Hà Nội giai đoạn 1873-1888 (4)

0
730

BTKUXH – Hướng về đại lễ 1000 năm Thăng  Long – Hà Nội, chúng tôi xin giới thiệu bản dịch nội dung quyển sách “Hà Nội giai đoạn 1873-1888” của tác giả André Masson viết về Hà Nội những năm cuối thế kỷ 19 để chúng ta hiểu thêm về một giai đoạn lịch sử của thành phố qua góc nhìn của một nhà nghiên cứu phương Tây. Quyển sách do Nhà Xuất bản Hải Phòng biên dịch và ấn hành.

Chương 1: Trường Thi (tiếp theo)

Thời gian chiếm đóng Trường Thi chỉ có 15 ngày, đánh dấu bằng chuyến viếng thăm của Cha Puginier hôm 10-11 và những cuộc thương thuyết với nhà cầm quyền An Nam. Sáng sớm ngày 20-11, Francis Garnier dẫn quân tấn công Thành Hà Nội, chỉ để lại cho Trường Thi bảy hay tám người canh gác vật dụng. Ngay tối hôm đó, Francis Garnier vào Thành đóng tại khu Hoàng cung và dùng mấy trăm tù binh An Nam vận chuyển vật dụng và thực phẩm từ Trường Thi vào Thành Hà Nội[1].

Sau khi Francis Garnier chết, việc rút khỏi thành Hà Nội và sự ra đi của Trú sứ Rheinart buộc quân Pháp tập trung ở Hải Phòng khoảng một năm để chờ bổ nhiệm lãnh sự ở Hà Nội theo hiệp ước 1874. Theo hiệp ước này, Pháp được một khu nhượng địa 2,5 hécta bên bờ sông Hồng để làm chỗ ở cho nhân viên và binh lính bảo vệ lãnh sự.

Lãnh sự sẽ tới Hà Nội vào tháng 7-1875 và các công trình dự kiến cho khu Nhượng địa tương lai không thể chờ tới lúc đó mới thực hiện. Do đó, ngày 30-5-1875, một thỏa ước được ký kết giữa ông Trần Đình Túc, tổng đốc Hà Nội, và đại úy Brionval, đại diện bộ chỉ huy đạo quân Hải Phòng, theo đó “nơi gọi là Trường Thi sẽ được đặt dưới quyền Chính phủ Pháp cho tới ngày 1-1-1877 và lâu hơn nếu có chuyện gì xảy ra để bố trí nhân viên của mình trong khi chờ đợi hoàn thành các công trình cuối cùng”[2].

Giải pháp này có nhiều ưu điểm như thư của chỉ huy Dujardin gửi phủ đô đốc kèm theo dự thảo thỏa ước: “Thực vậy, tại Trường Thi các mặt đều kín, rất tiện cho việc canh gác. Các quân nhân có một diện tích khá rộng để không quá thèm muốn vào phố nữa. Ngoài ra, chúng ta lúc nào cũng có trong tay một biệt đội. Bằng cách chỉ ra từng bộ phận nhỏ ra ngoài đi dạo, lúc nào chúng ta cũng giữ được ở trong trại một lực lượng đủ mạnh để tránh những bất ngờ. Cuối cùng, trại sẽ khô rất nhanh nhờ một số kênh rãnh. Ngoài ra, tôi tin chắc có thể tìm thấy nước ngọt bằng cách đào giếng ngay trong trại hoặc chỉ cách đó chút ít”.

Sau khi thi công một số công trình đơn sơ, Trường Thi sẵn sàng đón lãnh sự Pháp vào cuối tháng 8. Trước đó mấy ngày, viên chỉ huy Chapotot đi tàu thủy tới Hà Nội lúc 2 giờ chiều ngày chủ nhật 22-8 cùng với 5 binh sĩ. Ngay lập tức, ông ta tới dinh tổng đốc và được đón tiếp rất nhiệt tình. Sau đó, ông ta quay lại để giám sát binh sĩ lên bờ và bố trí họ vào Trường Thi trước khi đêm xuống. Việc bốc dỡ đồ đạc và lương thực được thực hiện vào sáng hôm sau nhờ 150 dân phu do tổng đốc trao cho phía Pháp sử dụng[3].

Những ngày tiếp theo ở Trường Thi diễn ra thủ tục đại diện Pháp tiếp nhận quyền sở hữu. Có một điều lý thú nếu thêm vào bức thư của Francis Garnier ở trên câu chuyện của ông Kergaradec kể dưới đây[4].

