Chuyện kể về gia đình tôi thời bao cấp – Kỳ 1

0
1193

Hưởng ứng cuộc vận động của trang web baotang.kyucxahoi.com viết những câu chuyện về thời bao cấp, tôi thấy mình phải có trách nhiệm tham gia. Bởi vì, chỉ có những người được sinh ra và được sống với thời đó, mới chứng kiến đầy đủ nhất và trung thực nhất. Có thể những câu chuyện của tôi, của bạn cùng một nội dung, nhưng chỉ khác nhau ở từng gia đình thì sự việc nó cũng khác nhau rồi. Tuy nhiên, nó đều phản ảnh đúng được sự thực của một thời Bao cấp, những khó khăn mà gia đình nào cũng phải gánh chịu, cả những nhà giầu lẫn nhà nghèo, từ nông thôn đến thành thị. Nó đã kéo lùi sự phát triển của đất nước ta hàng mấy thập kỉ.   
Tôi được sinh ra và lớn lên trọn vẹn một thời bao cấp, được chứng kiến rất nhiều những sự việc của xã hội xảy ra lúc bây giờ. Có những điều kể lại cho bọn trẻ nghe bây giờ, như là chuyện cổ tích. Thật là nhiều chuyện, có những chuyện còn nhớ như in như ngày hôm qua; có những chuyện nửa nhớ, nửa quên chẳng biết bắt đầu từ đâu. Có lẽ tôi cứ viết, viết theo dòng suy nghĩ của mình, những dòng kí ức của mình hiện ra đến đâu thì viết đến đó.
Đầu tiên tôi phải giới thiệu với độc giả về thân thế, sự nghiệp của tôi và những người xung quanh tôi. Tôi được sinh ra trong một gia đình quan chức nông thôn thuần túy ở miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa. Tôi được học hành đầy đủ, sau đó lên đường tòng quân nhập ngũ bảo vệ đất nước. Cả cuộc đời của tôi là một người lính, đến nay đã nghỉ hưu.
Bố tôi ông là Đảng viên Cộng sản từ năm 1960. Ông là cán bộ ở địa phương từ năm 1955 với các cương vị từ kế toán trưởng Hợp tác xã, rồi đến chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp 13 năm liền, sau đó liên tục giữ các chức vụ Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân xã và Bí thư Đảng ủy xã. Cho đến năm 1990, do bị bệnh hiểm nghèo nên ông đã qua đời và thọ 55 tuổi. Ông đã cống hiến trọn đời của mình cho quê hương. 
Ông sinh ra trong một gia đình khá giả thời phong kiến. Ông nội tôi là cụ phó bá (Phó tổng). Tổng ngày xưa tương đương với cấp xã nhưng Tổng to lắm, khoảng bằng ba xã bây giờ.  Ông nội tôi có ba vợ. Bố tôi  là con bà thứ ba và là con thứ 11 trong 13 người con của ông, (tám trai và năm gái). Nếu tính con trai thì ông là người thứ bảy. 
Ông nội tôi mất năm nào thì tôi cũng không biết, còn Bà nội tôi thì mất vào đợt dịch tả năm 1945. Ông và bà cùng mất một ngày, một tháng nhưng khác năm. Giỗ hàng năm vào ngày 25 tháng 10 âm lịch. Tuy ông được sinh ra trong gia đình quý tộc địa phương, nhưng bố mẹ mất khi ông mới 10 tuổi, phải nương tựa vào các anh (các bác của tôi). Tôi không được biết nhưng mẹ tôi kể lại là ông không được đối đãi tử tế gì cho lắm. Tuy được ở với anh ruột mình nhưng ông vẫn bị đối xử như kẻ ăn người ở. (Ông ở với nhà ông bác thứ ba của tôi sau này bị quy là địa chủ). 
Thực tế thì tôi không trách gì các bác của tôi, vì cái xã hội phong kiến lúc bây giờ nó như vậy. Tôi có bảy ông bác. Tại sao bố tôi là thứ bảy rồi lại có bảy ông bác? Là vì ông thứ tám dưới bố tôi, nhưng con của bà thứ hai nên bố tôi vẫn là em. Hai bác hiện còn sống là ông thứ sáu và ông thứ tám. Trong các ông bác của tôi thì bác cả đi lính cho Pháp (theo thời cuộc lúc bây giờ), được làm đến cấp Cai thì về và ốm chết. Mọi người cứ gọi là ông Cai Năng. Ba bác đi bộ đội chống Pháp, trong đó có bác thứ năm hy sinh (Bác Đặng). Bác thứ sáu tham gia chiến dịch Điện Biên bị thương (bác Sáu). Bác là thương binh chống Pháp hiện còn sống. Bác thứ ba (bác Thiệu) đi bộ đội địa phương năm 1948. Bác về năm nào thì tôi không biết, chỉ biết đến khi cải cách ruộng đất, bị quy là địa chủ, sau đó bị tố bắt đưa đi cải tạo và đã ốm chết trong nhà giam. Theo người nhà kể lại thì bác bị đánh chết. 
Bác thứ hai (bác Bàng hay cụ Lí Đúc) thì làm Lí trưởng 10 năm (từ năm 1935 đến năm 1945). Năm 1939, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông thực sự là nhà cách mạng lão thành, trong thời gian kháng chiến chống Pháp. Với cái vỏ bọc là Lí trưởng, ông đã nuôi giấu rất nhiều chiến sĩ cách mạng lão thành. Được nhà nước thưởng bằng “Gia đình có công với nước”. Ông đã nuôi giấu những cụ sau đây: cụ Nguyễn Lương Bằng, cụ Đỗ Mười, cụ Văn Tiến Dũng và một số cụ nữa mà tôi không nhớ. Sinh thời tôi đều được gặp các cụ. Lúc bác tôi còn sống (cụ mất năm 1967), các cụ thường về thăm. Ngôi nhà của bác tôi lúc bấy giờ hiện nay nhà tôi đang sở hữu. Nó được xây dựng năm 1941, bị giặc Pháp tái chiếm và đốt mất khoảng năm 1953 thì phải. Nhưng mặt tiền hiện nay thì vẫn còn gần như nguyên vẹn (xem ảnh). Điều đáng nói trên tấm ảnh này là, có một cây xương rồng được trồng trên bồn hoa mà suốt 70 năm vẫn còn sống. Không ai tưới tắm và chăm bón gì. Nó cũng không lớn lên và cũng không chết đi, ít nhất là từ khi tôi biết. 54 năm nay rồi, nó vẫn vậy. Đó là một điều khá kì diệu tôi muốn chia sẻ. 

