Gia đình trí thức Hà Nội (kỳ 5)

0
1451
     Học sinh sinh viên và thanh thiếu niên từ những gia đình bạn bè thân hữu là những người tham gia quan trọng vào những cuộc trao đổi của chúng tôi. Người ta coi trọng việc giới trẻ biết và đánh giá đúng kinh nghiệm của các bậc trưởng thượng cũng như kỹ năng chơi chữ thành thạo và kể chuyện giàu sức liên tưởng – những điều vốn được đánh giá cao trong giới trí thức. Những cuộc trao đổi của chúng tôi diễn ra tại nhà của người kể chuyện, và trên đường di chuyển giữa các cột mốc ở Hà Nội mà những người kể chuyện cho tôi coi là nơi chứa đựng ký ức cá nhân và tập thể của họ. Chúng tôi cũng nói chuyện trong thời gian chúng tôi thăm nơi có kỷ niệm về thời thơ ấu trong chiến tranh cùng những năm đầu ở liên khu trong sự nghiệp của họ. Do vậy những câu chuyện này là một phần của quá trình trao truyền tri thức có mục đích vốn là một thành tố quan trọng của đời sống trí thức Hà Nội, trong đó cả thông tin trao truyền lẫn bản thân hành động kể chuyện đều là phương tiện để duy trì và nuôi dưỡng sự gắn bó về tình cảm và thực tiễn – những điều xác định giới trí thức và gắn liền gia đình họ với những liên minh rộng hơn, vượt ra ngoài địa phương.

Những câu chuyện này là một phần của quá trình trao truyền tri thức (Ảnh: minh họa- Nguồn: Internet)
Như tôi đã nói, đề tài trung tâm trong những câu chuyện của những người kể chuyện cho tôi bao gồm đời sống gia đình và nhà trường trong những năm kháng chiến chống Pháp và sự chia lìa và rời bỏ đầy đau đớn mà những thanh thiếu niên được cử đi học tại những trường học nổi tiếng thời chiến cho con em cán bộ tại Quế Lâm ở miền Nam Trung Quốc phải nếm trải cũng như những chuyến đi xa mệt lử người. Việc cung cấp và giành đạt được tri thức và bằng cấp học đường trong những thập niên gần đây hơn, nhất là những năm “bao cấp” trước đổi mới cũng là đề tài nổi bật. Đây là giai đoạn mà điều phổ biến đối với cả nam lẫn nữ xuất thân trong môi trường trí thức đều là làm việc hoặc học tập trong những thời kỳ dài ở Liên Xô và các nước khác trong khối SEV. Người ta cũng nhấn mạnh rất nhiều kinh nghiệm làm việc lâu năm với tư cách là “chuyên gia” ở nước ngoài, để thu lấy tiền về cho ngân khố quốc gia với tư cách là chuyên gia về phát triển và trong những chương trình trợ giúp ở Algeria, Guinea và các nước hậu thuộc địa khác mà Việt Nam vốn có lịch sử quan hệ “hữu nghị” xã hội chủ nghĩa lâu dài.
Những chuyến lưu trú như vậy và sự chia ly đó đã in dấu ấn sâu đậm lên đời sống gia đình trí thức, khiến các hộ này có nét rất khác với những hộ vốn được coi là đơn vị gia đình thông thường ở Việt Nam. Việc này khiến cho khi kể chuyện về những trải nghiệm chung này, điều hết sức quan trọng là cần nói tới sự trung thành bền bỉ với những truyền thống của cả gia đình lẫn quốc gia cách mạng (Bayly 2004)
Giới trí thức thấm nhuần ý tưởng coi gia đình như là hiện thân sinh động của truyền thống cách mạng, và coi đời sống trí thức như một sứ mệnh gia đình mà cả nam lẫn nữ đều tích cực, nếu không nói là bình đẳng như nhau, cùng chia sẻ. Một trong những nét thường được nhắc tới nhất thuộc bản sắc riêng của trí thức là trong gia đình có những người phụ nữ có học. Thường điều này bắt đầu vào những năm 1920 hay 1930, khi một số lượng nhỏ nhưng đáng kể phụ nữ lọt được vào những thể chế then chốt của nền giáo dục Pháp – Việt: các trường trung học địa phương và các trường lycées (trung học) tại các đô thị, và các trường sư phạm, nổi bật nhất là cơ quan đào tạo giáo viên hàng đầu ở Đông Dương, trường Hanoi Ecole Normale.
