhưng vẫn rất cực khổ, gia đình nghèo khó, phải đi làm việc cực lực mà chưa đủ ăn.
Sau nhiều thất bại, chính quyền Mỹ-Diệm đã chuyển sang chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, bà ngoại kể cuộc sống ngày càng khó khăn hơn, quân Mỹ-Ngụy cho xây ấp chiến lược khắp nơi, ở chỗ nhà ngoại là ấp chiến lược Chánh Phú Hòa rộng từ bìa cầu Độn kéo dài tới giáp ranh tới xã Vĩnh Tân, địch cho tập trung rất đông người dân từ các vùng (Bào No, Hòa Thuận, Xóm Xoài, Vĩnh Tân, Đập Lớn, Suối Tre, Bông Trang, Tân Bình và nhiều nơi khác nữa), chúng cho đào đê sâu, xây dựng rào kẻm gai rất nhiều bao quanh kĩ càng xung quanh nơi dân làng sống, không ai có thể ra vào tự tiện được, cách li hoàn toàn với các nơi khác, cuộc sống hoàn toàn do quân Mỹ-Ngụy kiểm soát, chúng xây lô cốt ngay cửa ra vào và chỉ có một cửa duy nhất là có thể đi ra ngoài, việc này giúp chúng dễ quản lý người dân, không cho Cách mạng vào sống cùng dân.

Nhân dân miền Nam trong thời kì chiến tranh đặc biệt. ảnh: Vi.wikimedia

Trong một ấp chiến lược có nhiều ông quản lý, theo trí nhớ của bà ngoại thì có ông Nguyên, ông Phó, ông Be là 3 người bà ngoại đã từng gặp mặt, còn nhiều người khác. Giờ giấc ra vào ấp chiến lược khi đi làm đều bị chúng kiểm soát, sáng 8 giờ mở cửa, mọi người mới được ra ngoài đi làm, khi đi làm thì chỉ được mang cơm đủ cho một người ăn, chúng lục soát nghiêm ngặt, khắp trên người, nếu thấy dư ra thì chúng kiên quyết giữ lại.”Nó sợ mình đem cơm nuôi Việt Cộng sao”, bà ngoại nói. Còn chiều 5 giờ là phải đóng cửa, không ai được đi ở ngoài nữa, ngoại kể nếu ai về trễ thì bị chúng làm khó, không cho vào, kêu khai công việc, hôm nay làm gì, đi đâu, hỏi nhiều lần, tại sao lại về trễ, không cho vào nhà một cách dễ dàng, nhưng người dân năn nỉ mãi thì cũng được cho vào.
 Còn nếu chúng thấy ai bị tình nghi thì lập tức gọi lại tra xét, nếu chạy thì chúng bắn vào chân để bắt về tra khảo. Nhà ở trong ấp chiến lược càng thể hiện sự túng khó, nhà thì san sát nhau, bà ngoại nói rất chật chội, có những nhà chung một vách tường, nhà tranh, cột được làm bằng cây, rất nhiều người mà sống trong một khu vực rất nhỏ, chật hẹp.
Mấy chục người mà chỉ sử dụng, lấy nước từ một cái giếng. Trong mỗi nhà ai cũng tự đào một hầm bí mật, ngoại nói hầm như là một vũ khí giúp cho cuộc sống nhân dân ta rất nhiều, bảo vệ cho tính mạng rất hữu ích, hầm được giữ hoàn toàn bí mật, được ngụy trang kĩ không để bị phát hiện dùng khi nguy cấp, những lúc có giao tranh giữa quân Nhà nước (cách gọi quân Mỹ-Ngụy của ông bà ngoại) và Việt Cộng, bắn súng, pháo bom đạn nguy hiểm, mọi người đều xuống hầm trú.
 (Còn tiếp..)

 Nguyễn Trọng Nghĩa. Học sinh lớp 12 
Trường PTTH Chuyên Hùng Vương, Bình Dương

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.