Người công giáo di cư – Kỳ 5: Dời xứ

0
786
Bằng những vật liệu tạm bợ, mái lợp bằng lá buông, vách bưng bằng lá buông hoặc tre đập dập, chẳng mấy kín đáo nhưng người dân đã làm được nhà để ở. Tuy nhiên, vì điều kiện cuộc sống còn nhiều khó khăn, đôi khi hai ba gia đình mới làm được một căn, cuộc sống chen chúc khổ sở. Nguồn viện trợ thực phẩm cũng đã thưa dần, cây cối trong rừng cũng cạn kiệt, người dân không còn đi chặt đòn tay, chặt róc, hoặc lá buông về bán như trước được nữa.
(Di dời, Nguồn: Internet)
Dù người dân bày ra làm bánh hú, bánh dầy, bánh rán đội đi chợ Biên Hoà cách 10 cây số để bán, cũng chẳng mấy ai mua, vì người miền Nam không quen ăn loại bánh này. Bày ra đan lát rổ rá, nong nia cũng chẳng bán cho ai được mặc dù người miền Bắc thì ai cũng biết  làm việc đó khi tre đã có sẵn trong rừng. Thế nhưng điều lo ngại nhất vẫn là nạn thóc cao, gạo kém, năm nay đột nhiên giá gạo càng ngày càng cao, từ  ba ngàn nay lên tới chín ngàn mốt.
Bấy giờ, các linh mục vì lo cho cuộc sống của đoàn chiên nên rất khổ tâm. Các Ngài đã đi thị sát ở nhiều nơi xem ở đâu có ruộng cho giáo dân vốn dĩ là nông dân, để họ có thể tự túc lo lương thực cho mình để tránh được nạn đói có thể xảy ra, mà an tâm giữ đạo.
Cha cố Thụ thấy thương dân mà không còn cách nào khác, Ngài đã họp quý chức lại và tuyên bố: “Anh em có thể tự ý đi bất cứ đâu mà anh em sống được!” Người giáo dân xứ Lai Ổn xưa nay vẫn hằng kính trọng và thương mến các cha nên không nỡ bỏ cha xứ mà đi tứ tán. Các quí chức sau khi bàn thảo với nhau, đã trình lên với cha xứ về vùng Đồng Lách: “Chúng con thấy ở vùng Đồng Lách, nơi chúng con vẫn vào chặt tre và lá buông về bán, ở đấy có rất nhiều ruộng bỏ hoang, cha có thể xem xét rồi đưa chúng con vào đó, nó gần hơn”.
Cha xứ đã đích thân theo chân các chức sắc, len lỏi qua những lối mòn trong rừng rậm, vượt đồi, lội suối. Đi qua khu vực đá xay, phái đoàn đặt chân đến một ngọn đồi thấp, cỏ cây chằng chịt, cây lớn còn rất ít. Phái đoàn tiếp tục tiến sâu hơn về phía Đông Bắc, đến mé đồi, cha xứ tỏ ra hài lòng khi nhìn thấy một cánh đồng cỏ bát ngát, phía xa xa thấp thoáng những bóng người, có vài cột khói bốc lên.
Ngày hôm sau, cha cho họp toàn thể quí chức trong xứ. Sau đó thông báo cho giáo dân ở nhà thờ: “Trong hoàn cảnh khó khăn của cuộc sống hiện nay, cha quyết định sẽ rời giáo xứ vào Đồng Lách, gia đình nào đi thì ghi danh với các ông trùm họ để được chia đất ở và ruộng”. Đại đa số các gia đình giáo khu Lai Ổn và mấy gia đình ở giáo khu Tràng Quan xin đăng ký.
Cha và các chức sắc lại vào Đồng Lách, vẽ sơ đồ định cư cho dân, tìm hướng để ủi đường vào. Theo thứ tự các họ và con số giáo dân, ban định cư khoanh vùng rồi trao lại cho các ban trùm giáo họ chia cho các gia đình. Vì diện tích mặt bằng hạn hẹp, số giáo dân lại đông, nên mỗi nhân danh chỉ được cấp ba mét đất thổ cư theo mặt đường, khu vực trung tâm dành để làm nhà thờ và nhà xứ.
Bước thứ hai là chia ruộng. Ban định cư đã gặp phải sự tranh chấp của một số giáo dân xứ Đông Hải do cha Tôma Lý Quang Phụng đưa vào định cư ở đây trước. Cha cố Thụ và ban định cư đã phải sang gặp cha Phụng và các chức sắc xứ Đông Hải để giải quyết. Trong tinh thần thương yêu đùm bọc giữa những người Công giáo cùng cảnh ngộ, giáo xứ Đông Hải đã đồng ý nhượng lại số ruộng họ đã nhận nhưng chưa phát cỏ và khu vực Lò Than, Suối Sao cho người Lai Ổn. Tuy vậy, số ruộng so với số nhân khẩu còn quá ít, nên mỗi nhân danh chỉ được cấp cho 72m2  ruộng, phần còn lại 3.600m2 ở chân đồi cuối làng dành cho nhà xứ làm của chung. Ban ngày, các gia đình phải chia đôi, người ở nhà lo kiếm lương thực cho gia đình, người thì vào Đồng Lách làm chòi ở tạm để vỡ ruộng.
