Lời nói của người say

1
889
Khi một người đã say, họ thường nói những điều gì? Có người thì hát nghêu ngao, có người lại nói lảm nhảm….. Tôi chưa từng khảo sát để biết được hết tất cả các trường hợp. Thường thì chẳng người tỉnh táo nào lại cho lời nói của một người say là nghiêm túc, có gì đáng để nghe và có gì đáng để ghi nhớ. Tôi tự nghĩ, nếu cứ xét theo lẽ thường tình đó, có lẽ tôi là một đứa trẻ chưa từng được dạy dỗ bởi một lời nào gọi là chính thức và đàng hoàng từ ba tôi. Thế mà, tôi và các em vẫn lớn lên. Tất cả đều được dạy dỗ một cách đàng hoàng không phải bằng những lời nói chính thức mà bằng việc cảm nhận được tấm lòng của một người cha đang nói trong lúc say. 
(Ba và con, Nguồn: Internet)
 
Như những người đi  biển, ngày ngày phải chống chọi lại cái lạnh của biển đêm bằng khói thuốc lá và một vài ngụm rượu nồng, ba của tôi thời còn đi biển cũng hay uống rượu. Sau này, dù không trực tiếp xuống ghe đi biển nữa nhưng thỉnh thoảng ba cũng uống chút chút với bạn hoặc với những người làm ăn với ba. Nhưng hay uống rượu không hẳn là người hay say. Ba tôi là  người ít  say nhưng mỗi lần say là ba lại nói nhiều. Nói nhiều đến nỗi tôi phát sợ. Hồi nhỏ, có lần tôi đã phải trốn để khỏi phải nghe ba nói. Kể ra trong mấy đứa con của ba, chẳng có đứa nào chịu đựng giỏi như tôi. Mỗi lần ba say, ba muốn nói và cũng muốn có người nghe. Những lúc đó, ba lại gọi mấy đứa con của ba. Những lúc đó, dù có đang làm gì tôi cũng phải bỏ đó để ngồi cuối giường nghe ba nói. Ba nói nhiều chuyện, từ chuyện của ngày xưa đến chuyện của bây giờ, chuyện của ba hồi ba còn làm bộ đội ở Campuchia với các đồng chí của ba, rồi chuyện công  việc mà ba đang tất bật từng ngày.  Ba nói cho tôi những suy nghĩ của ba về gia đình, về cuộc sống, về những gì đang diễn ra hằng ngày xung quanh ba.  Ba cũng nói nhiều về mẹ, về tôi, về các em và những gì mà ba muốn chúng tôi phải suy nghĩ. Những lời  đó đáng ra tôi phải được nghe trong lúc ba tỉnh táo thì đằng này ba lại chỉ nói trong lúc ba say. Thế mà chẳng đứa con nào cuả ba nghe xong mà chẳng rút ra được một cái gì đó cho bản thân mình. 
 
Tôi nhớ ngày tôi rời khỏi mái nhà thân yêu của mình để lên thành phố đi học, ba tôi đã cố ý (tôi nghĩ là như vậy) đi uống một chút rượu với bạn để rồi sau đó về dặn dò những điều làm tôi phải khóc sướt mướt. Đến lượt em tôi, ngày nó rời gia đình đi xa nó  cũng trải qua cùng một tâm trạng như tôi vậy. Rồi từng đứa một,  từng đứa  một lớn lên và ra đi, rời xa tổ ấm, mang theo ước mơ, hoài bão của mình và của cả ba mẹ. Bây giờ, khi đã đi xa rồi, tôi lại hiếm có dịp ngồi cạnh ba lúc say để nghe ba nói chuyện, hay đúng hơn là để nghe lời dạy bảo của ba. 
 
Mỗi lần tôi có dịp ở xa về, tôi thường rất hiếm gặp hình ảnh ba đang say. Tôi hỏi đùa “dạo này ba ít uống rượu  nhỉ?”. Lúc đó, ba chỉ cười. Hôm sau, ngày tôi sắp trở lại thành phố, ba đi họp với hội cựu chiến binh của ba. Ba uống một chút rượu và nhờ đó tôi lại thấy được hình ảnh của ba ngày xưa. Hôm đó, ba nói cho tôi biết lí do vì sao ba chỉ có thể nói lúc say. Ba cho rằng ba thật hèn yếu khi không dám nói mọi việc trong lúc còn tỉnh táo. Chỉ có khi ba say, ba mới nói ra được tất cả nỗi lòng của mình. Ba biết mượn rượu để nói thật cũng chẳng hay ho gì. Ba biết tâm trạng của chúng tôi khi cứ phải chịu đựng ngồi yên nghe ba nói lúc say như thế nào. Lâu lâu chúng tôi về nhà, ba không muốn các con gái, con trai của ba lại thấy hình ảnh một người cha say bê bết. Không cần ba phải nói, có lẽ tôi cũng đã hiểu hết những điều này. Nhưng tôi lại không nghĩ vì hèn nhát mà ba phải mượn rượu để nói thay. Ba có một nỗi lòng và ba dùng chính nỗi lòng ấy để dạy chúng tôi. Tôi chỉ cần biết có thế. 
 
Dù là mượn rượu hay mượn một cái gì khác thì tất cả cũng chỉ để diễn tả nỗi lòng của ba. Người làm cho tôi biết cười, người làm cho tôi phải khóc. Người đầu tiên, đó là ba. Ngăn tủ kí ức của cuộc đời tôi không thể thiếu hình ảnh của ba, nhưng ngăn tủ ấy không khép chặt ba trong đó với những lời dạy dỗ của ngày xưa. Con không muốn và sẽ không để cho chúng trở thành những kỉ vật chỉ có tác dụng đưa ra để ngắm. Hơn bao giờ hết, con muốn nó sống động trong cách sống của con. Từ thẳm sâu, con biết ba gửi gắm tình yêu và những ước mơ của ba và mẹ nơi chúng con. Tấm lòng đó, con nguyện mang lấy trong tim mình và mong một ngày có thể thực hiện được ước mơ.
Ngọc Lưu

1 COMMENT

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.