Về một bức tranh đã mất (kỳ cuối)

0
1288

Ba không gian khác nhau, ba hệ thống phối cảnh khác nhau, trong cùng một bức tranh. Đấy là vị thơ, là cái lung linh phức hợp, là chất hư hư thực thực của tranh anh Trí ngày ấy. Có lẽ đấy còn là cái “tửng tửng”, cái ỡm ờ không lộ liễu của con người quê tôi. Buổi đầu, hư nhiều hơn thực, có khi choán hết thực hay gần như thế. Đó, tôi còn nhớ, là trường hợp các tranh Thuyền âm, Hoa bạc mệnh… Càng về sau, thực càng lớn lên, chung sống với hư, đùa giỡn với hư, như trong cảnh Bờ Hồ thời Nhật thuộc, như trên một bức tranh khác  mà tôi cũng rất thích: Vọng phu. Phải chăng chính vì thế mà đương thời có những bè bạn thực lòng muốn gán cho anh Trí “danh hiệu” họa sĩ “siêu thực”, thậm chí là người siêu thực đầu tiên trong làng họa Việt Nam?

(Ảnh minh họa- Nguồn Internet)
Tôi không dám cược hết lòng tin của mình vào lối phân cắt quá rạch  ròi thành những “trường phái” luôn luôn đối đầu nhau. Lối phân cách có lẽ được bê ra nguyên xi từ một số sách lịch sử mỹ thuật Tây phương trong đó, mỗi trường phái xuất hiện cơ hồ như một ô thuốc Bắc đóng kín, ngoài có dán nhãn chữ to. Nếu có thể dán cho anh Trí cái nhãn “siêu thực”, tôi tự hỏi thì cái gì là mẫu số chung giữa tranh của anh (hồi tôi mới quen) và tranh của Đali hay Đenvô chẳng hạn. Tôi chỉ biết tự hỏi. Vả chăng cho đến nay, sau hơn ba mươi năm, tôi vẫn không thể nói cho thực đích xác thế nào là “siêu thực”. Điều tôi biết rõ hơn, chắc hơn là dưới mắt anh Trí ngày ấy, cái hư huyễn trong một khoảng không gian tách riêng của Hồ Gươm không thể gạt bỏ, không thể gạt bỏ sự thực phủ phàng của cuộc sống ven Bờ Hồ: một sĩ quan Nhật đi giữa mọi người, mà như đi giữa chỗ không người.
“Thông điệp” ấy của bức tranh, một người trong cuộc đã bắt được ngay, giải ngay được mã, với tất cả cảm quan tinh nhạy của con người tự biết mình đang “lâm tình huống”: ngày bức tranh được lần đầu trưng bày ở Huế, một sĩ quan Nhật có mặt trong phòng triễn lãm đã sừng sộ đòi tác giả phải cất ngay tác phẩm đi. Đến thăm anh Trí trong gác vẽ không còn trống và vắng như xưa, tôi vui miệng nhắc lại cái “sự cố” nhỏ nhỏ đã xảy ra cách đây ba mươi năm. Anh không nói gì, chỉ mỉm cười độ lượng… Độ lượng với tôi chăng, một người cả nhớ chuyện cũ? Hay là độ lượng với tuổi trẻ của chính anh, với cái thời đã xa lắc xa lơ, cái thời anh còn nuôi tham vọng chứa nhiều không gian khác nhau vào khung hẹp của một bức tranh? Dù sao ngày nay anh Trí vẽ khác xưa nhiều. Tôi nhìn lên tường: một bức lụa lớn: một ông sư với đầy đủ y bát, nét mặt khắc khổ. Một bức lụa bé: lăng Tự Đức dưới trăng suông, một bức sơn dầu: hai vũ nữ Chiêm Thành. Vẫn còn nhận ra được ít nhiều cái gì là một phần anh Trí của chúng tôi ngày ấy: cái tinh tế trong quan sát, cái cẩn trọng trong từng nét bút, từng mảng màu, cả từng chi tiết lịch sử nữa. Nhưng còn cái “tưng tửng” trong mắt nhìn và ý nghĩ, trước con người và sự vật ? Còn  cái cố tình thô vụng trên cả một thảm tinh tế, để chắp thêm một điều bất ngờ cho tác phẩm? Và còn sự chung sống giữa nhiều bút pháp nữa chứ, giữa nhiều cách nhìn, nhiều quan điểm hình học trên một cùng một bức tranh, nhằm mở rộng bức tranh hay nhân số không gian trong tranh lên? Chung sống? Có lẻ phải nói là dằng xé mới đúng. Chung sống mà vẫn âm ỉ dằng xé. Cái dằng xé kín đáo tuy da diết ấy nay không còn nữa, để lại cho tôi một vũng rỗng mà tinh tế và cẩn trọng không bù lấp được. Đến cả cái hư, cái hư không lừa thực,  vốn là niềm đắc ý của anh Trí sau bao năm chép tranh thờ-mà anh từng sử dụng như một cây néo, để néo cho căng thêm giữa cái ngược đời của một tình thế, cái lố lăng của một cảnh ngộ, với chất hóm của con người quê tôi-cũng chỉ còn phảng phất như chút hương xưa trên bức tranh lụa bé (lăng Tự Đức dưới trăng suông), vừa đủ để nhấn thêm một tí, một tí thôi, cái không khí mờ ảo không thể thiếu của mọi cảnh trăng suông.
Nguồn: Sách Nguyễn Từ Chi- Góp phần nghiên cứu văn hóa và  tộc người.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.