Gia đình trí thức Hà Nội (kỳ 6)

0
901

Bây giờ tôi trở lại với chủ đề mà tôi đã nêu ra ở trên, tức chủ đề về sự ăn khớp giữa hai ý tưởng mạnh mẽ đang thịnh hành rộng rãi ở Hà Nội ngày nay. Đầu tiên là ý tưởng coi gia đình trí thức là một chủ thể có tư duy và có tình cảm, luôn vận động có mục đích qua thời gian; và ý tưởng thứ hai coi quốc gia Việt Nam là một thực thể đạo đức riêng, đang sống một cuộc sống có mục đích trong một cảnh quan lịch sử hùng tráng. Vũ đài cuộc sống của quốc gia mà người ta tưởng tượng và ghi nhớ này bao hàm cả cuộc sống ở nhà lẫn những không gian toàn cầu xa xôi mà tôi gọi là không gian của phe xã hội chủ nghĩa thế giới. Dưới cả hai hình thái lịch sử và hiện tại của nó, điều này bao hàm việc theo đuổi những mục tiêu đức hạnh theo tinh thần nuôi dưỡng những nguồn lực, tinh thần mà người công dân hiện đại nên nêu gương thông qua sự phục vụ cả trong lẫn ngoài gia đình. Như vậy, những công việc gương mẫu ở cấp quốc gia này vừa tái tạo vừa thể hiện cô đọng những phẩm chất quyết định của đời sống trí thức, kể cả những phẩm chất tình cảm và trí tuệ mà những người kể chuyện cho tôi nghe coi là lý tưởng ngày nay cũng như vào thời các bậc lão thành cách mạng của họ.

