Đời sống kinh tế thời bao cấp ở miền Nam – Kỳ 6: Làm sao để cứu các sản phẩm gỗ khỏi ẩm mốc?

0
1187
Kết thúc kế hoạch 5 năm đầu tiên với việc đầu tư cho ngành thủ công nghiệp mây, tre, lá, chú T chuyển sang tìm hiểu về ngành công nghiệp sản xuất gỗ, đặc biệt là gỗ cây cao su. Với ý tưởng muốn bảo vệ rừng thì phải sử dụng rừng trồng, chú T một lần nữa tập trung tìm hiểu đề tài “Bảo vệ rừng bằng cách sử dụng rừng trồng”. Với ý tưởng này, chú kêu gọi một số nhà khoa học nghiên cứu về rừng trồng, trong đó nhấn mạnh đến cây cao su. Cây cao su lúc bấy giờ chỉ được người ta sử dụng như củi đốt cho lò gạch. Về sau, với sự nghiên cứu kĩ càng của mình, cộng với sự thành công trong việc chế tạo keo dán, vecni, giấy nhám là ba loại vật liệu rất quan trọng trong ngành chế biến gỗ, chú T quyết định gắn bó nhiều hơn với cây cao su, biến loại cây này thành những sản phẩm đẹp và có chất lượng.


Khi chế tạo thành công giấy nhám với mục đích phục vụ cho ngành tiểu thủ công nghiệp mây tre lá, chú T được mời làm chuyên gia cho một số nhà máy gỗ, trong số đó có nhà máy gỗ Phú Lâm của Bộ Lâm nghiệp. Khi tham gia cộng tác với các đơn vị này, chú T thấy rằng để tạo ra các sản phẩm gỗ, người ta thường chỉ sử dụng gỗ nhóm một. (Chất lượng gỗ thường được xếp theo nhóm. Gỗ nhóm một là những loại gỗ quý). Chú thấy có một sự ngược đời là, tại sao Bộ Lâm nghiệp là cơ quan bảo vệ rừng lại cho phép các nhà máy của mình khai thác toàn gỗ quý. Không đồng ý với điều đó, chú T quyết tâm nghiên cứu gỗ trồng. Chú cho rằng, con người ngày nay, nhất là ở các nước có nền kinh tế phát triển ngày càng yêu chuộng các loại sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên, và các sản phẩm từ gỗ là một trong số đó. Tuy nhiên, không phải vì thế mà con người có thể phá rừng để sản xuất các vật dụng theo ý mình. Con người cần phải bảo vệ rừng, nhưng cũng cần phải tìm một cái khác để thay thế. Theo nghiên cứu của chú, cái thay thế tốt nhất để vừa có thể cung cấp nguyên liệu cho việc sản xuất các mặt hàng bằng gỗ, vừa đảm bảo cho việc bảo vệ rừng đó là cây gỗ trồng. Chú nói, chỉ cần biết cách xử lý thì gỗ nào cũng có thể biến thành gỗ tốt. Lý lẽ này bước đầu đã thuyết phục được các nhà máy gỗ lúc bấy giờ chuyển sang đầu tư cho cây gỗ trồng, đặc biệt là cây cao su.
  “Chỉ cần biết cách xử lý thì gỗ nào cũng có thể biến thành gỗ tốt” (ảnh minh họa) – Nguồn: Internet
Bước vào ngành gỗ rừng trồng, chú nói cái gay nhất của chúng ta lúc bấy giờ là lò sấy gỗ. Do đặc tính của gỗ rừng trồng nói chung, của cây cao su nói riêng là sau khi xẻ xuống, nếu không có biện pháp xử lý nghiêm ngặt thì rất dễ bị mối mọt và mốc xanh. Chú T nói chỉ cần để hai ngày mà không kịp sấy là gỗ sẽ tự mốc xanh lên. Lúc đó, gỗ chỉ có nước bỏ đi, không làm gì được. Làm củi cũng không được chứ đừng nói làm các sản phẩm bán cho người nước ngoài, vì ở đó điều người ta kị nhất là nấm mốc.