Đồng Lách xưa kia là một ấp thuộc xã Bình Trước, tổng Phước Vĩnh Thượng, quận Châu Thành, tỉnh Biên Hoà. Năm 1943-1946, “vì quân Pháp truy lùng Việt Minh ráo riết nên phần lớn những người có máu mặt bỏ ấp lên thành, số còn lại canh tác ở phía ngoài, còn bao nhiêu bỏ hoang. Năm 1951, vùng này bị hạn hán nặng. Năm Nhâm Thìn 1952, các vùng trũng dọc theo sông Đồng Nai bị trận lũ lụt rất lớn tàn phá, kéo dài suốt từ giữa tháng Chín sang đầu tháng Mười. Mực nước ở các vùng trũng như Đồng Lách rất cao, vì thế, đồng ruộng bị mất trắng, các đàn gia súc, gia cầm cũng tiêu tan theo. Người dân Đồng Lách lúc bấy giờ sống rải rác trên cánh đồng ruộng do cha ông họ khai phá. Họ đã phải vội vàng bỏ của chạy lên đồi 50 (đồi cao Hố Nai ) vì nước lũ băng rừng kéo đến quá nhanh. Sau trận lũ, người dân đã bỏ ấp đi các nơi khác lập nghiệp. Một lần nữa ruộng đất ở vùng Đồng Lách đều bị bỏ hoang.
Đồng Lách hoang sơ giữa chốn này
Chim muông cầm thú với cỏ cây
Đồng ruộng bao la không người cấy
Nước non khô cạn sống sao đây?
Về vị trí địa lý, Đồng Lách nằm cách cây số 10 Quốc lộ 1 về hướng Đông Đông Bắc khoảng 3 km. Từ chân đồi 50 (Hố Nai) trở vào là những ngọn đồi thấp nằm nối tiếp nhau. Các loại gỗ quí đã bị khai thác, chỉ còn lại những cây gỗ tạp thưa thớt. Cây non, cây chồi thì rất dày, xen lẫn với các loại cỏ dây, cỏ cây nên rất rậm rạp. Vùng này vào thuở xa xưa không biết có bị ngập nước hay không? Nhưng trên mặt đất thì toàn đá cuội đủ màu, cuội trắng, cuội đen, cuội nâu, và các loại đá bọc có ruột màu xanh rất cứng. Đặc biệt là có rất nhiều những con sò, ốc, hến và rùa hoá thạch. Đào bới lên người ta còn phát giác cây gỗ hoá thạch. Tầng dưới nhiều chỗ cách mặt đất từ 20 đến 50 phân trở xuống thì toàn đá xanh còn non, khi đào thì rất cứng, nhưng khi vứt lên mặt đất, sau một tháng trở đi thì vỡ vụn ra. Chính vì thế mà nguồn nước mạch ở đây có men bột đá không uống được. Về mùa mưa nguồn nước ở đây rất dồi dào, nhưng về mùa nắng thì chỉ có một con suối cái, và khu vực Suối Sao là có nước mà thôi. Ngoài đồng ruộng, vì bị bỏ hoang lâu năm nên cỏ mọc cao và rất rậm. Trong những khu rừng ở sát chân đồi cao và khu Suối Sao thì có đủ mọi loại thú rừng như: nai, mển, chồn, sóc, hươu, khỉ, heo, thỏ, nhím và rất nhiều các loại chim chóc.
Năm 1955 đến 1957, dân di cư từ miền Bắc vào, đã biến Đồng Lách thành 5 ấp:
– Ấp Trung Đồng và ấp Sài Quất do cha Sabastianô Nguyễn Duy Nhật đưa đến.
– Ấp Thanh Bình do cha Giuse Nguyễn Văn Ngự thành lập, bao gồm cả người dân tộc Nùng.
– Ấp Đông Hải được thành lập do cha Tôma Lý Quang Phụng, bao gồm dân của các xứ: Hoàng Độc, Mai Trung, Kẻ Sặt, Đồng Xá, Bắc Ninh… Họ ở dọc theo con Suối Cái.
– Đến sau cùng là giáo dân giáo xứ Lai Ổn, được cha Đaminh Đỗ Đức Thụ đưa vào và thành lập ấp Lộ Đức II.
Chúa ban mưa xuống nước dư đầy
Cha con vui sướng tiến vào đây
Khai hoang lập ấp từ thuở ấy
Cuộc sống phơi trên những luống cày.
Những ngày trước và sau tết Đinh Dậu (1957), cha xứ kêu gọi giáo dân vào Đồng Lách tham gia công việc phá tre, cắt cây đổ nền nhà thờ. Quí chức cũng như giáo dân hàng ngày thay phiên nhau vào thu dọn, đào đất ở hai bên hông rồi vận chuyển vào khu vực giữa quả đồi. Chẳng bao lâu, một cái nền nhà thờ dài 45 mét, rộng 12 mét, cao 1 mét được hoàn thành.
Ngoài ra các đoạn đường băng qua các khe đồi bị ngập nước cũng được đóng kè, làm cống và đổ đất cao ráo để xe cộ vận chuyển có thể qua lại dễ dàng.
Tháng 4 năm 1957, sau khi con đường nối từ nhà thờ ra ngã ba đã hoàn tất, cha Đaminh Đỗ Đức Thụ kêu gọi các gia đình thu dọn đồ đạc vào định cư Vĩnh Viễn tại Đồng Lách, vì thời vụ gieo trồng đã tới. Cha cũng thông báo, trước đây ai đã gửi tiền bạc ở nơi cha thì hãy lên gặp cha để lấy về. Các chức sắc và giáo dân cắt cử nhau, chia làm hai tốp: một tốp dỡ nhà thờ ở ngoài Hố Nai, chở vào Đồng Lách; tốp thứ hai ở trong Đồng Lách, khi xe chở vào tới đâu, thì ráp nối và dựng lên tới đó. Chẳng bao lâu, một ngôi Thánh Đường rộng rãi, thoáng mát, lợp tôn fibrô cement, vách bưng bằng tôn lá, sừng sững đứng giữa ngọn đồi đầy hoa thơm, cỏ lạ.
 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.