Tới Hà Nội thứ tư 25 vào ban đêm, 8h rưỡi sáng hôm sau tôi mới lên bờ cùng với các nhân viên lãnh sự để thăm chính thức Tổng đốc. Tiểu đoàn trưởng Chapatot, người tôi yêu cầu làm một hàng rào danh dự 30 người, đi theo tôi. Nhà cầm quyền An Nam tổ chức khoảng một ngàn binh lính trang phục khá đẹp và được chọn lọc kỹ vì mỗi cơ chọn một trăm người trong mười cơ của quân trấn Hà Nội. Chúng tôi được Tổng đốc đón tiếp rất thỏa đáng, Trần Đình Túc là một ông già đáng kinh 70 tuổi, một tuổi mặc dù hơi hiếm ở xứ này nhưng vẫn còn rất khỏe mạnh. Thuộc một gia đình ở Huế nhiều đời có người làm quan to cho chiều đình, người ta nói rằng ông rất được nhà vua hiện nay, người biết ông ta từ nhỏ, sủng ái. Quyền của ông trùm hết hai tỉnh Hà Nội và Ninh Bình. Mỗi tỉnh đó lại do một tuần phủ đứng đầu. Tuần phủ Hà Nội là Trần Hy Tang. Theo như ông Phạm Phú Thứ cho tôi biết trước, ông Tang có một đội thương bạc đặc biệt để xử lý các vấn đề liên quan tới ngoại thương. Trong địa hạt của mình, viên quan cao cấp này không tạo thuận lợi cho chúng ta như ông Trần Đình Túc và tôi thấy thái độ của ông ta quả thực kém thiện chí.

Ngày hôm sau, 27, viên tổng đốc chính thức tới thăm tôi. Một hàng rào danh dự được thiết lập từ cổng ngoài tới tận cửa vào tòa lãnh sự, tại đây tất cả các sĩ quan đều được giới thiệu. Tôi có cơ sở tin rằng ngài tổng đốc hài lòng với cuộc tiếp đón vì ông ta đích thân tới tìm tôi vào ngày hôm sau, ngày 28, để dẫn tôi tới miếng đất của Khu nhượng địa tương lai. Tôi lợi dụng chuyện này để chính thức kéo cờ lãnh sự trước Ngài tổng đốc và sự có mặt của ông ta trong buổi lễ đã tạo ra một hiệu quả tuyệt vời”.

Chỉ tám ngày sau, một sự nguy hiểm rất lớn đe dọa Trường Thi: các toán quân Cờ Đen giết Francis Garnier hai năm trước đây nay được tổ chức lại trong các làng quanh Hà Nội, một số thậm chí đi lại công khai trong thành phố. Thấy trước sự nguy hiểm, Chapotot cho thực hiện khẩn cấp các công trình phòng thủ trong Trường Thi và củng cố tường vây. Tại mỗi đầu của mặt Tây, ông cho xây một cái ụ vuông bằng gạch mỗi chiều 3m có trổ những lỗ châu mai. Các ụ này dùng làm vọng gác, khi báo động các mặt của nó được hỏa lực từ các mạn sườn bảo vệ. Trong báo cáo ngày 13-9 gửi phủ đô đốc về các công trình này[5], ông đính theo sơ đồ kèm theo chú giải mà chúng tôi in lại ở hình 5. Theo chúng tôi biết, sơ đồ đó là sơ đồ duy nhất lưu giữ kỷ niệm về những ngôi nhà cũ trong Trường Thi.

Không biết lo sợ của Chapolot là thái quá hay sự chuẩn bị đề phòng đã làm quân Cờ Đen nản lòng. Gì đi nữa, đã không có sự tấn công nào xảy ra. Nhưng sự không trong lành của Trường Thi làm binh lính Pháp khổ sở hơn những bất ngờ trong chiến đấu. Những trận mưa như thác vào tháng 9 biến Trường Thi vào một cái bãi lầy mênh mông. Nước trong nhà nhiều đến nỗi binh lính “giặt quần áo ngay trước cửa”[6]. Bị muỗi cắn và phải làm việc trong nước, chân, đùi nhiều binh lính bị lở loét và ngày 10-10 một phần tư bính lính không thể điều động được. Trong những điều kiện tồi tệ như vậy, để đào đắp, họ chỉ có “một số cuốc An Nam, mấy cái mai tồi tệ và ít xẻng đồng do thiếu xẻng sắt”[7] trong khi chờ đợi dụng cụ từ Sài Gòn gửi ra. Nhưng những khó khăn đó chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn và tình trạng vệ sinh được cải thiện trong mùa khô tới.

Trong khi chỉ huy trưởng bận rộn với việc phòng thủ và quy hoạch Trường Thi thì lãnh sự Kergaradec tiến hành những cuộc điều đình liên quan tới miếng đất của khu Nhượng địa. Lợi dụng ý muốn lấy lại Trường Thi của phía An Nam, viên lãnh sự rất năng động này đã chiếm không được một khu đất lớn hơn rất nhiều so với quy định của hiệp ước 1874: 17 hécta thay vì 2,5 hécta để đổi lấy việc rút khỏi Trường Thi sớm hơn so với hạn kỳ do thỏa ước 30-5-1875 quy định. Thực vậy, theo trên chúng ta thấy rằng Trường Thi nằm dưới quyền của Pháp “cho tới ngày 1-1-1877 và lâu hơn nếu có chuyện gì xảy ra”. Vậy mà tháng 11-1876 đã phải tổ chức kỳ thi hương (examen triennal), một kỳ thi rất quan trọng đối với xã hội An Nam. Lãnh sự Kergaradec cam kết sẽ trao trả Trường Thi cho nhà cầm quyền An Nam vào ngày 16-10-1876.

