Đừng quên phía sau Sài Gòn phố còn là Sài Gòn xóm. Những con xóm một thời ẩn chứa nhiều cổ tích, là một phần không thể thiếu trong ký ức và đời sống của đô thị.
Hẻm 109 Nguyễn Thiện Thuật, khu Bàn Cờ, quận 3, nơi có quán cà phê Cheo Leo nổi tiếng
Sài Gòn xóm bắt đầu từ thế kỷ 19, lúc thành Gia Định có khoảng 40 làng, tụ hội dọc bờ sông, bờ rạch, xen kẽ với chợ búa và xưởng thợ. Người Pháp đến, họ kiến thiết đô thị hiện đại, phóng đường mở phố nguy nga. Tuy nhiên, phía sau những dãy nhà mặt tiền to lớn ở trung tâm đô thị mới vẫn còn nhiều vườn tược, bãi đất, ao hồ, mương rạch. Từ đó, dần dần ra đời những con hẻm, những ngõ ngách, những xóm nhà ẩn khuất xung quanh những con đường chính ngang dọc.
Những cái tên dấu ấn làng quê
Sài Gòn xóm có tên riêng tùy nơi: Cầu Muối, Cầu Kho (Q.1), Chợ Đũi, Bàn Cờ, Vườn Chuối (Q.3), Xóm Chiếu, Khánh Hội (Q.4), Xóm Cải, Xóm Đất (Q.5), Cây Da Xà (Q.6 – Bình Tân), Xóm Củi, Lò Gốm (Q.8), Cống Bà Xếp, Hòa Hưng (Q.10), Lò Vôi (Q.Gò Vấp)… Những cái tên nôm na, mang đầy dấu ấn làng quê trước lúc chuyển sang thị thành.
Tôi sinh ra và lớn lên ở xóm Bàn Cờ, khu vực đóng khung giữa các đường Cách Mạng Tháng Tám (trước 1975 là Lê Văn Duyệt), Nguyễn Thị Minh Khai (Hồng Thập Tự) và Lý Thái Tổ, Điện Biên Phủ (Phan Thanh Giản ngày xưa). Nơi đây là giao điểm gạch nối Q.1, Q.3, Q.10, Q.5 với nhau. Với địa lợi như vậy, Bàn Cờ ngày càng đông đúc, nhà dân, chợ búa, siêu thị, nhà hàng, trường học, bệnh viện mọc lên tấp nập. Thế nhưng, 50 năm trước, xem bản đồ Sài Gòn xưa, ta có thể ngạc nhiên thấy cả khu vực này đều chưa có tên. Tìm hiểu qua sách báo và cư dân lâu năm, mới biết cuối những năm 1950, Bàn Cờ là “trại tạm cư”. Dân “chạy loạn” từ quê lên, được chia ô cắm dùi làm lều, làm nhà ở tạm. Cứ thế, trên đất trống hình thành những con hẻm đường đất, chạy chi chít nhưng vuông vắn như… Bàn Cờ.
“Làng quê” ven phố
Xóm Bàn Cờ xa xưa giống như những con xóm khác của Sài Gòn, không những là nhà nghèo mà còn là “nhà quê”, bởi chính khung cảnh đậm đặc “thôn làng” giữa phố! Nhiều xóm nhà ngày ấy rất đúng nghĩa là “xóm nhà lá”, vì phần lớn đều là những căn nhà có mái và vách ngăn làm bằng lá dừa nước phơi khô. “Sang” hơn thì nhà vách ván, vách tôn, thậm chí bằng thiếc gỡ ra từ những thùng hàng lớn nhỏ. “Sang” nhất trong xóm là những ngôi nhà đóng bằng “cây” (gỗ), dẫu chỉ là gỗ tạp, còn gọi là “nhà cây”. Đó thường là nhà hai tầng, khung và các cửa đều bằng gỗ, sơn phết màu xanh da trời hay màu xanh đọt chuối, rất hiền hòa. Kiểu dáng nhà nào cũng đơn giản. Nhà nào “điệu đàng” nhất thì nơi khung cửa sổ có treo rèm vải. Hoặc hàng rào gỗ ở ban công trên lầu, có các chấn song được xếp theo hình chữ X, thay vì xếp hàng dọc đơn điệu.
Thuở ấy, đèn néon chưa phổ biến, nhà nào khá lắm cũng chỉ có bóng đèn vàng. Đường hẻm chưa có đèn công cộng. Tối đến, khung cảnh các xóm càng trông giống làng quê với những ánh đèn vàng tĩnh mịch.
Chính những con hẻm đường đất vẫn còn nhiều cây xanh là ngôi vườn, là sân chơi chung cho con nít chúng tôi. Dưới những tàng cây thanh bình, trẻ em trong xóm chơi đánh đáo, bắn bi, ô ăn quan, đá banh, nhảy cầu, nhảy dây, tạt lon… Hết thảy, đều vui nhộn và hồn nhiên! Con nít sau giờ học, đổ ra hẻm, chơi đùa với nhau dễ dàng. Người lớn thả con ra khỏi cửa, không lo lắng trăm nỗi an nguy như bây giờ.
Các ngày Tết Nguyên đán, nhà nào nhà nấy trang hoàng rộn rã, hầu như nhà nào cũng có chậu mai vàng hay chậu cúc kim trước cửa. Sắc hoa vàng nở tưng bừng trên nền xác pháo đỏ. Trước tết, bà con trong xóm thường nấu chung nồi bánh chưng, bánh tét trên đường hẻm. Xóm giềng thăm hỏi nhau, tặng chút mứt nhà làm, tặng trái cây cúng bàn thờ là chuyện bình thường.