Ngôi nhà của bác tôi lúc bấy giờ hiện nay nhà tôi đang sở hữu” 
(Ảnh do tác giả cung cấp)


Bố tôi có tiếng là ông chủ nhiệm Hợp tác xã thời Bao cấp, nhưng nhà tôi lúc bấy giờ thì nghèo lắm. Bởi vì thời Bao cấp thì ăn chia sản phẩm theo công điểm. Nhà tôi thì neo người, chúng tôi thì còn nhỏ, lao động chính trong nhà chỉ có mình mẹ tôi thì lấy đâu ra công điểm mà có thóc. Bố tôi lúc đó vừa làm chủ nhiệm Hợp tác xã, vừa đi học lớp trung cấp nông nghiệp khóa một của tỉnh ba năm (1964-1967). Ông học rất giỏi. Tôi được xem học bạ của ông, toàn là điểm 5, thi thoảng mới có điểm 4. (Điểm 5 lúc bấy giờ là cao nhất). Đáng lẽ ông được giữ lại nhà trường làm giáo viên, nhưng vì ông là học sinh cán bộ địa phương gửi đi học, nên huyện lại làm công văn gửi nhà trường đòi ông về. Thế là cả cuộc đời ông lăn lộn với địa phương, cho đến khi ông qua đời mà vẫn không được hưởng bất kì một chế độ gì.
 Những bữa ăn thời Bao cấp của gia đình tôi, tôi không bao giờ quên được. Buổi sáng đi học thì thường xuyên nhịn đói, nếu có thì thỉnh thoảng được củ khoai lang hoặc củ dong riềng (củ này người ta trồng để làm miến dong) để ăn. Được như vậy là do bữa tối hôm trước phần bố tôi nhưng bố tôi không ăn nên còn lại. 
Ngày xưa thời Bao cấp là không có bữa sáng, ngày chỉ có hai bữa trưa và tối thôi. Hai bữa đều phải ăn độn, nghĩa là trong nồi cơm chỉ có ít gạo thôi, chủ yếu là khoai, sắn và ngô…Bát cơm chỉ được dính mấy hạt cơm thôi, còn chủ yếu là thứ độn vào. Cơm phải để giành cho người già và em bé. Thức ăn thì chủ yếu là rau và tương, chứ làm gì có nước mắm như bây giờ. Đôi khi tương cũng hết. Hết tương thì dùng nước chấm với muối trắng pha lẫn nước sôi để nguội. Mì chính và mỡ lợn lúc bấy giờ là hàng xa xỉ rồi. 
Tôi còn nhớ rất rõ bố tôi là cán bộ xã, thỉnh thoảng ông được phân phối mấy gam mì chính bột. Mẹ tôi thường giấu kĩ lắm, bà cho vào cái lọ to bằng ngón chân cái (vỏ lọ thuốc penixilil), khi nào có khách thì mới được lôi ra. Bà thường lấy chiếc tăm chấm vào lọ mì chính và khuấy vào bát canh sau đó cất đi luôn không bao giờ cho chúng tôi tự cho đâu. Tôi mà cho thường là chấm hai lần, bị bà quát mắng luôn là “đồ phá sản, cho thế thì mấy mà hết“. Thời bao cấp còn nghe thấy cụm từ “đắt như mì chính cánh”. Những gì quý giá, đắt đỏ đều được gọi như vậy. Thế đấy, mọi người hãy nghĩ xem, mì chính quý tới mức nào. 
Nguyễn Viết Bội

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.