Ký túc xá yêu dấu ơi

0
830

BTKUXH – Dù đã ra trường gần hai năm nhưng những kỷ niệm thời sinh viên vẫn cứ như vừa mới hôm qua, đúng là “không làm sinh viên là phí nửa cuộc đời”. Trong ngổn ngang hàng trăm những kỷ niệm về “ét vê” thì hình ảnh ký túc xá hiện về rõ mồn một và đối với tôi đó là một trong những ký ức đẹp đẽ và quý giá nhất.

Bốn năm mài đũng quần trên ghế giảng đường, tôi đã có “thâm niên” ba năm ở ký túc xá, nếu như đến năm thứ tư, trường không đề nghị sinh viên về cơ sở một học thì có lẽ tôi cũng đã ở “lì” ký túc xá cho hết đời sinh viên luôn.

Gắn bó ba năm ở ký túc xá, tôi đã có thể chất một xe tải đầy những kỷ niệm liên quan đến nó. Đó là kỷ niệm của những lần tám “mống” trong phòng kéo nhau đi ăn chè, ăn trái cây dĩa, những lần “khao” học bổng, đứa nào được học bổng mà không “khao” thì không thể yên thân với những lời “bóng gió” và chỉ “trời yên bể lặng” khi chịu móc hầu bao để đãi cả phòng một bữa sinh tố. Nhớ những lần đặt ra quy định, cử “đại diện” đi mua cơm cho cả phòng vào mùa thi. Những đêm thức khuya cùng nhau học bài (vì phòng tôi toàn là dân nhân văn), suốt mùa thi đứa nào cũng có cặp mắt gấu trúc vì những vết thâm quầng. Cả những lần cãi nhau chí chéo vì việc phân công làm vệ sinh phòng. Tháng nào cũng được ăn bánh sinh nhật, phòng tôi có truyền thống tổ chức sinh nhật cho các thành viên trong phòng, đứa nào có sinh nhật vào dịp hè thì vẫn được ưu ái tổ chức trước khi cả phòng về quê nghỉ hè. Những lần “ăn nhậu” khi một đứa trong phòng ra mắt người yêu, nhờ những đứa có người yêu mà trong phòng được ăn theo rất nhiều thứ, đặc biệt là mấy món quà vặt, vì thế, bọn chưa có người yêu ra sức ủng hộ, “nói vào” cho những đằng kia, người ta nói “tình yêu thông qua cái bao tử” quả là chí lý. Rồi cả những lần chọc ghẹo mấy anh bảo vệ đẹp trai của ký túc xá đến nỗi suýt chút là bị kỷ luật. Hồi hộp nhất là những lần đang nấu nước pha mì tôm mà nghe tiếng của cô quản lý khu (vì ký túc xá không cho sinh viên nấu ăn để đề phòng hỏa hoạn) thế là ba chân bốn cẳng mặc cho nước đang sôi cũng đành lòng đổ nước và lật đật cất ấm nước, có lần mấy đứa hùn nhau mua gạo để nấu cơm, cơm đang sôi thì cô quản lý vào thu tiền điện, mặt đứa nào cũng tái đi vì sợ, luýnh quýnh quẳng cả nồi cơm vào tủ quần áo, mười phút sau, đợi cô quản lý đi khuất bóng lại lấy ra nấu tiếp, nhưng sự đời đâu bao giờ cứ mãi gặp may mắn chính vì thế không dưới hai lần phòng tôi bị tịch thu ấm nấu nước và cả nồi cơm điện nữa, mỗi lần một món đồ nào đó ra đi lại cho chúng tôi thêm kinh nghiệm trong việc làm sao để “bảo vệ” những ấm nước và nồi cơm điện, kết quả cho những lần trải nghiệm đó là đến năm thứ ba thì phòng tôi ung dung nấu cơm, nấu nước mà chẳng bao giờ bị phát hiện. Vẫn nhớ như in cái lần phòng tôi đăng ký làm món bánh bột lọc và đậu hũ chiên trong một lễ hội ẩm thực được tổ chức ở ký túc xá; để chuẩn bị cho bữa lễ hội này chúng tôi đã phải mua nguyên vật liệu từ Vũng Tàu (mua ở quê thì rẻ hơn, chỉ đơn giản là vậy thôi); công nghệ chế biến hai món ăn này cũng hết sức đơn giản, lấy sàn nhà là nơi để nhào bột, tận dụng tất cả các ấm nước để nấu bánh và tất cả các thau ly chén đều được vận dụng vào công việc này tùy từng mức độ khác nhau; với những đặc điểm hết sức đặc biệt cộng với tay nghề gia truyền của một nhỏ mà gia đình có ba đời bán quán ăn nên cái món bánh bột lọc và đậu hũ chiên của chúng tôi chỉ trong vòng 2 tiếng đồng hồ là đã được tiêu thụ hết và được khách hàng khen tặng “ngon quá”, “làm thế nào, chỉ làm với”, “nhớ lần sau bán nữa nhé”, … chúng tôi cười như hoa trước những lời khen tặng đó mà bụng thầm nghĩ: “Cho ăn, cũng không dám ăn”; sau lần đó chúng tôi thu được tiền lãi gấp đôi vì sự khôn khéo biết tận dụng tài nguyên sẵn có. Có những giây phút “tưng tửng” cũng tạo nên những kỳ án khó phai, số là có lần đang mùa thi đứa nào cũng căng thẳng nên thường hay nhìn ra xa xa để bớt nhức đầu, phóng tầm nhìn ở những nơi khác thì có lẽ chẳng có gì để nói, ai dè chọn đúng tổ ong vò vẽ lúc lắc ở cây xà cừ phía sau phòng. Vậy là một ý tưởng hay ho được bật ra: đi bắt ong. Vậy là ba đứa bản lĩnh được đề cử ra “chiến trường”, mấy đứa còn lại thì ở hậu phương cổ vũ. Để giảm đến mức thiệt hại cho cơ thể khi làm công việc nguy hiểm này, ba đứa mặc áo dài tay, đeo khẩu trang, đeo bao tay, đeo kinh mát và mang giày thể thao, tức là không còn chỗ nào hở để ong có thể chích. Chúng tôi lúc này không khác gì mafia thứ thiệt… vũ khí để chiến đấu là đá, chổi. Sau một lúc chiến đấu, “đối phương” bị mất tổ bay ra ào ào và chúng tôi từ vị trí của một kẻ thắng thế đã trở thành kẻ thua cuộc khi phải bỏ của chạy lấy người. Và kể từ đó, con ong nào muốn làm tổ thì cứ mặc, chẳng ai dám quan tâm đến chúng nữa và chúng tôi cũng thôi không phóng tầm nhìn ra hướng đó nữa. Và còn nhiều, còn nhiều nữa những kỷ niệm của những tháng năm ở ký túc xá đại học quốc gia.

Giờ đây, dù đã tạm biệt thời sinh viên, dù đang bon chen với cuộc sống bề bộn với nhiều lo toan, trăn trở nhưng trong tận thẳm sâu trái tim tôi vẫn dành cho ký túc xá một góc hoài niệm thân thương như là nơi đánh dấu sự trưởng thành của tôi từng ngày qua từng năm học.

Kim Liên

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.