Đây không phải là những câu chuyện mà các nhà cách mạng tận tụy bác bỏ quan hệ gia đình để đạt đến những liên minh cao siêu của tình đồng chí ái quốc và tình đoàn kết giai cấp tiến bộ. Nó cũng không gợi lên một thế giới quyền lực của nam giới trong đó phải hiểu những gì thanh thiếu niên có học và các thành viên nữ trong nhà làm chỉ là chuyện của những kẻ bề dưới ngoan ngoãn thay đổi mình cho khớp với lý tưởng về tinh thần trách nhiệm và sự tự tu dưỡng – như hệ thống gia trị gia trưởng quy định [1]. Trái lại, với những câu chuyện họ kể về thanh thiếu niên học giỏi ở trường và phụ nữ thành đạt, điều họ muốn nói là một cách nhìn coi gia đình trí thức hiện đại là một dự án cách mạng tích cực, trong đó cả phụ nữ cũng như nam giới đều phải được coi là những người tham gia tích cực vào cuộc sống mẫu mực về tư tưởng và hành động.
Đây chắc chắn là điều được phản ánh trong những câu chuyện tôi nghe từ những người họ hàng trẻ tuổi vốn kính phục một nữ bác sĩ học ở Liên Xô về mà tôi gọi tên là bác sĩ Lan. Cha mẹ và chú bác cô dì của bác sĩ Lan nằm trong thế hệ đầu tiên của trường lycée nói tiếng Pháp. Tất cả đều đi theo sự nghiệp của Việt Minh trong những năm đầu cuộc chiến tranh giải phóng 1946-1954. Cùng với con cái họ và nhiều bạn bè thân và người cùng học trường lycée, hầu hết trong số họ đã sống chín năm kháng chiến ở các vùng giải phóng (liên khu) của Việt Minh, hầu hết ở Thanh Hóa thuộc liên khu IV, một nơi nổi tiếng về hoạt động giáo dục và văn hóa thời chiến (Đặng Phong 2002; Ninh 2002) [2]
Một điều mà ai cũng nói là chính những người hữu quan – nam cũng như nữ, kể cả trẻ em – đều coi những hành động trên là sự lựa chọn của họ trên cơ sở suy ngẫm và thảo luận sôi nổi trong gia đình, chứ không phải sự ra lệnh của Đảng hay những cụ ông trong nhà. Khi mô tả những hành động làm thay đổi cuộc đời họ là di chuyển từ Hà Nội ra liên khu, người ta nói “Mẹ tôi đi” hay “Cha mẹ tôi đã quyết định”, chứ không bao giờ nói “Các cụ nhà tôi bị điều đi” hay “Mẹ tôi và bọn trẻ con bị đưa đi”.
Như trong mô tả của những thanh thiếu niên, những người nói tới bà một cách nồng nàn và trìu mến như là một tấm gương mẫu mực về sự thành công trong cả gia đình lẫn quốc gia, thì Bác sĩ Lan và em gái bà nằm trong một trong những nhóm đầu tiên của con em cán bộ mở cuộc du hành hiểm nghèo xuyên quốc gia đến Quế Lâm trong kháng chiến chống Pháp. Ngay cả những hành động liên quan đến những trẻ em rất nhỏ cũng được người ta kể như là do những người hữu quan lựa chọn và khởi xướng. Sau khi hoàn thành những năm học phổ thông thời chiến ở Trung Quốc, và sau đó là khóa đào tạo ngành y ở Hà Nội sau chiến tranh và ở Moscow, và như lời một người họ hàng trẻ của bà kể với tôi, bà là một trong những phụ nữ Việt Nam đầu tiên được đào tạo làm phi công, khi bà biết rằng sẽ có những suất học trong một lớp huấn luyện do một đơn vị cố vấn quân sự của Czech đóng gần Hà Nội mở, và bà hăm hở tiếp nhận việc huấn luyện bay.
Vào khoảng đầu những năm kháng chiến chống Mỹ 1961-1973, Bác sĩ Lan kết hôn với một nhà khoa học xuất thân từ một gia đình trí thức Hà Nội khác. Công việc phục vụ thời chiến của bà bao gồm những chuyến xa nhà rất lâu để điều hành bệnh viện quân y ở tiền tuyến, và đi những chặng dài dọc theo mạng lưới đường tiếp tế nổi tiếng mang tên đường mòn Hồ Chí Minh. Đến những tuần lễ cuối cùng của lần mang thai thứ hai, bà vẫn phục vụ ở một trong những khu vực bị ném bom ác liệt nhất ở vùng chiến sự, tức Vĩnh Linh, vùng có một trong những địa đạo quân sự nổi tiếng nhất thời chiến. Bác sĩ Lan được phép đi một chuyến đi đầy khó khăn về Hà Nội để sinh con, và bà lên bàn đẻ vào thời điểm cao trào của cuộc ném bom khét tiếng dịp lễ Giáng sinh năm 1972.
