Hà Nội trong mắt tôi

0
753

BTKUXH – Không có điều kiện ra thăm Hà Nội ngay trong 10 ngày đại lễ để thấy không khí lễ hội ngàn năm của thủ đô mà mãi sau hơn một tuần (ngày 18/10) tôi mới có dịp ra Hà Nội nhân chuyến tham dự một cuộc hội thảo khoa học. Dầu vậy, mọi thứ đều có điều thú vị riêng của chúng vì tôi lại có dịp khám phá ra có một Hà Nội khác.

Có một Hà Nội khác

Tranh thủ quỹ thời gian ít ỏi sau hai ngày hội thảo, tôi hẹn gặp chú Nguyễn Viết Bội, một cộng tác viên của Bảo tàng Ký ức Xã hội – http://baotang.kyucxahoi.com vô cùng nhiệt tình trong thời gian qua.

Hai chú cháu chở nhau chiếc xe gắn máy dạo quanh vài con phố Hà Nội. Một cảm giác về Hà Nội, chật chội, xe cộ ồn ào, náo nhiệt… Dọc theo các con phố là những vỉa hè với những cảnh người buôn thúng bán bưng thấy có vẻ Hà Nội mang trong mình mô hình của kiểu đô thị từ làng lên phố.

Sau vài ngã ba, ngã tư, chú Bội chở tôi đến quán phở gia truyền Tư Lùn, nhưng bảng hiệu lại đề tên quán là “Huy Hoàng – Phở gia truyền”.

Ấn tượng đầu tiên của tôi đối với quán phở này là  hàng chục chiếc ghế nhựa được sắp ngay ngắn trên vỉa hè, quán không hề có một cái bàn nào. Người ta lấy những chiếc nhựa ghế cao thay cho bàn. Cứ vậy, mỗi thực khách có hai chiếc ghế một cao, một thấp để ngồi và để kê bát phở.

Quán chỉ bán từ  5 giờ đến 14 giờ, khi chúng tôi đến quán khoảng 8 giờ, khá đông người đang thưởng thức món phở nổi tiếng này. Những người đi chung quây lại với nhau thành từng nhóm vòng tròn nhỏ, trông rất nhộn nhịp và thân tình.

Phở gia truyền Tư Lùn, Hà Nội. (Ảnh: Đức Lộc)

Quán phở vỉa hè không bàn nhưng rất đông khách. (Ảnh: Đức Lộc)

Tôi được chú Bội mời ăn tô phở (bát phở) với giá 30.000 đồng. Khác với các quán phở miền Nam, phở ở đây không có nhiều gia vị như tương đỏ, tương đen nhưng món phở này có rất nhiều hành lá làm cho món phở ở đây có nét đặc trưng riêng. Một vài người đàn ông lớn tuổi ngồi kế chúng tôi vừa ăn vừa nhắc lại ký ức về thời bao cấp ở Hà Nội.

Có lẽ cái không khí “tập thể” giữa phố phường dễ tạo cho người ta có một cảm giác hoài cổ riêng bên cạnh một Hà Nội bận rộn, với nhịp sống nhanh và vội vã hơn.

Nơi gặp gỡ của những người tử tế

Sau khi thưởng thức món phở gia truyền nổi tiếng ở đất Hà Thành, tôi và chú Bội ban đầu tính ghé sang quán nước chè bên cạnh để uống nước chè xanh, vốn là thức uống giải khát phổ biến của vùng đất Hà Thành này. Nhưng sau chú Bội lại nảy ra ý định khác là dẫn tôi đến một quán cafe độc đáo có một không hai của Hà Nội – “cafe Bích” tại địa chỉ số 13, Đinh Tiên Hoàng.

Tác giả và bà chủ quán cafe Bích. (Ảnh: Nguyễn Viết Bội)

Bích là tên của bà chủ quán, tầm tuổi 70. Quán không bảng hiệu, không có chỗ giữ xe và nằm chót vót trên căn hộ cũ kỹ của một toà nhà chung cư nhỏ. Để lên được tới quán chúng tôi phải đi bộ  lên những bậc thang của khu chung cư khá tối tăm. Quán khá nhỏ khoảng mười mấy mét vuông, chỉ đủ kê 5 -6 bộ bạn ghế nhỏ cho khoảng hơn chục người ngồi. Ngược lại với độ tuổi của bà chủ quán, khách ruột của bà Bích chủ yếu là các bạn trẻ là sinh viên, học sinh nhưng lại có thú tiêu khiển thanh lịch, uống cafe nghe nhạc nhẹ. Một vài bạn trẻ ngồi mân mê những bộ đồ nghề chụp ảnh chuyên nghiệp. Tôi có cảm giác trong không gian chật hẹp này vẫn tồn tại một sự ngăn nắp, lịch sự.

Bà Bích tiếp chuyện chúng tôi khá nhiệt tình. Bà kể cho chúng tôi nghe về ký ức về cha của bà, một trong những người mở quán cafe đầu tiên của Hà Thành với thương hiệu “cafe Giảng”. Bà say sưa kể cho chúng tôi những ký ức buồn vui, sướng khổ của cuộc đời.

Bà vốn là một nhà giáo, nhưng cuộc đời run rủi để bà trở lại với nghiệp của cha với việc mở quán cafe, tìm niềm vui. Hồi ức của bà về những năm khó khăn của đất nước với những buồn tủi của bản thân. Bà trưng ra tâm ảnh chân dung của bà những năm 80 của thể kỷ trước với khuôn mặt gầy hom hem và bà bình luận đây là thời kỳ tệ hại nhất của cuộc đời bà. Bà bùi ngùi tâm sự: “Đối với người trí thức, họ có thể chịu đói, chịu rét nhưng nhất định không thể chịu nhục được”. Nhưng ngay sau đó bà lại trấn an, nhờ anh nói với các bạn trẻ: “Dù khó khăn thế nào thì cũng ráng vượt qua đừng bao giờ hủy hoại mình. Vì chung quanh mình còn rất nhiều người yêu thương mình”.

Câu chuyện của chúng tôi bị gián đoạn bởi tiếng gọi tính tiền nhưng bà Bích với ngồi nói chuyện với chúng tôi và nói vọng vào “cứ tự xử đi”, và những khách ruột đúng là đã “tự xử” bằng cách bỏ tiền vào ngăn kéo tiền của bà chủ. Thật là hiếm có một nơi nào ở đô thị mà mọi người tin tưởng nhau như thế. Bà cười vui vẻ và quay sang bình luận về những khách hàng quen thuộc cùa mình: “Những đứa lên đây uống cafe với bác toàn những đứa tử tế cả, nhưng đối với người ngoài không biết thì lại gọi cái đám lên đây toàn là lũ điên”.

Câu chuyện bà kể cho chúng tôi nghe rất dài và rất thú vị.  Chúng tôi sẽ tiếp tục chia sẻ với mọi người bằng chính hình ảnh và giọng nói của bà qua một đoạn phim ngắn trong thời gian sắp tới.

Nguyễn Đức Lộc

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.