Ngày đó, người ta có sử dụng máy sấy Nhật. Nhưng việc dùng chúng vào thời kì Việt Nam đang gặp khó khăn không phải là chuyện đơn giản, một phần vì giá thành quá cao (sấy 10 khối gỗ mất 22 ngàn đô), một phần vì máy chỉ chạy bằng điện mà điện lúc bấy giờ thì chỉ là “từng giọt điện” – như chú T nói. Vậy là một lần nữa chú T lao vào con đường tìm tòi. Và chú đã thành công với lò sấy gỗ tự chế. Trong bài “Chế biến gỗ cao su xuất khẩu từ lò sấy tự chế trị giá năm triệu đồng”, báo Sài Gòn Giải phóng số ra ngày 12/3/1994, đã viết về lò sấy này như sau: “Qua ba năm trời miệt mài (từ 87 đến 89) vừa làm vừa thử nghiệm theo quy trình công nghệ riêng của mình, tốn hao lắm tiền của và nhiều đêm thức trắng, cuối cùng thành quả đã đến với anh (chú T). Năm 89, anh đã tự chế tạo được lò sấy kết cấu đơn giản, vận hành theo đúng nguyên tắc xử lí về nhiệt của gỗ, có khả năng sấy từ 6m3– 15m3 gỗ trong vòng 4 ngày và đạt độ ẩm theo đúng chuẩn cho phép. Lò sấy được thiết kế  bằng gạch, hệ thống nhiệt đun bằng các loại phế phẩm của ngành mộc: mạt cưa, dăm bào, gỗ  “đầu thừa đuôi thẹo”…


Lò sấy tự chế của chú T chính thức ghi nhận sự thành công vào năm 1989. Có người sẽ thắc mắc rằng tại sao đang nói chuyện thời bao cấp tôi lại kể chuyện về một cái máy được chế ra vào năm 1989. Quả thật, năm 1989 là năm đất nước đã mở cửa. Tuy nhiên, tôi cho rằng cái dư âm của thời bao cấp không phải một sớm một chiều là có thể biến mất hoàn toàn. Việt Nam lúc bấy giờ vẫn ở trong tình trạng vô cùng khó khăn. Tuy không còn bị đóng cửa như thời bao cấp, nhưng các ngành công nghiệp của Việt Nam chưa đủ sức để có thể sắm sửa cho mình những thiết bị hiện đại của nước ngoài. Mặt khác, các thiết bị đó nếu được mang vào Việt Nam cũng khó sử dụng vì tình hình điện của Việt Nam còn rất thiếu thốn. Nói như vậy để thấy rằng, lò sấy gỗ tự chế của chú T tuy mang dấu ấn của cá nhân chú nhưng nó còn cho thấy cả một bối cảnh lịch sử đằng sau nó. Nó ra đời trong chính những khó khăn của những ngày đầu mới mở cửa. Cái máy sấy ấy trong vô số các sản phẩm tự chế khác là những minh chứng sống động cho một thời kì với đầy dẫy những khó khăn của nước ta. Tuy nhiên, cũng chính nhờ nó, bản thân tôi thấy được không phải là cái bóng đen của thời bao cấp, mà còn là tinh thần sáng tạo, ý chí kiên cường dám đương đầu và vượt qua mọi thử thách của con người Việt Nam.
Ngọc Lưu
Các bài viết liên quan:

Đời sống kinh tế thời bao cấp ở miền Nam – Kỳ 7: Bộ hồ sơ xuất khẩu gỗ cao su đầu tiên ở Việt Nam
Đời sống kinh tế thời bao cấp ở miền Nam – Kỳ 8: Nhìn về miền Nam sau ngày giải phóng
Đời sống kinh tế thời bao cấp ở miền Nam – Kỳ cuối: Ngày sau Đổi mới…

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.