Cả cách kể lại những câu chuyện này cũng như nội dung hấp dẫn của nó đều gắn liền một cách trực tiếp với mối quan tâm của tôi đến gia đình trí thức như là một công trình chung với những sáng kiến chủ động và hoạt động hữu ích mà mới thoạt nhìn có vẻ mâu thuẫn với việc thừa kế và tái tạo bản sắc trí thức hiện đại. Nhưng giống như những phụ nữ có học khác mà tôi biết, Bác sĩ Lan nói về mình như là một người tích cực chia sẻ bản sắc này. Những người khác, nhất là những bà con họ hàng trẻ của bà, cũng nói về bà một cách tự hào như là người cống hiến chủ chốt vào đời sống của họ với tư cách một gia đình trí thức, bằng cả tấm gương của chính bà về sự thành đạt trên đường công danh lẫn bằng sự hỗ trợ của bà cho việc giáo dục các thành viên khác trong gia đình. Việc này bao gồm cả sự hỗ trợ về tinh thần tình cảm lẫn việc bà trích tiền lương quân đội để góp trang trải học phí cho anh em trai và chồng.
Đây là những loại phân biệt nghề nghiệp theo giới mà trong nhiều bối cảnh Đông Nam Á đã bị coi là đẩy phụ nữ xuống những phạm vi kiếm sống và hoạt động kinh doanh thấp hơn, và nhờ thế cho phép nam giới trong nhà tự do sống một cuộc sống cao vọng hơn: trong quá khứ đó là cuộc sống của một học trò chuẩn bị đi thi để làm quan, còn trong thời gian gần đây hơn là một học giả hiện đại [3]. Đây không phải quan điểm của những phụ nữ mà tôi biết. Những phụ nữ trẻ càng đặc biệt đánh giá cao khi nói về thành tích của phụ nữ trong gia đình lớn tuổi, những bậc tiến bối đã sống trọn đời là sĩ quan quân đội hay là “chuyên gia” ở nước ngoài hay trong công việc quản lý công xưởng. Họ nêu rõ rằng họ không muốn người ta nghĩ về điều này như một sự hi sinh theo yêu cầu của các cụ ông gia trưởng, hay coi đó là một dấu hiệu cho thấy phụ nữ không có giá trị và không trau dồi tu dưỡng, mà đấy là một sự lựa chọn tích cực và tự nguyện của những phụ nữ có học, vì lợi ích của những người mà họ có quan hệ chân tình.

[1]     Mô hình về kẻ bề dưới nữ mà người ta thường trích dẫn bắt nguồn từ bối cảnh Ấn Độ và không thích hợp với Việt Nam, nơi ngôn từ mang tinh thần dân tộc nói rất nhiều về tính chủ động tích cực của phụ nữ là một thành tố của một quốc gia cách mạng. Xin xem Chatterjee 1990 và Chakrabarty 1994. Cũng như ở Trung Quốc, định nghĩa chính thức của Việt Nam về “gia đình trí thức” là gia đình trong đó người chủ hộ có học, hay gia đình tham gia vào “công tác văn hóa” (Kwong 1994: 263, n. 1); những người cung cấp thông tin cho tôi nhấn mạnh việc phụ nữ có học và thành đạt trong công việc là đặc điểm then chốt của gia đình trí thức hiện đại. Một tỷ lệ đáng kể những chuyên viên làm việc ở nước ngoài là phụ nữ đã có gia đình và ở giữa đường phát triển sự nghiệp. Đây là một khuynh hướng với những tác động đáng kể đến sự phân chia công việc trong nhiều gia đình trí thức. Trong những năm bao cấp trước đổi mới, ngay cả những gia đình Hà Nội có học thức cao nhất sống trong hoàn cảnh cực kỳ thiếu thốn. Những gia đình này tính toán là người vợ có đủ khả năng trong nghề nghiệp sẽ đi làm ở nước ngoài 4-5 năm, trong khi người chồng ở lại Hà Nội, tiếp tục có thu nhập khá hơn và là người chính chăm sóc các con ở tuổi đi học, với sự trợ giúp của những người họ hàng nữ lớn tuổi. Gia đình không đi theo chuyên viên đi làm ở châu Phi, và những chuyên viên này hiếm khi về thăm nhà.
[2]     Về việc tuyển chọn trí thức vào Việt Minh, xin xem Nguyễn Thế Anh 2002:62-63; Ninh 2002.
[3]     Xin xem Hy Van Luong 1998: 300-305: so với Papanek và Schwede 1988; Brenner 1998; Rato 2004: 326.
 (còn tiếp)
Susan Bayly
Người dịch: Phạm Văn Bích
Người hiệu đính: Trương Thu Hằng và Lương Văn Hy

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.