Cụ coi vốn văn hóa đã tích luỹ là một nguồn tài nguyên cần được sử dụng vì lợi ích của những người khác xứng đáng, chứ không vì mưu lợi cá nhân. (Ảnh: minh họa – Nguồn: Internet)
Tôi xin minh họa những điều này bằng việc quay về những câu chuyện hấp dẫn của người lớn tuổi nhất trong những nhà trí thức nói chuyện với tôi, một ông lão chín mươi tuổi mà vẫn còn rất khang kiện, người mà tôi gọi là cụ Can. Trước khi tôi gặp cụ, cụ thường được nhắc đến như là một trong những người Hà Nội đầu tiên thạo tiếng Pháp được tuyển chọn đi làm chuyên gia về phát triển ở các nước xã hội chủ nghĩa châu Phi “thân hữu”. Những câu chuyện của cụ dạy tôi rất nhiều về cách thức kiến tạo cuộc sống trí thức Hà Nội qua những chuyện kể nêu gương, trong đó những hành động có mục đích như lìa xa gia đình và những hành động hi sinh khác vừa tượng trưng cho đời sống đạo đức của quốc gia vừa tích cực kiến tạo nó.
Rất nhiều người nói về cụ Can như là một đại diện của cả tính liên tục lẫn sự biến đổi của giới trí thức thành đạt và dịch chuyển nhiều của Hà Nội. Người ta mô tả cụ là người có nhiều kỷ niệm về sự phục vụ cả trong lẫn ngoài nước, có một loại kỹ năng và giá trị vẫn có thể trang bị cho người Hà Nội khả năng đáp lại những thách thức của “chủ nghĩa xã hội thị trường” ngày nay. Cụ là một trong những người tôi biết vẫn thường xuyên coi Chủ tịch Hồ Chí Minh như là mẫu mực và hệ quy chiếu; những người thường đưa vào câu chuyện của họ những trích dẫn từ các bài viết và diễn văn của Người, và đã chuẩn bị gặp tôi bằng việc sưu tập hàng chồng hồ sơ bao chứa những bức ảnh và những vật kỷ niệm khác của gia đình, cũng như những thứ như báo cắt về cuộc đời và sự nghiệp của vị Chủ tịch. Đặc biệt nổi bật là những vật lưu niệm vốn gắn liền những trải nghiệm đời sống cá nhân với những sự kiện lớn hoành tráng của đời sống quốc gia.
Người ta thường bảo tôi rằng chính Chủ tịch Hồ Chí Minh là người xác định mục đích của đời sống trí thức đối với quốc gia hiện đại, đặt lòng tin vào những người được chọn để thực hiện những nhiệm vụ mà Người giao cho họ. Những câu chuyện của nhiều người đều nêu bật việc Hồ Chí Minh đích thân chọn lựa họ hay các vị lão thành trong gia đình họ để phục vụ sự nghiệp quốc gia, trao đổi với họ hoặc bằng thư từ – với những văn bản bây giờ vẫn được lưu giữ như là những kỷ vật quý báu – hay vào những thời điểm tiếp xúc trực tiếp quý báu khi Người thổ lộ ý muốn của mình với cá nhân mà Người chọn. Người ta nhấn mạnh rất nhiều ký ức về những cuộc gặp gỡ trực tiếp này; nó biến công việc tuyển lựa thông thường thành sự giao phó một sứ mệnh.
“Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi cha tôi đến [vào năm 1946]. Người cần cha tôi. Người biết rằng cha tôi muốn vào Đảng. Nhưng Người bảo cha tôi: Không, chú không được vào. Trong chính phủ phải có những người ngoài Đảng, vì chúng ta là một mặt trận thống nhất”.
Đây là điều một trí thức Hà Nội nói về cha mình, một học giả đã trở thành nhân vật chủ đạo trong chiến dịch xóa nạn mù chữ.
“Bác Hồ gọi tôi đến phòng làm việc của Người; Người nói, Tôi cử chú đi Guinea. Người nói cho tôi biết Người muốn gì ở tôi. Tôi nói: Thưa Bác, cháu sẽ đi”.
Những câu chuyện như thế thường nhấn mạnh những hi sinh riêng tư và nỗi đau mà người ta sẵn lòng chịu đựng, như trong lời kể của cụ Can mà trên đây tôi đã trích.
“Thưa Bác, con trai cháu ốm và cháu khó mà xa nó. Nhưng cháu biết Bác cần cháu. Cháu sẽ đi.” tôi nói. Bác Hồ cầm tay tôi. Tôi biết rất khó, nhưng tôi biết Người cần tôi ra đi vì Người”.
Đây là điều đầu tiên cụ Can kể cho tôi nghe về việc cụ được cử đi làm tham tán văn hóa tại Conakry năm 1962. Điều gây ấn tượng nhất về những hồi tưởng của cụ là cụ coi vốn văn hóa đã tích luỹ là một nguồn tài nguyên cần được sử dụng vì lợi ích của những người khác xứng đáng, chứ không vì mưu lợi cá nhân. Cụ Can là người đầu tiên trong số những người du hành thế giới thuộc giới trí thức đã kể tỉ mỉ cho tôi nghe về cuộc đời phục vụ của cụ. Tôi gặp cụ thông qua một người bạn, và cha người bạn này, một học giả Hà Nội, biết rất rõ về cụ Can khi họ cùng làm việc với nhau trong những năm 1950. Khi tôi gặp cụ năm 2002 trong căn hộ đầy sách ở Hà Nội, cụ vẫn còn nói lưu loát tiếng Pháp, và vẫn ăn nói rõ ràng, không mệt mỏi sau nhiều giờ nói chuyện. Trong kháng chiến chống Pháp, cụ là chính trị viên Việt Minh. Cụ xuất thân từ một làng gần Hà Đông; gia đình cụ quá nghèo để mơ học vấn lycée cho cậu con trai tài năng của họ. Do vậy khi còn là một thiếu niên trong những năm 1930, cụ đã trở thành một người tự học, trau chuốt tiếng Pháp ở nhà với một quyển từ điển Larousse lần giở nhiều đã cũ mòn, chính loại từ điển mà một người bạn Hà Nội khác của tôi vẫn nhớ lại như một báu vật thời thơ ấu ở vùng liên khu.
Tuổi 18, cụ Can trở thành gia sư cho một gia đình giàu có; cụ nhăn nhó nhớ lại rằng con trai gia đình đó không bao giờ cảm ơn cụ vì đã đảm bảo cho việc cậu ta thi đỗ vào trường lycée. Vào cuối những năm 1930, cụ chọn con đường mà nhiều người có xuất thân gia đình tương tự đã đi: từ gia sư làng trở thành thư lại bấp bênh ở Hà Nội, rồi được mạng lưới nửa bí mật của các lớp xoá mù chữ của Đảng tuyển chọn làm giáo viên cho công nhân đô thị, rồi tiếp nữa vào Đảng. Điều này đã dẫn tới việc phục vụ trong công tác xoá nạn mù chữ trong quân đội thời chiến. Cha mẹ cụ và tất cả anh chị em cụ đều “vào rừng” (đây là câu nói thường được dùng để chỉ sự chuyển cư vào vùng liên khu). Sau giải phóng, cụ vẫn tiếp tục phục vụ trong guồng máy hành chính nhà nước. Chính nhờ biết tiếng Pháp mà cụ đủ tiêu chuẩn đi phục vụ ở Guinea, một trong những nước xã hội chủ nghĩa châu Phi chủ chốt mà Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao và chiến lược trong những giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Chính việc xoá bỏ tiếng Pháp trong giảng dạy và trong chính quyền đã mang lại cho kỹ năng ngôn ngữ của cụ Can một giá trị như một vốn văn hóa đối với quốc gia cách mạng mới. Trong những năm đầu sau giải phóng, những người nói tiếng Pháp được cử vào những đoàn đi nước ngoài và công tác ngoại giao theo kiểu giải pháp tình thế mà cụ Can đã trải qua; sau khi đất nước thống nhất, việc tuyển lựa những người nói tiếng Pháp trở thành chính sách chính thức. Chiếm vị trí trung tâm trong những điều nếm trải của nhiều trí thức Hà Nội là thực tế này: trong những năm 1980 và đầu những năm 1990, việc này kéo theo sự phục sinh có hệ thống việc dạy tiếng Pháp. Mục đích của nó là củng cố chương trình gửi “chuyên gia” đi kiếm tiền về, qua đó Việt Nam có thể chứng tỏ với thế giới xã hội chủ nghĩa bên ngoài rằng công dân của họ đã được trang bị tốt để đưa những tài năng khoa học và kỹ thuật hiện đại đến những nước mà cho đến nay còn “chưa phát triển”.
 (còn tiếp)
Susan Bayly
Người dịch: Phạm Văn Bích
Người hiệu đính: Trương Thị Thu Hằng và Lương Văn Hy

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.