Hạn kỳ một năm này quá ngắn để xây dựng các công trình chủ yếu cho khu Nhượng địa. Mặc dù các thợ Bắc Kỳ thiếu kinh nghiệm nhưng viên đại úy công binh phụ trách công trình đã thành công trong việc dẫn dắt họ và quân Pháp rút khỏi Trường Thi vào ngày 15-10-1876, trước hạn định 24 giờ.

Một tháng sau, khoa thi được mở tại Trường Thi, nơi vốn được giao làm nhiệm vụ này. Kỳ thi đã lôi cuốn một số lượng đông đảo người tới Hà Nội. Khoảng bốn, năm nghìn thí sinh kéo theo ít nhất cũng chừng ấy đầy tớ và người nhà. Người ta thích để các môn đệ của Khổng Tử qua giai đoạn trọng đại của các kỳ thi trong sự khắc khổ. Thực tế có thể khác chút ít nếu để ý tới các biện pháp nhà cầm quyền An Nam đã áp dụng để phòng ngừa những vụ lộn xộn, nhất là việc “cấm bán rượu trong suốt thời gian diễn ra kỳ thi”[8]. Ông Kergaradec đã theo dõi với sự hiếu kỳ một kỳ thi như vậy diễn ra dưới mắt ông[9]. Có lẽ không vô ích khi nói qua về kỳ thi đó vì các kỳ thi ở Huế và Nam Định đã được nhiều công trình nghiên cứu[10] khác nhau nói tới. Tuy nhiên chúng ta không thể ngờ rằng các công trình đó không có một dòng nào về những kỳ thì cuối cùng của Trường Thi Hà Nội, nơi rất ít người châu Âu được chứng kiến. Thậm chí rõ ràng hơn, người ta còn khẳng định rằng Trường Thi Hà Nội không còn được dùng làm nơi thi hương từ năm 1875 và chúng ta có thể đọc được ở trang 101 của Tạp chí Địa lý (Revue de Géographie) năm 1883 đoạn văn có sức thuyết phục nhưng hoàn toàn không chính xác sau đây: “Binh lính chúng ta đã ở đó năm 1875 cho tới khi khu nhượng địa đón tiếp họ chuyển sang. Sau khi binh lính ra đi, Trường Thi bị bỏ hoang và hiện nay rơi vào đổ nát. Hoặc khu trường thi bị uế tạp do sự có mặt của chúng ta, không xứng đáng đón nhận thí sinh thi làm quan, hoặc do người ta muốn giảm uy tín của một tỉnh thành từ nay trở đi có đại diện chính quyền Pháp đóng, các kỳ thi từ đó trở đi được tiến hành ở Nam Định và binh lính trong thành Hà Nội chiếm Trường Thi làm nơi tập ném lao và múa kiếm”.


[1] Hồ sơ Các Đô đốc số 12466, Sở Lưu trữ Trung ương Đông Dương.

[2] Hồ sơ Các Đô đốc số 11693, Sở Lưu trữ Trung ương Đông Dương.

[3] Báo cáo của tiểu đoàn trưởng Chapotot, chỉ huy trưởng tối cao, ngày 2-9-1875. Hồ sơ Các Đô đốc số 13523, Sở Lưu trữ Trung ương Đông Dương.

[4] Báo cáo của lãnh sự ngày 2-9-1875. Hồ sơ Các Đô đốc số 12982, Sở Lưu trữ Trung ương Đông Dương.

[5] Hồ sơ Các Đô đốc số 13524, Sở Lưu trữ Trung ương Đông Dương.

[6] Thư của chỉ huy trường ngày 27-10-1875. Hồ sơ Các Đô đốc số 13525, Sở Lưu trữ Trung ương Đông Dương.

[7] Thư của chỉ huy trường ngày 10-10-1875. Hồ sơ Các Đô đốc số 13525, Sở Lưu trữ Trung ương Đông Dương.

[8] Thư của ông Kergaradec ngày 17-11-1876. Hồ sơ Các Đô đốc số 12997, Sở Lưu trữ Trung ương Đông Dương.

[9] Báo cáo kèm theo thư trên.

[10] Xem Revue Indochinoise 1894 trang 176, 197; 1913 trang 139, 158 và Đô thành hiếu cổ 1916 trang 333 – 336.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.