Hàng xóm thân thiết
Thuở ấy, Sài Gòn xóm chưa có nước máy vào nhà, chưa có cột đèn dẫn điện vào các hẻm. Ngoài nước giếng, người dân quen xài nước máy công cộng. Cứ ba bốn hẻm, lại có một “phông ten”. Trong khu chợ Bàn Cờ, giữa hẻm 212 Nguyễn Thiện Thuật có một “phông ten” nước, vừa xài cho xóm, vừa xài cho chợ. Tại đấy, từ sáng đến tối đều đông chật người. Các bà, các chị gánh nước thuê, đầu đội nón lá, mặc áo bà ba, xắn ống quần cao để lộ bắp đùi rắn rỏi. Hai thùng nước sóng sánh, đong đưa nhịp nhàng trên đòn gánh. Đó là loại thùng thiếc vuông của các hãng nước mắm, dầu dừa, dầu hôi…, bây giờ rất hiếm thấy. Từ nhỏ, tôi khó quên được cái giọng ngọt ngào, thân mật khi họ gánh nước đến đổ vào lu cho từng gia đình. Các bà, các chị hay gọi chủ nhà là “Thầy Hai, Cô Ba”! Thật ra, thầy hay cô cũng đều là dân lao động như nhau, giới “bình dân” – hai chữ này bây giờ cũng vắng bóng.
Hầu như ngày ấy, nhà cửa trong xóm không có cảnh “kín cổng cao tường”. Bởi lẽ đơn giản, nhà trong xóm, không có cổng, không có tường rào. “Nhà cây” hay nhà gạch, ban ngày lúc nào cũng mở cửa thông thoáng. Nếu có mành tre hay mành gỗ cũng chỉ để che nắng. Hiên nhà là nơi đặt mấy chiếc ghế cũ hay “bộ ngựa” để người nhà hay hàng xóm ngồi chơi. Có khi đó là một bệ xi măng hay băng ghế sắt lấy ở đâu đó, cứ tự nhiên trở thành salon ngoài trời. Đặc biệt, trước hiên nhà thường có một giá thờ đơn giản nhưng trang trọng, gọi là bàn thờ Ông Thiên. Trên đấy, bao giờ cũng có một bát nhang và một cây đèn hột vịt. Người trong xóm tin các vong hồn phiêu lạc và tà ma nào đấy trông thấy khung cảnh thiêng liêng đó sẽ phải tránh xa.
Ở nhiều nhà, còn để một khạp nước có nắp đậy cẩn thận, kèm theo chiếc gáo dừa hay chiếc ly nhựa để khách đi qua cứ tự nhiên múc uống. Thêm vào sự hào phóng đó, còn phải kể đến những tiệm thuốc bắc của người Hoa trong xóm. Tại đây, trên quầy lúc nào cũng có sẵn mấy lọ trần bì (vỏ quýt phơi khô tẩm thuốc) hay những loại kẹo ngậm gì đấy vừa ngọt vừa hăng hăng mùi thuốc bắc. Bọn con nít chúng tôi chạy vào xin thì đều được ông Tàu “bụng phệ” gật đầu cho lấy thoải mái.
Từ xóm ra phố
Thành phố nhìn từ trên cao, bên cạnh rừng cao ốc vẫn còn nhiều xóm nhỏ
Giờ đây, các con hẻm hoàn toàn khác hẳn ngày xưa, nhà nào nhà nấy đều xây cao hơn, đẹp hơn, vật liệu đa dạng, sơn phết đủ màu. Có những con hẻm được mở rộng, xe hơi ra vào được dễ dàng. Các tiệm tạp hóa trở thành cửa hàng tiện lợi. Quán cà phê, tiệm uốn tóc, nhà may “bùng nổ” trong hẻm. Nhiều nhà trang bị thiết bị phòng chống trộm “tận răng”, nào là cửa sắt sơn đen, tường gạch, cắm thủy tinh, đèn chiếu sáng, kể cả camera quan sát bên ngoài. Không ít nhà vì lo lắng an ninh nên làm cửa sắt rào kín mặt tiền, giống như pháo đài hay chuồng sắt vậy. Trong các con hẻm, cây xanh rất hiếm hoi, chỉ còn cây kiểng hay chậu hoa trang trí trước nhà hoặc trên sân thượng. Sinh hoạt Sài Gòn xóm cũng đổi thay! Người lớn và trẻ em bây giờ có nhiều thú vui “tại gia”: hát karaoke, chơi game điện tử, xem truyền hình, lướt internet… Về đêm, trong các hẻm lớn, hay ngoài bờ kè, mọc lên nhiều quán nhậu, quán cóc, quán ốc, bia bọt lan tràn. Ngày tết, ngày lễ, nhiều nơi phường xóm thưa vắng vì người về quê năm nào cũng đông, người đi du lịch trong nước hay nước ngoài trở nên thường xuyên.
Sài Gòn ngày càng phát triển, vấn nạn càng nhiều. Ngay kiểu sống không ai biết ai, lạnh lùng như những căn hộ cao tầng, luôn luôn kín cửa cũng sẽ là một “thảm họa” cho các đại đô thị, nếu những ký ức và giá trị tốt đẹp cứ rơi vào quên lãng!
Báo Thanh Niên